Cuộc đời tôi đã đi qua hơn sáu mươi mùa đông.
Sáu mươi mùa, khá nhiều so với đời người nhưng quá ít đối với dòng đời.
Có những mùa đông để lại ấn tượng một thời làm ta nhớ mãi. Có mùa đông ta đã quên bởi nó nhạt nhòa trong tâm khảm. Không mùa đông nào giống mùa đông nào, nhưng mùa đông nào cũng có sương lạnh và hoa lá đâm chồi để đón xuân sang.
Từ mùa đông giá buốt của tuổi thơ phải quấn mền ngồi học bài bên ngọn đèn dầu mờ lạnh. Sương ngoài đồng xa như len lỏi qua vách lá phả vào người, vào sách bút trên bàn một hơi lạnh vô hình nhưng tích tụ trong từng cảm giác. Cho đến những chiều giáp Tết, anh em tôi ngồi quây quần bên cái nồi đất to tướng, nơi mẹ đang đốt lửa nướng bánh phồng. Vừa được nhận hơi ấm từ tấm lòng của mẹ, từ bếp lửa bập bùng; vừa nhai những miếng bánh phồng nếp dòn tan, ngọt lịm trong miệng. Bây giờ đâu dễ tìm lại hương vị ấy nên làm sao quên được.
Tôi vẫn còn nhớ những ngày đầu đông, cắp sách đến trường trong cơn mưa phùn, vào lớp rồi mà những hạt nước li ti vẫn còn lấp lánh trên chiếc áo len i ỉ. Ngôi trường quê bằng tre lá bên cạnh cây đa cao to cả chục người ôm không giáp. Khi lớn lên phải đi học xa, mỗi lần về tới đầu làng nhìn thấy cây đa vươn tàn cao trên bầu trời là tôi biết sắp tới nhà. Cây đa và ngôi trường ấy không còn nữa. Cây đa cổ thụ đã chết, ngôi trường đã dời đi nơi khác, xây tường lợp ngói khang trang trên mảnh đất rộng hơn. Nhưng mùa đông của một thời xa xưa vẫn còn sống mãi trong tâm hồn chúng tôi, những đứa trẻ nhà quê trố mắt nhìn nhau vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi nói chuyện mà miệng phà ra khói.
Chúng tôi dần lớn lên, chia tay nhau khi hết bậc tiểu học. Trường đã hết lớp. Đứa nào học khá, nhà có điều kiện thì lên tỉnh vào trường trung học tiếp tục nghiệp bút nghiên. Đứa thì về nhà chăn bò, theo cha mẹ bắt cá, làm ruộng, làm thuê… Mùa đông của những đứa may mắn còn cắp sách đến trường vẫn ấm áp và sung sướng hơn những đứa phải lam lũ trên đồng, hay phải đặt lọp, giở chà, mò cua, bắt ốc giữa cái lạnh cắt da trên kinh rạch.
Đặc biệt, xứ tôi không bao giờ có bão. Quá lắm bị giông lốc, nhà tốc mái, cây gãy nhánh là cùng. Vùng biên thùy Tây Nam nằm sâu trong đất liền, bão vào tới đây đã sức tàn lực kiệt, trở thành những cơn áp thấp, mưa mù. Nói đúng ra là quê tôi xưa nay chỉ bị ảnh hưởng bão chớ chưa bao giờ gặp bão. Thường bão chỉ diễn ra vào mùa gió chướng, gây mưa gây lụt. Cùng lắm là tới đầu đông, có gió bấc là hầu như không còn mưa bão. Người nông dân thời đó làm lúa mùa, nên khi sạ lúa thì đón mưa Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Năm nào Vía Bà cũng có mưa, không nhiều thì ít. Thông thường thời điểm Vía Bà là khởi đầu mùa mưa, có khi chỉ mưa vài đám rồi ngưng, ít lâu sau mới có mưa tiếp. Nhưng chỉ vài đám cũng đủ để hạt lúa nẩy mầm bám rễ vào đất. Cũng có những năm ngoại lệ, Vía Bà lại không mưa, nông dân đoán sai nên chịu mất mùa, lúa giống bị chim chuột ăn sạch, phải lo cái mới để sạ lại khi trời có mưa. Tuy nhiên, sạ trễ là nỗi lo của người nông dân, lúa lên không đúng thời vụ dễ bị nước nổi nhận chìm, gây thất mùa. Làm lúa mùa là phó mặc cho trời, năm nào mưa thuận gió hòa thì trúng; năm nào thời tiết bất thường lúa không đạt sản lượng hoặc mất trắng.
Hồi đó, mùa mưa thường kết thúc vào đầu mùa đông, nên dân gian có câu: “Ông tha nhưng bà hỏng tha / Đánh cho một trận mùng ba tháng mười”. Đầu tháng mười xảy ra trận mưa nầy, có khi kéo dài hai, ba ngày; rồi trời chuyển bấc, hết mưa hoặc chỉ có mưa phùn lay phay.
Mùa theo thời tiết, thời tiết tạo ra mùa. Đó là tập quán và trở thành qui luật trong cuộc sống của người biên thùy Tây Nam. Ngày nay dù thời tiết có thay đổi, khí hậu đôi lúc trái khoáy, nhưng cơ bản vẫn không đảo ngược, cho nên các ngày lễ, tết dân gian vẫn là nhịp sống hài hòa và phù hợp với tâm hồn, tâm linh, sinh hoạt văn hóa của người dân. Thế mà có người lên tiếng đòi ăn tết theo Tây, xóa bỏ Tết cổ truyền là Tết Nguyên đán. Người ta có hiểu “tết” là do “tiết” mà ra! Thời tiết mỗi vùng một khác, cho nên không thể nào nhập chung tết trên cả thế giới nầy vào một ngày được.
Năm nay, đã vào đông, bấc lạnh và rất lạnh, nhưng mưa bão vẫn chưa ngừng nghỉ. Cơn bão nầy nối đuôi cơn bão kia hình thành ngoài biển Đông rồi đổ bộ vào các đảo và đất liền hoành hành, tàn phá. Người chết, nhà sập, cây đổ, mùa màng hư hại là những thảm cảnh do bão mang tới. Nếu con người ngày nay có nhiều phương tiện hiện đại và điều kiện thuận lợi về dự báo cũng như phòng chống, thì bão cũng thêm phần hung hãn, bất thường và “ma lanh” hơn. Hồi nào trung bình mỗi năm sáu, bảy cơn bão; cơn bão nầy tan một thời gian sau mới hình thành cơn bão khác. Bây giờ bão liên tục, cơn bão nầy chưa dứt hẳn đã hình thành cơn bão mới ngoài biển khơi. Một năm lên tới 16 cơn bão như năm nay, con người phải vất vả đối phó và gánh chịu hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn. May mà cuối cùng bão Tembin suy giảm nhanh thành áp thấp nhiệt đới khi vào Tây Nam Bộ nên không gây thiệt hại bao nhiêu.
Tây Nam Bộ là vùng đất hiền với ruộng đồng bao la, vườn cây trái bạt ngàn. Thánh địa của nhiều tôn giáo dạy người tu nhân tích đức. Con người phóng khoáng, chân thành, hiếu khách và chịu chơi… với hai công tử Hắc, Bạch khét tiếng một thời. Đây là vùng đất mới, được khẩn hoang và bảo vệ bởi từng thế hệ lưu dân chỉ mới gần 300 năm nhưng hào khí ngất trời, phát triển vùn vụt, trở thành một châu thổ phì nhiêu với những đô thị sầm uất, dân cư đông đảo, có một quá khứ hào sảng và oai hùng.
Mùa đông đang nhẹ nhàng bước tới với những nhịp điệu lãng mạn của thời tiết để ngàn hoa vạn lá đâm chồi nẩy lộc và vụt nở khi đón ánh nắng vàng mùa xuân. Mùa đông sẵn sàng gánh lấy bầu trời u ám để cho mọi người được sáng trong trong sương lạnh, được ấm áp bên nhau trong những bàn tay mềm mại, giữa những trái tim nồng nàn, bên những bờ môi ướt với nụ cười như kem lạnh. Dù phải lo toan vất vả trước cơn bão muộn, nhưng tôi nhớ đã lâu lắm rồi mùa đông mới đủ lạnh như thế nầy. Quê tôi năm nay mới có một mùa đông đúng là mùa đông!
TRỊNH BỬU HOÀI
––––––––––––––––––
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ 21
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào mục lục <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét