Đồng bằng sông Cửu Long quê tôi ngày Tết mang những sắc màu riêng biệt không lẫn lộn với bất kỳ miền quê nào khác trên dải đất hình chữ S. Một trong những hình ảnh gắn liền với thế hệ những con người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bạt ngàn này chính là chợ Tết đồng bằng.
Chợ Tết miền Tây không giống như chợ Tết miền Bắc một thuở được Đoàn Văn Cừ phác họa qua những câu thơ phảng phất hồn quê: “Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng lẩm nhẩm đọc vài câu đối đỏ”, cũng không giống những phiên chợ tấp nập vùng cao trong tiết trời mùa xuân lạnh sắt se. Chợ Tết mỗi vùng miền một vẻ đẹp riêng biệt. Chợ trên đồng, chợ ven sông, chợ nổi ngày Tết… đã góp thêm một mảng màu tươi mới cho bức tranh mùa xuân xinh đẹp, đậm đà bản sắc Việt Nam.
Vụ gặt vừa xong, gió xuân hây hẩy lùa trong nắng. Vào thời điểm đó, những cái chợ giữa đồng bằng bắt đầu mọc lên. Chợ thường họp trên bờ sông, dưới bóng tre, bóng dừa mát rượi. Tôi thường gọi chợ đồng là chợ tứ xứ bởi người đến đây họp chợ phần đông là người thương hồ bốn phương trong hành trình lang bạt của mình đã đến đây, neo ghe lại bờ sông rồi bày hàng ra buôn bán. Chợ đồng không bán gì nhiều ngoài đặc sản miền sông, mấy tấm nilon trải lên mặt đất, bày biện nhúm ớt, mớ rau, trái bí trái bầu, mấy con vịt bị trói gô chân lại nằm ngóng đầu kêu inh ỏi. Người trong xóm cũng hào hứng mỗi khi chợ Tết tụ họp sầm uất chốn thôn dã sông đồng. Người nhà quê có con cá, con cua, giỏ tôm tươi rói vừa bắt được trên đồng lập tức đem ra chợ ngồi mời hàng xởi lởi. Cánh đồng sau nhà tôi nối tiếp với dòng sông, mỗi lần sắp Tết, cái chợ nhỏ lại mọc lên, thương hồ neo đậu buôn bán đến chiều ba mươi mới rời chợ dong ghe về quê ăn Tết. Mỗi đợt bấc ùa về những cánh đồng miền Tây là má tôi lại lên giồng trồng đậu, trồng cà, trồng thêm mấy luống cải ngồng để mỗi sớm má cắt rau mang ra chợ bán. Tôi đi theo má, trên chiếc xuồng chòng chành má chở tôi ra chợ, cùng mớ rau. Má bày hàng cạnh mé sông, dưới gốc tràm rợp bóng. Người quê tôi có thói quen làm dưa cải, dưa kiệu, dưa bồn bồn… để ăn mấy ngày Tết theo văn hóa ẩm thực của người đồng bằng, bởi thế, cải bẹ xanh, củ kiệu, bồn bồn ba nhổ dưới đìa luôn đắt khách. Chợ trên đồng thường chỉ bán thịt cá, rau củ, có khi chiếc ghe chở lô nhô những chậu hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa mai… ghé lại, người đi chợ thường chọn mua lấy một chậu mang về để trước cửa nhà với ý nghĩa: màu vàng của hoa tượng trưng cho sự may mắn, sung túc, đoàn viên.
Cũng là chợ Tết miền Tây, song chợ nổi lại mang đến cho đồng bằng một phong vị đặc sắc hơn. Chợ nổi miền Tây tồn tại khá lâu trên những dòng sông mênh mông sóng nước. Đồng bằng dần phát triển, văn hóa chợ nổi cũng dần đứng trước sự mai một, lãng quên. Người đồng bằng có lẽ không còn thiết tha mấy với những chiếc ghe lênh đênh trên sông, đò giang trắc trở. Trong bước phát triển như vũ bão của dãy đất phù sa, những người yêu sông nước, gắn bó tâm hồn mình với chiếc xuồng, chiếc ghe, với mùa nước phù sa… đau đáu khi chợ nổi chìm vào lãng quên. Họ cố gắng bám trụ tay chèo, sống trên ghe, họ nỗ lực giữ lấy chợ nổi quê mình – nét độc đáo của miền Tây sông nước. Có lẽ ngày Tết là thời điểm chợ nổi trở về đúng với bản chất được hình thành từ thuở sơ khai. Người trăm nơi đổ về chợ nổi, ghe bán hàng bông, ghe bán vải, buôn gạo, bán rượu gạo thơm lừng… Tôi có dịp đến chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) vào sáng ba mươi năm trước. Ngồi trong khoang đò ra chợ, muốn ăn hủ tiếu Nam Vang, bún cá Châu Đốc, bún mắm Sóc Trăng… thì không cần phải đi đâu mà xuồng ẩm thực cứ cập vào tận chiếc đò của tôi rồi đợi khách ăn bằng cái quạt nón lá phe phẩy chiều khách. Tôi có chị bạn ở Hà Nội, Tết, chị tranh thủ vào tận hưởng không khí Tết miền Tây. Hôm ra chợ nổi, chị không quên mua quýt Cái Bè, bưởi Năm Roi, mận đỏ Cù lao Tân Lộc… Chị khen trái cây miền Tây ngọt không nơi đâu sánh bằng. Một ngọn gió mát lành thổi ngang mang theo mùi nước sông ngòn ngọt, mùi phù sa ngai ngái và mùi chân quê rơm rạ mát dịu tâm hồn.
Lâu lắm, tôi mới có dịp trở về quê cũ. Chiếc tàu du lịch rẽ sóng xuôi dọc qua xóm chợ năm nào. Ngồi trên tàu trong một sớm mai bảng lảng khói, tai lắng nghe âm thanh nhộn nhịp của một vùng sông nước tập nập, tôi mơ hồ thấy mình của những ngày ấu thơ ngồi trên xuồng theo má bơi ra họp chợ. Thương bảo: “Chợ ở đây đông và náo nhiệt quá, mà sao thấy lòng mình bình yên đến lạ”. Tôi nhìn Thương cười: “Bình yên thật! Nhìn cảnh này sao tui nhớ mình của ngày xưa quá”. Chợ quê không đông như chợ tỉnh mà tôi được đi cùng má hồi còn bé, thưa vắng hơn, nghèo nàn hơn và cũng bình yên hơn. Sống ở thị thành lâu ngày, tôi thèm lắm mùi chợ quê thân thuộc năm nào. Nhớ đến nao lòng gánh rau bà Tư, gánh bánh chuối bánh bò nước cốt dừa béo ngậy của chị Hai Vinh, tiếng mời hàng thân thương của ông Sáu dưới gốc cây chùm ruột. Nhớ cái góc chợ quê bình dị năm nào, nhớ cả những người dân lam lũ dẫu đoạn đời nào cũng mang trong lòng những nỗi niềm u uất, những đắn đo tủn mủn chuyện áo cơm. Chợ quê của tôi ơi, bến đò sông thương nhớ của tôi ơi! Nơi tôi đã gắn bó những tháng năm thơ ấu đầu đời đẹp như một giấc mộng mà dẫu cho tôi có đi đâu cũng không thể nào quên…
Tôi trở lại chợ quê sau mấy mươi năm xa cách, đúng ngay những ngày cuối năm để nhớ để thương. Bây giờ, cảm xúc của tôi vẫn nguyên vẹn như xưa chứ không gì thay đổi, chỉ bởi nhịp sống phố phường quá bận rộn dần dần cuốn tôi vào vòng xoáy tất bật của đời, của những giấc mơ thanh xuân. Ngồi trên chiếc tàu chòng chành khỏa nước sông quê, không phải hình hài của một đứa trẻ năm nào đội nón lúp xúp trước mũi xuồng theo má ra chợ bán hàng như miền kí ức màu xanh xa ngái. Chợ quê giờ thay đổi thịt da, đông đúc hơn, rộn rã hơn và xuồng ghe cũng tấp nập hơn xưa. Tôi dáo dác tìm vẫn không nhận ra đâu là cái bến tàu sông năm nào, đâu là chố má con tôi ngồi trông hàng đợi khách, và cả cội bần già ngày xưa tôi với lũ trẻ con trong chợ rủ nhau lấu cù móc móc quả rồi ngồi chấm muối, nhai nhóp nhép ngon lành. Chiếc tàu du lịch vụt qua khỏi chợ rẽ sông xuôi về ngã khác, tôi vẫn còn ngoái lại nhìn cho đến khi hình ảnh nhạt nhòa mù khơi.
Tôi lặng người nghĩ về chợ Tết đồng bằng. Miền tây yêu thương, miền tây xinh đẹp! Bao tháng năm người chân quê vẫn giữ lấy nét riêng của quê hương xứ sở. Đất chín rồng, nơi của những dòng sông, những cánh đồng và những mùa đầy vơi con nước. Chợ quê tôi, chợ của những con người chân lắm tay bùn, lam lũ trong cuộc sống đời thường mà nặng tình nặng nghĩa với đồng quê thôn dã.
HOÀNG KHÁNH DUY
–––––––––––––––––––––
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ 20
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào mục lục <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét