Má tôi thường nói “mua bán quanh năm, không bằng phiên chợ cuối năm”, tức là bán mắc hay rẻ chỉ nhờ vào phiên chợ cuối này. Đó là kinh nghiệm của “dân bạn hàng”. Cứ mỗi năm hết, Tết đến tôi lại nhớ lời má nói hồi nào và nhắc con cháu cái kinh nghiệm này của bà. Nó không có gì khó hiểu. Ai cũng muốn dành những thứ ngon nhất, đẹp nhất để bán mua mấy ngày này. Giá cả có nhỉnh hơn và ai cũng tặc lưỡi mua về trước cúng ông bà sau đó là ăn ba ngày Tết (mà không mua lấy gì cho con cháu ăn Tết với người ta), thôi thì trả giá làm gì. Chính cái tâm lý này nên “dân bạn hàng” hay nâng giá kiếm lời. Vì vậy mới có câu nói của má.
Chợ Tết của người Việt mình tồn tại bao đời, chỉ khác ở chỗ, mỗi thời hàng hóa phong phú hơn, đẹp hơn thích ứng với thị hiếu của người tiêu dùng. Nói theo dân sành điệu là “hợp gu thẩm mỹ”.
Hồi nhỏ tôi thích được đi chợ Tết với má. Quê tôi có đặc điểm các bà đi chợ bán thứ gì không biết cứ toàn đội trên đầu. Người cái thúng, hay cái xịa chất những thứ cần bán vào đó đội ra tới chợ bán. Đồ nhiều lại cho vô túi đệm quảy trên vai (chừa một tay để lần tay vịn qua cầu khỉ, cầu dừa), nên mỗi khi đi chợ cần một đứa nhỏ theo để quơ đuốc, hoặc xách cái lồng đèn đi trước rọi đường. Đi chợ cực là vậy nhưng vui lắm. Hơn mấy cây số đường vườn tới chợ là quãng đường đầy vất vả, dễ bị té. Đã té thì không ai đỡ cho ai được. Những thứ mang đi chợ coi như không còn gì. Tôi còn nhớ có lần má tôi đội thúng chanh khi lên cây cầu dừa vấp một cái buông luôn cái thúng. Mọi người lại cười vang, vì ai cũng có lần bị như vậy có gì mà mắc cỡ! Con gái xóm tôi quen nếp sống ấy từ nhỏ nên chẳng đứa nào biết gánh hàng. Theo những gì học được từ má mình, bọn tôi lớn lên không chút khó khăn nào. Mãi sau này cuộc sống khấm khá có nhà sắm được xuồng, ghe đi chợ đỡ vất vả hơn. Đi chợ xuồng ghe cũng có cái vui riêng của nó. Cứ chiều đến mọi người lại í ới rủ nhau đi chợ. Vườn nhà có gì thì đi bán thứ ấy. Có dạo quê tôi trồng toàn mận kiến sen, hồng đào, dân mua cũng tính đơn vị là thúng chớ không cân ký như bây giờ, cam bưởi, vú sữa tính bằng chục. Trái cây hái xong cho vô thúng chất xuống ghe xuồng sẵn từ chạng vạng đến tối đi luôn khỏi hì hục.
Đi chợ đêm trên sông rất thú vị, nhất là những giáp ngày Tết lạnh thấu xương. Một hai giờ đêm cả xóm râm ran tiếng gọi nhau, nói cười rời bến. Nhà nào sắm được ghe thì chèo, nhà nào có xuồng thì bơi. Xuống xuồng, ghe ai cũng phải bơi, chèo nếu ngồi không lạnh run đánh bù cạp không chụi nổi. Sương trên đầu rơi xuống, hơi nước từ mặt sông phả lên, phải mặc áo đôi áo ba mới chịu nổi. Mấy bà lạnh thì lấy trầu nhai cho ấm, còn đám con gái chèo cho ra mồ hôi mới đỡ lạnh. Cứ thay phiên nhau chèo hoặc bơi chớ không ai sanh nạnh.
Tới chợ, tất cả tấp vào bến có ánh đèn điện từ cây cầu rọi xuống thấy đủ màu xanh đỏ, vàng của trái cây của lá mới thấy mấy bà khéo tay sắp đặt hoa quả. Mấy bà mua mối, thường đã có mối sẵn, đứng đợi trên bến, sau khi xem mặt hàng ngã giá xong trái cây được trút vô những cái tụng to chất lên xe đò, cũng là mối, chở lên Sài Gòn hoặc các chợ đầu mối khác bỏ mối cho mấy người bán lẻ. Phiên chợ kết thúc. Đám trẻ ở lại dưới ghe trải chiếu ngủ tiếp lấy sức chèo bận về. Các bà ngồi kể đủ thứ chuyện chờ nhóm chợ sắm đồ. Đi chợ Tết phải đi sớm chọn mua đầu tiên để có được thức ngon, đồ đẹp. Sáng sớm mua mở hàng nhớ cẩn thận, người bán tin vào người này, vì hôm ấy bán đắt hay ế cũng do người mở hàng. Phải trả giá ít nhất hai ba giá từ thấp lên cao, nếu thấy phù hợp chủ sẽ bán ngay, có khi bán rẻ hơn giá gốc nếu biết người hay mở hàng bán đắt. Người bán ghét nhất mấy người trả một tiếng rồi bỏ đi. Họ sẽ lấy một tờ giấy, một nhúm muối đốt phong long ngay, hoặc lấy sợi dây gút mấy cái bỏ phía trước để xả xuôi. Thông thường đi chợ Tết thấy thuận mua vừa bán đừng trả giá nhiều bị chửi xui lắm. Người bán tranh thủ mấy ngày này kiếm thêm đồng lời, người mua có chút đỉnh tiền trong túi thu được từ thành quả lao động, và nghĩ “chỉ có ba ngày Tết” nên không ke re cắc rắc lắm với trong việc mua bán. Có được tấm áo mới cho con trẻ trong ba ngày Tết lòng người mẹ nào cũng vui. Một cặp dưa hấu, ít miếng mức bánh chưng trên bàn thờ, cúng ông bà thấy ấm cúng là mãn nguyện.
Chợ Tết là những phiên chợ đông nhất, tấp nập nhất, ồn ào nhất, kẻ mua người bán ai cũng tranh thủ có lợi nhất cho mình. Ai cũng nghĩ “nếu không mua lấy gì mà ăn ba ngày Tết” và “nếu không bán trữ đồ lại ba ngày Tết ai mua mà bán”. Cái tâm lý ấy tồn tại bao đời. Vì vậy, phiên chợ ba mươi tháng chạp là ngày không ai dám mạo hiểm. Buổi sáng ấy có nhiều gia đình đã làm mâm cơm cúng ông bà rồi. Phiên chợ cuối năm là phiên chợ còn gì bán nấy và mắc hay rẽ ai cũng chấp nhận để còn về kịp rước ông bà vui ba ngày Tết.
CAO THANH MAI
––––––––––––––––––
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ 20
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào mục lục <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét