Tên tập thơ của Trần Sang "Sông muôn đời vẫn thế” nghĩa là con sông vẫn y xưa, không có gì thay đổi? Vậy thì cũng không đúng, sông theo triều cường phải có bên lở bên bồi. Ông bà ta nói “Sông có khúc người có lúc “và vạn vật không bao giờ đứng yên”. Vậy sự bất dịch bất biến này có lẻ không phải là con sông quê mà còn có một con sông khác đang chảy trong lòng tác giả.
Trước hết là Con sông quê từ thời ấu thơ đến lúc trưởng thành. Con sông chứng kiến bao vui buồn, thống khổ, bao kỹ niệm khắc ghi. Chính dòng sông này là mạch cảm xúc cho dòng chảy của 32 bài thơ với ký ức khôn nguôi thương nhớ từ một bài thơ “sông muôn đời vẫn thế” làm chủ đạo:
“Tôi lại về quê hương
Sau bao năm phiêu bạc
Con đường vẫn thân quen
Mà bước chân đã lạc…”
Hình như nhà thơ trở thành người lạ trên quê hương mình rồi. “Lại về” có nghĩa là đã có về, thì làm sao đi lạc, con đường mở rông ra, thêm nhiều hẽm? À đúng là có thay đổi rồi “bộn bề cuộc sống”, sự thay đổi mới mẻ quá làm Trần Sang trở thành người cũ, chỉ có bến sông là không thay đổi, nó gắn bó với tuổi thơ vui đùa lặn hụp, cho chuồn chuốn cắn rún để biết lội, cùng bạn bè bơi qua kia sông hái từng chùm ổi chín vàng ươm… Sao mà thương mà nhớ đến như vậy: “…tự dưng mà muốn khóc / nước mắt chảy vào trong…”.
Từ con sông, nhà thơ nghĩ về bao số phận lênh đênh thương hồ, nghĩ về mình, một cánh lục bình trôi dạt xa quê. Làng quê thay đổi, con người cũng có thể thay đổi nhưng con sông hiền hòa vẫn lớn ròng, mang phù sa tưới mát ruộng vườn. Tôi thích khổ thơ này với một tứ thơ đẹp, hình như nhà thơ đã phả hồn vào con sông để nó cảm nhận được tình người, phận người mà day dứt mà xót xa: “Sông muôn đời vẫn chảy / khắc khoải bao kiếp người / giữa đục trong số phận / có còn dòng sông quê? Cách sử dụng câu hỏi tu từ để rồi chính bản thân người hỏi cũng đang phân vân:
“… dòng nào cho mình
Dòng nào ngủ yên
Dòng nào rẽ ngả…”
Hình ảnh dòng chảy con sông ám ảnh suốt chặng đường xa xứ: "Con sóng vỗ về ký ức / một thời đã xa/một thời nông nổi (Đào Hữu Cảnh của tôi - trang 26). Tiếng sóng vỗ vào giấc ngủ những cơn mê đời: "Tôi thường nằm mơ / nghe triền sông đang chảy / dòng tuổi thơ trôi đi / cặn bã đời lắng lại / quặn đau lòng nước…”. Cơn mơ kéo dài tha thiết day dứt phận người, những con sông dài thăm thẳm mà nhà thơ đi qua để cảm nhận: "những miền nước đứng yên / những miền đời lênh đênh…”. Lạc trong miền đời lênh đênh ây, nhà thơ tìm thấy bóng mẹ qua tiếng ru, hình ảnh người bà qua qua câu chuyện cổ tích và những giọt mồ hôi của ba thánh thót đường cày…:
“… Tìm lời ru mẹ à… ơi…
Chuyện xưa bà kể vẳng lời đâu đây
… mồ hôi cha đẫm luống cày đời con…"
(Con về - trang 29)
Sợi dây tình thân neo lấy trái tim người con lìa quê tìm kế mưu sinh, mười năm làm người phố thị, quên dần công việc đồng áng nặng nhọc, chợt thấy mình xa lạ với làng quê, nỗi ray rứt, mâu thuẩn, trĩu nặng không nguôi: "Nhiều lúc / sống ở thành phố thì muốn về quê / sống ở quê lại mơ về thành phố / phố và quê cứ ám ảnh / trăn trở mãi không thôi…” (Nhiều lúc - trang 18). Mỗi tiếng sóng vỗ vào ký ức như tiếng thì thầm kể chuyện trong đêm, hình như trong bóng tối người ta sẽ nhìn thấy mình rõ hơn, thật hơn: “chưa bao giờ tôi có cảm giác lo sợ / những mảng tối phủ đầy / những rối ren/soi rọi tôi/đối diện tôi... lời nói thật, nụ cười thật, sống thật!" (Đêm - trang 20).
An Giang vùng đất sống chung với lũ, mùa nước đổ về những hình ảnh quen thuộc với người dân nơi đây: "Cánh đồng trũng / nước về lênh láng / phận cây lúa lung lay / trốc gốc / ung thối...”. Dưới cái nhìn đầy yêu thương, tình quê ngắm vào máu thịt của người con xa quê hương này, anh yêu người quê mình với đức tính cần cù, thủy chung, vươn lên trong thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Thương quá hình ảnh con người đôn hậu trong tứ thơ:"cây lúa có lớn hơn con nước / phận người / lăt lay…”. Từ “phận” nghe như một tiếng thở dài, cám cảnh cuộc đời, con người chân chất cả đời chắt chiu cây lúa ngơ ngác trước lớp người lạ lẩm áo quần trắng phau lóa mắt: "cầm vợt đánh những trái bóng nho nhỏ”, đầy tiếng nói cười vô tâm, sân khấu cuộc đời vắt qua một chiếc cầu vồng sắc màu với bao câu hỏi đau đáu tình người: "những người sống ở đó rồi sẽ đi đâu?" Câu hỏi rơi vào im lặng! Câu kết bài thơ là những giọt nước mắt:
“Phía sau những ngọn đồi
Có người ngồi khóc”
(Phía sau ngọn đồi - trang 36)
Hình như nhà thơ của chúng ta đang khóc, giọt nước mắt trước những cánh đồng mất dần đi, người dân ngơ ngác trước đụn khói đen, đâu mất rồi cánh cò trắng bay lả rập rờn, mất hút cánh diều tuổi thơ, không còn tiếng chim ríu rít mỗi sáng mờ sương… Giòng sông vướng vào ghềnh thác của kỷ niệm dội lên những cung bậc đau xót, những câu hỏi cháy lòng, tưởng đã quên nhưng nó luôn là nỗi khắc khoải, nuối tiếc băn khoăn, lạc lõng:
“Tôi không phải là người của hôm qua
nhưng xa lạ trên quê hương của chính mình?
có những thứ không thể nào tìm lại
có dòng trắng đã đẩy tuổi thơ tôi mãi …”.
(Dòng trắng - trang 38)
Với cái nhìn bao dung, với dòng chảy yêu thương cứ cuồn cuộn, bứt phá bao ưu tư, bao dồn nén… người mà Trần Sang tin cậy, gửi gắm bao ưu tư trăn trở của mình. Đó là nàng thơ. Trong dòng thơ ca có một Phùng Quán vịn câu thơ đứng đậy, một Diệp Vy ẩn thân vào thơ… Ta lại bắt gặp một nhà thơ An Giang “vịn vào câu thơ để thấm một nổi đau”, “để lớn lên”, “để yêu cuộc đời hơn” và anh cũng tin rằng dòng sông đời anh có sóng dữ gió dồn thì thơ sẽ giúp anh vượt qua (Vịn câu thơ - trang 49). Ta còn thấy ở Trần Sang, một nhà thơ tâm huyết, nghiêm túc, với nhà thơ này chính chắn nhận ra một điều: “không thể đóng cửa phòng mò mẫm những câu thơ”, mà phải va chạm với thực tiễn, vào phận người:
“Mở cửa
Không chỉ có gió, tiếng chim hót và bầu trời xanh
Mà còn những mảnh đời lăn lóc
Để chạm vào tiếng thở dài oan khuất
Chạm vào tiếng khóc cuối đường
Chạm vào những nỗi lo đời thường…
Và đó là thơ!”
(Mở cửa - trang 51)
Điều này được nhà thơ này khắc chạm vào ký ức một mùa xuân của mẹ, một lời tạ lỗi với thầy, cạn ly rượu cay cùng bạn, qua những chuyến đi. Dòng sông thơ chảy hoài và đầy ắp góc cạnh cuộc đời, xen vào đó dòng cảm xúc lãng mạn, óng ả chất thơ. Tôi bắt gặp ở thơ Trần Sang chất chứa nhiều nội tâm, phải chăng con người bỏ quê ra đi, rồi muốn quay về, rồi lại ra đi… sự dùng dằng hết sức đáng yêu đối với ai đó đã từng rời bỏ quê hương và nó tạo cho chúng ta bao suy ngẫm, tìm cho mình một con đường đi thật đúng đắn trả lại một chính mình một cái tên đã từng bị lãng quên. Thông điệp của Trần Sang làm nóng bỏng trái tim yêu và gắn bó với quê dù đang ở nơi đâu..
Đọc đến bài thơ cuối cùng, tôi thấy thích một Trần Sang thơ rất miền Tây Nam bộ, ngôn từ thơ giản dị, gần gũi, nhân hậu, thủy chung, đau trước số phận con người qua những cánh đồng mất dần đi,thèm quá mùi khói bếp thân thiết:
“Mười năm chập chờn khói bếp
mười năm giấc ngủ không yên
nửa đêm giật mình
xồng xộc vào giấc mơ
mùi khói dẫn con về”
(Mùi khói - trang 56)
Nhưng tôi cũng thấy hơi tiếc cho Trần Sang nếu như anh không sử dụng trải nghiệm một số từ vừa tối nghĩa, vừa sáo rỗng, với cách so sánh khập khểnh… thì sẽ không làm nhạt đi chén rượu ngon mà tác giả dày công chưng cất: “u mê thỏa kiếp nhu nhơ / gói vào tần tủa những tờ nhân sinh… cài đời chôn cất mỏi mòn / lọc khôn xa xỉ chút gòn gọn ngu” (Lục bát không đề 2 - trang71, 72) hay: “Ngày chắp vá đêm / đêm duỗi thẳng như một đường cong / mềm mại / hun hút / trôi…” (Hành trình - trang 74). Tôi quý dòng sông tâm tưởng của Trần Sang chân quê, son sắt. Tôi nhìn thấy chân dung một nhà thơ nghiêm túc trong lao động với trái tim đầy yêu thương, đầy trăn trở:
“hình như mình là người mắc nợ
... khất lại thời gian chạm bờ hư ảo
Tôi đi qua người nhặt lại chính tôi…”
(Cuối năm - trang 23)
TRÚC LINH LAN
_____________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét