- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Đứng trước căn phòng cạnh cầu thang lầu hai tôi
chợt bồi hồi. Căn phòng anh vẫn đơn sơ như chính con người anh. Vài ngọn trầu
bà treo lơ lửng bên tường đang cợt đùa cùng bóng nắng. Chừng như tôi đã qua đây
nhiều lần nhưng lần nào căn phòng này cũng đóng cửa và tôi chưa bao giờ biết
anh ở đây.
Hôm nay, tôi mang quyển sách này đến tặng anh.
Tôi tin anh sẽ thích nó. Ngập ngừng, tôi đưa tay gõ cửa. Không tiếng trả lời.
Phân vân, tôi quyết định đẩy cửa bước vào. Cũng dáng vấp thuở nào, anh đang cặm
cụi bên giá vẽ. Linh cảm có người đứng sau lưng, anh lẹ làng quay lại. Gặp anh,
tôi chỉ biết đứng im, lúng túng. Tôi bắt gặp vẻ ngạc nhiên lẫn niềm xúc động
trong cái nhìn và cử chỉ của anh. Không nói, anh đón quyển sách trên tay tôi. Mặc
tôi đứng đó, anh lật xem từng trang. “Mắt biếc”*, có khoảng trời tuổi thơ của
anh và tôi. Ở đó, tôi anh tung tăng giữa thiên nhiên hiền hòa, kỳ diệu; cánh đồng
quê mình và khoảng trời xanh in đậm nhiều kỷ niệm khó phai. Đang xem sách, như
chợt nhớ, anh mời tôi ngồi ghế-chiếc ghế duy nhất trong phòng anh. Tôi không ngồi
mà thích đứng yên tại chỗ, im lặng, nhìn anh. Không nói, anh đến bên giá vẽ, tiếp
tục công việc của anh như chưa từng có sự hiện diện của tôi ở đó.
Bấy giờ, tôi như sống lại năm tháng xa xưa, những
năm tháng tôi và anh cùng học trường làng rồi đến trường tỉnh nhỏ. Tôi như sống
lại những tháng ngày học trò tươi đẹp, những lần cùng làm việc với anh trong
ban biên tập báo “Tuổi trẻ ước mơ “ của nhóm học sinh trong trường trước ngày
giải phóng. Tất cả đều trở thành quá khứ. Giờ đây, anh vẫn chiếc áo sơ-mi trắng
ngày nào, vẫn cặm cụi bên giá vẽ. Song, tôi không còn được ngồi bên anh dưới
giàn hoa giấy trước nhà ngắm trăng khuya, không còn được ngồi bên anh trong căn
phòng nhỏ ngập ánh đèn vàng để viết bài theo từng lời đọc của anh. Giọng đọc trầm
ấm, khắc khoải, thiết tha đầy cảm xúc cho những ước mơ chân thành của tuổi trẻ
không thấy được tương lai.
Thế rồi cuộc chiến chống ngoại xâm ngày càng ác
liệt, anh âm thầm xa trường, xa bạn đi vào cuộc chiến với ước vọng tuổi trẻ
khát khao cống hiến. Từ đó, anh như chim trời biền biệt bay xa. Tôi vẫn ở lại
ngôi trường, tiếp tục những ngày tháng buồn hiu. Tuổi trẻ của tôi chôn kín
trong mong chờ, nuối tiếc. Từ đó, tôi không còn được nghe anh nói về cuộc chiến
hào hùng của dân tộc; không còn được nghe anh hát nho nhỏ những bài ca tranh đấu,
xuống đường; không còn được anh đưa xem những bức ký họa mới nhất với câu hỏi :
“ Đẹp không?” và tôi lại có dịp trêu anh “ Xấu quá!”. Lúc ấy anh cười rất tươi
như vừa được nghe lời khen tặng ngọt ngào.
Bây giờ, trước mắt tôi,
anh vẫn đang ngồi vẽ. Anh vẫn chiếc áo sơ-mi trắng sờn vai, phong trần, bụi bậm.
Anh vẫn sống với những ước mơ cao đẹp, vẫn thích vẽ, thích hát, thích tranh luận,
thích buồn bất chợt và thích.. quên tôi!
Bóng lá trầu bà lay động ánh nắng phản chiếu
trên tấm kiếng cuối phòng làm tôi chú ý bức họa trên tường. Bức họa chân dung một
cô gái trẻ trong bộ đồng phục Thanh niên xung phong. Cô gái với chiếc nón tai
bèo và mái tóc bồng bềnh trong gió, đôi mắt to đen đang mỉm cười cùng bóng nắng
lung linh trong khu rừng xanh ngát. Dưới bức họa là dòng chữ của anh “ D. của một
thời không quên”. Người con gái ấy trông giản đơn nhưng vô cùng quyến rũ. Mái
tóc và ánh mắt cô như có sức mạnh kỳ bí khiến ai nhìn cũng không nở rời đi. Thế
mà tôi lại nghe bầu trời xẩm tối. Tôi không hề trách anh, chỉ tiếc mình đã sống
một thời quá khép kín như con ốc trong vỏ bọc trước cơn biến động của đất nước.
Tôi hiểu, với anh, tôi chỉ là người bạn học
thân thiết đơn thuần. Tôi không đủ khả năng chen chân vào trái tim khao khát
dâng hiến của anh. Bất chợt, tôi nhặt vội quyển sách trên bàn, chạy nhanh xuống
cầu thang. Trước mắt tôi là vùng mưa bụi mù tăm. Cơn mưa ấy đã làm ướt gối tôi
nằm và bên cửa sổ không là ánh nắng chiều, chỉ là ánh trăng khuya bàng bạc!..
Thảo Vi
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét