Lâu lắm rồi mùa đông Nam bộ mới có đợt lạnh như thế nầy. Theo khoa học là dưới 20 độ, theo dân gian là… ai cũng phải khoác chiếc áo ấm lên người dù ở trong nhà hay đang đi ngoài phố hoặc lao động trên đồng ruộng.
Những chiếc áo ấm mà người Nam bộ thường gọi là áo lạnh, áo len, áo gió… đủ màu sắc được dịp tung bay trên đường với chủ nhân của nó. Những chiếc áo bấy lâu nay nằm im với nỗi buồn thời tiết. Mỗi năm gió bấc về, những chiếc áo nôn nao cựa mình như muốn vượt ra khỏi ngăn tủ nhỏ hẹp để được thở với khoảng trời mênh mông. Nhưng cái lạnh vừa chớm đã vội tàn, chủ nhân không buồn nhìn tới nó, mặc cho lớp bụi thời gian ngày một dày thêm.
Năm nay gió bấc đến hẹn lại về như mọi năm, vẫn là làn gió cuối thu trở ngọn se se lạnh rồi tan đi trong những cơn mưa cuối mùa. Trời tiếp tục oi bức với những vầng mây xám che kín cả bầu trời. Rồi những cơn mưa rào xua đi sức nóng, những cơn bão từ biển đông tạo thành vùng áp thấp nhiệt đới lùa vào thềm lục địa Nam bộ từng cơn mưa dai dẳng. Cứ tưởng cơn bấc nhẹ sẽ kéo theo mùa đông non đi qua như những năm trước. Nào ngờ, vừa qua tháng mười âm lịch ít ngày, dương lịch bước vào hạ tuần để chào mùa Noel mới thì bỗng dưng trời chuyển lạnh, lạnh đến rét run người nếu không nhờ đến những chiếc áo ấm. Cái lạnh làm tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình. Đêm đêm ngồi trước ngọn đèn dầu học bài phải trùm thêm cái mền mà còn run, trong khi má tôi và mấy đứa em thơ đang đốt đống lửa ngoài sân để sưởi. Giáp Tết, gần như nhà nào trong xóm quê của tôi cũng nướng bánh phồng nếp. Người già, trẻ con quây quần quanh ngọn lửa, vừa nhai bánh phồng vừa sưởi ấm. Hương vị bánh phồng khó phai trong ký ức, vừa dòn dòn ngọt ngọt vừa phao phao trong cổ họng đã làm nên kỉ niệm một thời mà dù xa quê đằng đẵng mấy chục năm trời ta vẫn không quên được. Điều thú vị là bánh phồng phải nướng bằng lửa ngọn. Ngọn lửa khi vàng khi đỏ bập bùng trong sương lạnh nhưng hơi ấm lại lan tỏa vào tận đáy lòng. Một mùi thơm mộc mạc như rơm như cỏ nhưng sao cứ quấn quít vào tuổi thơ của mỗi người một nỗi nhớ, một niềm yêu kỳ diệu.
Cái lạnh làm nên kỉ niệm tuổi thơ đó dường như mất biệt mấy mươi năm qua. Chỉ có những năm vào dịp giáp Tết vì công việc phải ở lại miền Bắc mới cảm nhận được cái lạnh như thế. Phương Nam như nóng dần lên, cái lạnh chợt đến chợt đi không để lại một ấn tượng gì. Mùa đông cũng không còn rõ rệt là mùa đông.
Mùa đông phương Nam bây giờ chỉ có bầu trời u ám hơn mùa hạ, mát mẽ hơn so với mùa thu và giúp người ta khao khát chút nắng ấm mùa xuân.
Bây giờ cái lạnh đột ngột trở về, phương Nam bỗng dưng nhiều thay đổi. Mùa Noel như có ý nghĩa hơn trong cơn giá buốt đúng nghĩa của mùa đông. Không khí đón Tết cũng đậm đà thú vị hơn. Người ta lục lọi từ trong tủ lôi ra những chiếc áo ấm tưởng mãi ngủ vùi theo năm tháng và thấy nó lạ lẫm, tinh khôi như mới mang từ cửa hàng về. Thậm chí có người tỏ ra thích thú với những món đồ bị coi là phế phẩm nay đột nhiên trở thành hữu dụng và bắt mắt. Khu chợ đồ cũ trước nhà tôi xôn xao với nỗi giá lạnh cùng tiếng reo vui của những chủ sạp hàng: Trời lạnh dữ rồi, bán được hàng rồi! Ngôi chợ mà người địa phương gọi là chợ Nghĩa Địa, khách xa gọi là chợ Si Đa, nhộn nhịp hẳn lên. Những kiện hàng được khui liên tục và hết ngay sau đó. Thậm chí hàng tồn kho mấy năm trước giờ cũng được bạn hàng đến gom sạch. Bán sỉ, bán lẻ, đủ kiểu, đủ cở và đủ hạng người kéo đến khu chợ khuấy động một mùa đông sau mấy mươi mùa đông đã đi qua biết bao đời người trong vòng nhân thế quá nhiều biến đổi. Bây giờ mới biết người ta yêu mùa đông, thích giá rét đến như vậy. Hình như thiếu mùa đông thì ba mùa còn lại cũng nhàn nhạt, giảm đi sức thu hút cảm xúc của con người.
Miền Nam đã quen với hai mùa mưa nắng, nhưng không phải là không có mùa đông. Bốn mùa ở đây không rõ rệt, không nhất định về mốc thời gian nhưng tiết trời vẫn biểu hiện, khi ngắn khi dài, khi nhạt khi đậm cho một mùa. Đặc thù của phương Nam là có những hiện tượng kỳ thú theo mùa, tạo nên một dấu ấn trong sinh hoạt mùa màng. Vào đông là mùa nước rút và cuối đông là mùa gặt lúa chuẩn bị đón xuân. Qua Tết là mùa đìa, tát nước bắt cá trên đồng để bước vào mùa hạ là xuống giống. Thời điểm xuống giống là dịp Vía Bà Chúa xứ núi Sam, hiếm có năm nào không mưa, nên xuống giống lúc nầy cũng là để đón mưa cho hạt lúa nẩy mầm, xòe lá. Đầu mùa thu trời đổi ngọn từ gió nam qua gió chướng kéo theo những cơn mưa tầm tả cho nước lên. Đây là mùa đánh bắt thủy sản trên đồng, rồi xuống sông rạch, sôi nổi một mùa cá tôm, làm khô, ủ mắm khắp thôn làng. Vòng tuần hoàn nhân gian quá quen thuộc với người dân Tây Nam, tạo nên một nếp sinh hoạt nhịp nhàng không cần phải giở lịch.
Những năm gần đây, thời tiết thay đổi, khí hậu bất thường, xáo trộn sinh hoạt, thậm chí làm đảo lộn bài bản sản xuất. Giữa mùa đông, trời đất đã đi sâu vào lòng bấc lạnh mà những cơn bão cứ nối nhau tiến vào lục địa không ngơi nghỉ. Ngày xưa những cơn bão còn cách nhau năm, bảy ngày; bây giờ nối đuôi nhau chẳng dứt. Thuở nào bảy, tám cơn bão một năm; bây giờ lên tới mười lăm, mười sáu. Trái đất như lâm bệnh, môi trường sống ngày một xấu đi với những đổi thay khác thường, trái qui luật.
Mùa đông thực sự đã quay về phương Nam, mọi người hân hoan đón nhận bằng tất cả cảm xúc với cái lạnh tưởng chỉ còn trong ký ức. Nôn nao sống lại cùng những ngày bấc lạnh, những hạt sương bay, những cơn mưa phùn đầy mơ mộng và thi vị. Cảm giác thèm hơi ấm ngọn lửa, một chút nắng vàng, một bàn tay nắm, một ánh mắt long lanh đang rạo rực trong lòng. Ngày Noel và Tết Nguyên đán năm nay trời đất đang khoác chiếc áo mới sặc sỡ của trần gian, hưng phấn mang theo niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.
Sau nhiều ngày thỏa mãn với hương vị mặn và ngọt dịu dàng, bây giờ thưởng thức một chút men chua, thú vị lắm chứ!
TRỊNH BỬU HOÀI
––––––––––––––––––
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ 20
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào mục lục <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét