- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Thảo Vi |
Hồ Thị Huỳnh Đào sinh năm 1958. Từng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ
tịch Hội Văn học Nghệ thuật Châu Phú, và ban quản trị Câu lạc bộ thơ Châu Phú,
An Giang.
Tác giả Hồ Thị Huỳnh Đào có tác phẩm đăng báo Văn nghệ Phú Tân
từ năm 1982, năm 1983 chị được giới thiệu vào Hội Văn học Nghệ thuật An Giang.
Sách đã xuất bản: Nỗi nhớ mênh Mông (Tập thơ - VNCĐ. 1988), Nửa đời mất mẹ
(Tuỳ bút - VNAG. 1999), Tiếng chim ngoài vườn sau (Tập thơ - VNAG. 2007), Hương
hoa xoài (Tập thơ - VNAG. 2008), Chầm chậm chiều (Tập thơ - NXB Đà Nẵng
2022).
Là cô giáo dạy sử, nhiều năm làm công tác quản lý trong ngành
giáo dục (Hiệu trưởng trường THCS Bình Long, Châu Phú, An Giang cho đến nghỉ
hưu), thế nhưng đam mê sáng tác trong chị vẫn vẹn nguyên - một cây bút yêu văn
chương, lao động nghệ thuật tận tụy, miệt mài. Chị viết nhiều thể loại: ký sự,
tuỳ bút, tản văn, cảm nhận, phê bình nhưng thành tựu lớn, nổi trội trước hết
vẫn là thơ - một tâm hồn giàu cảm xúc, yêu thơ nồng nàn. Ngay trong các tác
phẩm văn xuôi của chị vẫn hoà quyện một hồn thơ trữ tình, đầy nữ tính, dạt dào,
đắm say, một hồn thơ xanh thắm, trẻ trung không tuổi - kết thành sợi chỉ đỏ
xuyên suốt, lấp lánh, tinh anh, đi suốt dọc dài hành trình thơ chị, hơn nửa đời
người, gần 50 năm.
VỀ 2 THI PHẨM “HÌNH NHƯ” và “THƯƠNG CON ĐƯỜNG VẮNG “ (in trong
tập thơ “Chầm chậm chiều” vừa xuất bản)
*Bài thơ “Hình như ”, tác giả viết vào năm 2018 khi hay tin một
người bạn từ thuở ấu thơ, sau nhiều năm lưu lạc, cách xa, giờ sẽ mãi mãi chia
xa. Bồi hồi, nghẹn ngào! Thế là Thảo Vi có thơ tiễn bạn. “Hình như” từng câu
chữ, vần điệu đều là tiếng lòng, giọt lệ tiếc thương, hoài niệm về: Một thời và
Một người - rõ ràng trong tứ thơ. Một thời xa ngái với muôn trùng nỗi nhớ. Một
thời niên thiếu với trưa hè xào xạc gió nơi lũy tre, sân nắng hanh vàng. Với
cơn mưa vừa kéo qua, còn đọng lại trên cánh lá giọt giọt long lanh... Như ánh
mắt hồn nhiên trong trẻo ấu thơ của một người bạn thân thương, vừa gần gũi vừa
rất xa xăm:
Hình như lá vẫn rơi
Dưới sân nhà yên ắng
Hình như là trưa nắng
Đang ru ngọn tre già
Hình như là mưa qua
Còn đọng trên khóm lá
Hình như người hóa đá
Hồn vẫn còn quanh ta
Hình như đã rất xa
Mà thật gần trong mắt
Đời trắng đen bẩn chật
Con tim vẫn thật thà!
Tác giả đã mượn cảnh vật để diễn cảm tâm hồn bềnh bồng trôi về
ký ức xa xôi trĩu nặng nỗi buồn. Nặng trĩu đến nỗi gần như thổn thức, bật khóc
vì tuyệt vọng, ở khổ cuối bài:
Hình như còn trong ta
Nỗi buồn không mang nổi
Người đã thành sương khói
Đành một kiếp phôi pha !
* Bài “Thương con đường vắng” cũng được viết vào năm 2018, ngắm
nhìn quan sát con đường từ xa và từ trên cao, tác giả liên tưởng đến một câu
chuyện tình buồn. Và khi lặng lẽ bước đi trên con đường vắng người qua lại, hun
hút giữa những hàng cây, đan xen bằng những vệt nắng mai buổi sớm... hẳn cảm
xúc ta bất chợt cuốn hút vào những hồi ức buồn xưa cũ. Con đường kỷ niệm thuở
nào, những buổi hò hẹn đợi chờ, đón đưa, những lúc tay trong tay tung tăng, tíu
tít và để rồi, sau đó là... một mình một bóng đi về. Một dấu lặng kết thúc, như
phần nhiều những mối tình thời đi học! (Như con đường trong bài thơ Ngày xưa
Hoàng Thị, của nhà thơ nổi tiếng Phạm Thiên Thư chẳng hạn.)
Một bài thơ ngắn, ít thi ảnh nhưng cảm xúc cô đọng, viết hay,
gởi gắm tình thơ một thuở của nhà thơ và cũng là của bao người:
Thương sao con đường vắng
Suy tư trong sớm mai
Ta về vai nghiêng nắng
Người về hồn chia hai
Ta về thương chiếc lá
Buồn bơ vơ bên đường
Người về như kẻ lạ
Lòng sao còn tơ vương?
Thương sao con đường vắng
Một mình trong nắng mai
Thương tình ta vụng dại
Nên ngàn đời không phai!...
Có thể thấy rõ yếu tố vần nhịp luôn được quan tâm trau chuốt,
gieo chỉn chu ở mỗi dòng, khổ thơ, tăng cường phát huy, làm nên nhạc điệu cho
thơ Thảo Vi. Đồng thời yếu tố nhạc điệu trong thơ tương tác trở lại giúp hình
ảnh thơ chị càng thêm lấp lánh, bóng bẩy, nhiều thi vị.
MIỀN XANH NGỌC TRONG THƠ THẢO VI:
Đọc từ tập thơ đầu tay của Thảo Vi, ta như bước vào một miền thơ
trong trẻo, ngọt ngào và tinh tế. Từ cảm xúc đến ngôn từ đều lắng đọng, chưng
cất, chắt chiu, đa cảm, đa tình, sâu sắc như chính tâm hồn tác giả:
Em là chiếc lá
Trên cành cây anh
Em là mây trắng
Trong bầu trời anh...
...Em là hoa nắng
Lung linh vườn anh
Em là réo rắt
Tiếng đàn tay anh
Em dòng sông xanh
Thương hoài bến vắng...
(Xin mãi còn nhau)
Bài thơ “Xin mãi còn nhau” hẳn chị viết đang lúc còn rất trẻ -
nhưng từ ngày ấy, trái tim yêu thương luôn vỗ nhịp dạt dào, chân tình, thiết
tha - hình thành nên phong cách, định hướng sáng tạo, nhìn tổng thể các sáng
tác của Thảo Vi nói chung.
Thơ chị viết đa dạng chủ đề: Thơ tình (là nhiều nhất)
Thơ cho học trò, ngành giáo dục, viết cho tuổi mới lớn; Thơ cho
mẹ, cho quê hương... Và dù bất kỳ chủ đề nào, về tình yêu hay con người, vùng
đất quê hương, tất cả đều đi đến tận cùng da diết, yêu thương:
Trách sao bến cứ lặng thinh
Để con đò cũ vô tình sang sông
Mười năm về tím ngát lòng
Tím bờ cỏ dại, tím bông lục bình
Đầu vàm sóng vỗ chênh vênh
Con đò năm cũ một mình bên sông
(Bến sông xưa)
Với bài thơ “Thành phố xanh như ngọc” Thảo Vi viết cho quê hương
sen hồng Cao Lãnh - Đồng Tháp gần đây, vẫn một miền thơ tươi vui, trong trẻo,
dịu dàng, mát xanh xuyên suốt:
Em muốn về lại phố
Có những hàng cây chờ
Trời xanh, cây đứng nhớ
Vô tình em làm thơ!
Em muốn về lại phố
Cao Lãnh chiều lang thang
Con đường quen chân bước
Đêm tỏa ngọn đèn vàng
Ta sẽ về qua lối
Hương sen thơm ngọt ngào
Gió trời đêm lành lạnh
Ta quyện vào trong nhau
Em sẽ cùng anh đến
Công viên mây bềnh bồng
Hồ nước xinh như mộng
E ấp nụ sen hồng.
Em muốn về lại phố
Buổi sáng bên tách trà
Nghe trời xanh gió hát
Nghe cuộc đời hoan ca.
Một hồn thơ không tuổi, một tình thơ thắm xanh dịu dàng! Có lẽ
từ mái ấm gia đình hạnh phúc, từ tình yêu con người, cuộc sống, mảnh đất quê
hương thiết tha đã chấp cánh, hình thành nên những tứ thơ xanh thắm, trong veo
reo ca dào dạt trong thơ Thảo Vi.
Hầu hết các bài thơ theo thể lục bát, hay thơ 4, 5 chữ, 7 chữ...
qua tay chị đều rất mượt mà. Thảo Vi rất ý thức trau chuốt câu chữ, vần, nhịp
trong thơ, cùng các biện pháp tu từ: điệp từ, nhân hoá, đảo ngữ... hầu như đều
được khai thác triệt để, khá nhuần nhuyễn.
Thật thú vị khi thưởng thức, khám phá sự tinh tế hoà quyện các
yếu tố thi, nhạc, họa trong những câu thơ 5 chữ, bài “Thành phố xanh như ngọc”
Hay qua những câu thơ lục bát của Thảo Vi:
Đêm nằm nghe mưa ngoài hiên
Tưởng chừng tiếng gõ muộn phiền trong tim
Lạ chi đâu… tiếng mưa đêm
Sao lòng cứ mãi ướt mềm như mưa?
(Thao thức)
Cảm tác bất chợt, một sớm mai, khi ngắm nhìn mây núi Thất Sơn:
Mây trắng về chơi trên đỉnh núi
Mến núi xanh, mây quên hẳn đường về
Buổi sớm sương cũng xanh màu núi
Nhớ đồng bằng sương xuống núi chưa tan.
(Cảm đề)
Cây bút không chuyên mà vẫn lão luyện. Bậc thầy, nhiều kinh
nghiệm, một tài năng đam mê văn chương, thi ca, mà vẫn luôn giản dị, thân
thương, mộc mạc, chân tình. Là tất cả những gì mà có lẽ Đời thơ, Đời Người tác
giả Thảo Vi luôn tâm niệm. Thơ Thảo Vi cứ thế mà neo đậu trong lòng bạn đọc.
Lê Huỳnh Diệu
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét