Có
lẽ trong tâm thức của người An Giang thì Long Xuyên mãi mãi là một thành phố
trẻ. Mặc dù hôm qua, hôm nay, nhan sắc của người thiếu nữ Long Xuyên ấy đã ít
nhiều thay đổi, và ngày mai hẳn sẽ còn nhiều hơn nữa những đổi thay. Có hề chi!
Biến đổi thế nào đi nữa, phát triển kiểu gì đi nữa, nhứt quyết vẫn phải trẻ
trung, vẫn phải năng động. Dẫu đang ở một một góc lặng lẽ của đồng bằng, xưa
nay vốn được biết đến như là nơi im lìm cùng trời cuối đất. Nhưng, có hề chi!
Có
hề chi! Hãy thử nhìn lại những gì mà Long Xuyên đã có được dọc theo chiều dài
lịch sử. Từ một trong những vùng đất được khai phá muộn nhứt ở miền Nam, vậy mà
đã nhanh chóng định hình và phát triển với tốc độ vượt bật, nhứt là trong
khoảng gần một thế kỷ qua. Từ một vùng đất ít dân, nghèo khó, chợ búa kém phát
triển, đã vươn mình trở thành một đô thị mang tầm vóc lớn trong khu vực.
Tôi yêu Long Xuyên tha thiết
như một người tình nhân. Khi đừng ở bến phà An Hòa bên nầy sông Hậu nhìn sang,
tôi biết mình đã về đến quê nhà. Bên kia sông là Long Xuyên! Bên ấy, một thành
phố vừa chớm tuổi mười lăm, rất tinh nghịch, rất sôi nổi, nhưng cũng quá đằm thắm
và dịu dàng. Khi thấy trước mắt là cổng chào thành phố Long Xuyên hiện ra,
trong tôi rộn lên bao cảm xúc về quê nhà. Đơn giản
mà ấn tượng với hai chữ AG cách điệu, cổng chào đó từ bao giờ đã trở
thành niềm tự hào và nhung nhớ của bao người An Giang?
Những ai lần đầu đến với Long
Xuyên hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi vào trung tâm thành phố phải qua gần chục
cây cầu bắc ngang các con rạch nhỏ và khó có thể nhớ hết được tên chúng. Đó là
những rạch Cái Sắn, Cái Dung, Cái Sao, Bà Thứ, Gòi Bé, Gòi Lớn, Tầm Bót, Cái
Sơn… Phải chăng vì nhiều kinh rạch, cầu ngang, nên mọi người không cần phải đi
nhanh, cứ chậm rãi để quan sát nhịp thở phố phường? Nếu vậy thì đây cũng có thể
xem là một nét đặc trưng hết sức đáng yêu của “thành phố miệt sông” nầy.
Lòng nhẹ nhàng biết bao khi đi
qua Mỹ Thới - cửa ngỏ vào thành phố. Con đường đã để lại nhiều ấn tượng trong
tôi và có lẽ cho cả những ai đã từng một lần qua. Nó hội đủ những nét nên thơ
và yêu kiều như người con gái Long Xuyên thùy mỵ. Đường xá nhìn chung khá
thoáng đãng, rợp bóng cây xanh mát. Những dãy phố khang trang, những
ngôi nhà tân thời nằm xen lẫn với những kiến trúc cổ kính tạo nên nét sang
trọng mà gần gũi. Đi trên đường
phố Long Xuyên, không khó để cảm nhận được không khí yên bình mà có lẽ không
nhiều thành phố có được như thế.
Dĩ
nhiên, quang cảnh phố xá bình dị và diễm kiều đó không chỉ Long Xuyên mới có.
Song nếu so sánh với các thành phố khác, tin rằng Long Xuyên vẫn có sự thu hút
riêng, với những nét rất riêng, rất đặc trưng, và rất… Long Xuyên. Trong bút ký “An Giang một vùng cổ tích
phương Nam”, tác giả Lương Thư Trung nhận xét: “Đường phố của Long Xuyên khang trang với những dãy phố chạy dài cùng một
lối kiến trúc giống hệt như nhau, không cao, không thấp, không trồi, không sụt
như những bộ đồng phục mà bạn không thấy bất cứ nơi thị tứ nào mà bạn đã đi qua
vùng đồng bằng miền Tây”.
Ở trung tâm thành phố có “ngã
tư Đèn Bốn Ngọn”, trước kia trụ đèn có bốn nhánh, ngày nay trên đỉnh được lắp một
chùm đèn lớn với nhiều bóng tròn, nên người Long Xuyên thường nói vui: “Người
Long Xuyên không biết Đèn Bốn Ngọn có bao nhiêu ngọn”. Một vài kỷ niệm nhỏ và đẹp,
có lẽ là những ngày lang thang ở Mỹ Xuyên, đi sâu vào vùng ngoại ô để tìm khung
cảnh thanh bình. Nơi đó, màu sắc đô thị vẫn còn nhưng lại xen vài nét chấm phá
miệt vườn, không khí nửa phố nửa quê ở chốn giao thoa ấy rất dễ thương mà khó
lòng diễn tả trọn vẹn bằng ngôn từ nếu chưa đặt chân đến. Có phải là một ký họa
rất riêng dành cho Long Xuyên?
Nhưng Long Xuyên không chỉ đẹp
với một Mỹ Thới đài cát, một Mỹ Xuyên sâu lắng, mà còn có một Mỹ Long sôi động,
một Mỹ Bình trữ tình, và bao nơi nữa… Nội ô thành phố nhìn chung có cảnh quan
khá đặc biệt, chia làm hai phần ở đôi bờ sông Long Xuyên. Bờ Bắc tập trung phần
lớn các cơ quan hành chánh, khá trầm lặng mà nên thơ. Bờ Nam náo nhiệt, chủ yếu
là khu kinh tế, thương mại, dịch vụ… tập trung những công ty, xí nghiệp, cơ sở
buôn bán lớn nhỏ.
Mỹ Long như một mảng màu nổi bật
giữa lòng thành phố hiện đại. Mỹ Long (trước kia là thôn Mỹ Phước) đã đảm nhận
vai trò trung tâm kinh tế của Long Xuyên hơn hai thế kỷ qua qua. Công trường
Trưng Nữ Vương là điểm nhấn chính của phường Mỹ Long, nơi tổ chức nhiều sự kiện
ngoài trời của tỉnh An Giang. Phía trên là Nhà việc Mỹ Phước được xây từ thời
Pháp và gần như giữ nguyên kiến trúc ban đầu dẫu qua bao lần thay tên đổi chủ,
trở thành chứng nhân lịch sử của thành phố.
Đến viếng Đình Mỹ Phước trầm mặc
bên bờ Hậu giang, ta thắp nén nhang tưởng nhớ những tiền nhân mở đất lập làng để
có Long Xuyên phồn thịnh ngày nay. Đến đây còn để chiêm ngưỡng kiến trúc truyền
thống có giá trị nghệ thuật cao, nội ngoại thất hài hòa và sắc sảo. Gần đó có
hai kiến trúc mang đậm phong cách người Hoa là Bắc Đế miếu và chùa Quảng Tế,
riêng chùa Quảng Tế từng là nơi cụ Phan Bội Châu ghé lại trên đường Nam du vào
năm 1904.
Long Xuyên xưa có tên là Đông
Xuyên, không biết từ khi nào đổi thành Long Xuyên, ai chủ trương đổi tên hay do
đọc trại? Chỉ biết trước khi chiếm miền Tây (1867), Pháp đã vẽ bản đồ Nam kỳ
năm 1863 và chú thích “chợ Long Xuyên”. Nếu ngày xưa chợ Đông Xuyên kém phát
triển, không được nhắc đến trong “Đại Nam nhứt thống chí” khi nói về các chợ lớn
ở An Giang, thì ngày nay chợ Long Xuyên là trung
tâm thương mại trọng điểm của đồng bằng, đầu mối giao thương hàng hóa sầm uất
nhứt nhì miền Tây.
Cùng
chèo xuồng ra sông Hậu, ta được sống trong không khí sinh hoạt đặc thù của người
miệt sông. Chợ nổi Long Xuyên gần bến phà An Hòa cũng là một đầu mối nông sản lớn
của vùng, tập trung hàng trăm ghe xuồng buôn bán huyên náo trên sóng nước. Ai
bán gì sẽ treo món đó trên cây sào cao gọi là “bẹo” để khách nhận biết. Ngoài
nông sản, chợ nổi còn có các món ăn bình dị được làm từ bàn tay khéo léo của phụ
nữ Long Xuyên và bày bán trực tiếp trên xuồng.
Rồi ta lại sang Mỹ Bình. Hai
phường Mỹ Long và Mỹ Bình nối nhau bằng hai chiếc cầu sóng đôi là cầu Hoàng Diệu
và cầu Duy Tân. Sông Long Xuyên chảy đến Mỹ Bình vẽ một đường cong lả lướt và
quyến rũ trước khi đổ ra sông Hậu. Phường có vị trí đặc biệt, nằm trên cù lao
giữa sông Long Xuyên và sông Hậu nên cảnh trí thơ mộng, không khí mát mẻ. Mỹ
Bình không quá ồn ào, sôi động, sự yên bình vừa đủ để có thể cảm nhận vẻ đẹp của
thành phố qua từng lát cắt nhỏ.
Đi sâu về phía sông Hậu, hồ
Nguyễn Du hiện ra như lung linh như giọt sương còn đọng trên đuôi lá khi nắng
mai vừa ửng. Như bao người trẻ Long Xuyên, tôi thích lang thang hay ngâm nhi ly
cà phê ven hồ Nguyễn Du. Hồ nằm cặp sông Hậu, thực chất là một nhánh sông bị bồi
đắp rồi tách dần với sông, người ta tận dụng lợi thế nầy để nạo vét thành
hồ cảnh quan. Hai con đường Nguyễn
Du và Lê Lợi chạy song song bên hồ với những hàng cây xanh cao vút, bên cạnh là công viên bờ kè ven sông.
Người ta thi vị hóa hồ Nguyễn
Du bằng câu chuyện về đôi tình nhân gặp trắc trở đã cùng nhau gieo mình xuống hồ
để mãi được bên nhau. Hoặc câu chuyện về cặp tình nhân xa cách nhau vì chinh
chiến, cô gái lâm bệnh nặng, trước khi lìa đời đã thả một đồng tiền xuống hồ
Nguyễn Du để cầu nguyện cho người yêu. Từ đó, những bạn trẻ hò hẹn bên hồ cũng
thả xuống một đồng tiền để mong những điều tốt lành cho đôi lứa. Những câu chuyện
nửa thực thửa hư, càng làm cho Nguyễn Du hồ thêm huyền ảo, điệu đà. Tác giả Võ
Thị Xuân Đào xúc động viết: “Nguyễn Du
thành nơi hò hẹn, Nguyễn Du hồ thành hồ tình lụy của thi nhân, và bờ Hậu Giang
thành thần linh cho những đôi tình nhân chỉ nhau thề nguyền”.
Đứng ở đây nhìn sang, có thể
thấy cồn Phó Ba với những xóm chày lưới, cù lao ông Hổ xa xa với những vườn cây
bạt ngàn. Dưới sông nhiều xuồng ghe qua lại, những giề lục bình trôi thành hàng
dài vô tận, trên nền trời thỉnh thoảng vài chú chim bất chợt sà xuống rộn vang
cả mặt sông. Những trải nghiệm đó sẽ khiến khách phương xa hiểu vì sao báo chí
khen ngợi đây là một trong những công viên đẹp nhứt miền Tây.
Nhớ Long Xuyên, còn là nhớ những
ngày món ăn đã “lượm lặt” được qua bao ngày rong ruổi các phố phường. Ẩm thực tại
Long Xuyên với nhiều món hấp dẫn khó có thể bỏ qua. Tuy nhiên, xin mách nhỏ rằng
người An Giang thích gọi “ăn hàng” hơn là “ẩm thực”. Ăn hàng ở Long Xuyên nên
ăn ở chợ, vỉa hè, hàng rong thì mới đúng phong vị, đúng cá tánh Long Xuyên.
Không khí sang trọng, kiểu cách của các quán ăn, nhà hàng ít nhiều làm mất đi
những đặc trưng đó.
Ăn hàng ở Long Xuyên, hãy thử
những món như: cơm tấm, bún cá, bún mắm, lẩu mắm, lẩu cua, lẩu trâu, lẩu bò,
bánh tằm bì, bánh khọt, bánh ướt, mì xào giòn, gỏi cuốn, cháo lòng, xôi nước dừa…
Chúng chưa phải là đặc sản - vì nơi khác cũng có, nhưng là đặc trưng - bởi cách
nấu, cách ăn, hương vị, hình thức… ở Long Xuyên có những nét riêng không giống
các vùng miền khác.
Cơm tấm Long Xuyên hạt rất
nhuyễn, thịt không nguyên miếng mà cắt thành sợi nhỏ. Bánh khọt Long Xuyên dạng
trung, lớp vỏ bột vàng nghệ, lớp nhân nước cốt dừa rất béo, không sử dụng thịt
hay tôm như miền Đông. Bún cá là món rất thịnh hành và nổi tiếng ở Long Xuyên,
đến độ người Long Xuyên thường hay nói vui nhưng cũng không kém phần tự hào rằng:
“Người Long Xuyên có thể ăn bún cá thay cơm, thậm chí có thể nằm mơ thấy… bún
cá”. Các món còn lại cũng là những món khoái khẩu của người Long Xuyên, thực
khách có thể tự trải nghiệm để rút ra nhận xét riêng mình.
Tôi không quên nhắc đến một thức
uống đặc biệt ở Long Xuyên: cà phê. Rất nhiều tỉnh thành ở miền Tây bán một loại
nước đầy chất tạo màu, tạo mùi để nó trở nên đen thui, đặc sánh, thơm bưng và
béo ngậy mùi bơ, rồi gọi tên nó là cà phê. Trong khi đó, Long Xuyên là một
trong số ít những thành phố ở miền Tây mà ta có thể tìm được ly cà phê nguyên
chất đúng nghĩa!
Người Long Xuyên hiền hòa, trọng
đạo nghĩa, trọng tình cảm nhưng không đãi bôi, ghét hay thương bày ra cả gan ruột.
Trong lao động, họ là những người chịu khó và giỏi giang trong nhiều ngành nghề
truyền thống, nhưng cũng năng động và hội nhập. Miền sông nước có câu “Tự nhiên như người Long Xuyên” không biết
chỉ đơn giản là câu nói bắt vần chơi cho vui hay mang ý nghĩa thực sự như thế?
Song, có lẽ cũng phản ánh phần nào tánh cách người Long Xuyên hay An Giang nói
chung.
Người Long Xuyên có lối sống
mang đậm tính chất thị dân rõ rệt, họ dễ thích nghi nhanh chóng với những thay
đổi của đô thị và xây dựng được văn hóa đô thị khá linh động. Nếu ta thấy diện
mạo của thành phố Long Xuyên khá ngăn nắp và trật tự, thì nếp sống thị dân ở
đây cũng ngăn nắp và trật tự như vậy, ít có sự xô bồ xôn bộn trong sinh hoạt. Vấn
đề vệ sinh và giao thông góp phần làm nên bộ mặt thành phố, nên Long Xuyên thực
hiện nghiêm túc và hiệu quả. Những điều nói trên, nhiều đô thị trong tỉnh hoặc
trong khu vực vẫn còn khá è ạch.
Long Xuyên không quá rộng lớn,
tấp nập, nhưng lại mang một dáng vóc riêng, phóng khoáng, trữ tình. Thành phố
có nhiều kinh rạch, nhiều cầu, nhiều chợ, và cũng nhiều điểm dừng chân rất ư
lãng mạn. Nếu phải miêu tả ngắn gọn nhứt về Long Xuyên, tôi sẽ không đắn đo mà
chọn hai chữ: yên bình. Người ta hay gọi Long Xuyên là
thành phố trẻ dẫu trải qua không ít sự biến chuyển, tin chắc rằng Long Xuyên
vẫn sẽ giữ được những nét lịch lãm đáng yêu rất riêng của mình.
Cứ
trẻ mãi nhé, Long Xuyên ơi! Để mỗi lần đi xa trở về, tôi lại đứng bên nầy phà
An Hòa nhìn sang và thổn thức. Bên kia sông, có thành phố tôi yêu!
Vĩnh
Thông
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét