Trời mưa tầm tã, cơn mưa như trận đại hồng thủy biến con
đường thành dòng sông... Dòng sông loang dầu nhớt rác rến, và hậu cơn mưa con
đường - dòng sông giống bức tranh thời đại chiến. Trên đó là cảnh tranh giành
hỗn độn để nhúc nhích từng centimet, cộng với khói và tiếng gầm gào từ động cơ
của các kiểu xe hai bánh, bốn bánh...
Quá mệt mỏi bởi một ngày làm việc trong cái hộp khổng lồ
mười mấy tầng lầu bít bùng không thấy trời đất, tới giờ được thoát ra lại đụng
phải màn chen chúc trên dòng sông - phố. Thôi đành tắt ngang vào cái hộp nhỏ
hơn mệnh danh tiệm cà phê dành cho giới “cổ cồn trắng” tìm chút bình yên.
Và bất ngờ... ở cái nơi tưởng chỉ có các giai điệu kiểu
“Chat với Mozart” mới được phép, bỗng nghe êm đềm khúc nhạc đồng quê mộc mạc:
“Theo anh em thì về... thăm lại miền quê, nơi có một triền đê, có hàng tre ru
khi chiều về”(*) Về quê - Ca khúc như tiếng gọi trìu mến đánh thức trong tôi
một ước muốn. Thật lâu rồi, tôi không về quê, bao lần biện hộ cho mình - công
việc - cái lý do mà bất kỳ ai khi muốn từ chối điều gì cũng vịn vào đó để khỏa
lấp tất cả.
Về
quê...
Quê
tôi nổi tiếng với mỹ danh “Tây đô”, nơi miền gái đẹp, là đất “gạo trắng nước
trong”, có dòng sông Hậu mênh mông đem phù sa phì nhiêu màu mỡ nuôi cả một vùng
châu thổ trù phú. Về quê... Ra khỏi thành phố, chợt như thấy người nhẹ bỗng,
quay hết cửa kính xe xuống cho gió lùa vào mát rượi, mùi xăng dầu bụi bặm cuốn
xa, không ồn ào chật chội bức bối nơi thành phố.
Về
quê...
Một
niềm xúc động dâng trào, là con tim nhộn nhạo chộn rộn như trẻ nít lần đầu đi
chơi xa.
Về
quê...
Mùa
này quê tôi vào mùa lũ, nước lớn, bầu trời đầy mây như chực chờ đổ xuống cơn
mưa. Dọc hai bên đường chỉ thấy nước là nước. Những cụm lục bình trôi vùn vụt
theo dòng nước xiết, thỉnh thoảng có mấy đám lẻ loi nhỏ nhoi xoáy tròn dùng dằng
muốn ở lại, nhưng rồi không cưỡng được với sức nước, cứ trồi hụp mà lao đi.
Bâng
khuâng nghĩ về số phận con người, đâu đó thi nhân cũng hay ví von đời người như
cánh lục bình ba chìm bảy nổi chín lênh đênh không bờ bến. Mơ màng với mấy cánh
lục bình, chưa kịp nhớ được câu thơ nào của ai, lại như một chuyển cảnh đời
sông nước, vài chiếc ghe tam bản trên dòng lững lờ buông câu. Phía trước mui, mấy
đứa trẻ giỡn chơi tỉnh không như chẳng hề màng tới mối đe dọa ẩn chứa của mênh
mông nước.
Và có
lẽ mỗi mùa lũ là mỗi mùa thử thách để họ lớn lên, luyện rèn một bản lĩnh đối diện
với cuộc đời sóng gió, vững vàng trước mọi chông gai, để tồn tại và mưu sinh
trên sông nước... Sông Hậu, bình thường đã thấy mênh mông, vào mùa lũ dòng sông
như rộng thêm nhiều lần, nước chảy như xiết hơn. Những cuộn sóng hình như cao
hơn, cây cối bên bờ sông xa mờ tít tắp, nhưng dòng sông vẫn mang dáng vẻ hiền
hòa, không gợn chút gì đe dọa ai phải sợ.
Có lẽ
tất cả những dòng sông đất Việt, không riêng gì sông Hậu quê tôi, đều ẩn chứa
trong mình sự dịu dàng êm đềm hiền như lời ru, cho bất kỳ người nào có dòng
sông trong tim mình để nhớ, để thương, để quay trở về... Ừ! Chỉ mới xa thành phố
có tí xíu, mới chạm vào sông quê mà ta đã thành người khác, mơ mộng, đa cảm...
Về
quê...
Tôi
được đón tiếp nồng hậu chân tình, tình cảm người miệt vườn chân quê ngọt ngào
tròn đầy như chính vị ngọt thơm thảo cây trái trong vườn nhà. Tôi cứ muốn chảy
nước mắt vì xúc động. Ơ nơi thành phố dường như tôi đã quên cảm giác ấm áp tình
người như thế này. Cũng đúng thôi, ngày nào cũng là sự lặp đi lặp lại một nhịp
điệu được lập trình sẵn. Ngay cả câu chào nhau đầu ngày của đồng nghiệp cũng giống
công thức vô cảm, và để bù lấp khoảng trống thiếu thốn tình người thì chỉ biết
cắm đầu vào màn hình tìm những quan hệ ảo...
Về
quê...
Cánh
đồng mùa lũ nước đã tràn bờ. Lúa đã được gặt sớm. Vài cụm lúa ma phất phơ như
thách thức, nước tới đâu theo tới đó. Sức sống người miền quê y như thế, không
có gì làm họ khuất phục được. Lũ con nít trứng gà, trứng vịt đứng trên ghe, xuồng
đi học tỉnh rụi như chẳng để nước ngập mênh mông.
Đọc
báo, nghe đài, xem ti vi, thấy hoài những tin trẻ con vùng lũ bị chết vì nước
cuốn, nay tim cứ thon thót khi nhìn lũ trẻ vô tư hồn nhiên vui đùa trong dòng
nước. Có lẽ chúng quá quen voliws mỗi năm con nước đều trở lại, và với chúng cảnh
này chỉ là trò chơi mùa nước nổi. Tôi lại thầm liên tưởng tới các em bé “cậu ấm
cô chiêu” nắng không ưa, mưa không chịu ở thành phố. Chẳng xa mấy tí khoảng
cách địa lý nhưng lại thấy vời vợi đến bao tầm. Tương lai... biết đâu chừng lũ
trẻ miền quê sông nước này sẽ cứng cáp hơn người thành phố.
Buổi
trưa hừng nắng, một con nắng hiếm hoi vào mùa này khi mà những cơn mưa trắng trời
mù đất “ông tha-bà không tha” liên tục trút xuống dâng nước tràn bốn bề, ánh nắng
đổ xuống tàn cây tan ra từng mảnh biến thành từng cụm hoa nắng in trên mặt đất ẩm...Tôi
tha thẩn ra dòng sông nhỏ là nhánh chính của sông mẹ - sông Hậu, ngắm sông mông
lung nghĩ vẩn vơ. Ô rô, cóc kèn, dừa nước lùm xùm xanh rì hai bên bờ.
Đâu
đó xa xa nghe giọng hò, rồi tiếng nước lõm bõm, tiếng hát gần hơn, một chiếc xuồng
ba lá như chui ra từ đám dừa nước. Trên mũi xuồng, một dáng thôn nữ áo bà ba,
nón lá, rất đặc trưng của quê tôi, vừa khua mái chèo vừa hò hát tự nhiên. Chiếc
xuồng lướt qua, tôi nhận được nụ cười duyên đẹp đến xao động, và không khỏi buột
miệng: “Ồ, bông điên điển”.
Chiếc
xuồng chở đầy thứ bông - một loại “rau” đặc sản mùa lũ miền sông nước Tây Nam Bộ.
Bông điên điển nấu canh chua tôm, bông điên điển làm dưa ăn với cá kho tiêu,
bông điên điển ăn sống với mắm kho... Thèm nhiểu nước miếng, ở thành phố làm
sao có được để thưởng thức.
Nghĩ
tới ăn uống, không thể quên chợ nổi ngã bảy Phụng Hiệp, mùa này cơ man là rắn.
Từng nghe ngoài Hà Nội có làng Lệ Mật nổi danh rắn “danh bất hư truyền”, nhưng
so với nơi đây không thấm tháp. Rắn phải tính bằng “tấn”, chứ không tính “con”,
đủ chủng loại, màu sắc, kích cỡ... Ai yếu gan không nên đi chợ này bởi chỉ nhìn
đã run cả người. Thịt rắn ở đây dưới bàn tay phù phép của các bậc “dao - thớt”
có thể chế thành hàng trăm hương vị khác nhau, đến cả vảy da rắn còn biến thành
món “chiên xù giòn” cho dân nhậu lăn lóc quên chết...
Về
quê...
Sân
chim chỉ cách nhà nội tôi mấy vuông đất, một thế giới bay bổng của giai điệu từ
những cư dân bầu trời, nơi bình yên của những tổ ấm xinh xinh ẩn trong lùm cây
trái. Chiều về, khi nắng dần tắt hắt màu hồng tím lên mặt nước sông, từng đàn
chim như những mũi tên nhỏ vạch vào khoảng không, và vẽ vòng tròn nghiêng dần xuống... rồi mất hút trong vòm lá, chỉ còn nghe tiếng
líu ríu vui tai.
“Đất
lành chim đậu”, ở nơi này có lẽ không ai có thể nghĩ tới điều ác, mà những kẻ
ác cũng dễ thành hiền lương. “Giấc mơ ông lão vườn chim”, lan man nhớ tới tác
phẩm của nhà văn Anh Đức. Ngày xửa ngày xưa khi bom đạn cày xới vùng đất này,
ông lão vườn chim chỉ ước mơ một ngày bình yên không bom đạn khói súng, cho lũ
chim bay về làm tổ... Còn hôm nay, bình yên, không tiếng bom tiếng súng, nhưng
Ông lão chủ sân chim cười buồn buồn với tôi khi hỏi: “Ông mơ gì?”. “Cô ơi, tôi
chỉ mong người ta tha cho lũ chim, đừng biến chúng thành đặc sản trên đĩa trên
bàn, tội lắm”... Thời nay, cái gì cũng trở thành “đặc sản”, đến côn trùng sâu bọ
còn được bày lên thành “mỹ vị” nói gì lũ chim chóc non tơ hấp dẫn này. Cảm
thông nỗi buồn của ông lão, chia sẻ nỗi lo của ông mỗi chiều ngầm đếm xem có
thiếu đàn nào...
Nếu
như tôi cũng có một giấc mơ, tôi mơ mang được tiếng hót và những cánh chim trời
này về thành phố.
Về
quê...
Ngọt
ngào, ấm áp, đầy ắp cảm xúc tình người, tình đất, tình quê, những món quà tặng
mộc mạc chân tình mà thấm đẫm tràn trề như sông nước. “Theo nhau ta thì về, nơi
mẹ đưa nôi, nơi sáo diều chơi vơi, có dòng sông bên lở bên bồi... Nơi bền lâu
là nơi thâm sâu, thiếu quê hương... ta về đâu...”(*).
Giai
điệu tha thiết âm vang trong tôi, lời hẹn...
Về
quê...
Hoài Hương
__________________________________________
(*)Trích ca khúc
“Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét