- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Đám
cưới chị thật rộn ràng, họ hàng đông đủ. Cậu hai chuẩn bị đãi đằng chu đáo.
Ngày nhóm họ náo nhiệt. Ai cũng có nhiệm vụ của mình theo “Bảng phân công”. Những
cô gái chàng trai tay làm, miệng nói, trêu đùa nhau rôm rả. Cậu hai cho làm thịt
một con heo to để đãi họ; mợ cùng thợ nấu chạy ghe qua chợ lớn để mua nhiều thực
phẩm, vật dụng cốt sao đảm bảo chất lượng, đãi khách cho ngon.
Suốt
ngày đãi họ, không hiểu sao tôi cứ dõi mắt tìm chị. Chị tất bật vào ra nên ít
chú ý đến tôi. Hình như ngày cưới, cô dâu nào cũng đẹp. Chị cũng thế. Ngày thường,
dù vất vả ruộng đồng nhưng chị đã rất xinh. Trong cái dáng mảnh mai của chị, tôi
luôn cảm nhận được sự mạnh mẽ mà ấm áp, nhanh nhẹn mà tỉ mẩn. Dù thường xuyên
lao động ngoài trời, làn da chị lúc nào cũng trắng mịn,ửng hồng, đến giọt mồ
hôi đọng lại trên trán cũng long lanh. Đặc biệt khi cười, chị dễ chiếm cảm tình
người đối diện bởi khuôn miệng tròn vành, hàm răng trắng đều tinh khiết. Hôm
nay, trong ngày vui trọng đại, chị lại đẹp lạ thường. Buổi sáng đãi họ, chị mặc
áo dài màu hồng phấn có thêu cánh hổng nhung trên ngực, tóc búi cao, thanh nhã.
Đúng như người ta nói, con gái có một thời xuân sắc, đẹp như nụ hoa chớm nở, vừa
vặn cho người ta hái. Nhìn chú rể cao ráo, chững chạc, có nghề ổn định, ai cũng
mừng cho chị. Từ nay chị sẽ có nơi nương tựa, chị sẽ gặp được hạnh phúc của
mình, cuộc đời chị sẽ bắt đầu một trang khác. Lúc đó, không biết hình ảnh tôi
có còn trong lòng chị? Suốt buổi tiệc, tôi vẫn dõi mắt theo chị mà quên hết những
ồn ào chung quanh. Chị vừa thẹn thùng vừa niềm nở đi bên chồng chào khách; chút
rượu nếm môi làm chị thêm đẹp dịu dàng, quyến rũ. Chị đang thật hạnh phúc. Điều
đó làm tôi vui dù trong lòng ngổn ngang khó tả. Đi hết các bàn tiệc trong sân,
chị đến bàn tôi, mọi người chung ly chúc mừng anh chị. Chị ngồi lại bên tôi, mời
tôi ly rượu ngọt. Chị không nói lời nào nhưng ánh mắt chị như nói bao lời từ tạ.
Tôi lơ mơ hiểu rằng, dù có luyến tiếc bao nhiêu, con gái lớn lên cũng phải rời
xa tất cả để bước sang ngã rẽ cuộc đời. Ngã rẽ đó tốt đẹp hay tủi hờn còn tùy
thuộc vào sự rủi may. Nhưng trước mắt, người con gái có được lễ Vu quy là bước
đầu họ đã trả được hiếu cho cha mẹ.
Buổi
tối hôm đãi họ, sau tiệc chia tay bạn bè, cả nhà chuẩn bị cho chị làm “Lễ xuất
giá”. Mỗi lần có dịp chứng kiến lễ này, tôi không giấu được nỗi xúc động bồi hồi.
Gần 20 giờ đêm, họ hàng nội ngoại tụ họp đầy đủ gian nhà trước. Vị trưởng tộc xem
lại khay trầu rượu trên bàn gia tộc, lên nhang đèn trên bàn thờ gia tiên, sắp xếp
chỗ ngồi cho cậu mợ hai và bà con đến dự. Trong cái náo nức chờ đợi giờ phút
thiêng liêng, thời gian như chậm lại. Chiếc loa bông bí bỗng vô tình hát vang
vang bài nhạc nghe buồn khắc khoải “Mẹ thường bảo con thân gái đục trong, mai
kia mốt nọ còn đi lấy chồng… Dù người ta yêu thương, con nhớ đừng xem là thường,
xuất giá rồi tòng phu con nhé..” Bất giác, mẹ nắm tay tôi siết chặt..
Từ
trong phòng, chị bước ra chào mọi người. Dưới ánh sáng ngọn đèn măng-xông, chiếc
áo dài màu xanh lá mạ càng tôn thêm làn da trắng hồng có điểm chút phấn son.
Trong “Lễ xuất giá”, ít cô dâu nào kiềm nén được nước mắt khi đến lượt phải
dâng rượu lạy cha mẹ để nói lời từ biệt (nhất là những cô dâu phải lấy chồng
xa). Có khi cô dâu chỉ biết khóc. Có khi cha mẹ cũng không cầm được nước mắt
khi dặn dò con gái. Tôi thầm mong chị đừng khóc nhưng mọi chuyện không như tôi
muốn. Chị mạnh mẽ mọi khi đâu rồi. Khăn tay vội lau mắt, chị quỳ thụp xuống chiếu.
Theo sự chỉ dẫn của vị trưởng tộc, chị lạy bàn thờ gia tiên rồi dập đầu lạy cha
mẹ mà không nói nên lời. Mọi người khuyên chị bình tỉnh. Cậu mợ hai cũng gắng
gượng nở nụ cười, cầm ly rượu chị mời và dặn dò con gái “Xuất giá phải tòng phu, phải ăn ở cho phải đạo
với cha mẹ, anh chị em, họ hàng bên nhà chồng nghe con. Cuộc sống sau này dù
vui buồn, sướng khổ cũng phải cùng nhau gánh vác. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ
ấm, con phải ý thức được vai trò của mình trong gia đình nghe con!”. Sau đó, cậu
mợ tặng chị hộp nữ trang làm của hồi môn. Lạy ba mẹ xong, chị rót ly rượu mời
anh chị trong nhà để nói lời từ biệt, đồng thời gởi gắm cha mẹ lại cho anh chị
chăm nôm. Cứ thế, nước mắt chị lại ngắn dài, nghẹn ngào không nói trọn câu. Thật
là một cuộc chia tay vui trong nước mắt.
Thường
khi xây dựng gia đình, cuộc đời người phụ nữ sẽ bước sang bước ngoặc lớn. Thuở ấy,
người phụ nữ còn đáng thương hơn. Cuộc sống họ gần như phụ thuộc hẳn bên chồng.
“Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”. Nếu gặp nơi tử tế, biết thương
dâu, yêu vợ thì đời người con gái như “mưa
gặp giếng khơi”. Bằng không, đời họ sẽ rất thảm sầu, nỗi buồn ngậm đắng,
không biết nói cùng ai, đường về quê cách trở, con cái đùm đeo, thông tin liên
lạc không có. Có lẽ vì thế mà ngày xưa, người phụ nữ khi quyết định lấy chồng
là gần như họ đánh cược đời mình, niềm tin vào tương lai trao hết cho chồng. Và
cũng vì thế, người con gái đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, họ không khỏi lo lắng,
bất an, “Má ơi, đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu!”.
Lạy xuất giá xong, chị vào phòng, kiểm lại những
vật dụng cần thiết cho ngày mai xuất giá. Những món đồ được mang về nhà chồng
như mùng mền, cặp gối cưới thêu hoa, cặp móc mùng, khăn choàng, kiếng, lược, những
món đồ lưu niệm của chị em bạn gái vừa tặng… Tôi thấy cả chiếc nón lá, đôi dép
lê (chị nói để về bên chồng có cái mà dùng ngay sau tiệc cưới). Tất cả được chị
và vài người bạn giúp chị gói vào những tờ giấy kiếng màu đỏ thắm, thắt thành
những chiếc nơ xinh xinh; ngày mai sẽ để chúng lên những chiếc mâm thau, các
phù dâu sẽ giúp chị mang về bên chồng.
Tôi
ngồi nhìn chị xếp từng bộ quần áo vào vali như xếp cả thời thanh xuân vào ngăn
ký ức; chị xếp những vui buồn thời con gái, xếp lại tháng ngày vui vẻ bên tôi.
Trước mặt tôi là cô dâu thật đẹp, nhưng hình ảnh cô gái chưa tới thì đang chạy
nhảy cùng tôi trên cánh đồng mùa thu hoạch lại lấn át hình ảnh chị bây giờ. Tôi
nhớ những lần chị ẵm tôi nhảy qua con lạch nước giữa đồng, hay nắm tay tôi chạy
chơi trốn tìm trong những ụ rơm; những buổi đi đồng, chị tìm hái nhiều hoa dại,
hoa bố rừng đỏ thắm, vắt lên mái tóc tôi trong tiếng cười nắc nẻ; tôi nhớ cả những
cái bánh thơm ngon chị hay dành cho tôi những lần tôi về thăm quê ngoại.
Mợ
hai đẩy cửa bước vào phòng, mợ đưa cho chị hộp bánh ngọt, “Con gói vào mâm đồ
cưới, phòng khi về nhà chồng, con gái đói bụng có cái mà ăn”. Chị trả lời mợ bằng
cái cúi đầu, để hai hàng nước mắt tự do rơi!
Đưa chị về nhà chồng vào một sớm mai. Tôi hồn
nhiên trong chiếc áo dài mới may màu vàng anh cùng chiếc kiềng xinh xắn. Đoàn
phù dâu ai cũng mơn mởn tuổi tròn trăng. Các chàng trai mới lớn cũng diện đồ
Tây tươm tất. Những ông già bà lão ai cũng mặc lễ phục chỉnh tề. Mọi người vui
vẻ và lo chuẩn bị mọi thứ cho cô dâu khi nhà trai xong “Lễ rước dâu”. Nhóm phù
dâu cùng chia phần nhau mang giúp chị những mâm đồ, cắt đặt người lo chăm sóc sắc
diện, trang phục chị suốt buổi đãi họ ở nhà trai. Còn tôi, trên tay chỉ bưng
mâm đựng chiếc nón lá, đôi dép lê và gói bánh ngọt mợ hai gởi theo cho chị mà
tôi nghe nặng trĩu. Xong “Lễ rước dâu”, mọi người cùng cô dâu chú rể theo gót
nhà trai. Một thoáng buồn trong mắt chị làm chị càng thêm đẹp. Tay trong tay,
chị cùng anh bước qua cổng cưới trong tiếng pháo nổ vang. Chị bỏ lại sau lưng
xác pháo đỏ thắm một khúc đường như bỏ lại khoảng đời tươi đẹp nhất. Tôi cùng mọi
người đưa chị đi qua một khúc sông dài mênh mông là nắng, bạt ngàn những thửa đất
đang lên mầm hạt giống và những bến sông bình yên xanh màu của lá… Pháo lại nổ
vang chào đón bước chân chị vào cổng cưới nhà trai. Gần như cả xóm ra ngõ xem mặt
cô dâu. Rạp cưới trải dài khắp khoảng sân rộng dưới những hàng cau chót vót.
Sau khi mang các mâm đồ vào phòng tân hôn cho chị, tôi cùng các cô gái ngồi bàn
ở góc sân. Tôi không thể gặp chị đến khi chị xuất hiện cùng anh rể trong bộ áo
dài đỏ thắm để chào họ hàng. Bữa tiệc chiêu đãi của nhà trai rất chu đáo. Mọi
người reo hò, nâng ly chúc mừng đôi bạn trăm năm hạnh phúc. Nụ cười của anh chị
khiến tôi thấy ấm lòng.
Tiệc
tan, đến lễ kiếu từ, mọi người họ nhà gái lần lượt ra về. Sui gia bịn rịn chia
tay, chị rưng rưng tiễn mọi người đến bờ sông. Cậu mợ hai rất vui mừng nhưng
không giấu được nỗi bùi ngùi khi chia biệt. Anh rể chỉ biết nắm tay chị an ủi,
vỗ về..
Dù
có luyến lưu cũng phải chia tay. Tôi không sao quên được hình ảnh chị đứng bên
hàng bắp ven sông, vẫy tay chào chiếc ghe nhà gái đang dần rời bến. Chị cố gượng
cười nhưng nước mắt vẫn rơi. Tôi vờ ngó con sóng lăn tăn phía xa xa. Ghe rời bến
một đoạn, tôi mới dám nhìn vào bờ. Chị đứng bên chồng trông theo mãi đến khi
tôi không còn nhìn thấy chị.
Lần ấy, tôi buồn suốt đường về. Ngồi im để mặc
suy tư nhảy múa. Tôi nghĩ từ đây, đã thật sự chấm dứt những ngày tháng mộng mơ
trong đời chị. Xa rồi những lần chị em cùng chơi đùa, cùng nhau đi đồng phơi
lúa, hái hoa bố rừng về ép vỡ, những lần cùng nhau tâm sự riêng tư. Từ đây, tôi
còn dịp nào để gặp chị nữa không? Cuộc sống chị sẽ ra sao? Đường xa cách trở,
nghĩ mà thương cho phận gái lấy chồng xa. Trong đầu tôi cứ miên man câu hát “Thân em như hạt mưa sa, hạt vào đài các,
hạt ra ruộng cày”. Tôi mong chị sẽ là hạt mưa sa vào đài các!
Ghe
chạy về ngược gió, sóng vạt nước tung toé. Bất chợt, tôi không biết giọt nước của
những con sóng bay vào hay giọt nước từ mắt tôi lạnh má. Nỗi buồn cứ thấm đẫm
đường về.
Tháng
5/2022
Thảo
vi
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét