Câu chuyện khá dài bắt đầu như thế này. Bốn mươi năm trước gia đình bên vợ tôi
rất nghèo, làm nghề hàng sáo mua lúa xay gạo về bán từ chợ này qua chợ kia. Chợ
Long Xuyên lúc đó còn lụp xụp ẩm thấp, những căn phố cũ kỹ xây bằng ô dước với
cốt bằng tre có đâu từ thời Tây… còn ăn trầu. Vậy mà bên vợ không đủ tiền mướn
căn phố phải rủ gia đình thứ hai ở chung để chia tiền nhà ra. Bên vợ tôi ở tầng
dưới, gia đình chị Liên ở tầng trên, hai bên coi như một nhà, hằng ngày ra vào
đụng mặt. Ba chị Liên sống với nghề bán hủ tiếu, mì dạo, gọi khách bằng hai
thanh tre gõ lốc cốc gọi là bán mì gõ. Chị Liên lớn hơn vợ tôi mười tuổi. Phố
nghèo, người lớn bận việc mua bán, đám con nít như được thả lang thang rong
chơi, lúc nào đói bụng mới chịu mò về nhà ăn cơm rồi tiếp tục ra đường. Suốt
ngày vợ tôi lẽo đẽo đi sau lưng chị Liên, mà đi đâu? Thật ra là có đi đâu. Buổi
sáng chị Liên ngồi ở nhà cán mì, vợ tôi ngồi theo một bên phá phách dọc bột.
Buổi trưa ông già chị Liên đẩy xe hủ tiếu ra đường, chị Liên đi theo cầm hai
thanh tre gõ lốc cốc chào hàng. Vợ tôi lẽo đẽo đi theo phía sau đợi lúc chị
Liên bận phụ ba mình thì cầm hai thanh tre gõ cho vui.
Tỉnh lẻ những buổi trưa phố xá êm ả, đêm xuống đèn đóm lù mu, phố xá thật buồn
hiu nếu như không có những âm thanh lốc cốc nghe vui tai của hủ tiếu, mì dạo.
Và tất cả rồi đã tạo thành ấn tượng buổi đầu đời sâu nặng kết thành tình chị em
về sau. Chắc cũng còn nhiều kỷ niệm khác nữa giữa họ chứ không phải chỉ bấy
nhiêu nhưng điều tôi biết đại khái nó là như vậy.
Vợ tôi đi học muộn nhưng lại ham học, biết thân phận con nhà nghèo, lúc này cô
không còn lang thang rong chơi. Đi học về ngồi sàng gạo tiếp gia đình rồi đội
gạo đến bỏ mối từng nhà. Sau này cô thi vô sư phạm Vĩnh Long, gia đình thì
chuyển lên Sài Gòn. Ra trường trở thành giáo viên cô vẫn ở lại Long Xuyên, sống
một mình, sau đó gặp tôi, rồi hai đứa gá nghĩa thành vợ chồng.
Chúng tôi sống êm ấm, vợ tôi bận rộn việc dạy học thỉnh thoảng mới trở lại thăm
phố cũ. Rõ ràng số phận của mỗi người như giày dép có số không đều nhau. Năm
mươi tuổi chị Liên chưa lập gia đình sống hẩm hiu bên cạnh người thân. Sau khi
cha mẹ qua đời, ba anh em, hai người có gia đình riêng vẫn sống chung một nhà
nhưng chẳng có ai thuận với ai. Chị dâu em chồng, chuyện đàn bà con gái kéo
theo anh em ruột thịt, kéo theo những người đàn ông. Anh của chị Liên thì rượu
chè. Đứa em của chị lại có bệnh cờ bạc. Cả hai bê tha nên sinh ra sợ vợ đã
đành, lại sợ luôn đám con, chúng luôn hùa theo mẹ hỗn hào với cha mình, hỗn hào
luôn cả với chị Liên, chúng thật quá quắt. Trước đây chị có dành dụm được ít
tiền, ít chỉ vàng để phòng thân, con cháu nghèo hỏi mượn làm vốn, chị Liên đưa
ra, cuối cùng chẳng ai chịu trả. Tới khi bà cô hết tiền chúng liền coi là kẻ ăn
nhờ, ở đậu. Buồn chị dâu, em dâu thì ít vì đó dù sao cũng là người ngoài, con
cháu ruột thịt mà ứng xử vậy mới là điều đau xót. Chị đọc được suy nghĩ của lũ
cháu, chúng muốn chị đi tìm nơi khác ở để khỏi phải trả nợ - món nợ mà chị
không còn nghĩ tới, coi như là cho chúng. Buồn bã cho số phận, chị Liên lên
chùa làm công quả, nghe kinh kệ lãng quên cuộc đời.
Thỉnh thoảng vợ tôi mua chút đỉnh quà như mì gói, đường, trà mang đến ngôi chùa
chị Liên đang làm công quả. Những gói quà mọn, hay chút đỉnh tiền kia chẳng có
ý nghĩa gì lớn lao. Đi giúp người khác mình thấy vui hơn là người vui, vì nó
cũng đâu chuyển hoá được số phận người ta. Thuở nhỏ hai chị em sống chung dưới
cùng mái nhà, khi vợ tôi mới sinh ra được chị Liên bồng ẵm, lẽ ra lúc này vợ
tôi rủ chị Liên về với mình mới phải! Kể ra cũng buồn, phước ai nấy hưởng
nghiệp ai nấy mang.
Nhưng đến đây dường như có bàn tay Phật nhúng vào tạo ra phép nhiệm mầu. Từ
trên nhìn xuống Ngài như đã xui một vị khách đứng nhìn chị Liên, dõi theo từng
nhát chổi đưa. Ban đầu khách chỉ khen cho vui. Chị Liên cũng trả lời cho vui. ở
nhà mình không có gì. Đến đây tự nhiên mình có được cái sân, cây cối mát mẻ.
Mình chăm sóc nó cho vui, hơn nữa lại được chùa cho cơm ăn.
Người khách là thím Hà. Thím là chủ một sạp vải lớn, chồng thím vượt biên để
lại vợ con nên thím hay đi chùa cầu nguyện. Nhà của thím từng có mấy người giúp
việc nhưng họ thuộc loại sai đâu làm đó, vậy mà còn theo đòi tiền công, thật
chẳng vừa bụng. Ngầm dõi theo đã lâu giờ nghe chị Liên nói lấy làm hợp ý, thím
rủ chị theo mình về nhà… Mỗi khi nhắc tới câu chuyện này vợ tôi hay nói chẳng
ai biết trước được số phận. Theo về sống với thím Hà chị Liên được mấy mẹ con
xem như người nhà, phần chị cũng xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
Công việc của chị Liên cũng nhẹ nhàng. Giặt đồ thì đã có máy giặt, chỉ cần chị
đem phơi khô rồi lấy vô xếp để con thím Hà về lấy ủi. Chị cũng khỏi phải nấu
ăn, buổi chiều thím Hà đi chợ mua thức ăn về làm rồi để vô tủ lạnh. Chị Liên
chỉ có nhiệm vụ coi chừng nhà, quét nhà lau chùi, bàn ghế, hâm thức ăn. Chị đã
bước vào những năm tháng sống thật nhẹ nhàng thảnh thơi. Điều đặc biệt là thím
Hà còn dành cho chị Liên một căn phòng để chị thờ Phật bà Quan Âm. Khuôn hình
Phật bà Quan âm, bộ chuông mõ, với cuốn nghi thức tụng niệm, là tài sản riêng,
đi đâu chị cũng mang theo, giờ tài sản ấy được đặt hết trong căn phòng này, đêm
đêm chị ngồi gõ mõ tụng niệm.
Anh em con cháu ruột thịt không ngó ngàng, người ngoài lại thương, rõ ràng trớ
trêu. Mà tạo hoá được gọi là ông trời kia trẻ hay già? Có người kêu trời già,
kẻ khác lại gọi là trời xanh, lộn xộn. Tôi thì thấy trời xanh nên còn rất trẻ
con thích trêu cợt người và tiếp tục trêu cho tới kỳ cùng.
Bốn năm vợ chồng thím Hà xa nhau, bất ngờ một ngày nghe tin chồng có bồ đang
chuẩn bị làm lễ cưới. Mạnh thay lòng dục ái, tham sân si nó khiến cho người ta
nổi cơn ghen từ xa. Thím Hà đùng đùng dẫn mấy đứa con kiếm tàu vượt biên bỏ lại
nhà cho chị Liên.
Chị Liên vốn cô độc nay tiếp tục kiếp cô độc một mình sống trong căn nhà rộng
thênh thang. Năm trước năm sau, nhà nước phát hiện ngôi nhà ra không có chủ,
liền đến quản lý, biến nó thành cơ quan. Chị Liên đành phải ra đi, tuổi sáu
mươi tư bơ vơ trước ngã ba đường. Chị đi về đâu những ngày cuối đời? ở mỗi ngã
ba đường không gian rất là cao rộng nó không đủ hơi ấm cho một hoàn cảnh như
của chị. Cái ăn thì không lo vì mỗi tháng thím Hà trả tiền công chị Liên đâu
tiêu xài gì. Riêng việc ở cho an phận tuổi già để đêm đêm còn được gõ chuông mõ
tụng niệm, thầm thì với Phật Quan âm, thì chưa biết tính sao. Đúng ra chị còn
nhiều chỗ để lựa chọn. Trở về với gia đình chịu đựng đám con cháu vốn xem người
cô là món nợ đời. Vào viện nuôi dưỡng người già trẻ mồ côi. Tìm về lại ngôi
chùa luôn mở rộng cửa thiền kia. Thế mà không hiểu sao chị Liên lại chấm chọn
gia đình tôi để tìm đến gõ cửa.
Sau một tuần đi công tác xa nhà, trở về vào buổi chiều, nghe trên gác có tiếng
đọc kinh, tiếng mõ rồi tiếng chuông ngân. Không chuẩn bị tinh thần trước nên
lấy làm lúng túng, tự nhiên thấy nhà mình giống như am thất. Tôi lấy làm ngạc
nhiên. Tại sao việc nào vợ tôi cũng hỏi ý kiến chồng, một việc lớn như vầy tôi
lại chẳng được báo trước?
Nhà còn chỗ cho chị Liên tạm trú, có gì mà lớn hả ông. Vợ tôi hỏi lại giống như
giả bộ. Sao lại không, khi ta đã nuôi một người, nhất là người già? Chị Liên tự
nấu ăn, đâu có ăn của mình. Tôi không nói với bà việc nhỏ đó, già cả ăn uống
bao nhiêu. Tôi chỉ nói cái chuyện người già tính tình bắt đầu thay đổi sinh ra
nhiều tật, mình không nặng lời được nhưng chịu đựng được không. Rồi chuyện đau
yếu bệnh tật, hai đứa đều đi làm ai ở nhà lo đây. Không nhận người nuôi thì
thôi, nhận thì phải có bổn phận trách nhiệm. Nuôi một con vật còn khó huống chi
là một con người.
Vợ tôi muốn cãi nữa nhưng cô yên lặng cho tôi ngẫm nghĩ. Tất cả mọi chuyện trên
đời không phải ngẫu nhiên mà có, mà nó là do nhân quả, nhân duyên đi ra. Mà
duyên quả theo nhà Phật không chỉ có một mà có nhiều thức lớp chồng chất lên
nhau. Chị Liên với vợ tôi là mối duyên của bốn mươi năm trước, biết đâu còn có
duyên trong tiền kiếp. Cuộc sống tin cậy lẫn nhau, hai vợ chồng tôi mặc dù là
mối duyên khác, nhưng qua vợ vẫn nối được duyên của tôi với chị Liên. Biết một
người rồi biết ra cả họ là vậy.
Vợ tôi biết, mặt mũi tôi hay nhăn nhó, việc nào trước hết tôi cũng bàn ra nhưng
thật tình là bàn vô. Tôi giống cuốn từ điển tra ngược. Dân miền Tây giữa đường
gặp chuyện chẳng đứng đó đưa mắt nhìn vô cảm. Tôi không xài điện thoại di động,
vợ tôi làm sao hỏi ý kiến việc xảy ra đột ngột, mà có hỏi tôi cũng không phản
đối. Hơn nữa nhà tuy không được rộng rãi nhưng bên trên có một tầng gác chỉ để
sách báo, thỉnh thoảng có khách mới lên dọn chỗ giăng mùng. Vợ tôi không đợi
tôi về để hỏi ý kiến là vậy, cũng dễ hiểu. Từ duyên này người bước qua gặp
duyên kia là vậy, cuộc sống đặt niềm tin lẫn nhau, trừ khi người không còn niềm
tin. Nhưng giữa tôi với chị Liên có nhân quả gì, nhân duyên gì? Bao giờ chuyện
xảy ra trước mắt cũng khó nắm bắt, tôi chỉ có thể hiểu được khi sự việc kết
thúc, lúc xong đám tang chị Liên, rảnh rỗi nhớ lại. Hiện tại nhà có thêm một
người, có bao chuyện đang chờ đợi phải lo…
Chị Liên ốm yếu gầy go, giống như thân cây khô dần từ dưới lên chỉ còn ngọn,
khuôn mặt chị – khuôn mặt một người già - trầm tư không biểu lộ cảm xúc nhưng
đôi mắt thỉnh thoảng lại sáng lên như nheo nheo cười cho ta biết sự sống đang
hiện diện. Nói lo cho chị thật ra lo có nhiều nhặn gì, tôi chỉ làm một số việc
ở buổi đầu. Vợ tôi bố trí cho chị ở nửa căn gác phía trước, tôi thấy không
thuận tiện lắm, vì giáp với mặt tiền đường phố xe chạy ồn ào - lớn tuổi cần sự
yên tĩnh nhất là sáng, trưa chị còn lạy Phật, gõ chuông, bèn dời chị ra căn gác
phía sau, hướng nam lúc nào cũng có gió hiu hiu mát mẻ, cửa mở nhìn xuống xóm
nằm phía trong vườn tược bao quanh, xa xa là con sông rồi cánh đồng trải dài.
Căn gác này vốn dành cho khách nhưng lâu lâu mới có người ghé nên nó như dành
riêng cho tôi làm thư phòng. Phần lớn thời gian trong ngày tôi lên đây đọc sách
báo, nghỉ ngơi, chiêm nghiệm cuộc sống. Hình như vật cũng đang chờ người, căn
gác thật thích hợp với chị Liên. Việc thứ hai tôi cần phải làm là kêu thợ mộc
tới thu xếp mấy chậu kiểng ngoài hành lang đủ chỗ làm một phòng tắm mini, đặt
cái lu, gắn vòi nước cho chị. Thấy chị đã lớn tuổi, không biết bệnh hoạn lúc
nào, tôi bàn với vợ mua cho chị thẻ bảo hiểm y tế phòng xa đời sống viên chức
không đủ lo cho người, rủi ro chị ngã bệnh. Chẳng lẽ người sống chung nhà lại
để mặc, mua thẻ bảo hiểm thật ra là lo cho tôi.
Phật có dạy: ai lo cho người quên mình sẽ nhận lại tràn đầy phúc đức, những
điều tốt lành. Tôi không phải người nghĩ nhiều đến việc phước đức nhưng qua chị
Liên tôi nhận ra Phật dạy chẳng bao giờ sai. Trước hết vợ tôi có người để tâm
sự chuyện trò như vui hơn. Bấy lâu nay tôi vô tình quên nhu cầu này. Vợ chồng
tôi cũ xì có gì mới mẻ đâu mà nói. Đi làm về cơm nước xong tôi lên gác rút vô
thế giới riêng nằm đọc sách. Vợ tôi dọn dẹp rửa ráy xong, nằm nghỉ ngơi xem ti
vi rồi đến giờ đi làm. Buổi chiều về không khí trong nhà cũng y như buổi sáng
riết rồi quen, không để ý gì đến sự lạnh lẽo của ngôi nhà thiếu tiếng người.
Nhưng đó chỉ là một việc còn nhiều việc nữa chị Liên mang đến cho gia đình. Khi
hai đứa đi làm, chị Liên ở nhà làm những việc lặt vặt như quét nhà, lau chùi
bếp núc, xếp quần áo, chùi rửa cầu tắm. Những việc lặt vặt coi vậy mất rất
nhiều thời gian, vợ tôi làm luôn tay, nay đi làm về thấy nhà cửa đâu vô đó gọn gàng.
Rõ ràng lo cho chị Liên, hai đứa đã nhận lại, đúng y như kinh, Phật dạy.
Tuy nhiên để làm theo như lời Phật dạy thật không dễ dàng chút nào. Muốn giúp
đỡ người quên mình, tôi cần phải có tính nhẫn nại, chịu đựng. Những người lớn
tuổi như chị Liên bắt đầu thay đổi tính nết, gọi là sinh tật. Ai có cha mẹ già,
ông ngoại, ông nội sống chung, có thể chia sẻ với tôi được điều này. Chị Liên ở
nhà cũng mang dép. Ban đêm chị hầu như không ngủ mà thao thức lục đục dép cứ
khua sàn gác lộp cộp lộp cộp. Rồi tiếng võng kèn kẹt, tiếng quạt đập muỗi xành
xạch… Nghe rất là khó chịu. Tính hà tiện khi mở vòi nước không chịu mở lớn sợ
hao cứ mở ri rỉ rồi quên khoá vòi khiến nhiều lần nước tràn xuống cả nhà. Kêu
bật quạt máy, chị nói bật chi cho hao điện, cứ nằm đưa võng, xài quạt giấy cho
mát rồi đập muỗi; đâu biết đêm đêm tiếng đập quạt xành xạch khiến người khác
khó chịu thế nào?
Người lớn tuổi nào cũng có tính hà tiện, chị Liên của tôi còn đi xa hơn. Gặp
món gì chị cũng lượm. Từ lượm ở trong nhà, rồi ra tới ngoài đường, những bọc ny
lon, vỏ hộp bánh, vỏ chai chị lượm về giặt, rửa sạch để lủ khủ khắp nơi. Rồi vỏ
quít, vỏ bưởi, bông cúc bông thọ chị mang về phơi khô; cả cùi bắp, vỏ chuối, vỏ
dừa nữa. Xã hội tiến về phía trước chị Liên thì đứng lại rồi lùi về phía sau
với thế giới của riêng mình. Chị Liên hoàn toàn không giống ai, tồn tại được mà
như không mất đồng bạc nào. Nhìn chị, tôi không biết mình có nằm mơ. Còn có
những ai sống theo kiểu chị bây giờ? Nhưng tôi mơ sao được, một hiện thực rõ
ràng đến độ ngơ ngẩn. Mỗi ngày bạn mất bao nhiêu cho tiền ăn? Bạn hình dung nổi
không có người như chị Liên mỗi ngày xài chưa tới năm ngàn, đi chợ chỉ để mua
ba miếng tàu hũ trắng, bó rau muống hoặc bó cải? Nếu có mua gì thêm thì đó là
nải chuối, một vài trái lôm chôm cúng Phật vào ngày rằm, hoặc mua ít lọn bún
ta, mì chay để dành. Đơn giản đến mức chị không xài nước tương bột ngọt, mà
thay bằng nước muối nấu với vỏ khóm xin trong chợ.
Sau này tôi quen, chứ mấy năm đầu thật không chịu được, ở dưới nhà xào nấu các
món bay hơi thơm lừng trong khi người sống trên gác, chỉ với tàu hũ chiên hoặc
xào sả ớt và tô canh rau không gia vị. Có vẻ chị ăn cho có ăn, gọi là. Tiếng
tăm nuôi một người trong nhà, ai cũng hỏi tôi mối quan hệ với chị Liên, thật ra
tôi đâu có nuôi chị ngày nào. Càng thêm bứt rứt muốn giúp đỡ nhưng giúp được
gì, đem cho gạo, đường nhưng chị Liên như trêu cợt nói, mình không quen ăn gạo
ngon, đường cũng chả mấy khi dùng tới. Thật cụt hứng. Có một thời gian tôi đâm
giận chị Liên. Sao chị lại sống như ép xác, khổ hạnh, ngoài cặp mắt sáng tinh
anh ra thân thể chị Liên ốm chẳng khác gì bộ xương, giống hệt mấy pho tượng La
Hán chùa Tây Phương. Cuộc sống khước từ mọi thứ trên đời vậy có gì vui, có ý
nghĩa gì, nhiều lần tôi tự hỏi, rồi cũng không trả lời được.
Thế giới của chị Liên hiện ra trước mắt tôi rõ ràng từng chi tiết nhưng tôi lại
vẫn như không biết gì. Tám năm chị Liên cứ nhẹ nhàng như không, “bộ xương” ấy
đều đặn mỗi ngày ba thời, sáng trưa thỉnh chuông lạy Phật, chiều gõ mõ đều đặn
công phu. Giọng đọc kinh của chị Liên se sẽ không lớn, tiếng mõ cốc cốc cũng
không lớn. Lạ lùng sao nó lại có uy lực làm cho xung quanh phải lắng nghe.
Ông tỏ ra quý mến nhân vật của mình. Thôi cũng được đi, bởi vì đó là tình giữa
người với người, rất cần cho bất cứ xã hội nào. Nhưng khi ông cho nhân vật của
mình là Bồ Tát thị hiện thì tôi không chịu. Sao lại không chịu? Vì Bồ Tát là
người cõi Phật, khi ngài hiện ra cho ai thấy lập tức tâm linh cuộc sống người
đó thay đổi. Vậy ông có thay đổi không khi gặp chị Liên? Tôi biết khi kể tới
đây, chẳng những một người, mà rất nhiều người nữa sẽ đưa câu hỏi này.
Vâng. Tôi xin thú nhận mình có thay đổi. Nhu cầu của con người bao nhiêu là
vừa. Trước hết đây là điều tôi băn khoăn mỗi khi nhớ đến chị. Tôi với cuộc sống
viên chức lúc nào cũng than nghèo. Tôi có nghèo thiệt không, khi trong nhà có
nhiều thứ mua để đó vẫn không xài. ăn uống tuy là bình thường chẳng có gì cao
lương mỹ vị nhưng vẫn hay dư thừa chờ xe rác tới để bỏ thật là phí của. Những
người nghèo theo kiểu tôi trong xã hội ngày nay rất nhiều, riết rồi không rõ bộ
mặt thật của xã hội ngày nay như thế nào. Ngay cả người giàu hơn tôi cũng than
túng thiếu. Trong khi mỗi ngày chị Liên sống ung dung chỉ với vài ba ngàn đồng.
Chuyện thứ hai. Vào mỗi chiều, nhà vang lên tiếng mõ khua cốc cốc cốc cốc,
giọng chị Liên đọc kinh trầm buồn. Thoạt đầu tôi chỉ thấy chung khiến nhà mình
ấm cúng hơn. Từ từ tôi nhận ra nhà mình đang thay đổi. Trước hết là thằng con,
đi đâu về hễ bước chân vô nhà nó mở ngay vô tuyến, rồi đầu đĩa, âm thanh lớn
không chịu nổi. Khi tiếng mõ xuất hiện, chẳng có ai dạy thằng bé lập tức vặn
volum nhỏ lại. Đám bạn tôi thỉnh thoảng mỗi chiều mua mồi màng đem tới nhà bày
trò nhậu nhẹt. Rượu vào lời ra ồn ào, vừa lúc trên gác vang lên tiếng chuông,
tiếng mõ, lập tức họ trở lại nói năng đứng đắn, lịch sự.
Tuy nhiên sự thay đổi ấy còn nhẹ nhàng. Bây giờ tôi xin được phép nói về mình.
Xung quanh khu vực tôi đang sống chỉ trong cây số vuông mà có tới bốn ngôi
chùa. Không biết người cất chùa hướng tới mục đích gì, chùa nào chùa nấy nguy
nga đồ sộ. Thường chỉ có mấy bà, rồi vợ tôi hay rủ nhau đi chùa, riêng tôi ít
khi đi. Lại thêm kinh sách, băng đĩa ngày nay in ấn rất nhiều, người như đi lạc
vô khu rừng, các thầy thuyết giảng tràn lan. Lắm khi nghe mà tức mình, thôi thì
không gì bằng tôi mua sách về đọc, tìm sự thật ở trong chính kinh, chính lời
đức Phật dạy. Dần dần tôi giống như con mọt sách hầu như kinh nào cũng để mắt
đọc, căn gác chất đầy sách báo, kinh kệ để bừa bãi. Hình như đây là nhân quả.
Tôi ghét chùa chiền bỗng dưng căn gác của nhà tôi lại giống am thất. Tiếng mõ
của chị Liên vang lên mỗi chiều, ngày một ngày hai như nước thấm sâu vào lòng
đất. Đến một ngày bỗng tôi bừng tỉnh ra, là đứa sách kinh đầy bụng mà chưa một
ngày thực hành, ngồi thiền cũng không. Trong khi đó chị Liên ngoài các cuốn nghi
thức tụng niệm, kinh sam hối chị như không biết gì về kinh Pháp hoa, kinh Kim
cang chẳng hạn. Người tốt người thông thái cả hai đều đến được với Phật nhưng
ai sẽ tới trước? Lắng nghe tiếng mõ, tiếng chị Liên đọc kinh tôi ngẩn ngơ nhớ.
Có phải ngài A Nam đa văn quảng bác được đức Phật thương yêu hơn mọi đệ tử
khác. Để rồi sau khi Phật qua đời A Nan là người giác ngộ sau cùng.
Đồng ý là có thay đổi nhưng chỉ có vậy thì nhân vật vẫn chưa phải là Bồ Tát thị
hiện. Đến đây bạn vẫn chưa tin. Tôi biết, muốn được bạn tin là rất khó vì
chuyện phải có thêm điều gì đó vượt qua trí tưởng tượng của bạn và pha chút
huyền hoặc. Tôi xin kể tiếp. Chị Liên ăn uống kham khổ không đủ chất, vậy mà
chị ít khi bệnh. Trong suốt tám năm chỉ thấy chị thỉnh thoảng mới bị sổ mũi hay
ho, tôi đưa thuốc cho uống đôi ba ngày hết bệnh. Chỉ có một lần duy nhất chị
trúng gió chân tay tê liệt phải chở vô bệnh viện. Chị bị xuất huyết mạch máu
não may sao nó cũng nhẹ, rồi cũng phục hồi. Lần cuối cùng mới là lạ lùng, bỗng
dưng chị không ăn được, ăn vô lập tức mửa ra ngoài. Tôi quen một vị bác sĩ mời
ông đến khám bệnh cho chị một vốc đủ loại thuốc. Nhưng chị cương quyết không
chịu uống, vì chị biết mình sắp chết. Trước đây khi cho tạm trú nhìn tướng của
chị tôi dự đoán: mình nuôi chị không bao lâu. Nay đến giây phút cuối cùng nhớ
ra, tôi lại muốn cho chị sống. Bà đừng có nghỉ vớ vẩn, muốn chết dễ sao. Tôi la
chị Liên. Chị lắc đầu nhè nhẹ, hai hôm sau chị thanh thản khép mắt nhẹ nhàng.
Trước khi chết chị Liên nắm tay vợ tôi đưa một gói giấy đựng số tiền mình dành
dụm. Chị nhờ vợ chồng tôi hỏa thiêu thân xác mình rồi gởi vô chùa. Số tiền còn
lại chị nhờ gởi cho người chị dâu chồng mất mấy năm qua. Hai đứa tôi lặng người
đi. Chị mò mẫm ở đầu giường lấy ra một hộp chạm trổ xà cừ tinh xảo giống hộp của
quý bà dùng để dụng cụ trang điểm. Không biết hộp đựng những gì. Tôi giựt mình
khi chị bấm nắp hộp mở ra thấy đó là hộp đựng những miếng vàng lá và đá quý lấp
lánh. Tôi không biết cảm giác của vợ tôi như thế nào riêng tôi đôi mắt như hoa
lên tưởng như mình đã nằm mơ. Chị đưa mắt hiền lành nhìn hai đứa rất lâu rồi
chậm rãi nói. Đây là của thím Hà, sợ mấy mẹ con vượt biên không được rồi tiêu
hết của cải nên thím đưa chị Liên giữ giùm để phòng hờ trở lại còn cái mà sống.
Chuyện của chị Liên bạn tin hay không tin đến đây tôi vẫn không nói thêm lời
nào. Đã đến lúc tôi quay trở lại với bản thân mình lắng nghe mọi cảm giác trong
tâm hồn, vì rõ ràng khi Bồ Tát hiện ra với người nào, người đó không thể ngồi
yên. Người bỏ con đường cũ để qua con đường mới tiếp tục bước đi không biết đâu
là chỗ kết thúc. Vì thế chuyện của chị Liên đến đây có ba kết thúc:
- Một là thím Hà từ xa trở về được, tôi trả hộp xà cừ đựng số vàng kia.
- Hai là, tôi giả bộ như không biết gì hết chuyện của người.
- Ba là nhờ số vàng ấy tôi làm được nhiều chuyện hữu ích cho đời. Tỉ như tôi mở
một nhà tình thương để nuôi trẻ mồ côi và những người già rơi vào hoàn cảnh
giống như chị Liên chẳng hạn.
Có thể món quà của Bồ Tát trao tặng tôi còn tiếp tục diễn ra những điều gì nữa,
tôi vẫn chưa biết…
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét