Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Ba tôi sinh
ra trong một gia đình nông dân, là con trai lớn nên gánh vác mọi công việc gia
đình, nhất là khi ông bà Nội tôi già yếu và các chú tôi phải đi xa vì nước nhà
ly loạn. Ba tôi làm đầu tắt mặt tối để nuôi anh em tôi, ông bà Nội tôi và cả vợ
con của hai người chú tôi. Nông dân thì gắn chặt cuộc sống của mình với mảnh
đất, Ba tôi cũng gắn chặt cả cuộc đời mình với đất. Đất ông Nội tôi khẩn hoang
để lại vài chục mẫu, một mình Ba tôi phải cán đán từ cày bừa gieo sạ, chăm sóc
cho đến thu hoạch, khi nào cao điểm làm một mình không xuể ông mới mướn người
phụ giúp, như khi cắt, đạp, vận chuyển lúa về bồ. Ngày xưa cắt lúa bằng lưỡi
hái, người giỏi lắm mỗi ngày chỉ gặt được một công rưỡi. Đạp lúa bằng bò. Lúa
được cột bằng dây rơm thành từng bó vừa người vác, đặt tròn trên sân rộng rồi
dẫn bò từng cặp đi lòng vòng đạp cho lúa rụng hạt. Nếu sân lúa lớn người ta
dùng nhiều đôi bò đạp cho nhanh. Bò đạp một hồi dừng lại nghỉ xả hơi, người ta
dùng mỏ sảy xốc rơm cho lớp bông lúa còn nằm dưới trồi lên trên rồi tiếp tục
dẫn bò đi đạp đến khi sạch hạt. Có khi đạp lúa từ chạng vạng cho tới hừng sáng
dưới ánh trăng vàng bàng bạc. Nửa đêm tạm nghỉ giải lao bằng nồi cháo khuya,
lai rai vài ba xị đế, xách đờn ra làm vài câu vọng cổ hoặc bản vắn. Tiếng hát
vang xa trên cánh đồng mông quạnh, gợi lên một hồn quê xa thẳm. Tôi thường theo
Ba ra đồng để ông sai vặt, lúc rảnh nằm trên đống rơm vàng mà ngắm trăng vàng,
thả hồn mơ mộng thật thú vị. Cực khổ nhưng vui, có lẽ vì thế mà mỗi khi có dư
dã là Ba tôi mua thêm đất hoặc nông cụ sản xuất, để quanh năm bán mặt cho đất
bán lưng cho trời. Ngày xưa nuôi bò, sau nầy cơ giới hóa thì sắm máy cày, để
cày bừa khỏi phải thuê mướn ai. Ông phải gánh lấy toàn chuyện cực nhọc. Mấy năm
lụt lội, đồng mênh mông nước kéo dài không còn một cọng cỏ, bầy bò nhai dần
cũng sạch cây rơm dự trữ, anh em tôi lúc đó mới trên dưới mười tuổi cũng theo
ông bơi xuồng ra sông Cái (Hậu Giang) tìm những bè trấp từ trên Campuchia trôi
xuống, trầm mình trong dòng nước rút từng cọng cỏ ống còn tươi bỏ lên xuồng chở
về cho bò ăn. Bè trấp là những giề cỏ rác hỗn hợp trôi bồng bềnh trên mặt sông,
mang theo mọi thứ có thể vướng vào trên đường nó đi, kể cả trăn, rắn, rùa, đĩa,
cua, ốc… thậm chí xác súc vật. Có khi gặp phải rắn độc ẩn mình trong bè trấp
phóng ra, bỏ mạng như chơi. Rắn thì đôi khi mới gặp, thường nghe động chúng
trườn xuống nước đi êm; chỉ có kiến lửa, kiến vàng là đại họa, chúng đóng từng
ổ lớn trên bè trấp, vô tình rút cỏ làm vỡ ổ chúng túa ra trên mặt nước rồi đeo bám
lên đầu cổ mình mà cắn, lội thoát thân không kịp, lặn xuống nước chúng cũng
không buông ra. Sau nầy có kinh nghiệm, chúng tôi đi theo những người bắt cua
con làm mồi câu. Họ dùng rỗ tre xục vào bè trấp để xúc cua con, nên họ vừa xúc
cua xong là nơi đó bị xới tung, chúng tôi vào rút cỏ là an toàn, không còn rắn
mà kiến cũng trôi bớt.
Nuôi bò
thấy không cực nhưng rất cực khi thiếu cây cỏ cho chúng ăn, mà chúng ăn và uống
rất dữ. Nằm nhai tối ngày là đặc tính của chúng. Mỗi lần uống cả thùng nước,
rồi đái muốn trôi cả chuồng. Mùa nước nổi đã cực, mùa khô cũng chẳng thảnh thơi
gì dù đồng ruộng đầy cỏ dại. Bò rất thích cỏ tây và cây bắp sau khi hái trái
chặt bỏ vô chuồng, chúng nhai ngấu nghiến, có lẽ cây bắp có vị ngọt. Cỏ mọc
theo bờ kinh, rạch rất tốt, nhưng chúng ăn riết cỏ không mọc kịp. Phải dẫn
chúng vào đồng sâu nắng chang chang, thả cho chúng đi ăn mình vào ngồi trong
bóng gáo bên thềm đìa trông chừng. Hôm nào chúng ăn mau no bụng phình đầy thì
về sớm, bụng còn lõm hóp phải đến tối mịt mới lùa về vì sợ Ba rầy.
Nhà cửa
trong xóm tôi mọc lên ngày càng dầy, người càng đông do sinh con đẻ cháu rồi
cho ra ở riêng. Người xứ khác thấy nơi đây dễ làm ăn đến định cư rồi rủ theo
dòng họ cũng có. Thuở nào xa xa mới có một ngôi nhà, bây giờ ở đầu kinh nhà san
sát, đến cuối kinh mới thưa dần. Con kinh được người Pháp cho đào trong thập niên
1920, nối từ Hậu Giang chảy vào đồng sâu nhằm dẫn thủy nhập điền và rỏ phèn
vùng đất hoang hóa để mở rộng diện tích trồng trọt, đồng thời tiện lợi cho giao
thông đường thủy. Kinh đào hơn mười năm chưa xong và vì chiến tranh nên bỏ dở,
chưa thông được với vùng Thất Sơn cùng một nhánh rẽ lên núi Sam như mục đích ban
đầu. Chỗ đào dang dở còn mấp mô được người dân gọi là kinh cùng.
Nhà tôi ở
cách vàm kinh hơn 2 cây số, cách trục lộ Long Xuyên, Châu Đốc, nơi có cây cầu
đúc, hơn một cây số. Thuở ấy thuộc ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức, quận Châu Phú, nay là
khóm Mỹ Hòa, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc. Tôi được sinh ra và lớn lên ở
đó. Tuổi ấu thơ tôi sống cùng ba thế hệ là ông bà nội, các cô chú, cha mẹ và
anh em chúng tôi. Đến năm 1957, ba tôi ra riêng và cất nhà trên nền đất rẫy
chuyên trồng hẹ, sát đầu cầu đúc. Năm sau tôi được ba tôi đưa đến ngôi trường
sơ cấp cách nhà khoảng gần cây số, nếu đi đường tắt băng giữa đồng chỉ hơn năm
trăm mét, nhưng phải qua một khu nghĩa địa và rừng mây dầy đặc với những sợi
mây lão làng to bằng cườm tay. Phải ba bốn đứa đi chung mới dám qua con đường
tắt nầy, nhưng có khi chỉ nghe tiếng soạt giữa rừng vắng âm u là tụi tôi vắt
giò lên cổ, mạnh thằng nào nấy chạy. Càng chạy càng nghe rõ tiếng chân người
đuổi theo thình thịch, thì ra tiếng đập trái tim mình càng lúc càng vang to.
Ngôi trường
nhỏ chỉ có ba phòng học bằng tre lá nằm trên đất miếu nên có tên là trường sơ
cấp Miếu Điền. Cạnh trường có cây da cổ thụ thật to, tàn vượt cao trên bầu
trời. Thuở nhỏ tôi rất nhút nhát, mặc dù đã đánh vần được trước khi vào trường
do ông nội tôi dạy cô Út, tôi ngồi học theo, nhưng vẫn sợ, bắt Ba tôi phải ở
ngoài hành lang đợi cho hết buổi học chở tôi về. Nếu Ba lẻn về trước, tôi ngồi
trong lớp chợt nhìn ra không thấy bóng ông liền ôm cặp phóng về bất kể thầy cô
ngăn cản. Thấy vậy, Ba tôi bảo cô Út đi học cùng tôi, từ đó mới yên. Nhờ cô Út
tôi biết những con chữ đầu tiên, và nhờ tôi cô Út được học hết sơ cấp.
Hết sơ cấp,
tôi phải ra trường xã học tiểu học, cách nhà bốn cây số. Trường tiểu học Mỹ Đức
nằm cạnh ngôi đình làng uy nghi cổ kính, phía sau là hàng cây sao cao nghều
nghệu. Ra chơi, chúng tôi thường ra nhặt trái sao rơi thảy lên trời cho nó bay
xoay xoay trong gió. Ba sắm cho tôi chiếc xe đạp nhỏ để chạy đến trường. Lúc đó
đường lộ nhựa còn chật hẹp, dù ít xe nhưng vẫn hay gây tai nạn. Chúng tôi chạy
vòng đường đất, băng qua xóm nhãn mát rượi. Tới mùa trái chín, con đường ngào
ngạt hương thơm. Làng Mỹ Đức nổi tiếng là xứ nhãn. Người ta trồng nhãn bạt
ngàn, tàn nhãn giao nhau che kín cả con đường, tạo nên những vệt hoa nắng lấp
lóa trên mặt đường. Nhưng tới mùa mưa, con đường bùn lầy, buộc chúng tôi phải
đạp xe trên đường lộ đá. Còn những năm nước lụt lớn ngập cả lộ, chúng tôi rủ
thành nhóm bơi xuồng đi học. Sân trường cũng bị ngập, chỉ còn nền trường mấp mé
nước. Chúng tôi bơi xuồng vào tận cửa lớp và buộc dây ở cây cột hành lang. Đi
học bằng xuồng cũng có niềm vui của lũ nhóc chúng tôi. Trên đường đi học về
thoải mái cởi truồng nhảy xuống nước tắm giỡn. Còn hái trái cà-na ăn căng bụng.
Bấy giờ cà-na mọc hoang như rừng, tha hồ mà hái, nhiều quá đem về cho mẹ ngào
đường hoặc ngâm muối, ăn rất khoái khẩu. Thời đó đâu có bánh trái phong phú như
bây giờ. Chỉ vài loại bánh sơ sài ở hàng quán nhỏ dọc theo làng như cốm, kẹo,
bánh tây, bánh xà-lam, bánh in thì bột bở như cám, được gói sơ sài trong tờ
giấy mỏng màu hồng… Bánh tuy rẻ nhưng chúng tôi đâu có tiền mua. Trên đường đi
học chúng tôi hái trái me nước, thù lù, duối… mọc ven đường để ăn. Thế mà hương
vị của các loại trái đó theo chúng tôi suốt cuộc đời, bây giờ thèm không biết
tìm đâu mà ăn. Các loài cây ấy bây giờ rất hiếm trên đồng khi người ta phát
hoang lấy từng mảnh đất nhỏ để trồng trọt, kể cả cây ô môi cho trái ngọt ngọt,
bùi bùi, chát chát trên đầu lưỡi và một mùa bông hồng mịn rực trời như hoa anh
đào, bây giờ cũng rất hiếm. Thỉnh thoảng tôi mới có tiền mua cây cà-rem que lấy
ra từ ống thiếc ngâm trong thùng nước đá của người bán dạo, hoặc ly đá bào
xi-rô của ông từ miếu. Tôi vẫn còn nhớ ông từ Giỏi bị liệt một tay nhưng rất
nhanh nhẹn bào nước đá cho vào ly, rồi rót xi-rô màu xanh hoặc đỏ, cho thêm
chút sữa bò trên mặt, tôi còn xin thêm chút nước chanh muối chế vào ăn rất đậm
đà hương vị.
Ba tôi cất
ngôi nhà khang trang, rộng rải, vách dừng lá dừa nước, lợp tol, la-phong và
vách buồng bằng cạt-tong, nằm cặp bên lộ nhựa, rất thuận lợi cho việc đi lại và
đi học của tôi bất kể mùa mưa hay nắng. Lại nằm bên cạnh đồn lính nên không lo
sợ bị cướp bóc. Nhưng gia đình tôi chẳng hề biết ngôi nhà nằm trên một ổ rắn hổ
chằng chịt, con nào con nấy to tổ bà, dài sọc. Có lẽ chúng trú ngụ ở đây đã lâu
đời, từ thời còn là đám rẫy trồng hẹ.
Ở được mấy
tháng, gia đình tôi mới phát hiện nhiều rắn hổ đất xuất hiện trong nhà. Khi thì
nó nằm vắt ngang cửa buồng sau tấm tranh kiếng, khi thì nó nằm dưới gầm giường,
khi thì nó nằm song song với ngạch cửa bếp. Có lần mẹ tôi giở lu hốt gạo nấu
cơm, nó ngốc đầu lên khè một cái mẹ tôi chạy vất cả nồi. Nhà tôi hay đóng đinh
trên vách để máng quần áo, có lần tôi chuẩn bị đi tắm, vào lấy quần cụt thấy nó
rớt xuống đất, tôi cúi xuống nhặt thì một cái đầu rắn đen thui vươn lên làm tôi
bỏ chạy và la ỏm tỏi. Ông Sáu Mập ngang cửa là tay thường săn rắn, nghe nói nhà
tôi nhiều rắn ông liền đem qua mấy cây cần câu có lưỡi to với sợi dây gân lớn,
móc con nhái rồi xuống cặm dưới sàn bếp. Sáng sớm ông qua thăm chỉ còn lại sợi
dây gân bên chiếc cần lủng lẳng. Cả nhà tôi sống trong hồi họp. Đêm ngủ tấn
mùng rất kỹ, nhưng có đêm trời lạnh chúng bò lên nằm cạnh vách mùng, tựa vào
cánh tay mẹ tôi tìm hơi ấm. Khi chúng ngọ nguậy làm mẹ tôi nhột nhạt và thức
giấc. Thấy chúng mẹ tôi hoảng hốt la to cầu cứu. Khi mọi người đốt đèn lên nó
đã bò đi mất. Thế mà mấy tháng trời chúng chẳng hề cắn ai. Nghe các cụ già nói rắn
hổ luôn tránh né người, khi nào ta đạp trúng hoặc tấn công chúng mới quay lại
cắn để tự vệ.
Ba tôi cùng
các chú và một số bạn bè bàn tính diệt ổ rắn nầy để tránh tai họa. Cuối cùng,
huy động hơn chục thanh niên tiến hành đào tìm hang truy bắt chúng. Trước tiên,
dùng chĩa lương xom xuống đất, gặp khoảng trống của hang là giữ đó cho mọi người
đào tới. Đúng là hang rắn chằng chịt dưới mặt đất. Có người xom trúng ngay con
rắn nghe cái bụp, vui mừng la toáng lên, lấy xuổng đào nhanh xuống nhưng chưa
tới hang thì cây chĩa đã bật lên, con rắn đi mất. Rút kinh nghiệm, khi xom
trúng lưng con rắn, một người đứng đè mạnh cây chĩa cho mọi người xúm lại đào,
thế mà nó vẫn gồng mình thoát đi một cách ngoạn mục, để lại mũi chĩa cong vòng.
Sau một ngày bới tung nền nhà lên, mọi người chỉ thấy hang chớ không thấy rắn.
Ổ rắn chẳng biết bao nhiêu con, cả nhà tôi giáp mặt với chúng biết bao lần, thế
mà chẳng bắt được con nào. Ba tôi cho xây kè đá xung quanh và tráng xi-măng nền
nhà, sẵn đó xây tường vách nhà luôn. Khi xây kè đá mới phát hiện rất nhiều hang
ngách xung quanh. Từ đó, không còn con rắn nào xuất hiện, nhà tôi được sống yên
ổn, hết nơm nớp lo sợ như trước kia.
Ba tôi mê
đá banh (ngày xưa gọi là túc cầu, bây giờ gọi là bóng đá), mỗi lần ở sân xã,
sân quận hay sân tỉnh có đội đấu nhau là ông thu xếp chuyện đồng áng về sớm đi
xem. Thời đó, sân bóng cấp tỉnh mới có khán đài dành cho quan chức, sân xã quận
thì dựng khán đài dã chiến, còn người xem thì đứng quanh sân. Mỗi lần đi xem,
ba đều chở tôi theo trên chiếc xe đạp đòn dong cà tàng, ngồi đau đít muốn chết
mà vẫn ham đi. Trận nào đông khán giả tôi đứng dưới đít người ta làm sao xem,
ba phải đưa tôi lên ngồi trên vai ông suốt trận. Tôi nhớ hồi đó đội Ba Tiệm
thuộc xã Mỹ Đức, quận Châu Phú của tôi đá rất hay, là thành phần nồng cốt của
đội Ngôi sao Châu Đốc, bổ sung thêm một số cầu thủ của đội Thị Đam thuộc xã
Bình Thạnh Đông cũng của quận Châu Phú. Hơn nửa thế kỉ trôi qua tôi vẫn còn nhớ
những cái tên ấn tượng trong lòng người hâm mộ như: Trung phong Chanh, Nâu, tiếp
ứng Hè, Huệ, hậu vệ Khoánh, thủ môn Tấn… Nhắc tới đội bóng nam, người mê túc
cầu Châu Đốc không thể quên các đội bóng nữ vang danh vào đầu thập niên 1970.
Vẫn là hai đội nồng cốt của hai xã Mỹ Đức (Ba Tiệm), Bình Thạnh Đông (Thị Đam)
và thêm đội xã Vĩnh Tế nhưng không mạnh lắm. Tôi nhớ đội Ba Tiệm lấy tên Trưng
Nữ Vương, có cô Chuột cao ốm, tướng như con trai, mạnh mẽ xuyên thủng bất cứ
hàng phòng ngự nào, là trung phong xuất sắc. Đội Thị Đam lấy lên Bà Triệu, có
cô Xếp tuy người nhỏ nhắn trắng trẻo nhưng rất nhanh lẹ, kỹ thuật khéo léo, là
hung thần của các thủ môn. Các đội nầy tuyển chọn cầu thủ hay thành đội tỉnh
Châu Đốc đi dự giải vô địch toàn quốc tại Sài Gòn, kết quả đội Châu Đốc hạ đội
Sài Gòn trong trận chung kết đoạt chức vô địch. Đại diện Sài Gòn là đội của một
lò võ, thua trận nhục nhã đã rượt đánh đội Châu Đốc sau khi kết thúc trận. Đội
Châu Đốc là gái Thất Sơn cũng không vừa, đáp trả sòng phẳng.
Ba tôi còn
mê một môn nghệ thuật nữa không kém gì đá banh, đó là cải lương. Có gánh hát tới
Châu Đốc diễn mấy đêm là ông đi xem đủ bấy đêm. Nhà xa rạp hát gần bốn cây số
mà ông vẫn đạp xe đi trong đêm, luôn chở tôi theo, có khi thêm vài ông bạn ở
xóm cùng đi thì đỡ quạnh vắng hơn. Tuồng cải lương thời đó rất dài, có khi hơn
ba tiếng đồng hồ nên về rất khuya. Tôi nhớ một lần ông chở tôi về trong đêm tối
đen, gặp một chiếc xe nhà binh ngược chiều. Đó là loại xe GMC chở lính, đường
hẹp nhưng nó chạy bạt mạng, đụng người chết bỏ, ai đi đường gặp nó cũng phải
tránh. Ba tôi dừng xe lại nép sát vô lề, chẳng may gặp ngay chỗ đường lở, Ba
tôi chỏi hụt chân, hai cha con cùng chiếc xe lăn nhào xuống ruộng. Trong bóng
đêm, ông bò dậy tìm tôi, lo cho tôi bị thương chớ chưa nghĩ tới mình. May là
hai cha con chỉ bị trầy xước nhẹ.
Đầu thập
niên 1960, là thời hoàng kim của cải lương, nên khán giả đến rạp xem rất đông. Trước
cửa rạp người ta treo ảnh các đào kép rất đẹp, trong rạp là tiếng nhạc xập xình
làm nôn nao người đi xem hát. Khi vào cửa soát vé, người ta kẹo nẹo, chen lấn
xô đẩy nhau. Tôi ốm yếu nên Ba cho tôi đứng trước bụng để bảo vệ. Vừa nhập vào
dòng người, chưa kịp bước tới họ vừa lấn vừa đẩy tôi một cái lọt tuốt vô rạp,
chân văng mất chiếc dép. Tôi la lên, mất dép rồi Ba ơi. Ba tôi cũng không dừng
lại được. Ông vừa vào rạp nhìn xuống đất thì chiếc dép của tôi cũng trôi tới
trong rừng chân người. Tôi nhào lại nhặt lên mà lòng mừng vô tả.
Nhờ Ba, tôi
rành tuồng tích và biết mặt những đào kép nổi tiếng, lúc đó nữ nghệ sĩ Thanh
Nga chừng khoảng 15, 16 tuổi, còn các nghệ sĩ đã nổi tiếng như Út Trà Ôn, Hữu
Phước, Thành Được, Thanh Hải, Hùng Minh, Thanh Hương, Minh Chí, Ba Vân, Bảy Xê,
Trường Xuân, Út Hậu, Út Hiền, Út Bạch Lan, Hoài Dung, Hoài Mỹ, Ngọc Hương, Ngọc
Giàu, Thanh Tú, Diệp Lang, Văn Chung (lúc ở đoàn Phước Chung ông là kép chánh,
chưa diễn hài), Hề Minh, Văn Hường, Kim Quang… Lớp sau tiến lên có Bạch Tuyết,
Thanh Sang, Phương Quang, Ngọc Bích, Hùng Cường, Mộng Tuyền (tên ban đầu là Kim
Loan), Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Hoài Trúc
Phương, Bo Bo Hoàng, Dũng Thanh Lâm, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Hề
Sa, Hề Ốc…
Tôi nghe cổ
nhạc khá sớm, khi ông Nội tôi mua về cái máy hát dĩa đá, quay dây thiều, dân
quê gọi là dàn hát máy. Lúc đó tôi mới bốn, năm tuổi nhưng mỗi khi mở máy tôi
luôn giành ngồi kế bên và quay dây thiều. Buổi hát đầu tiên, nghe tiếng ca vang
lên, tôi cứ loay hoay tìm coi có ai núp sau máy hát không. Tôi được thưởng thức
những giọng ca kinh điển của Sáu Thoàng, Thành Công, Bạch Huệ… từ thuở đó.
Ba Má tôi
tuy ít chữ, quanh năm đầu tắt mặt tối trên đồng, nhưng quyết chí cho các con ăn
học. Tôi hiểu điều đó và thấy Ba Má tôi quá cực nên cũng lo học đến nơi đến
chốn để thoát kiếp nông dân. Sự cần cù của Ba Má tôi đem lại một cuộc sống khá
giả, nhưng cái giàu của người nông dân là do thắt lưng buộc bụng. Đói không dám
ăn ở hàng quán, chạy riết về nhà ăn cơm nguội với mắm sống. Khát uống nước đìa,
bàu. Quanh năm Ba tôi ở trần trùng trục trên đồng, da lưng ông dầy đến nỗi cạo
gió chẳng biết đau. Cất ngôi nhà lớn cho không thua kém hàng xóm, ông qua vườn
che cái chòi nhỏ ở giữ vườn giữ rẫy quanh năm, khi nào nhà có đám tiệc mới về.
Tấm thân không sung sướng, không hề biết hưởng thụ nhưng tinh thần ông có vẻ
thoái mái. Cái chòi ông ở quanh năm gió lộng, đêm trăng thanh gió mát. Anh em
tôi qua coi vườn, trưa lên võng nằm đánh một giấc ngon lành.
Ông thuê
người đổ cài gò khoảng hai công đất cao hơn mực nước lũ, trồng cây ăn trái tươi
tốt quanh năm, khi thì vườn đu đủ hàng trăm cây, lúc trồng nhãn. Nhãn mất giá
ông chặt bỏ, trồng cây lồng mứt, trái oằn tới đất, con cháu mặc sức mà hái ăn.
Xung quanh gò ông trồng nhiều loại chuối, cho trái quanh năm ăn không xuể. Cạnh
chân gò là miếng đất thấp khoảng một công, ông trồng hàng bông như rau cần ống,
hành, hẹ, củ cải trắng, cải bắp, xà-lách, rau cần ống, ngò gai… cứ luân phiên
tùy theo thời giá và thời vụ. Phía trong là thửa đất rộng khoảng ba công, ông
làm rẫy, thường trồng khoai lang, cà gió, cà tím, dưa leo, dưa hấu, bí đao, bí
rợ, đậu nành, đậu xanh, đậu đũa, đậu que, đậu phọng, mè, bắp, mía, khổ qua… cứ
luân canh những loại cây, củ đó suốt mùa khô. Nhờ vậy, anh em tôi khá am hiểu
về tiến trình trồng trọt, thu hoạch và nhận biết sự phát triển tốt xấu của
nhiều loại hoa quả, hàng bông, ngũ cốc qua kinh nghiệm dân gian của người nông
dân xứ mình.
Khi anh em
tôi lớn lên, vừa đi học vừa tiếp ông gánh nước tưới rẫy, thu hoạch mùa màng,
ông đỡ vất vả hơn. Tôi nhận ra người sản xuất không bằng thương lái. Ba tôi
trồng một công củ cải trắng, mỗi ngày gánh hằng trăm đôi nước để tưới, hơn một
tháng trời bán mão được năm trăm ngàn đồng cho bà Năm bạn hàng rau cải trong
xóm. Bà thuê người nhổ rồi chở lên chợ Châu Đốc bán cho đầu mối, lãi được năm
trăm ngàn đồng chỉ trong một ngày nhẹ nhàng ngồi chỉ tay năm ngón. Số Ba tôi là
số cực, không chịu sống nhàn nhã. Thấy anh em tôi đỡ đần được chút việc đồng
áng, ông liền sắm chiếc máy cày chạy vô đồng sâu cày ruộng thuê. Tuy có thu
nhập cao nhưng ông phải lặn lội ngày đêm giữa đồng khô cỏ cháy, mưa dầm nắng
bụi, ăn bờ ngủ nóp. Những ngày nghỉ học tôi lội vào đồng xa tiếp ông và trở
thành một tay lái máy cày có hạng. Trên cánh đồng bao la, mỗi người chủ sở hữu
hàng chục mẫu đất là thường. Hết mùa nước nổi và gặt lúa xong, nhiều người thuê
máy cày lên giồng để trồng khoai lang. Mỗi giồng khoai dài cả nửa cây số, các
tay lái máy cày chạy một khúc hay ngoái đầu lại xem giồng khoai có thẳng không.
Mỗi lần ngoái đầu là tay lái mất hướng làm giồng khoai cong một chút, kết quả
giồng khoai giống như con rắn đang bò. Tôi áp dụng bài học ở trường, tìm một
vật trước mắt như cây gáo, ụ rơm làm nơi định hướng, cứ cho đầu ruồi trên mũi
máy cày nhập vào vật định hướng đó chạy thẳng một mạch không thèm ngoái lại.
Giồng khoai thẳng như sợi chỉ. Ai cũng khen thằng nhóc con cày làm sao mà hay
quá. Các chủ đất khác thấy vậy tìm máy cày của Ba tôi để thuê, làm ngày làm đêm
không kịp. Những ngày theo máy cày đi vào những cánh đồng xa xăm mà thuở ấu thơ
tôi chỉ biết đứng nhìn tận cõi chân mây và nơi đó là những chân trời mơ ước.
Tôi được gần gũi với những nông dân quê mùa làm ra hạt lúa nuôi mọi người mà
không hề biết kể công. Tính tình đôn hậu, chất phác, dễ tin và trung thực giúp
cho họ sống với nhau thật an bình. Đến khi có những thương lái từ chợ vào mua
lúa, hoa màu họ rất dễ bị lường gạt từ giá cả cho đến cân đong cũng bị gian
lận. Tôi được thưởng thức những món ăn độc đáo, nhớ đời mà chỉ có những người
nông dân nầy sáng tạo ra một cách giản dị từ những vật liệu đồng quê xung
quanh, nhưng nghệ thuật chế biến theo kinh nghiệm dân gian rất tuyệt vời. Tôi
vỡ lẽ một điều là những người dân quê không dùng cao lương mỹ vị, trái lại cách
nấu dân dã quê mùa lại là đỉnh cao để người thưởng thức suốt đời không quên.
Những ngưởi
nông dân không sợ cực, chỉ sợ khổ. Khổ vì mất mùa do thiên tai, khổ vì cướp
bóc, cướp đêm lẫn cướp ngày. Là người thất học, quanh năm quẩn quanh với ruộng
đồng, không hiểu luật pháp, tính vốn chân thật, hiền lành, nên rất dễ bị lừa
đảo, hà hiếp. Cuộc sống họ gắn chặt với mảnh đất. Từ cơm ngày hai bữa cho đến
đám tiệc, mua sắm, bệnh hoạn… đều từ nguồn thu nhập của ruộng đồng. Miếng đất
là sinh mạng, nên ai cướp đất là họ quyết tử. Thất mùa họ phải lâm vào cảnh
đói, ăn củ co củ súng thay cơm. Thời loạn lạc, chạy giặc bỏ cả ruộng vườn là
nỗi thống khổ của người nông dân. Từ những rủi ro đó, họ luôn tích lũy, phòng
xa. Ba Má tôi cũng vậy, lúc nào cũng dự trữ lúa trong bồ, tới mùa cá là làm
năm, ba hũ mắm để dành ăn. Ba tôi có sở thích ăn cơm chan nước cơm với mắm
sống. Thời đó cá tôm quá nhiều, đánh bắt rất dễ dàng, ăn không hết nhưng không
có chỗ bán, bởi cả làng đều tự đánh bắt để dùng, chẳng ai mua của ai; nên quay
sang xẻ thịt làm khô, dư nữa thì làm mắm, ủ nước mắm để dành ăn. Tôi nhớ Ba tôi
làm cái bửng đăng dưới dạ cầu đúc gần nhà, đặt hai cái dớn. Mỗi sáng ông lặn
xuống dỡ dớn trút vô thúng, tôm càng nhảy soi sói hơn chục kí, hai cha con xúm
lại lựa con nào có càng xanh thật lớn mới giữ lại, các con càng còn nhỏ là thảy
lại xuống sông. Má tôi luộc tôm bằng cái nồi nấu bánh tét. Anh em tôi tối ngày
ăn tôm rồi lấy cái vỏ đuôi nhọn màu đỏ chạch chồng vào đầu ngón tay trông như
mụ phù thủy. Chúng tôi chơi bắn cu-li mà miệng nhai tôm nhóc nhách. Hết con này
chạy vào bếp lấy con khác. Đặt dớn khoảng hai ngày Ba tôi phải để nó trên bờ
kinh phơi nắng, vì ăn tôm hết nổi. Lâu lâu thấy thèm Ba tôi mới cho dớn xuống
nước đặt lại. Khi tôi biết lặn lội, theo Ba vào đồng đặt lọp, ngoài tôm cua gần
như ngày nào cũng dính một, hai con cá chạch lấu nặng cả kí lô. Mẹ tôi nướng cá
rồi rỉa từng miếng, bỏ xương, bóp gỏi càng cua ăn ngon bá chấy. Hôm nào Ba
bệnh, tôi thay ông đi dỡ lọp. Lặn một hơi tới tận đáy con rạch, lẹ làng mở dây
kéo lọp lên vừa khỏi mặt nước là cá tôm nhảy rộ lúng búng làm nước văng vào mặt
tôi hết thấy đường. Tôi mang lên đổ ra khoang xuồng, lựa tôm lớn và cá chạch
lấu để lại, còn cua, cá và tôm nhỏ thảy xuống nước. Hồi đó, người ta không bao
giờ bắt cá con, bởi không ai ăn cá con, có bắt cũng không bán được. Sa viên đi
kiểm tra trong chợ, gặp bán cá con là bắt phạt ngay. Bây giờ tôm sông rất hiếm,
gần như không còn tôm càng xanh, chỉ có tôm nuôi ăn thịt bở rợt và lạt lẽo. Tôi
vẫn nhớ hoài mùi tôm nướng bay xa bay mãi trong ký ức.
Tới
ngày tết, năm nào vào sáng mùng một ông cũng chở tôi đi cúng ông bà. Rạng sáng
là Ba Má tôi bày bánh mứt trên bàn thờ ông bà rồi thắp hương khấn vái. Cả nhà
quây quần bên dĩa bánh tét thơm ngào ngạt mùi nếp chín mà cả đêm ba mươi anh em
tôi phải thức chụm lửa cho tới giao thừa. Mấy đứa em tôi xúng xính trong bộ đồ
mới, mặt mày rạng rỡ vì được ăn bánh thả ga rồi còn được uống nước ngọt nữa
chứ. Toàn là những món ngày thường anh em tôi thèm khát.
Ăn
xong, ba ẵm tôi thẩy lên đòn dong chiếc xe đạp cà tàng chở ra nhà nội. Con
đường đất gồ ghề làm chiếc xe nhảy tưng tưng. Tôi vừa đau đít vừa tê chân nhưng
không dám nói. Khi tới nơi, ba bồng thả xuống thì chân tôi sụm luôn. Nhà ông
nội tôi có rất nhiều bàn thờ, ông bà cố ông bà sơ rồi gì gì đó nữa, tôi không
thể nào nhớ nổi. Ba tôi thắp hương rồi quỳ lạy, tôi lạy theo ông, mỗi bàn thờ
bốn lạy. Rồi ông dẫn tôi đi lòng vòng trong xóm, ghé hơn chục ngôi nhà bà con
họ hàng. Nhà nào cũng quỳ lạy mấy cái bàn thờ, tôi ê ẩm cả hai đầu gối, nhưng
bù lại có được một số tiền lì-xì rủng rỉnh trong túi. Xong bên nội, ông chở tôi
qua bên ngoại cách đó khoảng năm cây số. Nhà ngoại tôi nằm bên bờ con kinh đào,
trước cửa có cây ô môi cổ thụ tới mùa nở hoa hồng mịn rực cả một góc trời. Lớn
lên tôi mới nhận ra rằng hoa ô môi đẹp không thua hoa anh đào. Còn hương vị
trái ô môi không hề phai nhạt trong ký ức tuổi thơ. Đến bây giờ tôi vẫn còn
thèm cái vị ngọt của trái ô môi và tìm ăn mỗi khi có dịp.
Cúng
viếng bên ngoại xong trời đã quá đứng bóng. Ba tôi đạp xe về trong ánh nắng
xuân bắt đầu gay gắt, mồ hôi nhễ nhại. Tôi thì không cảm thấy mệt, có bánh ăn,
có tiền lì-xì là vui trong bụng dù hai đầu gối bị ê tới mấy ngày sau.
Cứ
như thế, mỗi độ xuân về là ba đèo tôi đi cúng viếng ông bà họ hàng nội ngoại
trong ngày mùng một, kể từ mùng hai tôi muốn đi chơi đâu thì đi. Đến khi tôi
trưởng thành, dù đi học hay đi làm xa nhưng đến tết trở về nhà, sáng mùng một
tôi cũng lấy xe (lúc nầy tôi đã chạy được xe gắn máy) về bên nội bên ngoại cúng
ông bà như một thói quen. Lúc nầy mình đã lớn, không còn ai lì-xì, tôi vẫn đi
vì đã hiểu phần nào ý nghĩa của việc tưởng nhớ tổ tiên, chúc thọ ông bà cô bác
trong ngày đầu năm. Có những người đã khuất đó mới có Ba Má và mình, mới có
những mảnh vườn thửa ruộng nuôi mình khôn lớn, có ngôi nhà ấm áp để mình sung
sướng tấm thân, được đi học, được dạy dỗ nên người. Khi Ba tôi qua đời, tôi vẫn
thay ông đi cúng viếng ông bà nội ngoại trong ngày mùng một. Lớp người lớn tuổi
đã ra đi dần, trên bàn thờ có thêm những di ảnh. Thế hệ con cháu lớn lên, nối
tiếp việc phụng thờ. Hằng năm, tôi vẫn chở vợ và một đứa cháu đi về miền quê
nội ngoại trong sớm tinh sương ngày mùng một. Rồi ra nghĩa trang thăm mộ Ba
tôi. Ông đã tập cho tôi một thói quen rất ý nghĩa trong cuộc đời một con người.
Cây có cội nước có nguồn, làm người phải biết nhớ đến ông bà vào ngày đầu năm
mới, sau đó mới lo cho những cuộc vui riêng của bản thân mình. Có năm vì lý do
gì đó vợ chồng tôi đi hơi trễ, các cô chú thiếm, dì cậu mợ… đã ngồi trông và
lo, sợ tôi gặp chuyện bất trắc trên đường đi hay có vấn đề về sức khỏe. Mọi
người đều biết tôi không khi nào không đến thăm gia đình trong ngày mùng một.
Điều đó làm cho thạnh tình trong tộc họ gắn kết và vui vẻ thêm lên. Và đối với
tôi, dù đã gần bảy mươi tuổi, niềm vui lớn nhất trong năm vẫn là ngày mùng một,
được cúng viếng ông bà, được gặp bà con họ hàng vui tươi khỏe mạnh, được thấy
những đứa em, đứa cháu trưởng thành, nên người và sự nghiệp.
Qui
luật cuộc đời không ai cưỡng lại được. Lớp nhỏ tấn lên thì lớp lớn phải lần
lượt ra đi. Có tới viếng họ hàng trong ngày mùng một ta mới cảm nhận được ân
tình và sự giao thoa giữa những thế hệ. Ta mới thấy dòng huyết thống từ bao đời
đang chảy qua từng con người, tùng lớp con cháu và mãi mãi về sau.
Tôi
cảm nhận, ngày xuân con cháu về đoàn tụ, ông bà từ cõi vô hình dường như cũng
đang ở bên cạnh và cười vui cùng chúng ta.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét