Căn hộ không có đàn bà. Chỉ có một thằng đàn
ông đơn độc là tôi. Nhưng đêm nay có thêm Kiều Nga và Lạc. Kiều Nga hai mươi
bốn tuổi, tóc tém cao, mắt tròn xoe như mắt bồ câu. Trẻ tuổi như vậy, mắt tròn
ngơ ngác như vậy, nhưng cô nàng chẳng ngây thơ tí nào. Một phóng viên mới ra
trường, năng nổ, tháo vát, chuyện khắp hang hùm ngỏ hẻm nào cũng xộc vào lôi ra
cho bằng được, tác giả của thiên phóng sự: “Các quan chức đã xây biệt thự như
thế nào bằng đồng lương công chức” làm biết bao người phải nhảy nhổm. Lạc tóc
xoăn, mặt trắng, dáng vẻ như tài tử xi nê, khoái moi móc chuyện đời tư của mấy
nàng nghệ sĩ, không ít lần bị thiên hạ chửi bới, không ít lần bị kiểm điểm.
Cả hai xộc vào nhà tôi từ lúc đầu hôm. Lạc
cười tí toét:
- Tao đến
để chia tay với mày. Còn cô nàng này thì làm người rót rượu.
Rượu rót tràn đến nửa đêm mà không đứa
nào chịu say. Tôi thèm được say, để ngày mai ngủ quên luôn khỏi phải đi cùng cô
nàng Kiều Nga về miền Tây viết bài về mùa nước nổi. Quái, lão Thắng
tổng biên tập này. Muôn nghìn lần nói với lão rằng dù có nhắm mắt tôi vẫn có
thể mường tượng ra mùa nước nổi là gì với bao nhiêu niềm hoan hỉ và bi thương
do nó mang lại. Thế mà lão cứ nằng nặc bắt tôi đi thực tế. Lại còn phải đi cùng
cô bé Kiều Nga tôi ghét cay ghét đắng chỉ vì trong tên có mang chữ Kiều. Tôi
ghét chữ Kiều. Tôi ghét thế giới đàn ông trong những trang sách của Tố Như,
ghét cả cha nàng Kiều, ghét cả chàng Kim Trọng. Lão nói: “ Mùa nước nổi mày
biết cách nay đã mười năm. Còn tao muốn biết mùa nước nổi của chính năm nay
kìa”. Có gì khác nhau đâu. Cũng là nước mênh mông. Cũng là những cảnh đời cứ
như bị lưu đày trên sóng nước.
Chỉ có Lạc là hiểu tôi. Nhưng đêm nay hắn cũng
về chiến tuyến khác. Giơ ly rượu lên ngang mặt, hắn nói:
- Uống đi mày. Có những thực tế người ta không
thể chạy trốn suốt đời. Huống chi còn mộ phần ba má mày ở đó. Hôm nay tao đến
đây để nói với mày một sự thật rằng chuyện mày nhờ tao về dưới bốc mộ cho ba má
mày lần trước không gặp khó khăn gì cả, mà tại tao không thèm làm. Tao ghét cái
thằng con là mày bất hiếu mà đổ thừa cho hoàn cảnh. Muốn bốc mộ mày về mà bốc.
Chuyến đi ngày mai cũng chính là tao xúi giục anh Thắng phân công cho mày. Mười
năm rồi Cần. Bao nhiêu thời gian cũng đủ lành vết thương rồi. Đã đến lúc mày
phải về dập đầu trước mộ ba má mày tạ tội vì cái tội để hương tàn khói lạnh
suốt mười năm. Đã đến lúc mày về dập đầu trước bác Thiên mà tạ tội vong ân của
mày.
- Tao cứ muốn là ngưòi vong ân đấy. Kiếp này tao
là người bỏ đi rồi. Đợi mày nhắc nữa sao? – Tôi gầm lên.
Rượu uống không say. Chỉ vài lời nói thật lại
làm hai thằng say tít, suýt choảng nhau. Kiều Nga gỏ đủa vào chén um xùm lập lại trật tự:
- Thôi nào. Uống rượu cốt để vui. Không vui thì
đừng uống nữa. Hai anh im lặng nghe em hát đây.
Cô gái đa tài. Hát cũng hay. Hai mươi bốn
tuổi. Là tuổi của tôi khi rời Lũng sen ngày ấy. Là tuổi của Bé khi xuất giá vu
qui thành người lưu lạc ở phương trời xa
lắc.
Lạc ngủ lại nhà tôi. Sáng tiễn tôi lên xe như
tiễn người ra trận. Hắn nắm tay tôi thật chặt như muốn truyền thêm sức mạnh:
- Kiều Nga đi phỏng vấn Ngọc Anh, còn mày thì về
nhà thăm bác Thiên. Nhớ về đấy nhé. Dân miệt đồng giàu tình nghĩa, không xua
đuổi người quay trở lại.
Kiều Nga cười:
- Các anh toàn nói chuyện bí hiểm. Anh Cần cũng
là người bí hiểm.
- Anh là dân miệt đồng, có gì đâu mà bí hiểm –
Tôi nói.
- Nhìn anh có ai biết là người miệt đồng đâu.
- Nó mất gốc rồi em ơi - Lạc ngâm nga – Thôi,
lên đường may mắn nhé.
Đường xa vạn dặm. Đó là câu hát hơn mười năm
về trước tôi vẫn hát thầm trong bụng mỗi khi ngồi trên chiếc xe đò ì ạch về quê
ăn tết hay nghỉ hè. “ Vạn dặm’ của tôi thật ra chỉ có vài trăm cây số từ Sài Gòn về An
Giang. Hồi đó chưa có cầu Mỹ Thuận. Những chuyến phà chở tôi qua sông là chở
bao niềm thương nhớ về một xứ sở loay hoay nước lại ngập đồng, loay hoay lại đến
chu kỳ lũ lụt. Hôm nay tôi cũng đang trở về với mùa nước nổi mà bao năm qua dân
đồng bằng phải cam chịu sống cùng với nó như sống cùng một lời nguyền từ bao
ngàn năm nay của thượng đế. Muà nước lên là mùa vui vẻ của bọn trẻ vùng vẫy
trên cánh đồng ngập nước trắng xoá mặc bao lo toan vất vả của mẹ cha về một mùa
đói kém. Kiều Nga ngồi bên cạnh tôi, quần gin, aó pull cổ rộng, miệng liếng
thoáng về đủ thứ chuyện trên đời. Hồn nhiên đến phát ghen. Cái hồn nhiên đó chỉ
có thể có ở những cuộc đời hạnh phúc, sung sướng.
Phà An Hoà
cập bến. Bước chân lên bến phà là lòng tôi đã khác. Mọi thứ bắt đầu cuồn
cuộn trong tôi. Cái cảm giác ngày xưa sống lại. Cảm giác muốn có đôi cánh như
chim để bay về Lũng sen ngay, để được nhìn thấy hàng chục đôi mắt của gia đình
bác Thiên nhìn tôi long lanh niềm vui chào đón, trong đó có ánh mắt của Bé nấp
sau cánh cửa. Kiều Nga không hiểu gì tâm sự của bạn đồng hành, kéo tuồn tuột
tôi lên chiếc xe lôi đang đậu bên vệ đường, miệng líu lo:
- Xe này gọi là xe gì? Đi một lần cho biết.
Đi một đoạn, cô nàng lại nằng nặc đòi xuống,
đưa cho ông lão chạy xe tờ bạc hai chục ngàn. Ông lục túi tìm tiền thồi thì cô
lắc đầu quây quẩy:
- Không cần, không cần. Con mà đạp xe như bác
phải đòi khách đến năm chục ngàn.
Tôi và Kiều Nga đi bộ dọc theo vệ đường thẳng
đến đèn bốn ngọn. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy đèn bốn ngọn đã được thay bằng một
chùm đèn có rất nhiều bóng. Kiều Nga kéo
tôi vào quán nước, ngồi thở dốc:
- Nghỉ một chút uống nước đi.
- Hôm nay anh mới biết em quá đồng
bóng. Đang ngồi xe lại bỏ xuống đi bộ.
- Trời. Ông lão kéo mình hì hụt thấy tội quá.
Ngồi trên đó mà muốn nín thở cho nhẹ bớt. Thà xuống đi bộ còn hơn. Còn bao
xa mới tới hả anh?
- Không xa lắm đâu. Em có hẹn trước với Ngọc Anh
chưa?
- Rồi. Anh không biết em ngoại giao giỏi đến thế
nào đâu. Em còn bắt mối chị Ngọc Anh phải dẫn em đi tham quan nhiều nơi. Qua
điện thoại nghe giọng chị ấy rất nhiệt tình.
- Người ở đây ai cũng nhiệt tình.
- Thật không? Sao em thấy anh lại lờ đờ như
người chết rồi.
- Có câu thơ, Cuộc đời này chết không có gì mới,
mà sống cũng không có gì mới hơn, vậy phân biệt sống hay chết để làm gì.
- Anh định nói anh sống mà như đã chết rồi chứ
gì. Xì. Xưa như trái đất. Trong thời đại này tình yêu chỉ là thứ yếu.
- Em biết gì mà nói – Tôi gắt lên để kết thúc
câu chuyện.
Cuối cùng hai đứa phải đi Taxi cho nhanh. Xe
đi qua cầu Hoàng Diệu. Tôi ngỡ ngàng nhìn khi bây giờ đã có thêm một chiếc cầu
cặp đôi với nó. Câu thơ ngày xưa : “ Cầu đơn lẻ gánh hai đầu nỗi nhớ” đã thành
lạc điệu. Tôi trầm ngâm nói với Kiều Nga:
- Tối nay anh sẽ dẫn em ra đây. Ban đêm ở đây
đẹp lộng lẫy với hai hàng đèn lung linh mặt nước.
- Vậy là anh chưa chết. Anh vẫn còn sống - Kiều
Nga cười ý nhị.
Điều ấy không rõ. Chỉ có điều tôi bàng hoàng
thảng thốt như người chết sống dậy khi Ngọc Anh xuất hiện trước mặt chúng tôi
trong phòng khách của một cơ quan ngành Thủy Sản. Đây là Ngọc Anh sao? Nguyễn
Thị Ngọc Anh. Làm sao mà cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những năm gần
đây để nói về một cô gái vươn lên trong nghèo khó, một kỹ sư thủy sản dẫn đầu
bà con nông dân đổi đời trong mùa lũ bằng
nghề nuôi tôm là Nguyễn Thị Ngọc Anh không làm tôi có một
sự liên tưởng nào đến mối quen thuộc tương thân. Nguyễn Thị Ngọc Anh. Hai mươi
năm sống cùng em dưới một mái nhà, tôi chỉ quen gọi em là bé Nhí. Bé Nhí gần
ba mươi tuổi, vẫn nhảy xổ vào tôi như
những ngày xưa câu cổ tôi trong những cuộc rong chơi. Tiếng khóc vỡ oà trong
tiếng cười nghèn nghẹn:
- Anh Cần. Trời ơi. Ở nhà ai cũng nhớ anh muốn
chết. Ba mấy lần lên Sài Gòn tìm nhưng
không gặp. Lên trường Nông lâm thì họ nói anh bỏ học rồi. Thì ra anh qua
học nghề Nhà báo. Trời, anh mà về chắc ba
mừng chết ngất đi.
Ông đã từng chết ngất đi khi lặn lội lên thăm
tôi cả ngày trời mà không dám ăn gì vào bụng, sợ không đủ tiền xe để đưa tôi
về. Đó là những năm Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Ông cuống quýnh vì nghe người ta
đồn, Liên Xô sụp thì Việt Nam cũng sụp thôi. Làm cộng sản hay trí thức càng dễ
chết. Làm dân thường là sướng nhất. Ông vội vã lên Thủ Đức dù trước đó không hề
bước chân ra khỏi Lũng sen, xỉu ngay trước cửa phòng tôi vì đói. Sau khi tỉnh
lại, ông nằng nặc bảo tôi về ngay: “ Làm
nông dân chắc ăn hơn con. Cái gì thay đổi thì cái chứ nông dân không bao giờ
thay đổi, trung thành với đất thì lúc nào cũng có sẳn cơm gạo”. Cả đám sinh
viên bu lại thuyết phục mãi ông mới tin
mà để tôi lại.
Ngọc Anh hối hả dẫn tôi và Kiều Nga ra bến đò
Ô Môi để sang Mỹ Hoà Hưng, rối rít phân bua với Kiều Nga:
- Theo lịch trình sáng mai mới sang đó.
Nhưng mình tranh thủ đi chiều nay để tối
nay về nhà chị. Chắc chắn ngày mai ba sẽ giữ rịt anh Cần ở nhà, không cho đi
đâu cả. Ngày mai chị sẽ dẫn em đi thăm làng bè ở Châu Đốc. Về em phải viết bài
thật hay đó. Ở đây mọi thứ đều đáng để em viết cả. Chỉ cần viết về trại của chị
thôi cũng đủ in thành một cuốn.
- Cô bé này lớn lên sao khoác lác quá vậy - Tôi
cười.
- Anh chờ coi em có nói quá không.
Cô không nói quá khi trên chuyến đò nhìn xéo
qua cù lao ông Hổ, tôi nhìn thấy rất nhiều những tấm đăng tre nằm ngập trong
nước bao xung quanh những bãi đất lan bồi. Ngọc Anh nói:
- Đó là quầng nuôi cá tra. Nghề nuôi cá tra hiện
nay không chỉ nuôi bè mà rất phát triển bằng hình thức đăng quầng. An Giang nổi
tiếng về lúa, nhưng hiện nay xuất khẩu thủy sản còn cao hơn cả lúa.
Trại của Ngọc Anh ở gần khu lưu niệm bác Tôn. Đó là một trại
khép kín từ ươn cá giống, tôm giống đến nuôi cá thịt. Nó như một công ty cổ
phần có rất nhiều phần hùn mà Ngọc Anh góp vốn bằng chính kỹ thuật chuyên môn
của mình
- Hồi mới ra trường em có đồng bạc nào trong
tay. Nhờ có kỹ thuật nên nhiều nơi muốn hợp tác với mình. Bây giờ thì em đủ sức
ra một trại riêng. Nhưng một mình không quản lý xuể nên vẫn cứ hùn hạp nhiều
người.
Kiều Nga rất là khoái chí, cứ chạy lung tung
trong trại, hết chụp bầy cá bột nghe
tiếng gõ cầu bu nghẹt lại như một tấm đệm chuyển động trông rất vui mắt đến
chụp những con cá tra gần xuất trại trắng phau. Tôi và Ngọc Anh ngồi bên bờ ao.
Rất nhiều chuyện tôi muốn hỏi nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ bắt
đầu từ chính cô vậy:
- Hồi đó em định học cái ngành gì để ngăn không
cho lũ về mà ? – Tôi đùa.
- Chuyện không tưởng đó nhắc lại làm gì – Nhí
cười – bây giờ em mới thấm thía câu chuyện “ tái ông thất mã”. Trong cái may có
cái rủi, trong cái rủi có có may, trong niềm vui có nỗi buồn, trong nỗi buồn có
niềm vui. Triết lý nhân sinh đó giúp người ta đứng vững trong mọi hoàn cảnh. Hoàn
cảnh có thể tạo ra số phận. Nhưng mình có thể tạo ra một hoàn cảnh khác để có
một số phận khác. Bây giờ em hiểu vì sao ba muốn tụi em phải đi học. Chỉ có tri
thức mới giúp mình thay đổi số phận. Hồi đó em ghét lũ. Nhưng biết bao dự án có ngăn được lũ không? Không. Thế là bây giờ phải hô hào
sống cùng lũ. Vậy thì phải tìm cách sống cùng nó, chứ không phải chết vì nó.
Nhớ lại nhiều năm trước, có những trận lũ mình mất mùa, không có cả cái ăn. Bắt
được con tôm thèm muốn chết mà phải đem ra chợ đổi lấy gạo để cầm cự cho hết
mùa lũ. Bây giờ anh về nhà em, ba sẽ đãi anh toàn tôm.
- Mấy năm nay báo chí đưa tin về em như một
người đi đầu trong chuyển đổi trồng luá để nuôi tôm càng xanh trong mùa hè thu
mà anh đâu có biết đó là em.
- Em có công lao gì. Đó là quyết định của ủy ban
trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng. Em được đưa qua Thái Lan học
chuyển giao công nghệ một tháng. Ban đầu về làm chật vật lắm, thất bại luôn.
Bây giờ mình chủ động được con giống, phong trào phát động có hiệu quả lắm.
Chiều nay anh về xem. Cả vùng Phú Thuận bây giờ đều là vuông tôm. Mỗi năm trồng
lúa một vụ, nuôi tôm một vụ. Lũ về nhưng không còn ai sợ đói nữa. Ngày xưa mình đi bắt ốc bán rẻ
rề. Bây giờ ốc là thức ăn cho tôm nên bắt ốc
đã trở thành một nghề chuyên nghiệp. Ốc không còn tính bằng đơn vị ký lô
nữa mà bằng tấn. Bọn ốc bu vàng cũng tàn đời, không còn hoành hành.
Tôi ngồi trầm ngâm rất lâu, không nghe cả lời
Nhí đang kể. Một câu hỏi đang dày vò lòng tôi. Tôi quay sang nhìn Nhí, trái tim
như thắt lại. Cuối cùng không kìm được, tôi hỏi:
- Chị hai em có gởi thư về không?
- Không- Mắt Nhí đỏ hoe - Mấy năm trước có về
một lần. Dáng vẻ không có gì thay đồi. Trầm lặng, ít nói. Rốt cùng chẳng ai
biết chỉ vui hay buồn, hạnh phúc hay bất hạnh. Không có con cái gì cả. Chồng
cũng không về theo. Chỉ đi rồi, má khóc nói, như thế là nó không may. Nó mà vui
thì nó đã kể. Chắc chồng nó già lắm hay đui què sứt mẻ gì mới không về cùng
nó”. Ba gắt um lên: “ Bà biết gì mà nói.
Đừng có tin lời báo chí”.
- Ba em có khoẻ không? – Tôi chuyển sang hỏi về
Bác Thiên mà giọng như nghẹn lại.
- Bây giờ rất khỏe, còn mấy năm trước cứ tưởng
phải đem đi cai nghiện.
- Nghiện gì? – Tôi hoảng hốt.
- Nghiện rượu. Từ lúc chị hai đi, rồi anh cũng
biến mất tăm, ba suốt ngày uống rượu, lúc khóc lúc cười. Lúc thử nghiệm nuôi
tôm càng xanh, em lấy ruộng nhà mình làm thí điểm, bắt ba làm quản lý. Từ đó
ổng lao vào công việc, quên uống rượu. Bây giờ thì ghiền mấy con tôm lắm rồi,
đố có biểu ổng rời vuông tôm nửa bước. Ổng nói không có gì vui hơn khi nhìn con
tôm nhỏ xíu trong suốt như bọt nước, từ từ lớn lên búng nhảy lung tung. Em điện
báo tin anh về rồi. Ba như phát điên
phát dại, la lối om xòm nói sao mày không đưa nó về ngay còn dẫn đi đâu nữa.
Ổng phái thằng Lực lái chiếc vỏ lãi ra chờ mình ở cây số sáu.
Ngày xưa, mỗi lần về đến cây số sáu là tôi
nhìn thấy Bé và Nhí ngồi chờ. Bé kín đáo tìm ánh mắt tôi còn Nhí thì kéo tay
tôi lôi xuống chiếc vỏ lãi đang chờ. Chiếc vỏ lãi ngày xưa đó giờ đây đang chở
tôi, Nhí và Kiều Nga dọc theo con kênh hoà
lẫn với cánh đồng hai bên bởi nước mênh mông trắng xóa. Nhưng hôm nay
đồng không còn như biển nữa, mà có rất nhiều bờ đê bao quanh ruộng lúa đã được
biến thành vuông nuôi tôm. Nhí nói:
- Hồi đó anh em mình mùa này phải đi giăng lưới,
giăng câu, hì hụt cả ngày mới có cái ăn. Bây giờ đám cháu em mỗi ngày chỉ phải
cho tôm ăn vài ba lần, lương tháng không thua gì lương công chức. Vừa đi học
vừa có việc làm, tụi nó trông tự tin lắm.
- Đi làm cho người ta à?
- Làm cho nhà chưa hết việc, đi làm cho người ta
làm gì. Ba em sòng phẳng lắm. Đưá nào làm nhiều trả nhiều đứa nào làm ít trả
ít. Nhưng học giỏi còn thưởng nhiều hơn. Thằng Quí con chị ba không làm gì cả,
nhưng học rất giỏi, cuối năm được ba thưởng tiền còn nhiều hơn mấy đứa làm
nhiều. Tụi nó xúm lại phân bì. Ổng bảo, tao vậy đó, trí thức luôn được trọng
dụng. Tụi mày cứ học giỏi đi, việc làm tao mướn người khác, cái đó có lợi hơn.
Ông già cũng ngặt. Đem cả triết lý vào công việc. Tụi nhỏ làm sao hiểu được.
Tụi nhỏ mà Nhí kể là một tá đứa con trai con
gái đủ cỡ, bà con gần xa quanh đó xúm xít chạy ra mừng tôi dù phần lớn chưa hề
biết mặt. Cả nhà trông ngóng từ lúc trưa
khi nghe Nhí điện về. Ông Thiên thì khỏi phải nói, ông ôm chặt tôi trong đôi
tay lực lưỡng của mình làm tôi có cảm giác xương mình sắp gãy vụn. Cả nhà mừng
rỡ cứ như tôi vẫn là thằng Cần đi học xa về nghỉ hè, chứ không phải là người đã
ra đi với lời nguyền không bao giờ trở lại mảnh đất này, mảnh đất lũ lụt triền
miên, đói nghèo triền miên,khổ đau triền miên. Tôi ba mươi tư tuổi, khóc ngất
lên như đứa trẻ lên mười khi nhìn thấy ánh mắt vui mừng của biết bao người đang
túa hết ra sân. Vẫn khung cảnh ấy, vẫn niềm ấm áp thân thương ấy. Thế mà tôi nỡ
bỏ ra đi, tìm hốc cây liếm láp vết thương riêng mình mặc bao người cũng đang bị
thương tích như mình mà vẫn phải tiếp tục chiến đấu. Ông Thiên cuống quýt dỗ
dành tôi như ngày xưa dỗ dành tôi trong ngày đám ma của ba tôi:
- Thôi con, đừng khóc nữa. Hết bĩ cực đến thái
lai. Còn gặp nhau là mừng rồi. Đừng dại dột bỏ đi nữa. Tụi bây đâu. Dọn mâm
lên. Tao dẫn anh mày ra thăm mộ rồi về liền.
Tôi quỳ sụp xuống mộ ba má tôi. Muôn nghìn lần
không dám mong hai người tha thứ. Mộ đã được xây cao, cẩn gạch tráng men. Hai
tấm ảnh được làm lại, ánh mắt nhìn tôi như tươi cười, không có vẻ gì trách móc.
Xung quanh là những cây sứ trắng đang thả những bông sứ trắng tinh xuống đất
Tôi ngước nhìn bác Thiên:
- Bác làm lại mộ cho ba má con à?
- Mày ra đi. Tao tìm không gặp, nhưng tao biết
chắc mày còn ở Sài Gòn. Mấy năm gần đây có nhiều thư chuyển tiền về mà không
ghi người gởi. Tao biết ngay là mày. Tao cũng biết mày gởi về để giúp đỡ gia
đình. Nhưng mày đâu biết một điều, gia đình mình lúc này khá lắm rồi, không mạt
vận như hồi đó. Mỗi lần nhận tiền mày gởi về là tao khóc. Không biết thằng Cần
mỗi tháng kiếm được bao nhiêu mà phải nhín nhúc gởi về, mà không hề biết rằng
số tiền đó quá nhỏ so với thu nhập bây giờ của tao. Tao đâu có xài, phân nửa để
dành vì biết chắc thế nào mày cũng trở về. Chắc chắn phải về thôi. Đâu có ai bỏ
được nơi mình sinh ra. Nhất thời thế nào thôi chứ sau này thế nào cũng trở lại.
Lỡ mày chưa có vợ thì tao lo cưới vợ cho mày. Phân nửa tiền của mày tao xây mộ.
Tao có đủ tiền để xây mộ cho ba má mày. Nhưng tao muốn dùng tiền của mày để mày
có thể ăn nên làm ra. Bỏ mộ phần cha mẹ là không ngóc đầu lên được đâu con.
Tôi thắp nhang trước mộ bác gái, bùi ngùi hỏi:
- Bác mất khi nào?
- Mới năm ngoái. Cũng mùa nước lên như vầy.
Nhưng đã có đất cao để chôn, chứ không như má mày. Mà bây giờ sống khỏi lo chết
cũng khỏi lo mày ơi. Người sống thì đã có khu dân cư vượt lũ, có đủ thứ nghề
mới kiếm ăn, như nghề nuôi tôm này chẳng hạn. Người chết cũng đã có nơi cao ráo
mà chôn. Tao thì khoái thiêu hơn. Tro bay theo gió. Tha hồ đi đây đi đó.Thôi
vào nhà đi mày. Coi con Nhót đãi mày món gì?
Nhót hai mươi lăm tuổi, cao lớn hơn các chị của
mình, nhưng gương mặt lại giống Bé như đúc. Tôi choáng người khi nhìn thấy
gương mặt đó. Nhưng ánh mắt Nhót có vẻ vui cười lấp lánh chứ không cam chịu
như Bé. Cô kéo tay tôi ấn xuống sàn nhà gỗ bóng loáng:
- Ngồi xuống đi anh hai. Hôm nay tha hồ ăn tôm luộc.
Tiếng gọi anh hai làm không khí chùn xuống.
Ông Thiên gắt lên để khoả lấp:
- Sao chưa dọn chén lên. Cái tụi nhỏ này ngơ ngơ
ngẩn ngẩn sao đấy, chưa từng thấy dân thành phố hả. Có gì lạ đâu. Mình cũng là
dân thành phố nè, thành phố Long xuyên, thành phố bác Tôn. Ê, mày ăn thử coi ngon không? Mấy món này toàn là
mấy món nhà hàng không đấy. Mày không ngờ con Nhót cũng nấu được phải không.
Tưởng đâu cả đời nó chỉ biết nấu món cá chốt kho xả, cá thiều kho tiêu, canh rau
tập tàng. Hoá ra bây giờ nó có thể nấu được cả gà rút xương, tôm lăn bột,
phượng hoàng vỗ cánh. Hà, hà, phượng hoàng kỳ này vỗ cánh thật rồi, lại sắp bay
nữa. Nè, tao dứt cái cánh cho mày khỏi bay luôn. Bay nè.
Ông vui quá hay uống nhiều quá mà chẳng được
bao lâu đã nằm lăn kềnh ra sàn. Ông cười ha hả trong mơ, rồi ông khóc rỉ rả: “
Phải chi hồi đó nhà mình được như vầy thì con Bé...”
Đêm. Tôi ngồi trước sân nhà mình. Đó là căn
nhà lá bác Thiên vẫn giữ nguyên để đợi tôi về. Mấy năm nay nó là chỗ ngủ của
người làm công. Lực, Điền, con của bác Tám ngoài đầu kinh, đen nhẻm, vui tính,
mới đang nói chuyện với tôi giờ đã ngủ ngon lành. Tụi nó đến làm công cho bác
Thiên. Việc làm cố định, không phải bữa đực bữa cái, thắt thỏm lo âu mỗi khi
nước ập đồng. Hồi tôi ra đi, bọn chúng mới lên mười. Bên kia kinh, nhà bác
Thiên sáng rực ánh đèn. Ở đây dây điện chưa được kéo đến, nhưng có nhà đã có
máy phát điện. Nền nhà đã đươc nâng cao nên dù là mùa nước lên vẫn không bị
ngập. Mùa nước lên vẫn đang hiện diện xung quanh tôi mà sao Lực, Điền vẫn ngủ
ngon giấc. Bởi chúng không bị nước, bị cái đói quấy rầy như tôi khi xưa. Sao tự
nhiên nhớ da diết tiếng gọi đò của Nhí ngày ấy. Dù là đùa chơi mà vẫn mang âm
hưởng thảng thốt của người mong đò trong đêm mưa gió hãi hùng.
Đêm mưa gió hãi hùng lần đầu tiên tôi biết trong
đời là khi tôi lên tám. Đó là trận lũ lụt kinh hoàng năm 1978. Ba tôi đi giăng
câu xa. Nửa đêm bão nổi lên ầm ầm. Má tôi sốt ruột bơi xuồng đi tìm. Người được tìm đã trở về
còn người đi tìm cũng trở về nhưng là cái xác rả rượi trắng bệch và no nóc nước.Đám
tang cũng kinh hoàng trong cảnh nước mênh mông, gió giật đùng đùng, vành khăn
tang ướt đẫm nước. Không có hòn đất người thân rải xuống huyệt bởi làm vì người
chết có thể có huyệt trên cánh đồng nước mênh mông. Chiếc hòm má tôi được đặt
lên trên những khúc cây xóc tréo giữa đồng nước. Người chết không mồ yên đừng
nói là mả đẹp. Nửa đêm gió lại giật điên cuồng. Mưa tầm tả. Ba tôi ôm tôi vào
lòng khóc nức nở như trẻ nhỏ. “ Tội nghiệp má mày ở ngoài đó lạnh chết” . Chết
rồi còn chết gì nữa. Chôn dưới đất hay treo trên cây có gì khác nhau đâu, vẫn
là cái chết. Người chết không lạnh. Chỉ có người sống lạnh thôi. Người sống vật
vờ bữa đói bữa no. Ba tôi cầm cự vài năm cũng qua đời vì thương nhớ. Bác Thiên
nói, ba tôi là người có tình yêu sâu nặng nhất thế giới. Ông thương má tôi vô bờ vô bến. Dù cuộc
sống nghèo khó vẫn nâng niu má tôi như một vị thiên kim tiểu thư. Thân thế ba
má tôi không ai biết. Xứ sở của họ không ai biết. Nó thành một bí mật mãi mãi
được chôn vùi nên cuối cùng tôi như một đứa con của Lũng sen, của An Giang. Bác
Thiên nói từ vào đầu năm 1970, ba má tôi đến, đói rách tả tơi. Hình như họ còn
muốn đi xa nữa nhưng má tôi đột nhiên chuyển dạ. Nhìn biết là người lỡ vận hay
hoàn cảnh gì đó mà phải rời bỏ quê hương. Bác Thiên đã đùm bọc cưu mang, cho
một khoảnh đất ngang kinh đối diện nhà bác làm nhà ở. Bao nhiêu năm làm bạn với
ba tôi, bác Thiên không bao giờ hỏi gốc tích cũng như quá khứ của họ. Ba tôi
chỉ tiết lộ một chút ít trước khi qua đời, khi gởi gắm con côi cho bác Thiên:
- Ơn nghĩa anh kiếp sau tôi xin ngậm vành kết
cỏ. Chỉ mong anh cho nó học thành tài vì dù sao nó cũng thuộc gia đình có học.
“Ngậm vành kết cỏ” là câu nói đầy bí ẩn đối
với người trong bụng chỉ có dăm ba chữ
như bác Thiên. Đi tham khảo khắp nơi bác mới biết nó có nghiã là đền ơn
đáp nghĩa. Nó phải là câu nói của người có học hành. Chỉ bốn chữ đó thôi người
tứ cố vô thân kia bỗng chốc trở thành thần tượng trong lòng bác. Chỉ bốn chữ đó
thôi làm bác Thiên suy đoán lung tung về gốc gác người bạn cố giao và quyết tâm
thực hiện lời di chúc. Kiếp sau không biết ba tôi sẽ “ngậm vành kết cỏ” như thế
nào chứ kiếp này bác Thiên phải “ngậm vành kết cỏ” cho thằng Cần. Chỉ bốn chữ
đó thôi bác đã nhận về cho mình biết bao khổ cực của người bán mặt cho đất bán
lưng cho trời, nuốt bao cay đắng vào trong để cho thằng Cần thành người có học.
Thằng Cần là tôi thành người có học nhưng con
bác Thiên từ Bé cho đến em Nhi đều phải nghỉ học nửa chừng để tuá ra đồng, để
lặn hụp dưới sông rạch kênh ngòi chài bắt cá, để mùa nước lên rám cả mặt chầy
cả tay vì bắt ốc, tướt bông điên điển. Bác bảo con gái học để làm gì rồi cũng
lấy chồng. Như con Tí, con Nhi đó, chưa kịp mười bảy tuổi bác đã gả hết chỉ
chừa lại Bé để làm tiếp bác nuôi em.
Nhưng có lần trong một cơn say bác đã để lộ ước vọng của mình:
- Mày có biết đám thị mẹt trong nhà này tên gì không? Ở nhà gọi Bé, Tí, Nhi, Nhí,
Nhót quen rồi chắc mày cũng không biết tụi nó tên gì? Đời tao không được học
nhiều, nhưng rất thèm học và luôn mơ làm những chuyện kinh thiên động địa. Tao
cho rằng đời con tao sẽ mang lại những chiến tích lẫy lừng. Sinh ra anh hùng
thì chính bản thân mình cũng là anh hùng rồi. Vì vậy tao chắc mình sẽ sinh ra 5
thằng con trai. Đúng 5 thằng không dư không thiếu để nó mang cái tên “ Thời,
Thế, Tạo, Anh, Hùng”. Hoá ra sinh toàn con gái. Ông trời thật biết đùa. Tao
cũng lấy cái tên đó đặt luôn, đó là tên khai sinh của Bé, Tí, Nhí, Nhi, Nhót
đấy nhưng chẳng lẽ con gái lại tên Hùng. Nên tao cho con Nhót mang tên là Thư.
Hà, hà, Thời, Thế, Tạo, Anh, Thư. Không làm hùng thì làm thư. Bà Trưng bà Triệu
cũng oanh liệt vậy. Nhưng nhà nghèo quá không cho chúng học hết được. Con gái
bất tài là đức, nhưng thật ra có tài vẫn hơn, người ta sẽ trọng mình, con trai
cũng không dám khinh nhờn, có chồng cũng được người danh giá. Bất kể mày có
thành người danh giá không, nhưng tao cho mày một đứa đó. Còn ba đứa đó mày
chọn đứa nào cũng được. Còn mấy đứa kia nhất định phải gả cho người danh giá .
Ông không cần phải cho đưá nào bởi vì đêm đêm
khi cùng nhau đi chài lưới, tôi và Bé đã nhìn sao mà dệt nhiều mộng ước mai
sau. Mộng ước đó rất cao thượng, rằng sau khi tôi tốt nghiệp ra trường thành
một kỹ sư nông nghiệp, tôi sẽ biến những mảnh ruộng của bác Thiên thành những
cánh đồng trù phú. Tôi sẽ lo cho Nhí, Nhót học đại học, sẽ lo cho con của Tí,
Nhi không phải thất học như đời mẹ chúng. Tôi sẽ xây nhà lại cho bác Thiên. Nhà thật to thật
rộng, mái ngói cao vút, gỗ bóng loáng.
Dĩ nhiên tôi cũng sẽ cất lại nhà của tôi để tổ chức đám cưới thật rình
rang. Bao nhiêu công sức của bác Thiên sẽ không là vô ích. Bao mong nhớ đợi chờ
vất vả của Bé sẽ được đền bù. Thường thì
những con cá mắc lưới làm tan vỡ những giấc mộng đêm đêm ấy. Có khi
chúng tôi đi cùng với Nhí. Dĩ nhiên chỉ
có Nhí là líu lo còn tôi và Bé im thinh thích, trao đổi nhau bằng ánh mắt không
lời. Nhí hồi ấy còn nhỏ mà đã mơ một
giấc mơ không bình thường, là sẽ học một ngành gì đó để đắp nên những con đập
khổng lồ ngăn không cho lũ về. Đã từ lâu, cô bé cũng đã nếm trải những trận lũ
mất mùa phải ăn độn thay cơm. Đã từ lâu, cô bé đã biết những sự vất vả hơn là
vui thích khi suốt ngày phải bì bõm trong
nước, hì hụt trong các bụi điên
điển, khi cả đêm ngủ gà ngủ gật trong chiếc xuồng nhỏ chơi vơi giữa đồng nước
để sáng mai có chút cá bán. Khi tôi chưa
đi học xa, tôi và Bé cùng mười tám tuổi, Nhí mười hai. Trời tối xuống, hai chị
em đứng trước cửa nhà réo gọi tôi bơi xuồng sang cùng đi giăng câu. Nhí hay
gọi: “Đò ơi...ơi....”. Tiếng kêu đò vang cả đồng nước. Bác Thiên la: “ Mày
khùng hả?. Bộ tưởng nó là người đưa đò sao?”. Nhí cười “Dù sau này ảnh có thành
ông nào đi nữa, con cũng cứ xem ảnh là người đưa đò. Kìa, bơi qua rồi kìa.
Không phải là người đưa đò sao kêu đò ơi lại bơi qua”. Suốt thời tuổi trẻ tiếng
gọi “Đò ơi “ đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ cùng Bé ngồi trên một chiếc xuồng,
dù có con bé Nhí vẫn cứ xem là không, để trao đổi với nhau bằng ánh mắt yêu
thương trìu mến. Bao năm qua trong căn hộ của mình ở Sài Gòn, đêm
đêm tôi vẫn thảng thốt bật dậy như nghe có ai gọi : “Đò ơi...”
Năm ấy như đến hẹn lại lên, như đến kỳ Thủy
Tinh tìm đánh Sơn Tinh, lũ lại về. Kinh hoàng hơn mọi năm, lũ cuốn phăng vụ mùa
chưa kịp gặt. Báo chí đưa tin ầm ầm. Những thùng quyên góp được bưng đi khắp
Thành phố Hồ Chí Minh. Bạn bè xúm xít hỏi thăm. Tin nhà bặt tăm. Lũ rút. Lòng
bớt nôn nóng thì một bức điện khẩn gọi tôi về của Bác Thiên làm tăng nỗi lo âu.
Chờ tôi ở cây số sáu chỉ có Nhí khóc tầm tả. “ Ba gả chị hai cho người Đài Loan
rồi. Kêu anh về ăn đám cưới”. “ Sao vậy?” “Bà mối đến đây cả tháng. Còn đưa
tiền cho ba trả nợ” “ Nợ ai? Hồi nào?” “ Lâu rồi. Năm nay mất mùa nợ càng chồng
chất thêm. Nếu bán nhà bán hết đất cũng không trả nổi” “ Vì vậy mà bán chị hai
em à? “ – Tôi gầm lên. Nhưng tôi có quyền gì gầm lên như vậy, có quyền gì giận
dữ như vậy khi về nhà chứng kiến một đám cưới như đám tang. Chú rễ không có
mặt. Chú rễ ở tận một đất nước xa xôi nào đó, có thừa tiền để có thể cưới vợ
như một cuộc mua bán không cần hiện diện, không cần biết đến gia đình nhà vợ.
Bác Thiên say tít, nằm khóc trong chiếc phản trong nhà, nắm tay tôi suốt bốn
tiếng đồng hồ không chịu buông. “Bác có lỗi với con, có lỗi với con Bé. Nhưng
ngộ biến phải tùng quyền. Con còn một năm nữa mới ra trường. Con Nhí, con Nhót
cần phải được học hành, không thất học như ba đứa chị nó. Nhà cửa đất đai bán
hết cũng không trả dứt nợ. Cả gia đình mình sẽ sao đây. Chỉ còn cách này. Thì
cứ như nó lấy chồng xa, giàu có giúp đỡ gia đình. Lấy chồng Đài Loan chưa chắc
đáng lo. Hên xui may rủi. Có đứa hên sang đó gặp người chồng tốt. Con Bé nhà
mình có căn tu chắc sẽ gặp may mà. Chỉ tội cho con phải hy sinh”. Tôi vùng chạy
về nhà trước hai chữ hy sinh.Ai đang hy
sinh đây? Là người thà hy sinh con ruột của mình để lo cho con người khác chỉ vì bốn chữ “Ngậm
vành kết cỏ”. Là Bé mảnh mai cả tuổi thơ
làm lụng vất vả mà vẫn vui vì tưởng tượng mình là cô Lan đang lo cho Điệp ăn
học. Mối tình bắt đầu như chuyện tình Lan và Điệp lại kết thúc như Thúy Kiều và
Kim Trọng. Tôi hy sinh cái nỗi gì, khi nàng Kiều đã bán mình không chỉ chuộc
cha mà chuộc cả chàng Kim Trọng, chuộc một năm học hành. Tôi chợt nhớ đến một
bài báo viết về hiện trạng lấy chồng Đài Loan mới đây : “ Chẳng hạn có thể coi việc các thiếu nữ nhà nghèo ở đồng bằng
sông Cửu Long đang chạy theo (hoặc bị ép tham gia) phong trào lấy chồng người
Đài Loan để “đổi đời” và giúp đỡ gia đình thực chất là một hành vi mại dâm”. Tôi bật khóc
nức nở nhớ một khúc Nam ai trong tuồng cải lương “Kiều nương” hát hồi
tết cảnh Thúy Kiều từ biệt mẹ cha và em. Cái cảnh đó đã làm cả nhà rơi lệ. Tôi
cũng khóc nhưng xấu hổ nói bụi bay vào
mắt mình. Còn bây giờ trong căn nhà của mình, tôi không cần phải nói dối ai.
Khóc thương nàng Kiều năm xưa và cả nàng Kiều hôm nay. Khóc chán tôi nằm bệt
xuống đất, lại nức nở thương thân mình, lại cảm thấy nhục nhã không sao chịu
nỗi của một thằng đàn ông không giữ được người mình yêu, không che chỡ bảo bọc
người mình yêu. Huống chi nàng Kiều hôm nay đâu chỉ bán mình chuộc cha, mà còn
bán mình chuộc cả tôi, cả chàng Kim Trọng tài hoa mà rốt cùng cũng chỉ là kẻ ăn bám nàng Kiều.
Nàng bán mình chuộc chàng đó vì bao năm nay chàng đã sống đã đi học bằng những
đồng tiền của chính gia đình nàng, tiền nợ nần mùa màng thất bát mà hôm nay
nàng Kiều yếu đuối ẻo lả phải nai lưng ra trả bằng cả cuộc đời.Trong lúc khóc,
tôi vẫn còn nghe tiếng bác Thiên lè nhè quát mắng: “ Tụi mày sang bên đó coi
anh mày sao rồi. Đừng để nó khóc. Bệnh rồi làm sao lên học được”. Tiếng chân
chạy sang nhà tôi. Đó là Nhí. Cô đỡ tôi lên giường, cũng khóc tầm tả như mưa :
“Tội nghiệp chị hai quá. Tội nghiệp anh quá. Thôi anh đừng khóc nữa” . Tôi gào
lên : “ Anh có thể không khóc được sao. Kim Trọng còn đỡ hơn anh không phải
nhìn thấy Kiều ra đi như thế này. Chị em chính là nàng Kiều đấy. Anh có thể
không khóc nàng Kiều lưu lạc không chỉ vì cha mà vì chính cả anh sao. Chị em
chính là nàng Kiều đấy. Không biết sẽ là may mắn hay bất hạnh, nhưng chắc
chắn cũng là nàng Kiều đấy” Nói xong tôi
lại khóc hu hu. Nhí cuống quýt ôm lấy
tôi, cũng khóc nức nở “ Anh đừng khóc
nữa. Nếu chị em là Kiều, em nguyện sẽ là
Thúy Vân”. Tôi ngỡ ngàng nhìn cô bé mười tám tuổi đang bộc bạch nỗi niềm ngây
thơ của mình qua làn nước mắt. Tôi nhục nhã kêu thầm trong lòng: “ Bám vào Thúy
Kiều chưa đủ sao mà còn phải bám vào cả Thúy Vân. Ta xứng đáng gì để chị em nhà
họ hy sinh vì mình”. Gió đồng thổi tốc vào nhà rồi theo cửa sau đi ra ngoài
đồng trống tối đen, lộng gió, mang theo
tiếng khóc của cả hai nhà.
Đêm đó tôi đã ra đi trong gió đồng lồng lộng,
để lại một bức thư: “ Ơn nghĩa của bác kiếp sau con sẽ trả. Kiếp này con đành
là người phụ nghĩa. Con không thể sống nổi với mảnh đất này, với bao đau khổ
này, với nỗi nhục này. Bác hãy coi như con đã chết . ”
Bên kia nhà bác Thiên bọn trẻ ngồi xúm quanh
Kiều Nga nghe kể chuyện. Cô nàng đó kể chuyện thì có mà đến sáng chưa xong vì
chuyện gì kể cũng thêm thắt lung tung
rốt cùng không biết đâu là thật đâu là bịa. Bịa mà như thật. Có khi bịa lại hay
hơn cả thật. Không gian quanh tôi thật im ắng. Đồng nước vẫn mênh mông, vẫn đen thui, nhưng dưới đó là
những con tôm đang rùng mình lột vỏ. Sao từ chiều đến giờ không nghe thấy tiếng
Nhí nói chuyện. Ấy thế mà cô là người nói chuyện nhiều nhất nhà. Tự nhiên tôi
lại mong ngóng tiếng gọi đò nhí nhảnh năm xưa, tiếng gọi đùa vui mà sao vẫn
mang âm hưởng thiết tha: “Đò ơi...ơi...”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét