Ngô Khắc Tài là cái tên vốn không xa lạ với những ai yêu mến văn
học đồng bằng sông Cửu Long. Ông cũng là một trong số ít tác giả của khu vực từng
nhận được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (với “Chim hạc bay về”, năm 2002)
nên tác phẩm của ông luôn nằm trong sự chờ đợi và hy vọng
của bạn đọc. “Cỏ chát” (Nxb Hội Nhà văn, 2017) là tập truyện dài của nhà văn vừa
mới trình làng. Vẫn là một Ngô Khắc Tài với giọng văn giàu tự sự và suy nghiệm.
Nhưng với “Cỏ chát” còn là những câu chuyện, nhân vật đầy ắp “mùi” trần tục và ướp
đẫm “vị” đời…
Nhân vật chính, xưng “tôi”, là một cô bé đang tuổi đến trường và
đứng ở trước ngưỡng thành người lớn. Cô không biết cha mình là ai? Cô được nuôi
dưỡng và lớn lên trong sự cưu mang, dạy dỗ của mẹ. Người mà cô vừa thương vừa
giận, dù thật lòng muốn gần gũi nhưng cũng nghi ngại, vì “công việc” mà mẹ cô
làm:
Nghề của mẹ cũng là một nghề.
Hơn nữa đó là một cái nghề “xưa như trái đất”. Ngồi với khách uống rượu, ca hát
mua vui (nó cũng chẳng có tội lỗi gì – hình như thâm tâm tôi không phản đối mẹ).
Thế nhưng khi đến trường bạn bè hỏi mẹ làm nghề gì, tôi trả lời là mẹ tiếp người
ta bán quán. Tại sao tôi không đủ can đảm nói với chúng bạn – mẹ tao là nữ tiếp
viên?
Tuổi mười bảy với nhiều rung động, cô cũng không ngoại lệ. Cô nảy
sinh tình cảm với Vinh, chàng sinh viên luôn âm thầm dõi theo cô, vì cô có vẻ “khác
biệt” với bạn bè cùng lứa. Tình cảm cả hai dành cho nhau tự nhiên nhưng ngần ngại,
vì điều gì đó mơ hồ. Là Vinh nhút nhát hay vì cô chưa thể bộc bạch hết những gì
trong lòng với anh. Dẫu vậy cô vẫn cảm nhận anh phần nào hiểu được điều mà bản
thân cô giấu diếm. Tôi quý Vinh ở chỗ,
mình hay đến nhà của Vinh chơi. Ngược lại tôi cố tình giấu diếm hoàn cảnh nhà của
hai mẹ con. Vinh cũng không hỏi, hình như Vinh cũng lờ mờ hiểu.
Nỗi “mặc cảm” ấy cứ lặng lẽ lớn dần. Dù Vinh vẫn quan tâm, đối xử
tốt với cô. Dù vẫn tin tình cảm anh dành cho cô là thật lòng. Nhưng cô vẫn
không thể chia sẻ được với anh.
Nơi nương tựa
Người mẹ là nơi tương tựa, là chỗ dựa duy nhất. Trong lòng luôn
có chút giận dỗi trẻ con, nhưng cô vẫn rất yêu thương và lo lắng cho mẹ. Mỗi bận
bà đi làm về trễ, hay mỗi dịp cuối tuần, cô đều mong được ở gần mẹ. Và hơn hết,
cô rất muốn được sẻ chia những nỗi lòng thầm kín mà mẹ còn chôn giấu.
Nhưng rồi tai nạn đột ngột xảy đến. Mẹ cô hôn mê phải nhập viện,
vì bà bị khách ép uống rượu rồi lên cơn tai biến. Tuổi mười bảy của cô đứng trước
chông chênh và bao thử thách dập dồn.
Rồi bà mất. Người thân duy nhất đã ra đi. Để lại nơi cô bao chất
chứa… Cha cô là ai? Cô đến từ đâu? Cô còn có người thân nào khác?... Để từ đó,
cô bắt đầu hành trình tìm lại gốc rễ, cội nguồn. Với khát khao mãnh liệt.
Được sự chỉ dẫn của chính quyền địa phương, cô tìm về quê ngoại:
Xứ cù lao xa xôi, xanh mát yên bình... Cô có một người ông và gia đình cậu mợ. Ở
đây, cô sống giữa hai miền thời gian: hiện tại – quá khứ. Hiện tại là cho cô.
Quá khứ thuộc về mẹ. Và đâu chỉ hai người:
Hình như sự xuất hiện của tôi,
là ngoài sự mong đợi của mọi người, của ông ngoại. Không được chuẩn bị trước,
nên nói xong ông trầm ngâm. Ông như hồi tưởng lại ký ức mà lúc đó tôi chưa có mặt.
Tôi ở đâu lơ lửng ngoài không gian. Mọi việc rồi từ từ tôi cũng sẽ được biết,
kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra ngoài thôi. Tôi để mặc cho ông, tuổi già gắn
với cái võng, là chiếc nệm êm ái đu đưa lắc lư ông bơi trong thời gian hai chiều.
Không như dáng vẻ yên bình, làng quê vẫn có “sóng ngầm”. Chính ở
nơi đây, sống với gia đình cậu mợ và nhất là được gần gũi ông. Cô đã hiểu hơn về
xuất thân. Về sự đánh mất mình của mẹ… Về nỗi ân hận, day dứt nơi ông… Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Vì “miệng
đời” xua đuổi con mình… Càng tìm hiểu, cô càng thương ông. Cô hiểu vì sao mẹ lại
ra đi... Vì sao ai cũng tránh nhắc mẹ... Vì sao tình thương nơi đây không thể
níu cô lại...
Chốn cuối cùng
Rời làng quê cô trở lại thành phố. Nơi cuộc sống hào nhoáng, với
bao sắc màu rực rỡ. Như chờ đợi những thiêu thân lao vào. Làm sao để mưu sinh, khi
còn phải đi học? Cô cậy nhờ dì Tuyết và “những người bạn” của mẹ. Ở cái nơi, với
những người dễ làm nghĩ đến sự nhơ nhớp, tha hóa. Vậy mà cô ngộ ra nhiều điều. Vẻ
ngoài không nói lên tất cả. Các dì luôn bảo bọc, chở che cô.
Gần dì Tuyết, cô hiểu hơn “nghề” của mẹ. Họ cũng như bao người
khác. Với bao nỗi niềm, trăn trở…
- Tao giống mẹ mày ở chỗ: để
dành tiền, có số vốn rồi bỏ nghề. Mà tụi tao đứa nào cũng tính như vậy mày ơi.
Chẳng ai làm đĩ đến già. Nhưng làm sao tao trở về quê được, cũng như trường hợp
của mẹ mày.
- Người đời chẳng có ai nuôi
mình, lại đi khinh rẻ mình. Có mấy cha đàn ông, mới có tụi tao. Bắt là bắt mấy
cha đàn ông, nhưng xã hội lại lên án mình.
Không muốn đi theo vết xe đổ của mẹ. Cô ao ước được gặp lại cha.
Dù ông chối bỏ cô. Dù ông có bao tội lỗi trong quá khứ… Hơn ai hết, cô muốn hiểu
được mình. Bằng cách vượt qua và đối diện.
-…
- Thu Huệ
Bỗng dưng ba tôi kêu lên. Tôi
hồi hộp nghe ông muốn nói gì. Và tôi nhớ mãi, câu nói cuối cùng của ba. Trước
khi rời trại cải tạo.
- Mày đến gặp tao, tao mừng lắm.
Đúng là nhờ có mày tao mới nghĩ mình đã có gia đình, có vợ con. Nhưng mà mày đừng
tới thăm tao nữa.
Sao ba lại nói vậy? Có lẽ tôi
cũng không biết mình có nên gặp ba nữa hay không? Tuy nhiên, tôi lại thêm một lần
vượt qua cú sốc. Dù sao cũng gặp được mặt người đã tạo ra hình hài mình. Tinh
thần của tôi như được hỗ trợ, lấy lại sự bình tĩnh tự tin, để bước vào cuộc thi
sắp tới. Tôi tin lần này cánh cửa đời tôi sẽ rộng mở. Mặc dù, đó là khung cửa hẹp.
Chặng cuối đầy chông gai trên hành trình tìm thấy mình. Nhận ra
mình. Thấu hiểu mình. Phải chăng cũng là một khởi đầu?
Vĩ thanh
Suốt chiều dài câu chuyện bao dòng nghĩ suy, tâm lý đan xen.
Nhân vật vừa tự vấn vừa cuốn theo hành trình tìm lời đáp. Chọn một cái nhìn bao
dung, cảm thông với những phận đời còn thiệt thòi và chịu sự kì thị, xa lánh của
xã hội cho thấy ở nhà văn một tấm lòng. Gần đây, việc tranh luận có nên mở các
khu “phố đèn đỏ” ở Việt Nam diễn ra sôi nổi, gay gắt. Đi liền với sự cởi mở ấy
là bao trăn trở. Những đứa trẻ có mẹ là “gái bán hoa”, chúng đến với cuộc đời
và hòa nhập xã hội thế nào? Chuẩn bị gì cho thế hệ tương lai đang thực sự mới mẻ
hơn nhưng cũng gặp nhiều thách thức, cạm bẫy hơn? Và chúng ta có đủ niềm tin để
đặt cược vào những giá trị tốt đẹp luôn tồn tại thẳm sâu nơi mỗi người, như nhà
văn đã chọn.
Dương Dương
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét