|
Đoàn văn nghệ sĩ An Giang tại tư gia
Nhà giáo Nguyễn Phước Cho
(cù lao Giêng, Chợ Mới) |
Quê nội tôi ở Chợ Mới, nên khi nhà văn Võ
Diệu Thanh và cây viết trẻ Lê Quang Trạng “rủ rê” làm chuyến điền dã cùng một
số anh em văn nghệ sỹ An Giang về cù lao Giêng tôi sốt sắng nhận lời ngay. Lâu
rồi không có dịp về quê nội. Cũng chẳng còn cô bác nào để về thăm. Nội tôi sinh
năm 1870, ông có đến mười hai người con trai gái. Giờ tất cả cũng đã theo ông
về núi. Thời gian chỉ hơn một ngày nên chắc sẽ không thể về Kiến An, thôi thì
cứ “vờ như là quê, đã về!”, một chuyến cùng bạn bè văn chương “đã đời con chim
trời” là vui rồi.
Lúc qua đò Thuận Giang tôi rất muốn chạy về
giồng Ông Tỏ thăm lại quê nội, nhưng đã có hẹn nên chúng tôi đành nhắm hướng
thị trấn Mỹ Luông trực chỉ. Đường quê giờ đã được nhựa hóa, rợp bóng mát. Những
ngôi nhà đã khang trang hơn, những tiện nghi sinh hoạt hiện đại hơn. Đất cù lao
màu mở phù sa, vườn tược chạy dài, một màu xanh tít tắp. Mùa này những con kinh
chằng chịt xuôi ngược dọc theo các tuyến lộ liên ấp đang đầy ắp nước. Làng quê
Chợ Mới giờ khác xưa rất nhiều. Hồi tôi còn nhỏ, về Chợ Mới đâu đâu cũng nhìn
thấy tre. Tre ngoài vườn, tre ở cạnh nhà. Cây tre gắn liền với ruộng lúa và nếp
nhà lá đơn sơ. Nhưng giờ đây sự thơ mộng của cây tre đã là dĩ vãng. Người nông
dân đã sống thực dụng hơn với đất, chọn cây xoài để làm bạn, phát triển kinh tế
nông thôn. Đâu đâu cũng cây xoài. Xoài ở hai bên đường, xoài ở trước sân và
xoài ở trong những khu vườn liên tiếp nhau trải dài xanh mướt.
Sau khi ghé thăm nhà thờ họ Nguyễn cổ kính
120 tuổi, thăm mấy vườn xoài đang kỳ thu hoạch và chạy một quãng dài đường quê,
chúng tôi đến nhà ông Ba Ẩn ở xã Bình Phước Xuân, một cầm thủ đờn ca tài tử có
tiếng trong vùng. Ông là chủ của mấy vườn xoài rộng lớn. Ông bỏ nữa chừng show
giúp vui tiệc cưới để về tiếp đoàn văn nghệ sĩ. Ông đón chúng tôi trong căn nhà
xây rộng rãi, thoáng mát nằm giữa mênh mông vườn xoài.
Làng quê thật thanh bình. Bửa cơm trưa với
món mắm kho, rau đồng, bông súng do nhà văn Võ Diệu Thanh dụng công đi chợ thật
đậm đà hương vị đồng quê Tây Nam bộ. Ông Ba rất vui vì có khách tới thăm. Ông
mang đàn ra chơi cùng chúng tôi. Đàn guitar, đàn sến, đàn kìm, cây nào ông cũng
giỏi, nhưng sở trường của ông là đàn kìm. Hôm nay ông đánh cây sến – “Để cho nó
có không khí hơn, cây kìm buồn lắm” – Ông nói.
Buổi trưa ở đây thật yên ắng. Con đường rải
sỏi nhỏ phía trước nhà ông thỉnh thoảng mới có xe hai bánh vụt qua. Hôm nay ông
Ba vui, ông uống với chúng tôi rất nhiệt tình. – Mấy em làm anh nhớ lại thời
trai trẻ của mình quá. Nào dô! Trong men rượu ngà say, tiếng đàn của ông Ba Ẩn
tạo nên một cảm giác yên bình, thanh thản lạ lùng. Không hoa mỹ, không nỉ non,
tiếng đàn của ông thong thả, nhẹ nhàng thanh thoát. Từng chữ đờn buông ra trầm
tỉnh, chuẩn mực. Ông đàn cho chúng tôi hát. Chúng tôi không biết nhiều bài bản,
nên khi chúng tôi “hết bài” ông chuyển sang độc tấu. Tồn u, ú liu xề, liu ú
xáng liu… Bài Lưu thủy trường, bài Nam xuân… Khi khoan, khi nhặt, khi trầm, khi
bỗng. Những nốt nhạc quyện vào nhau, nối tiếp nhau dào dạt như sông nước Cửu
Long. Cái song loan dưới chân ông cứ thong dong nhịp nhàng, chắc nịch. Ở những
chổ nhịp ngoại, tiếng “cốc” rớt xuống thật chắc chắn, tin cậy mà cũng không kém
phần điệu nghệ. Mấy mươi năm làm nhạc công đàn kìm, giữ song loan trong dàn
nhạc đờn ca tài tử đã rèn luyện cho ông cái cảm giác về trường độ thật chuẩn
xác. Mỗi nhịp của đàn ca tài tử được tính tương đương là một nốt trắng. Song
loan có vai trò giữ nhịp. Tuy nhiên, không phải nhịp nào song loan cũng gõ. Vì
vậy nếu người giữ song loan không vững nhịp độ, lúc chậm lại, lúc dồn lên sẽ
gây khó cho ban nhạc. Còn tiếng song loan của ông Ba Ẩn thì cứ đều đặn và chắc
chắn, cần mẫn giữ nhịp, làm cái khung vững chải để tiếng đàn thỏa chí tung
hoành.
- Anh bắt đầu theo nghiệp đờn ca tài tử khi
chỉ mới 14 tuổi – Ông “khà” một cái sau khi đặt ly rượu vừa uống cạn xuống bàn.
Ông nói mình từng đi đàn cho đoàn Cải lương được mấy năm trời. Đến lúc cha ông
buộc ông về quê cưới vợ, chăm sóc ruộng vườn thì ông đành phải giả từ cái mộng
làm nhạc công chuyên nghiệp. Nhưng cái máu của kẻ tài tử vẫn luôn chảy trong
ông. Sau giờ đồng áng, vuờn tược ông lại miệt mài với những cây đàn, với hò,
xự, xang, xê, cống. Nhờ trời, ông cũng có đất đai, của ăn của để nên có điều
kiện để nuôi dưỡng đam mê của mình. Mấy mươi năm gắn bó với đờn ca tài tử, giờ
ở tuổi thất thập ông vẫn xách đàn đi làm show, hoặc tham gia các hội thi, hội
diễn địa phương.
Tiếng đàn của ông Ba không quá vui mà cũng
chẳng quá buồn. Đó là tiếng đàn của người đã nhìn ra cái lẽ của sự sống nên ung
dung, tự tại. Cũng tươi sáng hào sảng nhưng không phải là rôm rả, hời hợt. Cũng
dìu dặt mượt mà, nhưng lại không ủy mị. Tiếng đàn như người kể chuyện, câu
chuyện về một vùng đất và những con người thủy chung, nghĩa tình. Hơn năm mươi
năm làm bạn với đàn, giờ đây ông lướt trên phím nhẹ nhàng như một cuộc dạo
chơi. Chổ nào xự chổ nào xang, chữ nào nặng chữ nào nhẹ, giai điệu tự nó tuôn
chảy dưới những ngón tay đã in dấu thời gian. Ông đã đi gần hết cuộc đời mình,
chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của đất và người. Những hỷ, nộ, ái, ố của chốn
vô thường đã bao nếm trải. …“Cốc”… Xang xế xang, xứ xề liu tồn xự xang… Bản
Phụng Cầu ngọt ngào, thiết tha xuyên qua từng vạt nắng rồi len lỏi giữa những
vườn xoài xanh ngắt.
Trong không gian tỉnh lặng của buổi trưa
miền quê châu thổ, tiếng đàn sến của ông Ba Ẩn cứ như tiếng của người thân thủ
thỉ chuyện trò, chân tình, thân thiết. Ngay cái giây phút ấy, tôi bỗng cảm thấy
mình thật thanh thản, dường như đã bước ra khỏi niềm vui nổi buồn thường nhật.
Ở một góc vườn, con gà mẹ đủng đỉnh bới tìm thức ăn cho đàn con lăng xăng vây
quanh.
Giả từ ông Ba Ẩn, cả đoàn lại đường quê
tiến về tư gia của cựu giáo chức Nguyễn Phước Cho ở xã Mỹ Hiệp, anh cũng là một
lão nông làm chủ mấy vườn xoài. Căn nhà của anh cất theo kiểu xưa làng quê nam
bộ, bề thế giữa vườn cây rợp mát. Phía trước nhà vẫn là con đường nhỏ rải sỏi
yên bình. Bên kia con đường, chỉ cần băng qua khu vườn chừng hai trăm mét là đã
đến bờ sông Tiền. Mấy nhà thơ, văn nữ cùng với nhóm các em sinh viên mới nhập
bọn tíu tít dắt nhau đi hái bưởi, cóc trong vườn của anh. Không gian yên tĩnh,
thoáng mát lại có điện, có wifi. Cả đoàn chúng tôi mười mấy người đều được bố
trí nơi ngủ, nghĩ rất đàng hoàng.
Buổi tối sinh hoạt thật náo nhiệt, may là
gần kế bên không có nhà nên không sợ làm phiền hàng xóm. Ngoài các em sinh viên
còn có một số anh em nhân sĩ địa phương đến giao lưu. Trùng hợp hôm nay là sinh
nhật của một bạn sinh viên nên chúng tôi kết hợp hát hò chúc mừng rôm rả. Chín
giờ đêm, chương trình chuyển qua đờn ca tài tử. Ban nhạc gồm một đàn guitar và
một đàn kìm. Đánh đàn kìm là ông Hai Rớt, một lão nông tuổi đã ngoài tám mươi.
Ông bỏ đàn hơn chục năm rồi, nay nghe có anh em văn nghệ sĩ đến địa phương, ông
nhiệt tình ôm đàn đến cùng chơi với chúng tôi. Đêm nay hát nhiều nhất là bài
vọng cổ. Ngoài các tác giả Kim Hằng, Lạc Nguyên, Hoàng Sen giới thiệu các sáng
tác mới, một tác giả địa phương là anh Lục Bình - giáo viên tiểu học - cũng
mang đến đêm vui những sáng tác của mình nhờ anh em góp ý.
Đã gần cuối tháng nên trời không có trăng,
chỉ có những vì sao nhấp nháy phía xa xa. Không gian làng quê thật yên tĩnh.
Gió từ sông Tiền thổi vào mát rượi mang theo cả tiếng máy rì rầm của những con
tàu ngược xuôi chở nặng. Đất cũng thao thức trở mình. Bài vọng cổ càng về khuya
càng ngọt ngào thiết tha. Thỉnh thoảng đâu đó ngoài vườn tiếng một con ễnh ương
vang lên như một nét chấm phá cho bức tranh đồng nội của vùng quê châu thổ.
Tôi chú ý đến người đàn ông đánh cây đàn
guitar phím lõm. Anh trạc tuổi năm lăm, người tầm thước, chắc chắn. Anh hầu như
rất ít nói chuyện mà chỉ tập trung vào cây đàn. Anh ngồi đánh đàn như cho riêng
mình. Dưới những ngón tay thô ráp của anh, câu rao nói lối nghe thật mượt mà, sâu
lắng. Tiếng đàn của anh chứa đầy nội tâm. Tận dụng hết lợi thế phím lõm của cây
đàn guitar cổ, từng chữ đờn được anh chăm chút nhấn nhá như gửi gắm vào đấy cả
tâm tình. Giai điệu của bản vọng cổ được anh đàn như một lời thổ lộ nghe thật
da diết trong đêm yên ắng. Nó không mùi mẫn, sướt mướt, và cũng không phải là
một lời than thở ai oán, não lòng. Những chữ đàn nghe chừng rất đơn giản nhưng
mỗi chữ có thể nhận ra sự chắc chiu, trân quý của người nhạc công đất cù lao
này. Bên cạnh tiếng đàn kìm đầy kinh nghiệm của lão nhạc công đã u tám mươi,
tiếng guitar của anh lúc hiện lúc ẩn, hòa quyện cùng lời ca, bài vọng cổ bổng
dưng nghe trĩu nặng những trăn trở suy tư giữa miền quê cây trái.
Chúng tôi hát hò mãi đến hơn mười hai giờ
đêm mới chịu lắng lại. Trời về khuya, không gian làng quê thật tĩnh mịch. Còn
lại năm, sáu người chúng tôi trò chuyện về sự đổi thay của vùng đất cù lao Giêng,
nói về những trăn trở của người nông dân khi giải bài toán giữa lợi nhuận và
môi trường.
Tôi lân la ngồi cạnh người đàn ông đánh đàn
guitar, mời anh một ly rượu. Qua câu chuyện cùng anh, tôi được biết anh là Võ
Văn Hy, hiện là giáo viên dạy môn Hóa học của trường THCS Mỹ Hiệp – Chợ Mới –
An Giang. Anh cho biết mình mê đờn ca tài tử từ khi còn rất nhỏ. Năm học lớp
tám anh đã đàn được rất nhiều bài bản trong ba nam sáu bắc. Anh cũng ôm mộng
thi vào Nhạc viện, đi đến nơi đến chốn bộ môn đàn ca tài tử. Những năm anh học
cấp ba cuộc sống vô cùng khó khăn bởi chính sách bao cấp. Nghèo khổ quá thì ai
mà lo đàn hát nữa. Phong trào đờn ca tài tử hầu như không hoạt động. Ông già
anh bắt đứa con trai út phải làm thầy giáo. Anh thi đậu Cao đẳng sư phạm Toán,
nhưng trường lại chuyển anh sang học môn Hóa. Công việc dạy Hóa của ông giáo và
việc nhà nông (anh là chủ một vườn xài gần 2 hecta) chiếm hết thời gian của
anh. Anh bỏ hẳn không đánh đàn nữa. Nhưng cái máu văn nghệ thì vẫn thức trong
anh như đàn ca tài tử vẫn âm thầm duy trì, phát triển trong đời sống người miền
Tây. Đầu những năm hai ngàn, cuộc sống khấm khá hơn lên, phong trào đờn ca tài
tử được phục hồi. Các hội thi, liên hoan diễn ra khắp nơi. Còn ở nông thôn, hầu
như các tiệc vui như cưới, sinh nhật, tân gia… kể cả đám cúng giỗ đều có phần
đờn ca tài tử. Anh bắt đầu tập đàn trở lại, tìm thầy học hỏi thêm. Anh nói: -
“Cái ăn, cái mặc thì không phải lo lắng, nhưng cuộc sống nội tâm của mình thì
có biết bao nhiêu tâm tư, uẩn khúc”. Bao nhiêu năm của người thầy với những lớp
học trò! Bao nhiêu năm của người nông dân mà đôi chân đã quen từng góc rạ... Khi
có tâm sự không biết tỏ cũng ai, anh lại ôm đàn vừa luyện tập vừa để giải tỏa
những ẩn ức trong lòng. Những lúc như vậy anh giống như ở trong cảnh giới của
thiền định. Chỉ có anh với cây đàn! Mọi thứ dường như không còn tồn tại nữa.
Cây đàn và anh đã là một. Tiếng đàn cũng chính là tiếng lòng anh. Từng tháng! Từng
ngày! Những bài bản đờn ca tài tử anh đàn cũng tốt, nhưng anh đặc biệt thích và
đầu tư nhiều thời gian cho sáu câu vọng cổ. Anh nói bản vọng cổ nó kỳ diệu lắm.
Nó vừa có những điểm cơ bản bắt buộc phải tuân thủ, nhưng đồng thời cũng chừa
lại những khoảng tự do sáng tạo dành cho người nghệ sĩ. Và anh tin rằng bản
vọng cổ sẽ còn sống mãi với làng quê châu thổ.
Chúng tôi ngồi rù rì chuyện trò mãi đến hai
giờ sáng. Trước khi ra về anh nói đàn riêng tặng cho tôi ba câu một, hai, ba
của bài vọng cổ. Sau câu rao như trải lòng của anh, giai điệu của bài vọng cổ
vang lên thiết tha trong đêm vắng. Chỉ bốn, năm chữ hò “nhồi” (2) ở đầu nhịp
mười sáu đã nghe như tiếng thở dài đầy khắc khoải. Giờ thì tôi đã hiểu “từng
giọt đàn” mà nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn diễn tả trong ca khúc “Đất nước” của ông. Từng
giọt, từng giọt… mọng chín cảm xúc rơi xuống! Khi nhanh, khi chậm, mỗi giọt như
có hình thù riêng, và tất cả đầy đặn với một màu âm, một sắc thái độc đáo. Những
chữ đờn của anh lúc mềm mại, sâu lắng, lúc ray rức xót xa. Bản vọng cổ đã vốn
buồn, dưới sự thể hiện của anh nó như đánh thức những riêng tư của người nghe.
Ký ức bất chợt quay về trong phút giây, xao động. Đoạn “đờn nhồi”(2) trước câu
hai, những chữ đờn bỗng nhiên như tuôn trào, liền mạch rượt đuổi nhau, để rồi ở
nhịp mười hai, chữ “xang” rơi xuống như vỡ òa tiếng nấc.
Không có lời ca đi kèm, bản vọng cổ “độc
chiếc”(3) bằng đàn guitar phím lõm của anh trở thành
một tác phẩm khí nhạc hoàn chỉnh. Chổ độc đáo của bản vọng cổ là cái khoảng
trống sáng tạo dành cho người nhạc công. Mặc dù học là truyền ngón, truyền khẩu
nhưng đã là nhạc công thì ai cũng có ngón đờn, “chữ đờn” của riêng mình. Tối
nay trong cái giây phút thăng hoa, anh đã cho chúng tôi thưởng thức bài vọng cổ
với những chữ đờn chất chứa những buồn vui của một đời người. Nốt nhạc cuối
cùng đã hết từ lâu nhưng chúng tôi vẫn lặng yên không ai nói với ai câu gì. Đêm
thật sâu!
Hôm nay thật đặc biệt. Trong một ngày rong
chơi miền thôn dã bên bờ con sông Tiền lặng lờ chuyên chở phù sa, tôi đã được
nghe hai tiếng đàn độc đáo với hai sắc thái tình cảm hoàn toàn khác nhau. Một
đã giũ bỏ những buồn vui, thong dong tự tại với tháng ngày, và một thì chất
chứa những niềm riêng oằn nặng. Mỗi người mỗi vẻ. Những nông dân nghệ sĩ nặng
lòng với đất nhưng vẫn dành cho đờn ca tài tử một tình yêu với cả tấc lòng.
Vâng! không phải là những sân khấu hoành tráng xênh xang đèn hoa rực rở, mà
ngay chính nơi những khu vườn, những ruộng lúa và những dòng kinh, cái mạch
ngầm đờn ca tài tử vẫn chảy suốt, trầm tĩnh đi qua tháng ngày, thủy chung cùng
người cùng đất.
Chuyến đi ngắn nhưng thật thú vị. Cảm ơn mảnh
đất cù lao Giêng với những con người hiền hòa, hiếu khách. Đường về, trong màn mưa lất
phất bay, dường như nghe câu Phượng Hoàng rưng rưng cùng đất.
Tôi chợt nghĩ miền Tây làm sao mà không có
đờn ca tài tử được nhỉ!
10.2018
Phan Võ Hoàng Nam
___________________________________
-(1) Khi người hát xuống câu vọng cổ, nhạc công sẽ đàn
liên tục bốn, năm lần chữ Hò.
-(2) Là đoạn mười hai nhịp không có lời ca trước câu
số hai, gần giống với gian tấu trong các ca khúc.
-(2) Cách gọi độc tấu trong đờn ca tài tử.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét