Sáng 26/8, tại thành
phố Bến Tre, đã diễn ra Hội thảo “Thơ và văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 45
năm” nhằm nhận diện thành tựu văn học của miền Tây Nam bộ từ năm 1975 đến 2020. Tại hội thảo, có nhiều
tham luận của các đại biểu chia sẻ, trao đổi về tình hình sáng tác thơ văn, những
điểm mới, thực trạng đội ngũ sáng tác tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện
nay. Bông Tràm xin giới thiệu đến bạn đọc tham luận của nhà văn Trương Thị
Thanh Hiền.
Tôi dự hội thảo văn học ĐBSCL
lần này là lần thứ hai, lần đầu cũng tại Bến Tre cách nay khoảng 9 năm. Lần đó
tôi cũng viết tham luận về nhà văn và những vấn đề lịch sử. Những trăn trở của
tôi năm đó đến nay hình như vẫn còn nguyên vẹn. Trong khi cả nước càng ngày
càng có thêm những cây bút trẻ viết về lịch sử xuất hiện như măng mọc sau cơn
mưa, miền Bắc có Uông Triều, Trần Tú Ngọc, Vũ Thanh Lịch, Nguyệt Chu, Trần
Quỳnh Nga, miền Trung có Triều La Vỹ, Lê Vũ Trường Giang, bên cạnh những cây
tre vững chắc càng ngày càng cứng cỏi vươn cao, như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng
Quốc Hải, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Thanh Cảnh, Phạm Hữu Hoàng… thì những nhà văn
viết về lịch sử ở ĐBSCL chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như Trầm Hương, Nguyễn
Thị Diệp Mai, Trương Thị Thanh Hiền,... Điều gì đã khiến như vậy? Họ không có
niềm đam mê? Họ thờ ơ với mấy trăm năm hình thành và phát triển của vùng đất
non trẻ nhưng không hiếm những nhân vật lịch sử có thể sánh với bao nhân vật
lịch sử ở các miền khác của đất nước? Hay viết đề tài lịch sử quá mất thời gian
và công sức, mà lợi ích mang lại không phải lúc nào cũng như ý, bao vất vả khó
khăn từ khi ấp ủ hoài thai tới khi sinh thành.
Nhưng dù lý do gì đi nữa, có thể
tháo gỡ được hay không, thì chúng ta, những nhà văn ĐBSCL, tự mang vác trách
nhiệm tái hiện lại cuộc sống không chỉ trong hiện tại mà cả về quá khứ, cũng
phải tự thẹn lòng, tự thấy mình có lỗi với tiền nhân, khi bỏ quên họ trong lớp
bụi của thời gian, có lỗi với công cuộc khai phá đất phương Nam với chủ soái là
những Chúa Nguyễn biết nhìn xa trông rộng và các công thần như Nguyễn Cư Trinh,
Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu sẵn sàng dấn thân dẫn hết lớp người này đến lớp
người khác khai hoang vùng đất lam sơn chướng khí bị bỏ hoang từ khi Phù Nam
diệt vong. Chúng ta không những có lỗi với Phan Thanh Giản mà nỗi oan ức của
ông cho đến nay vẫn chưa giải được, có lỗi với Trương Vĩnh Ký vang danh trên
thế giới mà đối với người Việt vẫn chưa có tác phẩm nào xứng tầm, mà chúng ta
còn có lỗi với bao người dân vô danh ngã xuống vì lam sơn chướng khí, vì chiến
tranh giữ đất giữ nước, mà cuộc sống lao động phá rừng đào kênh chiến đấu của
họ như thế nào dần dần đi vào quên lãng, rơi tõm vào hố đen thăm thẵm mịt mù
của quá khứ không ai tái hiện lại.
Mấy trăm năm hình thành và phát
triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là mấy trăm năm dựng xây và chiến đấu,
là mấy trăm năm không ngừng lớp người này ngã xuống lớp người khác lên thay, để
trên từng bước đường mòn quê vẫn còn lưu dấu chân của họ, để từng vạt cỏ bờ
kinh vẫn còn thấm đẫm mồ hôi nước mắt và máu của họ, để từng ngọn tre chiếc lá
vẫn còn lay lắt linh hồn của họ. Hãy chịu khó đi tìm sẽ thấy họ, trong một dạng
vẻ nào đấy, trong tờ sắc phong của Vua mà bao đời cháu con gìn giữ ngay cả các
nhà sử học cũng không biết đến, trong phủ thờ họ tộc mà lạ lùng sao mỗi lần
cúng kỵ như một ngày hội, thu hút không chỉ cháu con trong dòng họ mà cả những
người không liên quan gì từ các vùng miền khác kéo đến, mà họ chỉ biết rằng cha
ông họ có liên quan với nhau, liên quan thế nào thì họ không biết, chỉ biết
rằng cứ đến ngày giỗ là họ đến, những hậu duệ tay bắt mặt mừng trà rượu cúng
kiếng mà thực sự họ không mấy tường tận về nhân vật xa xăm trong quá khứ đã gắn
kết họ với nhau.
Sự thật chỉ còn biết trông chờ
vào các nhà sử học và các nhà văn.
Gần đây, các nhà sử học đã làm sáng tỏ được nhiều nhân vật lịch sử và các sự
kiện lịch sử. Sau nhiều năm nghiên cứu, hội khoa học lịch sử An Giang đã mở hội
thảo về 320 năm hình thành Cù Lao Giêng ở Chợ Mới An Giang, một cù lao gắng
liền với lịch sử khẩn hoang miền An Giang, đồng thời làm phơi lộ ra một nhân
vật lịch sử mang tầm cỡ quốc gia mà sử sách còn nhiều thiếu sót. Đó là Thư Ngọc
Hầu Nguyễn Văn Thư, mà công trạng của ông có thể sánh ngang hoặc hơn cả Thoại
Ngọc Hầu. Ông là một trong số ít những công thần của miền Nam được sắc phong
trong thời Gia Long, trong khi các nhân vật lịch sử khác được sắc phong từ thời
Minh Mạng trở về sau.
Tôi đi một số vùng ở Đồng Bằng
Sông Cửu Long. Có nhiều đền thờ các bậc công thần được xây, nhiều khu lưu niệm
các danh nhân lịch sử, như Thoại Ngọc Hầu, Thư Ngọc Hầu, Doãn Uẩn ở An Giang,
Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, ở Bến Tre…, nhận thấy rằng, những bậc danh
nhân được sử sách lưu lại, nhiều người biết đến như vậy nhưng vẫn chưa có những
tác phẩm văn học xứng với tầm vóc của họ, thì làm sao những nhân vật vô danh
được biết đến. Trong một hội thảo khoa học lịch sử, có một người phụ nữ dân dã
xin được lên phát biểu. Chị không phải là nhà nghiên cứu lịch sử. Chị không
phải là nhà văn. Chị là người Đồng Tháp, đến từ nơi có đồn Nước Xoáy, là căn cứ
quan trọng Nguyễn Ánh ngầm cho xây dựng khi còn ở bên Xiêm, để rồi sau đó ông
trở về, biến thành thành lũy phản kích lại những cuộc tấn công của Tây Sơn. Chị
tự ý đến dự hội thảo vì muốn trình bày một uẩn khúc dòng họ mà nói ra không ai
tin. Bất kỳ hội thảo nào có liên quan đến Vua Gia Long chị cũng đến, để rồi
thất vọng quay về vì không ai tin mình. Hôm đó cuộc hội thảo thảo luận về Thư Ngọc
Hầu, mà Thư Ngọc Hầu là một bậc công thần của vua Gia Long, ba anh em ông đã
cùng Tôn Thất Hội vào sinh ra tử cùng vua và cả ba anh em đã hy sinh trong cuộc
chiến ở đầm Thị Nại Quy Nhơn,xác thân gửi ở đầm Thị Nại Quy Nhơn là quê quán
của ông, nhưng hồn được vua Gia Long cho làm lễ du hồn về Cù Lao Giêng, cùng
với hình nhân và sắc phong, là nơi ông được nuôi dưỡng lớn lên, một vòng tròn
sinh tử đáng được viết thành thiên tiểu thuyết lãng mạn, hoành tráng và bi
hùng.
Và người phụ nữ miệt mài đến tất
cả các cuộc hội thảo ấy đã lên diễn đàn, tiếp tục kể câu chuyện đã kể không
biết bao nhiêu lần. Chị kể rằng bà cô trên chị mấy đời có người cha từng nuôi
giấu Gia Long trong nhà, cung cấp lương thực cho binh lính. Sau khi lên ngôi,
nhớ ân tình cũ, Vua đã cho người về rước bà cô ra Huế nhập cung, nhưng bà
thương cha không nỡ bỏ cha một mình đã kháng lệnh. Vua giận quở phạt khiến bà
sợ hãi đã tự vận. Mộ bà vẫn còn. Những vật vua ban vẫn còn. Nhưng tất cả những
chi tiết, những sự kiện ấy không làm ai quan tâm, kể cả những nhà sử học. Có lẽ
đối với họ, biết thêm được một giai nhân trong cuộc đời vốn có quá nhiều giai
nhân trong bước đường bôn tẩu trong dân gian của Nguyễn Ánh không còn quan
trọng đối với họ. Họ có quyền thờ ơ, thậm chí phủ nhận cả lịch sử nếu lương tâm
họ không cắn rứt. Nhưng với nhà văn, bất cứ chi tiết nhỏ nào dù có được các nhà
khoa học công nhận hay chứng minh được hay không, cũng là một điểm quan trọng
dẫn chúng ta về quá khứ, phủi đi lớp bụi thời gian, phơi lộ ra một thế giới
phận người đáng để ta tái hiện và sáng tạo trên đó.
Một lần tôi đến nhà hậu duệ của
ông Nguyễn Phước Thứ, ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, cũng là nơi đặt miếu thờ
và mộ của ông- miếu thờ Cố Bảy. Hai vợ chồng già hơn 80 tuổi, là cháu cố của
ông, tiếp chúng tôi, bày ra la liệt giấy tờ, nào là sắc phong của Vua, những lá
bùa trị bệnh của cụ Cố, những lá thư của ông giám đốc nội vụ Sài Gòn gửi cho
ông chánh tham biện Châu Đốc và ngược lại, bàn về việc truy bắt Nguyễn Phước
Thứ, những tờ giấy được phô tô nhiều bản, mà cụ bà, cháu cố dâu của cụ Cố đã
kiên trì đưa cho hết lượt người này đến người khác đến thăm, mong rằng có một
ai đó có thể tận tâm nghiên cứu về cụ Cố để cái tên Nguyễn Phước Thứ có thể
được đứng vào những trang chính sử, xứng với những gì mà ông đã cống hiến ít ra
là cho mảnh đất Phú Tân này. Nhưng hình như, điều đó đến nay vẫn như là thả
chai trên biển cả mà chưa ai vớt được. Nên hai ông bà đã vào tuổi bát tuần, vẫn
hồ hởi đón khách với niềm tin, niềm hy vọng ngời lên trong ánh mắt, và cứ miệt
mài kể cho hết lượt người này đến lượt người khác. Tụi bay ngồi xuống đây bà kể
cho nghe : Người ta gọi ông là ông Cố Bảy vì ông thứ Bảy, ngòai ra ông còn được
gọi là ông Đạo Bảy hay ông Đạo Thứ. Không một giấy tờ nào ghi lại ông sinh năm
nào, sinh quán nơi đâu, thân sinh, thân mẫu là ai. Có lẽ như bao người chí sĩ
yêu nước thời chống Pháp từng phản đối triều đình bán nước cho Tây rồi hành về
phương Nam tìm người đồng chí hướng, cố Bảy đã đến vùng Phú Lâm và Long Sơn
này, vào khỏang năm 1874, đó chính là năm triều đình Huế ký hiệp ước giáp Tuất
nhục nhã, dâng hết sáu tỉnh miền Nam cho Pháp. Cũng như bao nhà chí sĩ yêu nước
khác, cụ Cố đã giấu mình trong vai thầy thuốc. Nhưng người thầy thuốc ẩn thân
ấy đã trị bệnh độ đời với tấm lòng đầy nhân ái, nên quần chúng qui tụ khá đông.
Một câu hỏi đặt ra là việc qui tụ xung quanh mình một số đông quần chúng đầy
thủy chung mà cho đến tận hôm nay, dù cụ đã qua đời hơn trăm năm mà mỗi lần đến
ngày giỗ của cụ vẫn còn một số đông người đến dự, thì cuộc đời của cụ cùng với
việc họat động trị bệnh cứu đời của cụ có liên quan gì đến phong trào kháng
Pháp chung thời bấy giờ? Câu hỏi đó mãi đến hôm nay vẫn chưa có lời đáp và có
lẽ cuộc đời của cụ Cố như thế nào vĩnh viễn không ai biết được, khi hai ông bà
cháu cố 80 tuổi kia cũng đi vào lòng đất mẹ, tờ sắc phong đầy chữ Hán của ông
cũng tan thành tro bụi.
Còn rất nhiều câu hỏi treo lơ
lửng trên khắp miền sông nước Đồng Bằng sông Cửu Long, về những nhân vật lịch
sử lừng danh trong chính sử hay ẩn khuất trong dân gian vẫn đang chờ chúng ta,
những nhà văn, tái hiện lại cuộc đời họ cùng những sự kiện lịch sử hào hùng hay
bi thương bị vùi lấp trong tầng tầng lớp tro tàn quá khứ.
Cần lắm, những nhà văn quan tâm
đến.
Nhưng, một nhà văn, dù đầy đam
mê, đầy nhiệt huyết, trên bước độc hành thực hiện khát vọng tái hiện lại cuộc
sống bao thời đại đã qua, vẫn là những bước chân cô đơn loạng choạng. Kinh
nghiệm viết văn của tôi, khi viết một tản văn, một bài ký, một truyện ngắn,
thậm chí là một tiểu thuyết, với bao bạn viết cũng đang viết như mình vậy, thì
vẫn có cảm giác cô đơn mịt mù, huống gì viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Nên
nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử cần lắm sự quan tâm hỗ trợ của Hội nhà văn.
Hội nhà văn cũng như phải có sự đầu tư chuyên biệt và lâu dài cho người viết
tiểu thuyết lịch sử. Ngoài việc hỗ trợ về mặt tinh thần, giúp họ kết nối, nhận
được sự tư vấn từ các nhà nghiên cứu lịch sử cũng như các nhà lý luận phê bình
văn học, cũng như các đối tượng có liên quan ở các địa phương mà họ cần đến lấy
tư liệu, Hội nhà văn cũng cần quan tâm hỗ trợ vật chất kinh phí vì trong quá
trình viết tiểu thuyết, họ phải đầu tư cho việc thu thập tư liệu và đi thực tế.
Trong thời gian viết tiểu thuyết do phải tập trung vào viết, mà chúng ta đều
biết, viết một cuốn tiểu thuyết, nhà văn gần như là nhập đồng, không thể suy
nghĩ gì khác ngoài số phận nhân vật và các tình huống đang triển khai, nên dù
vẫn đầy những ý tưởng cho các tản văn hay truyện ngắn, họ vẫn không thể bứt ra
để viết kiếm tiền. Bởi vì rời tiểu thuyết một chút là khi quay trở lại rất khó
tiếp tục nối tiếp những ý tưởng về nhân vật, sự kiện, từng cuồn cuộn viết không
kịp trước đó. Nhà văn phải mất thời gian đọc lại những gì mình đã viết và lục
tìm trí nhớ mình đã từng sắp đặt những tình tiết như thế nào. Do đó Hội nhà văn
thay vì đầu tư dàn trải, nên đầu tư tập trung vào những tác giả có đề cương tốt
dày dặn về tiểu thuyết lịch sử. Làm sao có thêm nhiều nhà văn viết về đề tài
lịch sử Đồng bằng sông Cửu Long, một mảnh đất sinh thành muộn màng nhưng là vựa
lúa vựa cá góp phần nuôi sống cư dân khắp mọi miền đất nước từ ngày có lệnh
khẩn hoang, di dân mở mang bờ cõi của chúa Nguyễn, một vùng đất nhân tài đến từ
các miền khác, nhưng như cây Đước, cây Mắm, cây tre cây bần, có một bản sắc
riêng, một sức sống riêng, đã bám trụ vững chắc vùng đất mới, nghênh phong cùng
sóng gió, nghênh mặt hiên ngang chống bao cuộc xâm lăng của ngoại bang, “khi
nào hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Ngoài ra Hội nhà văn phải đặc
biệt quan tâm đến những tác giả trẻ, khơi dậy trong các em niềm đam mê nghiên
cứu lịch sử và viết về lịch sử, phải luôn khiến họ nhớ rằng sử là linh hồn của
dân tộc, một nhà văn không chuyên viết về lịch sử cũng phải thật rõ về lịch sử
nước nhà, bởi vì dù viết bất cứ đề tài nào, nhân vật cũng phải được đặt trong
một môi trường xã hội và hoàn cảnh lịch sử nhất định. Nền giáo dục của ta đã để
một lỗ hổng kiến thức lịch sử rất lớn. Các em học sinh tốt nghiệp phổ thông gần
như không biết gì về lịch sử. Các sinh viên hầu hết xem nhẹ những kiến thức
lịch sử, coi như việc hiểu biết về lịch sử là chuyện của ai khác, không phải là
chuyện tối thiểu cần phải biết của một công dân. Trong khi một đất nước đa tộc
chủng như Mỹ, một công dân nhập tịch phải thi môn lịch sử. để bất kỳ công dân
nào cũng phải biết lịch sử hình thành và phát triển của nước Mỹ. Điều đó cho
thấy, việc phổ biến và giáo dục lịch sử dân tộc, không chỉ đặt lên vai nhà sử
học và nhà giáo dục. Nhà văn và những tác phẩm văn học cũng phải góp sức vào
công cuộc truyền bá hồn cốt của dân tộc đó.
Hy vọng sau hội thảo này, những
trăn trở của tôi nói riêng, cũng như của tất cả nhà văn chúng ta nói chung sẽ
vơi dần, khi càng ngày khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long càng có thêm nhiều nhà
văn quan tâm về lịch sử và viết về lịch sử hơn nữa, để những linh hồn dân chúng
vô danh trong công cuộc khai phá đất phương Nam hay binh lính tử trận trong
muôn vàn cuộc chiến gìn làng giữ đất. không phải ngậm ngùi nơi chín suối.
Trương Thị Thanh Hiền
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét