Đêm trước ngày rước dâu, má thì thầm: “Làm thân đàn bà con
gái, chịu thiệt thòi một chút cũng không sao, nghen con. Lúc nào cảm thấy đời
sống lứa đôi ngột ngạt, con phải biết mắt nhắm mắt mở. Không phải sự thật nào
cũng cần được biết. Không phải cạn cùng của sự thật là… sự thật, biết không
con?”
Bao ngày chạy đôn chạy đáo lo đám tiệc, giờ nghe lời má,
tiếng được tiếng mất. Còn má ngồi ngắm nhìn con gái, mới ngày nào còn đỏ hỏn
trên tay, ngày mai đã là con nhà người ta, má ứa nước mắt. Dạy con mà má thấy
trĩu nặng trong lòng. Cái triết lý ấy của bà mẹ nghèo quanh năm sống ở đồng
bưng nghe có cái gì xa xót, đắng cay. Bà mẹ nào cũng dạy con bằng tất cả tấm
lòng, bằng sự đúc rút kinh nghiệm từ cuộc sống. Ngày trước, phận mồ côi, má nào
được ai dạy dỗ, vậy mà đời cho má một đặc ân có cái nhìn thấu đáo.
Ngày mai, Tư Lành sẽ là vợ của một người đàn ông tận đẩu tận
đâu, mặt mũi như thế nào còn chưa dám nhìn rõ. Mắt có lác, chân có đi cà thọt,
tay có bị khoèo không? Tư Lành thấy chơi vơi, chới với. Qua giới thiệu của
người thím họ xa rằng: anh ta và gia đình rất tốt. Nghe thì biết vậy. Tư Lành
là gái quê biết đâu để “xác minh lý lịch”. Làm sao có điều kiện để đi “tìm
hiểu”. Ở nơi khỉ ho cò gáy này thông tin truyền đến như chó chạy đất cày. Chỉ
thắc mắc, nhà giàu có sao đi hàng trăm cây số về nơi xa xôi, hẻo lánh phải băng
qua một cánh đồng chó ngáp, tới một dòng sông mênh mông, chờ sang đò đi một đỗi
nữa mới tới để cưới vợ?
Bà mối nói: Trai thành phố bây giờ thích tìm gái ở nông thôn
chân chất, hiền lành. Gái quê dễ thương cả dễ dạy. Làm dâu có gì cực đâu, chỉ
cần ở nhà chăm sóc, cơm nước cho cha mẹ chồng là được rồi. Chẳng hơn ở quê làm
thuê, làm mướn hoặc đi làm công nhân không đủ tiền thuê nhà trọ sao? Đâu phải
ai cũng được người thành phố để mắt tới!
Bà mối vẽ ra một chân trời tươi hồng, mây trắng thảnh thơi
bay cứ như là Tư Lành sinh ra để thuộc về nơi đó. Lời bà mối đúng quá. Nghe bùi
tai quá. Ba má Tư Lành dè dặt gật đầu, còn với theo:
- Thím Sáu à! Vợ chồng tui quê mùa, ít hiểu biết, trăm sự
trông cậy thím. Ở trên đó ngó chừng dùm con nhỏ, nó còn dại khờ lắm nghe thím.
- Anh chị Út cứ yên tâm đi! Em cũng coi giò coi cẳng rồi mới
mai mối cho cháu chỗ đàng hoàng cho nó ấm thân, sau này anh chị còn được nhờ
nữa chớ.
- Được vậy vợ chồng tui cám ơn thím nhiều lắm!
Rồi tới ngày Tư Lành lên xe bông. Đám con gái nhà quê được
dịp ngắm trai thành phố. Tụi bạn nói Tư Lành tốt phước ghê tự nhiên lấy được
chồng ăn trắng mặc trơn. Đầu chải phồng lên có móc lai hai bên thiệt ngộ. Mặc
áo sơ mi trắng, quần tây thẳng ly có quai đeo nữa, bảnh lắm. Vậy đó, đứa nào
cũng ríu ran, ríu rít đòi được làm dâu phụ. Chỉ có Tư Lành thấy chông chênh,
chống chếnh.
Lời má dặn chờn vờn trong đêm xuất giá. Nó sụt sùi vài ba
bận, gà gật năm bảy lần thì bị đánh thức. Ba trầm ngâm bên ly rượu cạn suốt năm
canh. Tư Lành xót xa nhìn mái tóc rễ tre cứng quéo, bàn chân to bè lấm bùn của
ba xỏ đôi giày nào cho xứng? Giữa tiếng nỉ tiếng non, ba ngước nhìn bầu trời
đầy sao rồi bất thần hỏi:
- Ngày mai ba không
đi được không con?
- Sao vậy ba?
- Ba không muốn người
ta khó xử, với lại ba không quen đi xe.
- Ba không thương con
sao?
Tư Lành hỏi làm ba
thêm nghẹn đắng.
- Thương con lắm chớ. Nuôi con tới chừng này chỉ mong con
yên bề gia thất. Con ráng làm tròn bổn phận nghe con! Ba…
Có điều gì đó ba không muốn nói ra sợ con gái buồn. Ba mặc
cảm mình nghèo, thấy không phù hợp với nơi sang trọng.
- Chắc gì họ giàu có mà ba ngại?
Câu hỏi lững lơ như cái móc câu.
Cuộc đời ba má gắn liền với ruộng rẫy. Đêm ngủ còn vương mùi
bùn đất. Sáng dậy đã tất bật tay len, tay cuốc ra đồng làm thuê. Ước mơ giản dị
nhất là cho chị em Lành được cấp sách tới trường rồi có cái nghề để thoát
nghèo. Vậy mà có thành hiện thực được đâu.
Chị Hai Hiền của Lành mới xong cấp hai đã phải nghỉ học đi
làm công nhân xí nghiệp ở tận Bình Dương. Nhọc nhằn, tằn tiện, gói ghém lắm mỗi
tháng gởi về triệu bạc phụ ba má nuôi các em. Đáng lẽ chị Hai lấy chồng trước
nhưng chị không chịu:
- Chỗ chị làm, công nhân nam cũng hoàn cảnh như vậy, cưới về
thêm gánh nặng gia đình, để chị lo cho các em thêm vài năm nữa.
Chị Hiền mộc mạc, dễ thương là vậy. Hồi đó chắc ba má nghèo
quá ăn uống kham khổ không đủ chất nên chị đèo đẹt thấy tội gì đâu. Khi mua
được con cá, miếng thịt lại nhường em, dành phần ba má. Hai chị em cũng hay
chia sẻ buồn vui. Từ ngày chị đi làm công nhân Tư Lành buồn thỉu, buồn thiu
không người tâm sự. Ngày vui của Lành, chị chỉ xin nghỉ được hai ngày. Đêm qua,
lúc hai chị em thủ thỉ, chị Hai lấy chiếc nhẫn nhỏ xíu xiu ra tặng, còn dặn em
cất kỷ để phòng thân khi gặp bất trắc bán nó tìm về quê. Chị dặn thêm “đừng để
chồng em biết nghe”. Chị chưa có gia đình mà chu đáo vậy đó. Tư Lành chỉ biết
ôm chị, rồi hai chị em cùng khóc. Người chịu thiệt thòi là chị mà chị không đòi
hỏi gì cho riêng mình. Tư Lành thương chị suốt ngày ngồi phòng máy lạnh, hết
giờ, tan ca túa ra như ong vỡ tổ, quáng quàng tấp vô lề đường mua vội mớ rau
héo, chút tép, ít cá hẩm về nấu ăn qua quýt rồi tranh thủ nghỉ ngơi. Ngày mai
lại vào ca tiếp tục vòng quay, chẳng có thời gian đâu để tìm hiểu, quen ai.
Người trắng bệt thiếu sức sống. Chỉ có tấm lòng chị dành cho gia đình là nồng
ấm, dạt dào. Còn thằng Hiếu, con Thảo đang lem luốc chắc sẽ buồn lắm luôn.
Tư Lành mộc mạc, chân quê, chẳng biết phấn son làm đẹp, lại
chưa biết yêu là gì, vừa tốt nghiệp cấp ba, còn đang phân vân học tiếp hay xin
đi làm công nhân như chị Hiền. Bữa nọ, thím họ xa về quê chơi thấy Lành, liền
buông tiếng trong bữa cơm: “Con gái học chi nhiều. Về trển coi được đám nào
thím làm mai cho. Hễ được dẫn về coi mắt luôn nghe”. Và miếng cơm nhè nhẹ, Tư
Lành mắc cỡ không dám ngước nhìn thím. Tưởng là câu chuyện đẩy đưa ngờ đâu ba
tháng sau thím xuất hiện với một thanh niên ăn bận khá bảnh bao trong căn nhà
nền đất nổi vẩy rồng, lấy khăn giấy lau cái ghế đẩu ba đóng bằng ván còng ngồi
đùng đưa xiêu vẹo. Suốt buổi coi mắt, Lành chỉ dám ngước mắt nhìn một lần rồi
cụp xuống khi bắt gặp ánh mắt đong đưa của anh ta. Vậy mà không hiểu sao má khe
khẽ gật đầu?
Đêm tân hôn, Lành tìm hoài không ra dáng hình của người
chồng như mơ ước, chỉ thấy người đàn ông say khật khưỡng, ôm Lành như thú vồ
mồi. Thỏa mãn, anh ta lăn ra thở hồng hộc, không quên rít lên: “Trong nhà này,
cái gì của cô thì hẵng đụng vào, không thì thôi, đừng tò mò”. Trong nhà này có
thứ gì là của Lành? Những thứ thuộc về Lành sẽ là tất bật cơm nước, chợ búa,
lau chùi, giặt giũ. Trong nhà bếp sắp xếp rất trật tự, ngăn nắp. Có một nơi rất
trang trọng đặt hai chiếc hộp theo qui định số tiền điện nước, ăn uống trong
tháng của cả nhà tương ứng cho mỗi người. Hằng ngày, Lành được phép mở ra một
lần lấy một số tiền nhất định, đi chợ. Tiền thừa còn lại sẽ được cho vô cái hộp
thứ hai. Mà làm gì có tiền thừa nhiều. Theo lời mẹ chồng Lành, đó là cách gia
đình bà tiết kiệm bấy lâu nay. Cuối năm sẽ mở ra, tiền được bao nhiêu bà dùng
giúp đỡ những “người nghèo” trong khu phố! Con cháu học theo đó mà làm.
Mười tám tuổi, Lành vào đời chẳng lấy chút ngọt ngào. Ngày
đằng đẳng dài, đêm thăm thẳm sâu ngồi canh cửa chờ chồng chân bước thấp bước
cao, liu xiu, lẹo vẹo vào nhà. Có bữa Lành vừa mở cửa đã vấp phải đống thịt nằm
kềnh ra đó. Lại dìu, lại lau rửa thay áo quần rồi nghe những lời cợt nhã, lã
lơi ong bướm. “Làm thân đàn bà con gái, chịu thiệt một chút cũng không sao,
nghen con”. Lời má văng vẳng theo. Chén cơm Lành ăn đã bắt đầu nêm một ít vị
mặn…
Mẹ chồng Lành một người phụ nữ phốp pháp, tóc uốn tém rất
“men nì” còn móng tay móng chân sơn màu nho chín. Nhìn vào bà ta vừa ra chất
đàn ông vừa tinh quái đàn bà. Giọng bà phát ra đầy quyền uy, ngắn gọn:
- Cô phải biết phận mình. Tôi cưới cô cho thằng Đức chỉ trên
danh nghĩa thôi. Thực chất là tôi mua cô từ bà thím họ xa gì đó của cô, chớ cô
tưởng bước vô được gia đình danh giá này dễ lắm à? Ngoài công việc cô được giao
trong nhà này ra còn con chó MiLa là bạn cô. Nhưng cô cũng phải chăm sóc nó cẩn
thận đó. Mà nè, từ ngày cô về tới giờ thằng Đức nhà tôi có làm ăn được gì không
mà cô trấm trơ ra vậy?
Phận của Lành trong nhà này là gì có ai xác định được đâu mà
bảo Lành phải biết? Lành không có thời gian nghĩ cho bản thân mình. Ông bà
ngoại chồng nghiêm khắc xét nét từng chút một. Ăn uống theo giờ nhất định, món
ăn thay đổi theo sở thích, áo quần không được giặt máy… Chừng ấy công việc đã
mệt phờ lại thêm cha chồng hay trở chứng nay cà phê đắng, mai trà nhạt, canh
mặn, đồ kho không vừa miệng… Thôi thì đủ thứ dội vào thân phận của kẻ vừa làm
tôi đòi, vừa làm cháu con, làm vợ như Lành. Đúng là một diễn viên đa năng! Vai
nào cũng đòi hỏi Lành phải hoàn thành thật tốt. Công của Lành là đêm đêm được
phục vụ cậu chủ đến rã rời nhưng không được kêu ca, phàn nàn. Gần một năm làm
dâu, có lần Lành ngỏ ý xin về thăm nhà được mẹ chồng trả lời: “Công cô làm chưa
đủ số tiền tôi bỏ ra mua cô, chừng nào đủ tôi cho về”. Bây giờ Lành mới thấm
thía “chim cánh cụt làm sao bay được”.
Bà Sáu Lèo. Thím họ
xa của Lành. Bà mối mát tay đã bán Lành thu một số tiền kha khá mà ba má Lành
không hay biết. Bà khốn nạn vậy sao bà Sáu Lèo? Lành đau đớn nghĩ nhưng chưa
biết cách nào vạch mặt bà ta. Thực ra, ngày còn ở quê bà ta chuyên bán bún nước
lèo riết rồi thành danh. Từ ngày theo chồng lên thành phố bà bỏ nghề, nhiểm lối
sống thị thành dần quên mất gốc gác quê xứ của mình. Từ khi Sáu Tú chồng bà
dính vào một vụ án tham nhũng đi tù, bà ta trở thành kẻ chuyên đi săn gái quê
về gả bán cho những tay làm ăn xui xẻo, mua trinh con gái nhà lành để giải hạn
dưới danh nghĩa cưới về làm vợ, làm con ở trong nhà. Thỉnh thoảng bà ta về quê,
tiếng là thăm họ hàng, thực chất là đi tìm gái quê mùa, gia cảnh khó khăn, lợi
dụng chỗ bà con quen biết để dắt mối lấy tiền “hoa hồng”. Cưới Lành là một
trong những phi vụ làm ăn đó. Đức - chồng Lành hóa ra là một tay chơi có hạng
dưới vỏ bọc con nhà giàu. Sau khi trắng tay vài ba phen cá độ tiền tỉ, hắn móc
nối bà Sáu Lèo tìm gái trinh giải hạn. Nạn nhân tiếp theo của anh ta là Lành,
gái quê chân chất đúng nghĩa. Còn ba má anh ta giao kèo: “Mầy cưới vợ đi rồi
làm gì thì làm”. Anh ta cưới vợ cho ba má sai bảo, có chỗ để tuôn xả, dày vò
khi gặp hạn lại không phải mất tiền. Tiện cả đôi đường, chớ gái quê mùa dốt đặc
làm sao trói được chân anh ta? Ba má Tư Lành vì lâu ngày không gặp, mù mịt
thông tin nên đã “giao trứng cho ác” mà không hay biết gì.
Sự đời quá đỗi đắng cay. Tư Lành liệu có hòa nhập với chốn
phồn hoa đô hội? Mùi phèn chua lèn lẹt với làn da rám nắng phải tốn bao nhiêu
tiền để tẩy trắng đây? Mà Đức có chịu chi tiền cho vợ làm đẹp không? Đức nhìn
thấy cái vẻ đẹp mặn mòi tiềm ẩn của cô gái tuổi mười tám, nếu được đầu tư đúng
chắc chắn Tư Lành không thua những cô gái chân dài. Nói trắng ra, một tay ăn
chơi sành đời như Đức thà nhốt cô vợ xinh đẹp trong hình hài ô sin vẫn có nhiều
cái lợi hơn. Tư Lành đổi đời biết đâu đi theo con đường của bà Sáu Lèo thì có mà
hút gió! Hội bạn đàn đúm của Đức thừa biết Đức thà mang tiếng ăn chơi trác
táng, nhưng khi nó chưa tán gia bại sản thì vợ nó chưa cho thằng khác đụng vào.
Cái giá của Tư Lành coi vậy mà cao lắm!
Lành đã dần quen nếp sống ở “nhà chồng”, chẳng ai buồn hỏi han
đến ngoài sai vặt và trút giận lên đầu. Con MiLa đã quen hơi cô chủ mới, ngày
càng quấn quít Lành hơn. Những khi buồn Lành ôm chú chó nhỏ vào lòng ve vuốt,
trò chuyện với nó. Như hiểu lòng cô chủ, MiLa nằm im, mắt lim dim thể hiện sự
đồng cảm giữa hai nỗi cô đơn trong căn nhà rộng lớn nhưng trống vắng tình người
này. Mang tiếng lấy chồng thành phố Lành chưa từng được chồng đưa đi chơi, hay
được tự do đi thăm thú nơi nào. Ngoài những lời gay gắt Lành chưa được nghe
chồng nói một câu ngọt ngào. Cuộc sống quá ngột ngạt, trong đầu Lành đã có ý
nghĩ giải thoát. Còn lúc nào Lành chưa định được.
Năm hôm trước, Đức thông báo ngắn gọn trong bữa cơm tối hiếm
hoi có mặt ở nhà:
- Báo với cả nhà, con
sẽ đi chơi với tụi bạn ít ngày, chừng nào về con điện cho hay.
Từ ông bà cho đến ba
má chồng như đã quen với sự đi rong của Đức nên chẳng ai buồn lên tiếng. Lành
đứng phía trong bếp loáng thoáng nghe thì biết vậy chớ không dám hỏi lại. Trách
nhiệm của Lành là chuẩn bị quần áo cho chồng đi chơi, còn đi với ai không có quyền
biết. Lành gần như là một con rô bốt chỉ biết thực hiện mệnh lệnh của chủ.
Trước khi đi Đức nhắc
lại rằng:
- Trong nhà này, cái
gì của cô thì hẵng đụng vào, không thì thôi, đừng tò mò.
Thái độ của Đức lại
gây sự tò mò cho Lành. Dù không được tôn trọng nhưng Lành là vợ, tại sao Đức
luôn nói ra câu ấy? Lành muốn tìm ra sự thật. Con người Đức như thế nào Lành
chưa đủ kinh nghiệm để nhận biết. Khi lạnh nhạt, thờ ơ, khi vồ dập có phần tàn
nhẫn khiến Lành luôn khiếp sợ con người của anh ta. Nay còn bí mật nào cất giấu
mà cứ ngăn cấm Lành mãi vậy?
Cơ hội đã đến. Nhưng
liệu bí mật được khám phá Lành có giữ được tính mạng mình? Trằn trọc suốt hai
đêm, Lành đi về phía nơi Đức không cho đụng vào. Căn phòng im ỉm đóng. Lành ghé
sát tai lắng nghe, bỗng có hơi thở hôi hổi nóng phả vào gáy, Lành quay lại… ông
Phú đã áp sát người Lành. Tay ông ta mở khóa, đẩy Lành vào trong. Căn phòng
lạnh toát, âm u, mùi mốc tỏa ra ngột ngạt. Ông Phú lên tiếng:
- Muốn biết sự thật
lắm phải không con?
- Ba! Chỉ là tình cờ
thôi. Ba tha cho con.
- Có muốn ba bỏ qua
lỗi này không?
- Dạ có! Con sợ lắm.
Ba cho con ra đi.
- Đâu có dễ vậy con!
- Con lạy ba! Ba hãy
tha lỗi cho con lần này đi. Con biết lỗi rồi.
- Ba cũng đang cần
giải hạn đây, con có biết không?
Lành tìm cách chống
đỡ, ông ta càng lao vào. Đang sắp đạt được mục đích thì bất ngờ có tiếng bà Phú
gọi. Ông ta ngượng ngùng bước ra còn dặn: “Ở yên đấy ba sẽ quay lại”. Lành lồm
cồm vừa chạy ra ngoài vừa cài khuy áo, về đến phòng mình, khóa chặt cửa vừa run
sợ vừa âm thầm khóc.
Lành muốn gọi Đức về
nhưng không biết số điện thoại của chồng. Liệu Đức về có chia sẻ với vợ không
hay anh ta cho Lành đặt điều nói xấu cha mình? Câu chuyện này tới tai mẹ chồng,
bà có để yên? Vai tuồng tiếp theo của Lành sẽ là gì? Lành thấy quay cuồng trong
căn nhà đầy rẫy hiểm họa ập xuống đầu mình bất cứ lúc nào. Nỗi sợ hãi khi giáp
mặt cha chồng, khiến Lành phát sốt.
Sau mấy ngày tham gia
cá độ trúng mánh, tụ tập ăn chơi thác loạn Đức trở về có vẻ hoan hỉ hơn. Nhìn
thấy bộ mặt rầu rĩ của vợ, anh ta nghĩ vì Lành nhớ chồng nên ban cho một nụ
cười. Lành ngạc nhiên tột độ. Lần đầu tiên chồng tỏ ra thân thiện với mình, vậy
có nên nói cho chồng biết sự việc xảy ra ở nhà?
Trong lúc Đức tắm,
Lành soạn quần áo để giặt. Bất ngờ có tin nhắn từ điện thoại của Đức, tò mò,
Lành cầm lên xem. Những hình ảnh nam nữ bên nhau khiến Lành bấn loạn, đánh rơi
máy, ngồi thất thần. Đức bước ra, cầm máy, hiểu sự việc. Và cái gì đến cũng
đến. Những cái tát như trời giáng, Lành đỗ gục xuống không sức chống đỡ.
Khi tỉnh lại, Lành lần xuống nhà dưới tìm con
MiLa đang nằm ngủ trên sofa. Lành bế nó, mở cửa bước ra hiên vắng. Đêm xuống,
sương rơi lành lạnh. Bầu trời đêm nay như có vài áng mây đen. Mùa mưa bão sắp
đến rồi chăng? Đôi vai mềm của Lành run theo từng nhịp đập con tim. Trong nhà
này chỉ có MiLa là bạn của Lành. Nó chỉ biết nghe, bày tỏ thiện cảm bằng cách
nằm im hay quấn quít, mừng rỡ khi được cô chủ ôm ấp. Nó là con vật vô lo vô
nghĩ, chủ nuôi như để trang trí, điểm xuyết trong căn nhà thiếu tình người. Làm
phận chó, đôi khi được đối xử tốt hơn… nó không phải làm vẫn được chủ cho ăn
đầy đủ. Lành là con người mà... tệ quá. Đời đầy cay đắng! Chim cánh cụt có bay
được không? Lành tự hỏi cũng tự trách mình. Má dạy rồi mà sao không nghe.
Đức tìm Lành. Sự tức
gận còn hiện rõ trên gương mặt góc cạnh của anh ta. Đức nghiến răng, cằm bạnh
ra, những tia máu vằn lên rất đáng sợ. Lành ngồi co rúm ôm MiLa vào lòng, nín
thở. Con chó ư ử vùng khỏi tay chạy về phía Đức, liền bị tông một đá bay văng
ra. Nó kêu ăng ẳng vang khắp khoảng sân rộng phía trước nhà, phá tan không khí
lặng yên của đêm. Đức gằn giọng:
- Cô nhìn con chó thì
biết phận mình.
Ông bà Phú nghe tiếng
chó kêu vang lật đật chạy xuống nghe ngóng. Nhìn thái độ giận dữ của con trai,
bà rít lên:
- Cô làm gì vậy?
Chồng mới đi chơi về đã kiếm chuyện gây sự. Bỏ cái kiểu ghen tuông nhà quê ấy
đi, không phù hợp trong nhà này đâu. Đêm hôm không ngủ ra ngồi đó làm gì? Cô
trù ẻo vậy nhà này sao cất đầu lên được?
Ông Phú, phận làm rể
lại sợ vợ nên đứng yên. Thật ra ông ta còn tiếc việc chưa kịp thực hiện hành
vi… thì bị vợ gọi. Sự bỉ ổi dần bộc lộ qua hành động của cha con ông Phú.
Nước
mắt chực trào, Lành cúi gằm mặt đầy sợ hãi. Phút giây này, Lành nhớ lời má:
- Lúc nào cảm thấy đời sống lứa đôi
ngột ngạt, con phải biết mắt nhắm mắt mở. Không phải sự thật nào cũng cần được
biết. Không phải cạn cùng của sự thật là… sự thật, biết không con?
- Má ơi! Cạn cùng của sự thật trong
căn nhà này là gì?
Phận gái đã theo chồng, Lành yếu
đuối, mê muội. Rồi ngày cũng trôi qua. Nhưng, từ đấy, Lành biết thương thân
mình, không lần tìm những tin nhắn hay căn phòng bí mật ấy thêm một lần nào
nữa… Người đàn ông nào cũng có một căn phòng bí mật. Căn phòng ấy, tốt nhất là
người vợ không nên đặt chân vào. Biết nhiều quá để làm gì? Chỉ cần biết người ấy
qua những gì họ tự nguyện, công khai thể hiện, thế là đủ. Vương mang thêm làm
chi cho bận lòng! Đến bao giờ chồng Lành tự nguyện?
Phải chăng, vì không hiểu được điều
ấy, mà cuộc sống tù ngục của Lành dần đi vào bi kịch? Một chút băn khoăn không
lời đáp. Một thoáng nghi ngờ, một chút tò mò không còn thôi thúc nữa. Tất cả đã
cạn kiệt sức chịu đựng. Ngày nào đó khi sự cam chịu kia lên tiếng, nghĩa là
Lành ý thức được thân phận của mình. Lúc này, Lành chưa đủ sức để đương đầu.
Còn không sẽ là sự ra đi trong âm thầm để giải thoát mình.
Giờ Lành không biết rồi đây trên
chặng đường dài, liệu mình có đủ dũng khí nói ra sự thật trong cái đêm rơi vào
căn phòng cất giữ bí mật ấy hay không. Chính Lành cũng mang một bí mật của
riêng mình. Không biết mình sẽ ra sao nếu tiếp tục tận mắt chứng kiến những bí
mật khác? Đức là người ngăn cấm nhưng ông Phú lại là người đưa Lành đi khám
phá? Cạn cùng của sự thật là gì? Chấp nhận sống bình thản hay tự giải thoát…?
Lành lẳng lặng, mân mê chiếc nhẫn
nhỏ xíu xiu của chị Hiền. Bên ngoài, bầu trời đã lấp lánh những ánh sao đêm.
Cao Thanh Mai
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét