Cách đây mấy năm, khi lần đầu
trông thấy hình ảnh kênh Vĩnh Tế được khắc trên Cửu Đỉnh đặt trong kinh thành
Huế, tôi sững sờ, cái sững sờ hạnh phúc, như đến một vùng đất lạ, vô tình gặp
được người bạn thân quen. Càng thú vị hơn với ý nghĩ giữa trăm ngàn con kênh
nơi biên viễn Tây Nam tổ quốc, vua Minh Mạng lại chọn Vĩnh Tế khắc vào Cao
Đỉnh. Mãi sau này, khi ngược xuôi Vĩnh Tế và lần giở những trang sử cũ, tôi mới
thấy cái thâm thúy của các bậc tiền nhân.
Khi nói đến các con sông tự
nhiên, người ta thường nhắc đến vẻ đẹp. Cái đẹp của sông thường do những đường
cong uốn lượn tạo nên. Nếu không có những đường cong mềm mại như dải lụa, sông
sẽ đánh mất đi linh hồn, sẽ chai lì một cách khiên cưỡng giữa tạo hóa. Vậy mà
kênh Vĩnh Tế hầu như không có đường cong, trừ đoạn qua thị trấn Xuân Tô, kênh
chếch nhẹ một góc chừng 20 độ về phía Đông Nam. Nói như vậy không có nghĩa rằng
Vĩnh Tế không đẹp. Mà có không đẹp cũng chẳng sao, bởi hầu hết mọi con kênh đào
trên thế gian này, sứ mệnh của nó không phải là mang đến vẻ đẹp tự nhiên. Tôi
đồ rằng, khi xuống lệnh cho đào kênh Vĩnh Tế, điều cốt lõi vua Gia Long muốn
hướng tới, đó chính là nhiệm vụ quốc phòng. Bởi vùng đất Tây Nam Đại Việt có
đường biên giới dài dằng dặc tiếp giáp với Chân Lạp, nên việc đào kênh tạo
phòng tuyến vững chắc cho xứ Đàng Trong lúc bấy giờ là nhiệm vụ quan yếu. Nhưng
xen lẫn vào cái nhiệm vụ thiêng liêng ấy, Vĩnh Tế còn mang đến nhiều vẻ đẹp
khác. Tôi từng ngắm Vĩnh Tế từ đỉnh núi Sam, Châu Đốc. Ở góc nhìn này, kênh
Vĩnh Tế như “nét sổ” của một thư pháp gia lỗi lạc. Rắn rỏi mà thanh tao xuyên
qua cánh đồng lúa bát ngát xanh. Nếu nhìn từ đỉnh Ngọa Long Sơn thuộc huyện Tri
Tôn, kênh Vĩnh Tế lại giống như một “nét ngang” chắc nịch, như một lời tuyên bố
hùng hồn với ngoại bang về sự phân định rạch ròi cương vực lãnh thổ, “nhất
phiến sơn hà”. Tôi cảm kích vô song cái cách cụ nghè Trương Gia Mô miêu tả kênh
Vĩnh Tế trong bài Dạ phiếm Vĩnh Tế:
Thông tiêu duy lộ tọa
Tinh nguyệt cộng đê hồi
Giang lộ trực ư thỉ
Văn thanh tụ dục lội
Thời kiến kỷ gia xuất
Dao sầu nhất vũ lai
Sở tư tại viễn đạo
Hành hĩ mạc trì hồi
Tạm dịch: Đi thuyền trên kênh Vĩnh Tế
Suốt đêm ngồi dưới sương móc
Trăng sao như cùng ta ngẫm nghĩ bồi hồi
Dòng kênh thẳng hơn tên bắn
Tiếng muỗi góp lại to như sấm
Lúc thấy ló ra vài căn nhà
Lúc mưa gợi nỗi buồn xa xôi
Điều tâm tưởng nằm trên đường xa trước mặt
Đi đi thôi, chớ chần chừ.
Một bận, tôi đến Vĩnh Tế khi con
nước từ thượng nguồn Cửu Long đổ về mang phù sa đỏ quạnh. Làng Vĩnh Tế xưa, nay
là xã Vĩnh Tế thuộc thành phố Châu Đốc, nằm nép mình dưới chân núi Sam, gối đầu
lên dòng Vĩnh Tế nghe tiếng nước cuồn cuộn thổn thức trăm năm. Từ thuở khai
hoang mở đất đào kênh, làng Vĩnh Tế như một tổng hành dinh hội tụ hàng ngàn dân
công, binh công dưới sự chỉ huy của danh thần Thoại Ngọc Hầu. Khi kênh đào
xong, lưu dân vẫn chọn nơi này làm chốn định cư, tìm kế sinh nhai. Dọc kênh
Vĩnh Tế, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều làng mạc tương tự, như làng Vĩnh Bảo,
Vĩnh Thông, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều, Vĩnh Lạc...
Tôi gặp cụ Nguyễn Văn Hiệp, một
cao niên làng Vĩnh Tế đang ngồi uống trà trong căn nhà cổ gần vàm kênh. Cụ bảo,
ông cố của cụ xưa kia vốn người Gia Định, tuân mệnh Tổng trấn Lê Văn Duyệt đến
vùng Châu Đốc tham gia đào kênh Vĩnh Tế. Khi kênh hoàn tất, ông không hồi hương
mà cùng một số dân phu ở lại lập làng, định cư nơi đây. Cụ Hiệp còn cho biết
kênh Vĩnh Tế khởi nguồn từ vàm Châu Đốc chạy dài thẳng đến Hà Tiên, thuộc tỉnh
Kiên Giang. Tổng chiều dài của kênh là 91km, rộng 35m và độ sâu trung bình là
3,5m, tùy các nơi bồi lắng. Thấy tôi có vẻ không tin việc dùng sức người đào
thủ công mà được con kênh quy mô như thế, cụ Hiệp bảo, không phải ngày một ngày
hai mà đào được con kênh này. Tổng thời gian thi công đào kênh khoảng 5 năm (từ
năm 1819 đến 1824), với hơn 80.000 dân công, binh công. Từ khi con kênh được
hoàn tất, đường biên giới giữa Đại Việt và Chân Lạp được phân định rõ hơn. Kênh
được ví như hào nước quân sự khổng lồ, góp phần rất lớn vào việc canh giữ trời
Nam, ngăn chặn mọi hành vi xâm lấn lãnh thổ. Lúc nghe cụ nói, thú thật tôi
không hẳn tin bởi trí nhớ của một vị cao niên lại tường tận như thế quả thật
cũng hoang đường. Thế nhưng, khi lật lại sách Đại Nam nhất thống chí, tôi thật bất ngờ khi những điều
cụ Hiệp nói lại chính xác đến từng chi tiết.
Chúng tôi theo cụ Hiệp lên cầu
Vĩnh Ngươn, nhìn con nước kéo nhau trôi về phía cuối trời. Tôi cắc cớ hỏi cụ
Hiệp, có sách sử nào ghi lại sự hi sinh, mất mát của dân binh trong suốt quá
trình đào kênh hay không. Cụ bỗng nghiêm nét mặt, ánh mắt như nhìn vào trăm
năm. Cụ không trả lời ngay mà châm một điếu thuốc, khấn vái râm rang rồi ném
xuống dòng kênh. Điếu thuốc lập tức bị dòng nước chảy cuồn cuộn cuốn phăng đi.
Đoạn, cụ trầm ngâm bảo, sách sử cũng có ghi chép về sự hi sinh của dân binh khi
đào kênh, sự hinh sinh này là tất yếu. Bởi lẽ, thời kỳ đó miền biên viễn Tây
Nam tổ quốc là nơi lam sơn chướng khí, nước độc rừng thiêng. Dưới sông sấu lội
dập dìu, trên bờ cọp beo, rắn độc, muỗi mồng như trấu. Trong hoàn cảnh như thế,
dân công, binh lính phải dải nắng dầm mưa đào kênh suốt nhiều năm, chắc chắn
không tránh khỏi thương vong. Trong các tư liệu còn lưu giữ được, người ta chú
ý nhiều đến Văn tế
nghĩa trũng do
Nguyễn Văn Thoại soạn. Đó là áng văn cảm động chiêu hồn những người hi sinh khi
đào con kênh chiến lược ở chốn biên cương này.
Chúng tôi đến lăng Thoại Ngọc
Hầu tọa lạc dưới chân núi Sam, Châu Đốc. Bên trong lăng, khách thập phương đến
viếng khá đông, khói hương nghi ngút. Bức tượng bán thân cụ Nguyễn Văn Thoại
đặt uy nghiêm nơi chính điện, mắt trũng sâu. Có người cho rằng, cụ Nguyễn hướng
mắt về dòng kênh Vĩnh Tế là mong muốn mãi ngắm nhìn công trình vĩ đại của đời
mình lừng lững giữa non sông. Có thể lắm, nhưng không đơn thuần cụ Nguyễn nhìn
ngắm thành tựu ấy với cái nhìn kiêu hãnh, mà ẩn ở góc sâu xa nào đó trong đôi
mắt cụ, tôi nhận ra những nỗi niềm khắc khoải. Tôi đến thắp nén hương cho cụ,
nhìn khói quyện vào dấu tích xa xưa. Cụ Nguyễn Văn Hiệp chỉ tôi xem 5 tấm bia
đá gắn chặt vào tường thành bao bọc bên ngoài lăng và bảo, trong số các bia này
có bia Vĩnh Tế ghi lại quá trình đào kênh. Thế nhưng do thời gian mưa nắng bào
mòn nên đến nay không còn đọc được các chữ Hán khắc trên bia, thật tiếc lắm
thay!
Trong khuôn viên lăng, ngoài mộ
cụ Thoại Ngọc Hầu đặt ở trung tâm, còn có mộ bà vợ chính của ông là Châu Thị
Tế, người phụ nữ đảm đang phụ trợ ông rất nhiều trong công cuộc trấn giữ cõi
trời Nam cũng như trong quá trình đào kênh, được triều Nguyễn lấy tên đặt cho
tên kênh (Vĩnh Tế hà) và tên núi (Vĩnh Tế sơn - tên gọi khác là núi Sam).
Mộ bà vợ thứ Trương Thị Miệt cũng đặt trong khuôn viên lăng, nằm đối xứng với
mộ bà Châu Thị Tế. Đặc biệt là, một số binh sĩ, dân công thương vong trong quá
trình đào kênh cũng được Thoại Ngọc Hầu ra lệnh quy tập hài cốt về chôn trong
khuôn viên lăng. Cụ Hiệp đọc lại mấy đoạn trong Văn tế
nghĩa trũng, rằng: “Đào kênh trước mấy kỳ khó nhớ. Khoác nhung y
chống đỡ biên cương. Xông pha máu nhuộm chiến trường. Bọc thây da ngựa, gửi
xương xứ này...” Rồi,
“Quê cách trở lấy ai hộ tống/ Sống làm binh
thác chống quỷ ma/ Than ôi, ai cũng người ta/ Mà sao người lại thân ra thế này/
Mồ ba thước gửi thây cõi lạ/ Lễ thanh minh ai sá quét cho/ Ai trừ gai góc lan
bò/ Gió dồn mưa dập làm cho mòn dần.” Giọng cụ trầm đục va vào vách
núi, vọng đến hư vô. Ánh mắt cụ thâm nghiêm sau màn khói sương huyền ảo.
Những điều chứng kiến ở lăng cụ
Nguyễn Văn Thoại khiến tôi cứ mãi lẩn quẩn với ý nghĩ, Thoại Ngọc Hầu ắt hẳn là
người sống rất nghĩa tình. Tôi cho rằng, trong suốt thời gian lãnh mệnh phụ
trách đào kênh Vĩnh Tế, kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh An, mỗi khi nghe tin báo về
chuyện thương vong của dân công binh sĩ, hẳn cụ Thoại phải là người xa xót
nhất. Nhìn xa và rộng hơn, ta thấy hàng nghìn năm trôi qua, nhân loại vẫn còn
rùng mình dưới sự độc tài và tàn bạo của Tần Thủy Hoàng khi cho xây Vạn Lý
Trường Thành. Nhưng nếu không có sự quyết đoán ấy, làm sao đất nước Trung Hoa
có được một công trình quân sự vĩ đại mang tính chất sống còn, nhân loại còn có
thêm một công trình được mệnh danh là kỳ quan kỳ thế thế giới cổ đại? Đánh giá
công tội của tiền nhân, nếu không đặt trong cái nhìn đồng đại và lịch đại, hậu
thế chúng ta rất dễ hàm hồ.
Rời lăng Thoại Ngọc Hầu dưới cái
nắng phương Nam sừng sững, tôi đi dọc kênh Vĩnh Tế về phía Tịnh Biên. Mùa này
nước lên, các đập tràn từ kênh vào đồng nước chảy cuồn cuộn. Đây cũng là thời
điểm cá từ Biển Hồ xuôi về sông Hậu, theo kênh Vĩnh Tế chảy lên các cánh đồng
mùa nước nổi. Tôi gặp anh Nguyễn Hữu Thọ hay còn gọi là Út Thọ, nhà ở xã Nhơn
Hưng huyện Tịnh Biên, một người có thâm nhiên làm nghề hạ bạc vùng này. Anh
đang cùng mấy người bạn chài cá ở gần đập tràn Trà Sư. Các anh đều là nông dân,
mùa khô thì làm ruộng làm rẫy, đến mùa nước lên thì sắm sửa câu lưới để đánh
bắt cá mưu sinh. Hóa ra, con kênh Vĩnh Tế không những mang phù sa cuồn cuộn bồi
đắp hàng năm cho cánh đồng rộng hàng ngàn héc ta từ Châu Đốc – Tịnh Biên – Tri
Tôn – Giang Thành – Hà Tiên mà còn đem về nguồn cá dồi dào nuôi sống người dân
nơi đây. Anh út Thọ vừa kéo một mẻ chài đầy cá vừa hồ hởi cho biết, cánh đồng
Vĩnh Tế đầu nguồn này như cái túi cá, nước tới đâu cá tới đó,
tha hồ đánh bắt. Tùy theo mực nước cao thấp, người ta sẽ chọn hình thức đánh
bắt khác nhau, tìm các loại cá khác nhau. Ví dụ như cỡ này nước mới chụp lên,
cá từ kênh lên đồng còn nhỏ nên chúng tôi đặt dớn, chài hoặc giăng lưới dày để
đánh bắt. Nước bêu chút nước thì giăng câu, đặt lọp, giăng lưới thưa ba màn.
Nước rút là thời điểm cá đổ ngược ra kênh sau bao ngày sinh sôi nảy nở trong
đồng ruộng. Lúc này cá nhiều vô số kể nên phải tận dụng mọi ngư cụ có được để
đánh bắt. Thời điểm này gọi là “cá ra” hay “cá hội”. Vào những ngày cá ra, kênh
Vĩnh Tế và các nhánh kênh phụ như Trà Sư, Tha La, Võng Xã, T4, T5 thuyền bè
đông như trẩy hội. Nhìn cách đánh bắt cá của người dân nơi đây, ta có thể nhận
ra điểm nổi bật trong tính cách con người Nam Bộ, đó là chất phóng khoáng tài tử,
lạc quan yêu đời, có phước cùng hưởng có họa cùng chia. Xuồng chài, xuồng câu
lưới đậu san sát nhau nhưng đánh bắt hoài mà không hết cá, vì cá cứ từ ngoài
đồng “trôi” ra nườm nượp. Tiếng nói cười vang lên ngày đêm không dứt. Cá đánh
bắt đầy xuồng đầy ghe, ăn không hết, bán không hết người dân thường làm mắm để
dự trữ. Đó cũng là nguyên do khiến miệt này trở thành “thủ phủ” mắm cá của cả
vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các thương hiệu mắm ở Châu Đốc nổi tiếng trong
khắp cả nước và một số nơi trên thế giới nhờ cách thính mắm thơm ngon và đặc
biệt là độ ngọt của cá đồng đánh bắt được trên vùng Vĩnh Tế. Đến khu vực miếu
Bà Chúa Xứ, ta sẽ bắt gặp hàng trăm sạp mắm nằm chen chúc nhau như cố tình minh
chứng cho sự phong phú của sản vật miền Tây sông nước.
Trên thủy trình dòng kênh Vĩnh
Tế, thị trấn Xuân Tô thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang giống như một trạm trung
chuyển. Đó là nơi giao thương buôn bán tấp nập vào bậc nhất của con kênh này.
Hàng hóa từ Châu Đốc chuyển vào, từ Hà Tiên chuyển vô được hội tụ tại đây. Thêm
các mặt hàng từ nước bạn Campuchia càng làm cho phiên chợ biên giới Xuân Tô rộn
ràng quanh năm suốt tháng. Từ các mặt hàng nông sản, thủy sản, hải sản phong
phú giống bao phiên chợ nơi khác, ở đây còn xuất hiện thêm các mặt hàng độc
nhất vô nhị như bọ rầy, bọ cạp Bảy Núi, rết núi, bánh thốt lốt...
Sự phồn thịnh của thị tứ Xuân Tô khẳng định phần nào chiến lược an sinh mà gần
hai trăm năm trước, khi xuống lệnh đào kênh, triều Nguyễn đã hướng đến.
Đứng trên cầu Xuân Tô bắc qua
kênh Vĩnh Tế, nối liền con đường biên giới Việt Nam – Campuchia, lòng bỗng dậy
lên bao nỗi niềm xưa cũ. Nếu không có con kênh, hẳn nơi này giờ đây vẫn là chốn
bưng biền đầy cỏ cây lau lách? Những chuyến ghe xuôi ngược tấp nập chở theo bao
kiếp thương hồ dọc con kênh, từng sợi khói vẽ lên trong chiều bảng lảng. Một
cánh cò bay thong dong về phía núi, gợi trong lòng kẻ li xứ bao tâm thức về một
thời mang gươm đi mở đất. Câu ca thuở nào bỗng âm vọng ngân nga “cánh chim tung trời, về đất Phương Nam, người
xưa lưu dấu in hình thuở mang gươm”.
Mãi đắm chìm với cảm xúc nơi thị
tứ biên viễn nên khi chúng tôi đến xã Lạc Quới huyện Tri Tôn thì trời đã tối
hẳn. Được cái, dù trời tối nhưng vào ngày mùa vụ nên nhiều hộ bà con vẫn thắp
đèn sáng trưng, lúa thóc chở bằng ghe từ ruộng về đậu dưới mé kênh được người
dân vác lên tấp nập. Tôi ghé nhà anh Tư Lập hỏi thăm có chỗ nào gần đây cho
chúng tôi trọ qua đêm để sáng mai tiếp tục hành trình đến Hà Tiên, anh Tư quệt
mồ hôi trên trán cười nói, mấy chú cứ vô nhà ngồi uống nước, tối nay ngủ ở đây
đi, khỏi kiếm nhà trọ mất công. Vốn dĩ đã quen với sự nhiệt tình mến khách của
cư dân Phương Nam nên tôi chẳng cần đắn đo, đem đồ vào nhà anh Tư cất và ngồi
chờ ảnh vác hết mấy bao lúa còn lại. Đêm đó, đúng như tôi dự đoán, một bữa rượu
quê được dọn ra với mấy con khô cá chạch muối chiên, vài trái chuối chát, rượu
nếp Vĩnh Tế trong veo. Ngà ngà say, anh Tư Lập tâm sự trước kia anh ở miệt Lấp
Vò, Đồng Tháp. Vì khổ quá nên anh bôn ba lên vùng này mở đất làm ruộng. Khi ấy,
vùng này còn hoang sơ, nhà cửa thưa thớt, đất và nước nhiễm phèn nặng nên trồng
trọt khó khăn, chỉ những thửa ruộng gần mé kênh thì trồng trọt được, còn vô sâu
một chút là coi như đánh cược, mùa được mùa mất, đời sống vô cùng khổ sở. Nhưng
anh bất chấp những thử thách ấy, cứ kiên nhẫn bám đất năm này qua năm khác. Có
những năm lúa bị nhiễm phèn mất trắng khiến cả nhà anh đói kém suốt thời gian
dài nhưng anh không nản chí. Và rồi tấm lòng của anh với đất cũng được đền đáp,
các con kênh nhân tạo được đào nối từ kênh Vĩnh Tế đến biển Tây nhằm tháo phèn,
rửa mặn cho cánh đồng Lạc Quới quê anh. Anh kể, ngày thông dòng kênh T5, còn
gọi là kênh Mới hay kênh Võ Văn Kiệt, nhiều người dân đến chứng kiến mà không
cầm được nước mắt. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc vì họ tin rằng, từ nay
vùng này sẽ khởi sắc. Rồi kênh T4, kênh T6, kênh Võng Xã tiếp tục được khơi
dòng. Nước ngọt chảy đến đâu, đất trở mình đến đấy. Giờ đây anh Tư Lập sở hữu
hơn năm chục công đất. Mỗi năm, trừ hết chi phí anh vẫn còn lời hàng trăm triệu
đồng. Nhà cửa anh giờ khang trang, tiện nghi. Con gái út anh đang học ngành
thủy sản tại Trường Đại học An Giang, con trai lớn anh giờ là kỹ sư nông
nghiệp. Tôi ngồi nghe câu chuyện của anh Tư, thán phục điều anh đã trải và lòng
rộn vui với ý nghĩ, đất chẳng bao giờ vô tâm trước những giọt mồ hôi. Đêm đó,
tựa vào dòng kênh Vĩnh Tế, giấc ngủ tôi được vỗ về bằng tiếng sóng nước xôn
xao, tiếng ghe tàu xuôi ngược, tiếng cá quẫy đuôi ăn móng, cả thanh âm từ quá
khứ xa xăm dồn dập vọng về.
Thật ra, kênh Vĩnh Tế không trực
tiếp đổ ra cửa biển Hà Tiên. Sau một thủy trình dài, sức chảy của Vĩnh Tế giảm
dần về phía hạ nguồn trước khi hòa với sông Giang Thành thuộc tỉnh Kiên Giang.
Có lẽ đoạn gần sông Giang Thành, Vĩnh Tế như cảm nhận được sứ mệnh của mình sắp
hoàn tất, nó không hăm hở cuồn cuộn như đoạn gần vàm Vĩnh Ngươn nữa, mà thản
nhiên trôi một cách bình tâm. Đó cũng là nguyên do khiến hai dòng nước gặp nhau
ở Ngã Ba Giang Thành không dữ dội ầm ào mà nhẹ nhàng hòa quyện, như hai người
tình trăm năm hòa vào nhau khi đã tường tận từng hơi thở từng nhịp tim.
Đến Ngã Ba Giang Thành, lữ khách
ắt hẳn ngỡ ngàng với cảnh non nước hữu tình. Đỉnh Bình Sơn và Tô Châu soi bóng
vũng Đông Hồ tạo ra bức tranh sơn thủy tuyệt hảo. Đó là nguồn thi hứng bất tận
mà Giang
Thành dạ cổ của
Mạc Thiên Tứ là một kết tụ điển hình:
Thiên phong hồi nhiễu đống vân cao,
Toả thược trường giang tương khí hào.
Nhất phiến lâu thuyền hàn thủy nguyệt,
Tam canh cổ giác định ba đào.
Khách nhưng cánh dạ tỏa kim giáp,
Nhân chính can thành ủng cẩm bào.
Vũ lược thâm thừa anh chủ quyến,
Nhật Nam cảnh vũ lại an lao
Thi sĩ Đông Hồ dịch thơ: Tiếng trống đêm Giang Thành
Gió cuốn trời cao mây lạnh tung,
Sông dài vây tỏa khí anh hùng.
Lâu thuyền dãi bóng trăng sương lạnh,
Trống mõ cầm canh sóng nước trong.
Kim giáp đã nhờ đêm chặt chẽ,
Cẩm bào cho được chốn thung dung.
Lược thao đem đáp tình minh chúa,
Nước Việt biên thùy vững núi sông.
Nhà thơ Đông Hồ sinh thời phân
tích, Mạc Thiên Tứ có hai bài thơ mang tính sóng đôi, chính là Giang
Thành dạ cổ - kể trên và Tiêu tự
thần chung (Chuông sớm nơi chùa vắng). Thâm ý họ Mạc muốn lấy tiếng trống đối ngẫu với tiếng
chuông chùa. Một hình tượng biểu thị cho thanh tịnh, thức tỉnh; một
hình tượng biểu thị cho ý thức quân sự, gắn với đồn lũy. Ngẫm lại sứ mệnh của
kênh Vĩnh Tế, ta càng thấy rõ hơn về điều đó. Trong chiến tranh, kênh là chiến
hào ngăn bước quân thù bảo vệ bờ cõi Tây Nam Tổ quốc. Gươm chìm giáo gãy, kênh
lại hiền hòa mang dòng phù sa nuôi từng gốc khoai ngọn lúa, cưu mang bao lớp
người dân Việt nơi đây.
Trong tâm thức tôi, điểm khởi
đầu và kết thúc của mỗi con kênh thường chỉ mang tính tượng trưng. Biết đâu,
những hạt phù sa ngọt ngào từ sông Hậu theo dòng Vĩnh Tế đổ vào biển Tây lại
không phải kết thúc một hành trình, mà chẳng qua là bắt đầu một hành trình mới.
Trương Chí Hùng
Nguồn: Báo Văn nghệ, số 33/2019
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét