Năm nào cậu cũng về miền Tây. Cậu đi một vòng thăm bà con, bạn bè dài từ Sài Gòn đến Sa Đéc, qua Long Xuyên, lên Châu Đốc rồi đi tuốt về Khánh Bình. Tôi hay tháp tùng cậu về Khánh Bình thăm bà con họ hàng, rồi điệu cậu trở ngược về Châu Đốc. Lần nào chia tay, cậu cũng bùi ngùi tiếc nuối: “Thế là vẫn không tìm gặp cô bé”. Cậu đã già, râu tóc bạc phơ, hiển nhiên cái người cậu quay quắt đi tìm suốt mấy chục năm qua cũng già như cậu, thế mà cậu vẫn cứ “cô bé”. “Cô bé” ấy còn sống hay đã chết, không một ai biết.
Năm ấy, tôi lên Sài Gòn học đại học, ở nhà cậu. Đó là lần đầu tiên tôi biết cậu. Cậu với tôi không phải là bà con ruột rà. Cậu tham gia kháng chiến, về Khánh Bình họat động với cái vỏ bọc là thầy giáo. Trong đám học trò ngày ấy có má tôi, có hầu hết những người mù chữ ở Khánh Bình, có cả “cô bé”. “Cô bé” bằng tuổi với má tôi, là đội viên của đội du kích Khánh Bình mà ba tôi là đội trưởng. Không ai biết cô từ đâu đến. Mấy dì tôi nói, có một bà cụ nhặt cô ở bến đò Cồn Tiên, đem về nuôi. Rồi bà cũng qua đời. Cô lớn lên làm thuê làm mướn trong xóm, dài từ ngã ba đình đến chợ Long Bình, ai thuê gì làm nấy. Người ở chợ thì thuê giữ em, bán hàng. Người làm vườn thì thuê gánh nước, hái ớt, hái cà. Cô cũng như trái cà, lớn lên lúc nào không hay. Cũng như phần lớn người ở trang lứa má tôi hồi ấy, tức là lứa tuổi mười sáu mười bảy tuổi, ai cũng náo nức nôn nao theo cách mạng. Chỉ cần mấy anh mấy chị trong tổ chức đến rì rầm to nhỏ, chỉ cần nghe một câu hát tỉ như: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng” là cả người nôn nao rạo rực. Có đận con gái con trai cả xóm trốn hết theo mấy anh mấy chị. Gia đình xúm nhau tìm bắt về. Có người bắt được con mình, có người không. Chỉ riêng “cô bé” là người không cần phải trốn vì không ai tìm bắt cô lại cả. Cô gói ghém mớ quần áo ít ỏi của mình vào cái khăn chòang tắm, tìm gặp ba tôi, đứng nghiêm trang, nói rành rẽ: “Anh cho tui theo cách mạng. Tui đi mần mướn, ngày có ngày không, ngày đói ngày no. Còn theo cách mạng vừa vui, vừa không bị đói”. Có lẽ mãi đến sau nay, bà mới hiểu theo cách mạng không phải ngày nào cũng vui, ngày nào cũng no, có khi còn ngược lại, đầy hy sinh gian khó. Có nhiều người đã bỏ cuộc.
Một đêm, cậu rủ tôi đi xem cải lương. Một cuộc hẹn hò vụng trộm mà mợ tôi bán tín bán nghi không biết hai cậu cháu đi đâu. Tôi cũng bán tín bán nghi, không hiểu nguyên nhân gì cậu chỉ đi với một mình tôi mà không cho mợ theo, lại còn trốn đi như ăn trộm. Tôi không còn nhớ rõ tuồng cải lương đêm ấy, không nhớ tên một kép, một đào nào, càng không nhớ nội dung vở diễn, vì suốt buổi tôi chỉ nghe lời cậu nói, đầy thán phục, đầy hào hứng:
- Tần xem kìa, cô đào đó đẹp không? Trời, cô ấy mới hồn nhiên nhí nhảnh làm sao. Mắt cô ấy như hồ thu. Mày như lá liễu. Môi như trái đào. Tần biết không, người yêu thương của cậu cũng đẹp như vậy.
- Người yêu thương của cậu? – Tôi gào lên kinh ngạc, giữa tiếng đàn tiếng trống tiếng quân sĩ reo hò ầm ĩ trên sân khấu- Chứ không phải mợ là người yêu thương của cậu sao?
- Sụyt, sụyt- cậu đưa ngón trỏ lên môi, mắt nhìn dáo dát xung quanh, cứ như mợ có thể xuất hiện bất thần.
- Tần không biết đâu, hễ tuồng cải lương nào có cô đào này diễn là cậu đi xem. Vì cô đào này rất giống người ấy. Người ấy đẹp lắm.
Không chỉ đêm ấy, mà rất nhiều đêm sau này, khi hai cậu cháu trốn nhà đi xem hát, khi trên sân khấu lúc thì não nuột tiếng đàn Chiêu Quân từ biệt Hán Nguyên đế, khi thì trong tiếng trống thúc quân dồn dập của Hạng Vương, tôi tha hồ tưởng tượng về vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của “Cô bé”. “Cô bé” đẹp như ai? Như Lạc nhạn Mỹ nhân Chiêu Quân, khiến chim đang bay phải sa, đêm rồi não nùng gãy khúc biệt ly, khiến Hán Nguyên đế phải ngậm ngùi tiếc nuối? Như Trầm ngư Mỹ nhân Tây Thi, khiến cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, đã làm sụp đổ cả một triều Ngô? Như Bế nguyệt Mỹ nhân Điêu Thuyền làm trăng phải xấu hổ mà giấu mình đi, làm phụ tử Đổng Trác- Lã Bố tương tàn? Như Tu hoa Mỹ nhân Dương Quí phi khiến hoa phải thẹn mình kém đẹp hơn, đã dấy nên cuộc chiến An Lộc Sơn, khiến vị vua lỗi lạc Đường Minh Hòang phải chết trong cô độc?
Những người đẹp đó tôi chưa từng gặp mặt, chỉ thấy qua dung mạo của cô đào, nhưng người đẹp tôi nhìn thấy hàng ngày, khiến tôi ngưỡng mộ đến ngẩn ngơ, chính là mợ tôi. Mợ tôi khi đó đã già, mà nét đẹp vẫn như mãi mãi không hề phai, chừng như thời gian và qui luật tạo hóa cũng bất lực với mợ. Làn da mợ mịn màng như trẻ thơ, đôi môi đầy đặn, mày cong như lá liễu, mũi dọc dừa thanh tú, khuôn mặt trái xoan phúc hậu. Tôi vẫn hay nhìn chằm chằm vào mợ, khiến mợ hỏang hốt tưởng mặt mình bị dính lọ nồi, hỏi:
Một câu cảm thán hơn là một câu hỏi.
Thế nên tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi, “cô bé” của cậu đẹp đến cỡ nào.
Năm nào cậu về cũng vào mùa nước nổi. Qua câu chuyện cậu kể, tôi biết cậu đã trải qua không biết bao nhiêu mùa nước nổi và nó gắn liền với những kỉ niệm không phai trong đời cậu, những kỉ niệm về cái thời sống và chiến đấu, cái thời gian khổ và đẹp của cậu. Cậu là một sinh viên nội thành, tham gia cách mạng. Để trốn tránh cuộc truy đuổi của mật thám và cũng trốn tránh cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt, cậu đã xin tổ chức về đến tận Khánh Bình. Khánh Bình- một làng nhỏ ven sông Bình Di, một nhánh của sông Hậu, là nơi cậu đã sống một thời, lưu luyến một thời và cũng để lại nơi cậu nỗi ngậm ngùi dằn vặt suốt mấy mươi năm. Một lần khi hai cậu cháu hì hụt đóng kệ sách cho tôi, cậu lấy tay vuốt ve từng miếng ván, từng thớ gỗ, ngậm ngùi nói:
- Tần biết không, hồi ấy cô bé là một du kích giỏi, rất gan lì, mà không hề biết chữ. Nhưng cô bé rất sáng dạ và chịu khó, chỉ một thời gian ngắn đã biết đọc biết viết. Có những đêm vừa mới đi đánh đồn về, cô bé vẫn lấy tập ra học. Sách của cậu mang theo có bao nhiêu cô bé đọc hết bấy nhiêu, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, rồi chép miệng thòm thèm: “Phải chi còn nữa”. Cậu đã từng hứa khi nào có dịp về thành, cậu sẽ mua cho cô bé nhiều sách hơn nữa, và đóng cho cô bé một cái giá sách.
Biết bao người đã không bao giờ thực hiện được những ước mơ của mình. Cậu cũng vậy. Một đêm, ba của cậu đã tìm được cậu, gây áp lực buộc cậu về thành. Cậu từ bỏ cách mạng từ đó, từ bỏ cô bé du kích gan góc ham học, từ bỏ giấc mơ về những cuốn sách, từ bỏ những mùa nước nổi với hàng cây điên điển vàng óng ả dọc bờ con sông Bình Di thơ mộng, với nỗi day dứt ngậm ngùi: Cậu đã phản bội với cả hai- Cách mạng và người cậu yêu thương. Những đêm thấy tôi ngồi học đến khuya, cậu hay mang vào cho tôi khi thì ổ bánh mì, khi thì cái bánh bao, động viên: “Ráng lên nghen Tần. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Đừng bao giờ tự mình dập tắt hòai bão, thui chột ước mơ của mình”.
Không chỉ có cậu, mà cả tôi cũng háo hức đi tìm cô bé. Bao năm qua, sau khi ba tôi mất, thì mọi dấu vết về bà càng phai nhạt hơn. Lúc còn sống, ba nói, hình như quê quán của cô ở Châu Đốc. Mấy dì tôi nói, không biết cổ ở đâu, chỉ thấy từ bé đã có mặt ở Khánh Bình, hình như mồ côi cha mẹ rồi lưu lạc tới đây, hổng chừng đã chết rồi. Hồi Mậu Thân người chết rất nhiều, có những xác trương sình trên sông Bình Di, không còn nhìn rõ mặt.
Một hôm, khi tôi ngồi buồn một mình ở Thiên Đường viên, Nghi sà xuống ngồi với tôi. Nghi nhìn chằm chằm vào mặt tôi nói:
- Để tao đóan thử xem, nhà ngươi buồn chuyện gì nghen? Con trai hỗn với mẹ? Không phải hả? Con trai trốn học đi chơi game? Không phải nữa hả? Chồng say rượu về mắng chửi vô cớ và đập phá đồ đạc? Không phải nữa hả? Vậy thì nhớ ông bà ông vãi!
Thế là tôi kể cho Nghi nghe về cậu. Nghi lấy tay sỉ vào mặt tôi:
- Mày ngớ ngẩn lắm. Sao không hỏi tao? Bạn của tao, bồ của tao hằng hà sa số, lọai nào cũng có, từ trí thức đến dân giang hồ. Thằng bồ nhà văn của tao đang viết về lịch sử của tỉnh kìa, ai từng tham gia kháng chiến mà thằng chả không biết. Đưa cái tên bả đây.
Mấy mươi năm đi tìm, không bằng những cú điện thọai của nó. Làm bà chủ tịch hội đồng nhân dân, làm gì tôi không biết đến cuốn lịch sử đó. Nhưng những gì thuộc về chính thống dường như vẫn không đủ để đưa người ta đến đúng mục tiêu. Nó quẳng vào mặt tôi một xấp giấy, ghi nheo nhóc những tên làng, tên xã, những địa danh mà bà đã từng sống qua sau năm Mậu thân đến giờ.
- Ở sát bên mình đó cưng ạ, là Thạnh Mỹ Tây.
- Hả, Thạnh Mỹ Tây là quê của thím Bảy tao. Mấy lần tao đã đến đó.
- Thế mới biết. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng. Thế mới biết, cái bọn đại biểu hội đồng nhân dân như mày quan liêu bỏ mẹ. Làm bà chủ tịch, mà người ở sát nút bên cạnh mình tìm mãi không ra.
- Bây giờ thì hữu duyên rồi. Tao đang có lịch công tác về nơi đó. Năm nay nước lên quá mau và cao, tỉnh mình phải xả đập Tha La cho nước lũ về biển. Tao về đó xem mấy cái đê ra sao. Nghe nói tình hình cũng găng lắm.
- Biết bà chủ tịch hội đồng năng nổ rồi mà- Nó ghẹo tôi.
Tôi điện cho cậu, thầm thì như ăn trộm, rồi ngớ người ra, mợ xinh đẹp của tôi đã mất từ lâu rồi. Con cái của cậu cũng không ai rỗi hơi đâu quan tâm đến mối tình vu vơ vào thời xa lắc xa lơ của ông lão tóc bạc trắng như mây. Nhưng ông lão ấy vẫn run lên khi gặp tôi. Không thể diễn tả nổi vẻ mặt của cậu khi ấy. Niềm xúc động ngời lên trong ánh mắt của cậu. Mặc má tôi lăng xăng mừng cậu xuống chơi như bao lần, cậu kéo tôi vào góc nhà, thầm thì:
- Thiệt không? Tìm được thiệt không? Chừng nào mình đi đến đó?
Ôi trời ơi, không thể tưởng tượng nổi trước mặt tôi là ông già sáu mươi lăm tuổi, mà đó là cậu bé mười mấy tuổi lần đầu đến chỗ hẹn hò cùng người yêu. Trước lúc lên đường, tôi nói với cậu:
- Cậu có nên suy nghĩ lại không? Con khuyên cậu không nên đi tìm. Hôm rồi có một chú cũng như cậu, cũng đau đáu đi tìm người xưa. Tìm gặp rồi chú ấy buồn mấy ngày trời.
- Vì cái người chú ấy gặp không phải là người thiếu nữ mười mấy tuổi xinh đẹp năm xưa, mà là một bà già xấu xí. Cái bà già ấy đã giết chết hình ảnh đẹp chú ấy ôm ấp suốt cuộc đời.
- Cậu cũng không biết nữa. Nhưng cậu phải đi tìm. Tần không thấy sao, bao nhiêu năm qua cậu vẫn day dứt về hai điều, là cậu đã bỏ cách mạng nửa chừng và đã bỏ người ấy đi mà không một lời từ biệt.
- Cậu đừng day dứt về điều đó nữa. Cậu là một con người thường tình, cũng có lúc dao động, cũng có chút sợ chuyện sống chết, nhưng bao năm qua cậu đã sống trọn vẹn chữ người nhất. Còn có những bậc anh hùng nhưng rốt cục lại là sâu dân mọt nước. Vừa rồi có một người bạn kháng chiến của ba con đã tự tử chết vì muốn tránh tù tội tham ô. Cũng may, ông ta còn biết chết.
Năm nay nước lên rất lớn. Nước ngập tràn con kênh xáng Vịnh Tre, tràn lên bờ. Chiếc tắc ráng rẽ nước trắng xóa hai bên lườn, tung tóe lên ướt đẫm cả người. Cậu ngồi trước, tóc ướt đẫm, bết lại trên má, trên trán, nhưng mắt vẫn háo hức nhìn xung quanh. Đêm qua, Nghi và tôi đã dẫn cậu đến nhà “Cô bé”, nhưng cô con dâu nói: “Má đã đi đắp đê rồi”. Mấy năm nay, Châu Phú làm thêm lúa vụ ba, nên việc gia cố đê bao là điều cấp thiết nhất. Mấy hôm rày tin báo về dồn dập, nào mực nước ngòai kinh đã cao hơn mặt ruộng rất nhiều, nào đọan đê này đọan đê kia bị sạt lở…Trên đường chúng tôi qua lúc sáng, con đường đất gồ ghề ổ gà ổ voi vì mưa mấy hôm nay đào xới, từng chiếc xe chở cừ tràm thay nhau đi về phía đồng sâu.
Nhìn ánh mắt cậu trầm ngâm, mơ màng lướt dọc hai bên bờ kinh, lướt qua hàng điên điển trổ bông vàng rực, tôi như thấy lung linh trong mắt cậu là tất cả những mùa nước nổi năm xưa, những kỉ niệm đẹp năm xưa. Tôi như thấy cảnh hai người con trai con gái trên chiếc xuồng ba lá, bơi dọc theo con sông Bình Di quê tôi khi nắng chiều sắp tắt với một chút hồng của tâm hồn lãng mạn, một chút vàng của bông điên điển, một chút xanh của trời chiều, một chút đỏ phù sa của dòng nước, một chút vấn vương của những rung cảm đầu đời. Tôi như thấy nồi canh chua bông điên điển nấu với cá linh mà cậu đã từng thưởng thức. “Canh chua điên điển cá linh. Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”. Má thường kể, cậu là người thầy giáo rất được người dân Khánh Bình quí mến. Nhà ai có món gì ngon cũng đều bảo con bưng qua cho cậu. Có khi cả đám học trò cùng thầy sì sụp ăn cơm trong căn nhà nhỏ của thầy. Bông điên điển và cá linh là cặp bài trùng trong nhũng món ăn mùa nước nổi. Má kể những năm kháng chiến, má phải chạy qua Campuchia. Khi lần đầu tiên má đến Biển Hồ, má đã sững sờ bởi những thuyền bè đầy ắp và trắng xóa cá linh- chở cá mà như chở mây. Số cá vương vải nổi trên mặt nước cũng bạc trắng cả vùng. Thấy má chắc lưỡi tiếc không ai thu họach nổi số cá đó, bà con cười bảo: “Không sao, cá sẽ theo sông ra biển nuôi đời”. Chính là cá đã theo sông Mê Kông xuôi về Việt Nam nuôi sống không biết bao nhiêu đời người. Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, mỗi khi đến mùa nước nổi, ngày nào trong mâm cơm má tôi làm cũng có món cá linh. Má tôi ghiền cá linh đến nổi bà đã mang con cá linh từ sông Bình Di dài qua Tân Châu, rồi qua Châu Đốc, nghĩa là mang nó theo bà đến tất cả những nơi bà cư trú sau này, cũng như mang những món dân dã miền quê theo bà suốt từ thơ ấu đến già, mang theo luôn những kỉ niệm xa xưa. Con cá linh qua tay bà thành đủ thứ món, nào cá linh non kho lạt dầm me non, nào cá linh non chiên bột, nào cá linh nhúng dấm, nào cá linh kho mía, nào cá linh xay chả dồn khổ qua…Cá linh nuôi má lớn lên vào cái thuở mà bà ngọai tôi mất đi không có tấm áo lành để liệm. Những mùa nước nổi, má cùng ngọai lênh đênh giữa đồng mênh mông nước, hái bông súng, bông điên điển, thả lưới, giăng câu…Những con cá ngon ngọai để dành đổi gạo, còn con cá linh là bữa ăn của hai tía con. Nên những bữa cơm đủ món cá linh mà tôi vô cùng ngán ngẩm sau này, là thóang chút hòai niệm của má về tuổi ấu thơ, về những mùa nước nổi đầy kỉ niệm.
Mắt cậu cũng đầy hòai niệm. Đêm qua, thấy cậu không ngủ được, tôi đưa cho cậu chiếc máy nghe.
- Cậu nghe đi. Ngày mai mình tới vùng nước lũ rồi. Nước đang dâng tràn trề các kinh ở Châu Phú. Tất cả những vùng từ sông Bình Di của mình dọc theo sông Tiền sông Hậu về tận miền biển đều như vậy cả.
Tôi cho cậu nghe bài hát “Chiều nước lũ” quá đúng tâm trạng của cậu.
Nước lũ dâng cao, gieo đau khổ nghẹn ngào
Nước lũ tuôn trào, làm ruộng hoang xơ xác
Nước lũ vô tình, mang hình hài tang tóc
Em ơi! Biết em phương nào, để ngõ hồn anh tê tái
Cậu cười móm mém: “Bây ghẹo tao hòai”. Nhưng tôi biết, suốt đêm cậu nghe mãi bài hát đó.
Chiếc Tắc ráng tấp vào đê. Cậu tôi lập cập lên đê. Không hiểu sao, cậu như mất hết sức lực. Không hiểu sao cả người tôi cũng run bấn lên, như có một luồng điện chạy ngang qua người mình. Hành hình tìm kiếm vất vả của cậu suốt mấy chục năm qua làm tôi có niềm tin vào điều kì diệu của tình yêu, một niềm tin vốn rất ít có trong lòng người. Có câu hát: “Chỉ cần một năm thôi, là quên lời trăng trối, ai nuối thương tình tôi”. Cả triệu triệu người trên trái đất này, có bao người nhớ mãi? Không, có lẽ mày cũng sai rồi Tần ơi. Cuộc sống vẫn trôi. Người ta vẫn phải sống cho thực tại, mỗi ngày ăn ngủ làm việc, nhưng bất cứ ai cũng có một góc nào đó dành cho một điều gì đó mà vì nó, cuộc sống không vô nghĩa chỉ là ăn uống ngủ nghê.
Điều gì đó ở trong lòng cậu suốt bao năm qua và cậu đang sắp gặp đây. Mắt tôi như ngốn ngấu thu vào tầm nhìn mình tất cả những con người đứng trên đê, tất cả những con người ríu rít chào chúng tôi. Ai trong số họ, những người phụ nữ kẻ cầm xẻng, người cầm bao đất, người đang vác xà cừ, trong những bộ quần áo lấm lem bùn đất, là “cô bé” của cậu tôi?
Vẫn như bao lần, tôi chậm hơn Nghi. Nghi gào lên trong tiếng người cười nói xôn xao, trong tiếng gió rượt đuổi nhau trên đồng nước mênh mông, tên của bà. Một người phụ nữ béo tròn phục phịch, hai má cũng béo núc gần như che khuất đôi mắt sáng nheo lại như tươi cười, quần xắn lên đến gối, đang xắn từng len đất cho vào bao, ngước lên, nói như reo:
Là “cô bé” đây! Là người đẹp sắc nước hương trời đêm đêm tôi chiêm ngưỡng trên sân khấu, qua dáng vóc cô đào hóa thân trong nàng Chiêu Quân khiến chim sa nhạn lạc?
Bà quăng len, quăng cả khối người to quá khổ về phía cậu khi nhận ra người xưa. Nói cười rổn rảng, cứ như không phải giữa họ là thời gian bốn mươi năm xa cách tưởng chừng là vĩnh viễn, dường như giữa họ không phải là cả một cuộc đời thăng trầm, mà là cô bé vừa đi đánh đồn về, líu lo líu la kể chuyện thành tích cho thầy. Ôi trời, sao anh Ba già dữ vậy( Cứ như bà không hề già!). Tự nhiên anh Ba biến mất, em tưởng anh chiêu hồi rồi. Không chiêu hồi hả, chỉ về làm dân thường hả. Sáng đó em mang mấy con ếch tới cho anh thì anh đi mất tiêu rồi. Bà con nói anh đi hồi hôm. Em hả? Em cũng đi tùm lum. Hòa bình về lại quê nhà. Quê em ở đây sao? Không. Em không biết quê em ở đâu cả. Em mồ côi mà. Nhưng có người nói hình như quê em ở Thạnh Mỹ Tây này, nên em tìm về. Tìm được ai không? Không- “Cô bé” ngậm ngùi, rưng rưng nước mắt. Nhưng không sao anh Ba ơi, tự nhiên nơi đây cũng trở thành quê của em, cũng như cái làng Khánh Bình của mình.
Tôi đứng bồi hồi nhìn khắp nơi. Bên bờ bên kia của kinh ngập trắng xóa mênh mông nước, vì nơi đó chỉ làm lúa hai vụ, còn bờ kinh bên này, đã trở thành bờ đê, bao quanh cánh đồng lúa bắt đầu lên xanh. Nước lấp lé bờ kinh bên này chỉ chực tràn vào cánh đồng. Biết bao con người trên đê đang hối hả kẻ khuân người vác. Mấy trăm năm người Việt tiến về phương Nam mở cõi, là mấy trăm năm chống chọi với thiên nhiên, để giữ màu xanh cây lúa, để giữ màu xanh cuộc đời.
Chiều, nói mãi bà cũng không chịu theo về. Bà nói:
- Anh Ba về Cái Dầu với Tần đi, sáng mai em mới về được. Hôm nay nước lên rất cao. Tối nay em phải trực chiến cùng anh em mới được. sáng mai yên yên một chút em về. Em sẽ đãi anh món canh chua cá linh mà anh thích.
- Để tụi nhỏ trực được rồi. Em già rồi, hơn nữa có trách nhiệm gì.
- Trời, anh không biết đó thôi. Em đã rời hết mọi chức vụ, về hưu non rồi, nhưng việc gì cũng có em hết. Có em ở đâu là không khí hăng lên ở đó. Em không làm nổi thì động viên tụi nó làm. Từ sáng đến giờ em hát cả chục bài hát cổ động đấy. Ở nhà em còn có cả lớp học tình thương kìa. Thấy tụi nhỏ không biết chữ mà tội, như em hồi nhỏ vậy. Anh từng nói với em, mù chữ nào khác gì mù hai con mắt. Em lên ti vi hòai anh không thấy sao?
Tự nhiên tôi súyt phì cười khi nghe bà khoe một cách hồn nhiên như vậy với vẻ mặt hớn hở như trẻ nhỏ.
Cậu và Nghi đã về nhà nghỉ. Tôi lang thang dọc theo quốc lộ 91, nơi chợ Cái Dầu trải dài. Hàng quán san sát nhau. Quán ăn, tiệm thuốc tây, cửa hàng Net, ngân hàng…thứ gì cũng có cả. Ở mọi nơi tôi đi qua từ thơ ấu đến giờ, đều đã mang một sắc thái mới. Cái Dầu cũng thế, đã mang dáng vóc của một đô thị. Không hiểu sao tôi lại đứng nán trong giây phút nơi tôi cho rằng đó chính là cái địa điểm cách đây nhiều năm tôi đã gặp lại Đia, trên chuyến xe khách tạm dừng để nhận hàng trên đường tôi về Châu Đốc, một khỏanh khắc tình cờ tôi đã cố tình để trôi qua, mà lẽ ra tôi nên gọi Đia để cuộc gặp gỡ đó thành một cơ duyên, nhưng tôi đã không gọi, cũng như tôi đã không đi tìm, để rồi cuộc đời của chúng tôi cũng đã trôi về hai hướng khác nhau. Cậu và “cô bé” cũng đã không biết nắm bắt lấy cơ hội duy nhất của đời mình, để rồi họ cũng trôi về hai hướng khác nhau.
Tôi ngồi ở quán nước bên lề đường nhìn qua cổng Thế Kỷ. Đi qua cổng là con đường hun hút dài mà anh nhạc sĩ người bản địa chiều này nói với tôi có nhiều quán cà phê rất đẹp. Tôi không muốn ngồi quán cà phê. Ngòai Thiên Đường viên của Nghi, tôi ít khi nào ngồi quán khác một mình. Đơn giản vì Thiên Đường viên sát bên núi Sam, nơi lưu giữ quá nhiều kỉ niệm thời thơ ấu của tôi, kỉ niệm về Đia. Giờ tôi ngồi ở quán nhỏ ven đường, nhìn dòng người qua lại, nhìn dãy nhà rực rỡ ánh đèn trước mặt tôi, tha hồ suy tư, tha hồ tưởng tượng. Tôi nghĩ về cậu, về “cô bé”. “Cô bé” suốt bao năm qua không hề biết cậu đi tìm mình. Còn tôi, có khi nào Đia cũng đi tìm tôi mà tôi không biết không? Những con người của những mối tình đầu ngây thơ ơi, có ai không tin vào những giấc mơ tương phùng kì diệu không?
Nửa đêm. Điện thọai reo. Giọng anh trưởng ban tuyên huấn thảng thốt: “Tần ơi! Đê vỡ rồi!”.
Tôi chòang dậy. Cậu còn hỏang hốt hơn tôi. Mặc tôi cản ngăn, cậu vẫn cùng tôi đi ngược vào ủy ban Thạnh Mỹ Tây. Nơi đó tấp nập người tập trung đi cứu đê. Hầu như tất cả lực lượng đều được huy động. Nghe nói, quân đội cũng đã có lệnh điều quân. Tốp người canh giữ đê mấy hôm nay được về, người nào người nấy tả tơi như người đi đánh trận về. Mà nào có khác gì đánh trận đâu. Cậu hối hả đi tìm “cô bé” trong những người đó. Gặp ông, bà lao vào ông, khóc như mưa: “Đê vỡ một đọan rồi, anh Ba ơi. Lúa! Lúa! Tội nghiệp bà con quá”. Cậu vỗ nhè nhẹ vào lưng bà, như vỗ về một đứa trẻ.
Mấy hôm sau, chúng tôi ở hẳn trong nhà bà. Thực ra cũng không có ai ở nhà, tất cả đều lao ra các đê. Tôi từng chứng kiến cậu ở giữa Sài Gòn mà làm tất cả những việc của một người lao động, dù cậu từng là một người trí thức, nói tiếng Pháp rào rào. Tất cả bàn ghế trong nhà đều do cậu đóng. Cái giường tôi nằm cũng do cậu đóng, làm tôi hết sức kinh ngạc. Cái giường bằng tre làm tôi nhớ da diết cái giường thuở nhỏ của mình khi tôi sống cùng ba má ở Tân Châu. Tôi cười bảo cậu: “Lâu lắm con mới thấy lại cái giường tre đó”. “Ừ, cậu nhớ Long Bình nên làm chiếc giường này cho Tần”. Hàng ngày cậu đi xe đạp lấy bánh mì về bán. Đạp xe, lao động chân tay, khiến người cậu rắn chắc. Nên bây giờ tôi không lạ gì khi với tuổi của mình, cậu cũng theo mọi người đi cứu đê. Còn tôi, ẻo lả như cọng bún, người được Nghi gọi là nàng Lâm Đại Ngọc, chỉ có thể chạy theo mọi người mà gào thét những gì cả mình cũng không rõ. Khi nhìn dòng nước hung dữ đập vào con đê, từng mảng đất bị cuốn trôi theo, tôi ngồi thụp xuống một cách vô thức và cũng gào lên trong vô thức. Lần đầu tiên tôi chứng kiến sức mạnh tàn phá kinh hòang của lũ. Bao năm qua, bà chủ tịch hội đồng nhân dân chỉ thấy cảnh đó trên ti vi, hay trên những trang báo cáo vô hồn trên bàn, chứ chưa bao giờ trực tiếp thấy như thế, càng chưa bao giờ trực tiếp lao vào cùng mọi người để mà dốc sức, mà lo lắng, mà tuyệt vọng như thế. Tôi chợt nhớ đến ba tôi, ngày lâm chung đã nắm tay tôi nói: “Sống sao cho xứng đáng”. Bao nhiêu người như tôi, ngồi trong tháp ngà mà tự hào mình đã xứng đáng?
Trước khi về Sài Gòn, cậu được Nghi mời đến Thiên Đường viên. Cô nàng này có vẻ ngưỡng mộ hành trình đi tìm lại người xưa của cậu lắm.
- Cậu biết không, con tưởng là trên đời này con là người ngốc nhất, Tần là người ngốc nhì, ai dè….
- Bây định nói tao cũng là người ngốc hả?
Chúng tôi cười phá lên. Tôi hỏi cậu:
- Cậu thấy sao? Người đẹp của cậu vẫn còn đẹp chứ?
- Vẫn đẹp. Nhìn bà ấy lăng xăng trên đê, cậu vẫn thấy rõ cô du kích năm xưa trẻ trung xông xáo, băng mình trong đêm tối. Bà ấy khóc khi đê vỡ, cậu như thấy lại cảnh xưa bà khóc khi đồng đội hy sinh. Tần không biết đâu, hồi ấy bà gầy như cây sậy, mà đã cõng người bạn bị thương băng đồng suốt đêm tối. Về đến nơi, vừa đặt xuống, thì người bạn gái ấy tắt thở trong tay bà. Cậu không quên cảnh ấy bao giờ. Người con gái hy sinh và người con gái ôm xác bạn khóc nức nở. Cả hai đều trẻ măng. Cả hai đều đẹp.
Đẹp! Tôi chợt nhớ đến những dòng thơ trẻ con của Đia viết tặng tôi ngày nào trong trang lưu bút.
Mãi mãi trẻ trung mối tình thanh mai trúc mã ấy. Có lẽ trong lòng ai cũng có một ai đó đẹp mãi mãi. Mãi mãi đẹp trong lòng cậu tôi, người phụ nữ béo múp sồ sề không có gì đẹp của hôm nay, cũng không có một dấu vết gì đẹp của thời quá khứ.
TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN
__________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét