Ở cuối tàu có tiếng nói nhỏ “ hình như
trời sắp có giông”. Máy còn đang xình xịch, trên bờ tiếng người phụ nữ gọi “đò
ơi! Chờ với!”. Tư Thương nghe vậy, định quay lại rước thêm, chị bán trầu cau
môi mỏng, nhỏ nhẹ:
- Thôi đủ rồi
anh Tư. Anh không thấy gió thổi mạnh sao? Đang con nước lớn, qua sông rộng, đò
khẳm, nguy hiểm lắm.
Nói xong, chị
đảo mắt nhìn mọi người như tìm sự hưởng ứng. Đáp lại lời chị là mấy cô cậu học
sinh áo quần tinh tươm lao nhao “đừng rước nữa chú Tư!” Tư Thương trù trừ vài
giây rồi khoát tay ra hiệu từ chối. Trên bờ người phụ nữ lộ vẻ thất vọng, quay
lên chờ chuyến đò sau.
Tàu ra gần giữa
sông, gió từ hạ nguồn thổi thốc tới. Sóng nổi lên, tàu lắc lư. Nước bắn vào làm
ướt mấy hành khách ngồi phía trước. Tư Thương vừa lái vừa nhắc bà con nhớ mấy
cái áo phao để phía trên chỗ ngồi. Chị bán trầu cau trấn an mọi người bằng cách
lấy trầu ra têm, đưa vô miệng nhai một cách điềm tĩnh. Thật ra nếu nhìn kỷ chị
là người lộ vẻ lo lắng hơn ai hết. Mấy ốp trầu, vài nhánh cau, gói thuốc xỉa, con
dao bổ cau buộc kỷ nắm chỏng chơ trong hai cái sịa chồng vào nhau. Đòn gánh chị
để bên dưới chân mình. Vì đò đóng hai băng ghế dài dọc theo thân tàu nên mọi cử
chỉ của chị bán trầu cau ai cũng tập trung quan sát, quên con tàu đang ra giữa
dòng. Tư Thương cho tàu chạy chếch mũi để cắt gió. Kinh nghiệm của những người
làm nghề đi trên sông nước. Những chuyến qua sông gặp nước lớn hay ròng, trời
mưa hay nắng đều đối mặt với rủi ro, nguy hiểm. Sóng càng mạnh càng phải vững
tay lái. Tư Thương hoàn toàn im lặng tập trung vào công việc của mình. Anh biết
những lúc như thế này chỉ cần mất tập trung đò quay ngang bị lật úp như chơi.
Chị bán trầu chốc chốc day mặt ra sông phun cổ trầu lách tách. Màu đỏ của vôi
nồng, cau chát, trầu cay như sợi chỉ đỏ loang dần theo con sóng.
Mấy cô cậu học
sinh không còn giữ được vẻ hồn nhiên nữa. Mặt em nào cũng xanh tái, đứa này nắm
chặt tay đứa kia mà quên mình đang cầm tay một thằng bạn, hay đứa con gái (có khi
thương không dám cầm, “ghét” không muốn nắm). Cảnh này đáng lưu giữ một kỷ niệm
khó quên thời cấp sách. Và đây cũng không phải lần đầu cho những ai phải sinh
ra trên mảnh đất cù lao Bình Hòa trù phú.
Có một người
trên chuyến đò này từ lúc mới xuống cho tới giờ vẫn không biểu lộ bất kỳ cảm
xúc nào. Người ấy ngồi phía sau anh lái đò cách một cô gái. Trong lúc mọi người
lo thì người ấy mắt nhắm, tay lần tràng hạt thật nhanh. Một sự tự tại vô ưu. Đó
là sư cô Diệu Thiện chùa Liên Bửu về quê cúng tuần chay cho mẹ. Sư cô trạc tuổi
chị bán trầu cau, tức khoảng trên bốn mươi gì đó. Trên gương mặt sư cô ẩn một
nỗi buồn man mác. Sư cô nhìn những hành khách trên chuyến đò đầy nầy khá ái
ngại. Rồi lại lần tràng hạt theo thói quen. Lúc mới xuống chờ đò chị bán trầu
cau có ý định ngồi gần người tu hành. Nghĩ thế nào chị lại chuyển sang ngồi đối
diện. Hai người phụ nữ thuộc hai thế giới khác nhau. Chị hay liếc trộm sư cô
như ngầm nói “đẹp vầy sao đi tu uổng quá vậy?”. Mặc dù chị cũng thuộc dạng sắc
nước phù sa, hương đặc trưng sầu riêng đặc sản quê chồng. Các điểm nhấn trên
gương mặt chị tập trung vào cái miệng môi mỏng lại thêm ăn tí trầu, đẹp gấp mấy
lần các cô diễn viên tô đầy son. Chị biết mình có duyên ở chỗ đó nên hay cười
để khoe hàm răng trắng hơn mấy cái răng sứ giả quảng cáo rùm trời. Những người
bán trầu cau nói nghe ngọt lịm chớ không mặn, cay, chát như những thứ chị bán. Chị
than bây giờ bán buôn ế lắm, còn được mấy bà già ăn trầu đâu. Chủ yếu có đám
cưới hỏi người ta mới mua đi mâm cho đúng thủ tục trong những ngày trọng đại.
Khách vãng lai ít lắm. Ngồi buồn không biết làm gì chị lấy trầu ăn thành quen.
Một cô bé mặc áo dài nghe chị kể, nói “con mà có theo nghề buôn bán, con sẽ bán
bánh kẹo có ế còn ăn được. Trầu thì héo, cau thì già, có ăn cũng không nuốt
được”. Cả đò cùng cười vì câu nói ngô nghê của cô bé mà quên nỗi sợ đò đang ra
giữa dòng khá xa. Cô gái ngồi cạnh, nảy giờ chỉ nhìn vào mấy ngón tay sư cô
đang lần tràng hạt, cũng phì cười. Rồi cô đưa mắt nhìn rặng bần ven sông coi đò
có kịp vô tới bến trước khi cơn giông ập đến.
Chị bán trầu cau
day về phía chủ đò hỏi:
- Vô kịp không
anh Tư?
Đây là câu nói
thứ hai của chị dành cho Tư Thương. Lần trước là cản không cho chủ đò rước thêm
khách. Việc làm của chị được mọi người ủng hộ. Câu thứ hai này như chia sẻ nỗi
lo với anh chủ đò.
- Chắc kịp thím
ơi! Tư Thương trả lời.
Khách hàng với chủ
đò thường thân thiện như vậy. Nghe xong thấy chị thở phào nhẹ nhõm. Tay lần tràng hạt của sư cô hình như chậm lại sau câu trả
lời của Tư Thương.
- Hồi nảy không
nghe lời thiếm tôi rước thêm khách, chuyến đò này lỡ có gì thì tội tôi lớn lắm.
Anh chủ đò bắt chuyện sau những phút căng thẳng đã qua. Bỗng phía sau lưng anh,
sư cô cất tiếng nho nhỏ:
- A di đà phật!
Biết mình lỡ
lời, Tư Thương im lặng. Chị bán trầu cau nói cái điều ai cũng biết, nhưng vì lý
do nào đó người đi đò cố quên:
- Anh Tư quên
rồi sao? Ông bà mình có dạy “sông sâu chớ lội, đò đầy chớ đi”. Tôi lỡ đi chuyến
đò đầy qua con sông rộng này nên tôi sợ lắm.
Đôi mắt chị đượm
buồn không giống như mới gặp. Ẩn trong lời nói ấy lại một số phận. Cái số phận
nghiệt ngã dường như không từ ai. Đó cũng là cái trớ trêu của người đàn bà hàng
ngày gánh trầu đi chợ bán những mong se thắm duyên tình, lứa đôi hạnh phúc còn chị
lại gặp cảnh bẽ bàng duyên phận.
Tư Thương thoáng
đăm chiêu, không biết sư cô hiểu gì mà gục gặc đầu. Còn gần trăm mét nữa đò vô
tới bến, gió gần bờ yếu hơn, sóng không còn hung hãn như giữa dòng. Mấy cô cậu
học trò tiếc nuối buông tay nhau trở lại cái đặc tính quen thuộc của mình. Có
đứa bẻn lẻn, mắc cỡ, đứa tinh quái tủm tỉm, nghịch ngợm. Sư cô đeo xâu chuỗi
vào, kéo chiếc túi vải màu lam hơi bạc màu lấy cái khăn nhỏ lau nước lấm tấm
trên mặt. Vì lúc đang giữa dòng sư cô bận niệm phật không lau được. Lúc này, Tư
Thương cho tàu chạy chậm lại chuẩn bị vào bến bỏ lại sau lưng một chuyến đò đầy
sóng gió.
Chị bán trầu cau
nói với chủ đò sau khi đã cầm sẵn đòn gánh chuẩn bị xỏ vô gióng là bước lên bờ:
- Anh Tư biết
sao tôi không cho anh rước thêm khách không? Ngoài cái lúc nảy tôi nói “sông
sâu chớ lội, dò đầy chớ đi”, vì tôi biết người phụ nữ lỡ chuyến đò của anh là
chị Thắm con ông Năm Sanh ở Bình Lương, người yêu cũ của anh đó. Lúc trong chợ
tôi gặp rồi, hỏi tôi mấy giờ đò chạy, tôi nói mười hai giờ cho chỉ đi trễ. Anh
mà rước chỉ, làm sao lên bến được. Chị Tư đứng đầu cầu thu tiền thì anh chết
chắc.
Tư Thương hơi
ngượng. Tự nhiên chị út trầu cau huỵt toẹt cái chuyện cô Thắm yêu anh không
được bỏ đi lấy chồng xứ khác. Còn chị lấy làm hả dạ. Vì nếu, có chị Thắm kia đi
sợ Tư Thương không tập trung lái con đò cập bến an toàn.
Sư cô nghe xong
mỉm cười nhìn chị bán trầu cau trìu mến. Chị ở xứ khác về làm dâu miệt cồn này
làm sao biết hết chuyện của xứ cù lao Bình Hòa.
- Sư mẫu chờ con
với!
Cô gái cất tiếng
gọi khi thấy ni sư Diệu Thiện trả tiền đò và đi thật nhanh. Nghe giọng nói Tư
Thương thoáng giật mình, một luồng điện chạy dọc sống lưng. Anh toát mồ hôi.
2. Hai mươi năm
mòn mỏi đợi chờ. Người đi xa thuyền xa bến, xa cả dòng sông đầy kỷ niệm. Người
ở lại tóc đã nhuốm màu sương, mắt vẫn dõi về nơi xa thẳm như tìm bóng chim tăm
cá. Tư Thương chỉ mong được một lần gặp lại để nói lại lời xin lỗi của má anh
tới người ấy “chừng nào con Dung trở lại nhớ nói là má có lỗi với nó...”
Ngày Tư Thương
dẫn Dung về “ra mắt” gia đình, bà Bảy vẫn nằm trên võng không buồn nhìn cô gái,
tay liên tục đảo cục thuốc xỉa to như trái chôm chôm, hỏi:
- Nghe nói cháu
ở Bình Sơn? Vậy cháu có biết thím Năm Hiển không?
- Dạ! Con là con
gái Năm Hiển đây. Bác quên con rồi sao? Hồi lúc bác trai mất má con có dắt con
theo gặp bác ở ngoài chợ.
- Ờ! Mới đó hai
chục năm. Thím Năm khỏe không?
- Dạ! Má con vẫn
khỏe. Hôm nào có dịp con mời bác lên nhà con chơi. Má con nhắc bác hoài hà.
- Nhắc hoài mà
nhắc cái gì? Má bây còn giận bác sao?
- Con đâu nghe
má con giận bác chuyện gì.
- Bác cũng định
bữa nào lên gặp thím Năm.
Tư Thương nghe
bà Bảy có ý định tới nhà Dung, anh mừng ra mặt, vội nói:
- Má tính chừng
nào đi? Con chở má đi cho tiện.
- Nói vậy chớ
biết chừng nào. Bà lấp lững.
Tư Thương biết
anh sẽ còn phải chờ đợi. Dung biết có ở lại cũng khó lay chuyển được bà, cô xin
phép ra ngoài, rồi tình cờ cô nghe được câu chuyện của mẹ con Tư Thương “ má chê Dung ở điểm nào?”. Bà trả lời “ tao
không chê nó cái gì hết, mầy cưới ai tao cũng chịu. Còn con Dung... tao dứt
khoát không đồng ý”.“ Má phải nói lý do chớ”. “Lý do gì à? Tao với má nó...” .
“Thôi được má không nói con dắt Dung bỏ đi?”. “Mầy đi tao chết?”. “Vậy má muốn
con cưới ai, má nói đi, con cưới về sống với má cho má vừa lòng. Mà con nói
trước cả đời này con thương mình Dung thôi”.
Lúc Tư Thương từ
trong nhà chạy ra tìm thì Dung cô đã đi khá xa. Hai người chia tay từ đó. Dung
luôn tìm cách lánh mặt để anh làm tròn chữ hiếu với mẹ mình.
Tư Thương lấy
vợ. Cô gái má anh chọn là bạn của em gái anh. Phượng là con liệt sĩ. Cùng hoàn
cảnh với anh. Nhưng cô có tính “công thần” hay “mượn danh” cha mình để xin xỏ,
cạy cục, và cũng biết lấy lòng “mẹ chồng” tương lai bằng những cái vé xem cải
lương mà bà Bảy lại rất mê món này. Làm cơ quan nhà nước ít lâu hai vợ chồng
xin nghỉ việc về quê. Con đường công danh của Tư Thương coi như chấm hết.
Dung ra đi. Tư
Thương như vừa đánh rơi một vật quí xuống đáy sông, đáy biển. Thím Năm - má
Dung nói không biết cô giờ ở đâu. Từ đó, đêm đêm Tư Thương hay ra bờ sông ngồi
nhìn thị xã bên kia sông lên đèn, mắt cứ hướng về một nơi nào đó. Mông lung. Vô
định. Vì má, anh cưới vợ. Những đứa con ra đời, có lúc anh cũng quên Dung để
làm tròn trách nhiệm với gia đình.
Vợ anh thay đổi
nhiều từ khi chính tức bước chân về làm dâu bà Bảy. Bà nhận ra con dâu quá
chanh chua lại xem thường bà. Ngày bà ngã bệnh Phượng cứ bỏ mặc Tư Thương một
mình đưa mẹ tới bệnh viện cô viện cớ về quê. Khi tỉnh lại biết con dâu không
ngó ngàng tới mình, cầm tay Tư Thương, bà nói:
- Thương ơi! Má
xin lỗi con. Giờ hối hận đã muộn rồi phải không con? Khi nào gặp lại con Dung
nhớ nói má đã thấy sai lầm của mình, chỉ vì ghen tương mù quáng má để các con
cả đời phải khổ. Hồi đó má hiểu lầm nên ghen với thím Năm, được ba con giải
thích nhưng vì tự ái của đàn bà má cứ khư khư ôm lấy. Má biết con Dung nó bỏ
nhà ra đi sau khi con cưới vợ. Nó sinh đứa con gái rồi vô chùa tu luôn. Tha lỗi
cho má nghe Thương!
Tư Thương chết
lặng theo từng lời nói của bà Bảy. Anh có con với Dung! Một niềm an ủi hay oan
nghiệt cho người con gái anh yêu?
Có lần Dung nói:
- Chuyện của
người lớn sao bắt con cái gánh chịu. Anh phải trả hiếu? Có nhiều cách trả hiếu
sao anh không chọn lại chọn cách này?
Anh đã quá yếu
đuối không bảo vệ được tình yêu của mình. Cái giá anh phải trả là sống với
người vợ chua ngoa, hỗn xược cả với mẹ chồng. Má anh ra đi trong niềm ân hận.
Mấy chục năm như một vết sẹo không lành. Vợ bóng gió:
- Tui biết anh
đâu có thương gì tui, chẳng qua vì má anh mới cưới. Giờ ân hận lắm phải không?
Ba Dung hơn gì tui mà anh nhớ, anh thương suốt đời vậy?
-
Vì tự ái của người lớn tui phải khổ cả đời nè. Bà mà biết gì nỗi đau của người
khác.
3.
Lo mộ phần bà Bảy xong Tư Thương quyết định ra xã xin đăng ký chạy đò. Vợ anh
cằn nhằn:
-
Người ta còn muốn xin nghỉ, anh lại đăng ký vô. Lúc ế khách lấy gì nuôi mấy đứa
nhỏ.
- Nghề của tui
là chạy đò. Chừng nào con sông này bắc được cầu tui mới bỏ nghề.
Anh đang nằm
võng, miệng nói, mắt vẫn nhắm nghiền không buồn nhìn vợ đang ngồi nhăn nhó trên
bộ ván đối diện.
- Biết chừng nào
mới bắc? Chị cau có.
- Bà đi hỏi nhà
nước, hỏi chính quyền làm sao tui biết được.Tư Thương bực bội.
Vợ Tư Thương
nghe chồng nói cứng không dám cãi.
Trong thâm tâm
Tư Thương nghĩ khi nào anh gặp được Dung, dù chỉ một lần, anh sẽ bỏ nghề. Anh
đưa đò quanh năm sớm tối, nắng mưa chỉ mong được gặp người xưa. Nhưng chẳng lẽ
anh nói ra với vợ cái lý do này. Hồi Dung mới bỏ nhà đi anh đã tìm đến hỏi thăm
tin tức nhưng không ai biết Dung ở đâu hoặc biết mà không nói. Tư Thương nhớ
Dung bao nhiêu càng giận mình bấy nhiêu. Đáng đời một thằng đàn ông yếu đuối.
Đang nằm võng,
anh nghe tiếng Năm Thành kêu ngoài cổng:
- Anh Tư ơi!
Sáng mai tui mắc kẹt chuyện nhà anh chạy tài của tui luôn nghe. Bữa sau bù lại.
- Chú vô chơi.
Tui tính lên An Thới chút đây.
Năm Thành bước
vô nhà, đánh tiếng:
- Chị Tư ơi! Cơm
chưa chị?
Không có tiếng
vợ Tư Thương trả lời, Năm Thành ghé tai anh nói nhỏ:
- Anh hay gì
không anh Tư? Chị Ba Dung về cúng bốn chín ngày cho cô Sáu. Mới về sáng nay. Ủa
mà sáng nay anh chạy đò sao không biết?
- Thiệt không
Năm Thành? Tao thấy có một sư cô đi với một cô gái, tao ngờ ngợ không dám hỏi.
- Anh lạ thiệt.
Chị Ba Dung mà anh nhìn không ra thì ai nhìn ra?
- Xuống đò lo
chạy ai để ý làm gì? Mà sao chú biết? Tư Thương hỏi nhỏ.
- Mấy người đi
đám về nói. Con mẹ trầu cau còn đồn cô gái đi với chị Ba Dung ngồ ngộ.
- Ngộ là sao? Chú
nói gì nghe bí mật quá. Biết chừng nào cổ đi không? Tư Thương bật dậy hỏi.
- Ngày mai, tui
mới tới đổi tài cho anh nè! Chừng nào chỉ xuống tui mở dây anh cứ de ra chạy
luôn. Trời! Kỳ cục cái gì? Chờ mấy chục năm giờ có dịp cứ thổ lộ đi, biết đâu
chỉ tha thứ cho anh.
- Chú nói bậy
đi. Người ta đi tu rồi.
- Anh nhớ nghe.Thôi
tui về. Tui về chị Tư ơi! Năm Thành từ giã.
Vợ Tư Thương
bước ra:
- Ủa! Chú Năm.
Sao mới ghé chơi mà về sớm vậy chú?
- Tui tới rủ anh
Tư mai đi Bình Sơn đám cưới với tui. Người ta bao chuyến, có hai anh em đi nói
chuyện đỡ buồn. Năm Thành đặt chuyện tỉnh bơ.
Xem ra kế hoạch
của Năm Thành khá hoàn hảo. Tư Thương háo hức chờ được gặp lại người xưa. Con
gái anh có chịu nhận ba không? Dung sẽ nói gì? Tư Thương nằm mường tượng điều mình
sẽ nói “ trước khi nhắm mắt má có nói “em”...À sư cô hãy tha lỗi cho má tôi. Hồi
xưa má tôi ghen với thím Năm nên không đồng ý cho tôi...Con gái! Ba là ba của
con nè! Hai chục năm qua ba không biết, hãy tha lỗi cho ba... Tôi chọn nghề lái
đò vì biết thế nào cũng có ngày...mình sẽ được gặp nhau”. Những ý nghĩ lung
tung nhảy múa trong đầu Tư Thương.
Sáng ra. Năm
Thành ngồi buồn xơ rơ trên cầu bến. Tư Thương bước vội tới:
- Sao rồi Năm
Thành? Ba Dung đâu?
- Chỉ bao đò đi
từ sớm rồi anh ơi!
Ni Sư Diệu Thiện
đã không còn lưu luyến thế tục. Người chọn cách ra đi âm thầm để người lái đò
và câu chuyện tình buồn kia ở lại với bến sông xưa.
Tư Thương biết
người lỡ chuyến đò của anh không phải là cô Thắm như chị bán trầu cau hiểu. Người
hoàn toàn im lặng, âm thầm lần tràng hạt, niệm phật giúp anh yên tâm vượt qua
sóng to gió lớn vừa rồi là ba Dung - ni sư Diệu Thiện. Đó mới là người để lại
cơn bão trong cuộc đời anh.
CAO THANH MAI (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét