Có người cho rằng “Thơ có thể hay với người này nhưng lại không hay với người khác”, bởi vậy khi tiếp nhận thơ rất khó đưa ra được “tiêu chuẩn” rõ ràng để đánh giá. Chính vì thế, quan niệm thẩm mỹ lại là cái chủ quan của mỗi người. Có những bài thơ, khi ta đọc xong, cảm giác lâng lâng, sao thấy nó gần gũi quá, quen thuộc lắm, từ cảnh vật đến con người, hình như ta đã gặp ở đâu đó rồi, hình như ta đã từng tiếp xúc, nay đọc thơ thêm một cách nhìn khác về cảnh vật đó, về con người đó. Đó là tôi muốn nói lên những suy nghĩ của mình khi đọc tuyển tập “30 năm thơ An Giang”.
“Ba mươi năm cùng với sự phát triển của đất nước, của tỉnh nhà, nền văn học An Giang cũng đã lớn mạnh không ngừng về số lượng tác giả cũng như chất lượng tác phẩm. Thơ An Giang đã giới thiệu được những tình cảm, đời sống, quê hương và con người An Giang. Những cây bút nối tiếp nhau mà trưởng thành, khẳng định vị trí của mình trong nền văn học cả nước…”
Khi đọc “30 năm thơ An Giang”, ta sẽ gặp ngay những hình ảnh đặc trưng của quê hương An Giang, với dãy Thất Sơn hùng vĩ, với vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt, với những con người lao động chân chất…. Nhưng cái độc đáo ở đây, là mỗi tác giả lại có những cảm nhận khác nhau về quê hương, con người An Giang, làm nên sự đa dạng trong cách thể hiện, không làm cho người đọc nhàm chán.
Cũng là núi Cấm nhưng đối với Vũ Hữu là nơi đồng đội anh đã hy sinh, để đem lại màu xanh cho rừng núi, cái màu xanh của hy vọng vào tương lai:
“Đồng đội tôi nhiều người ngã xuống nơi đây
Người còn lại mang rất nhiều kỉ niệm
Cơn sốt rừng thoắt đi chợt đến
Chỉ tiếng cười đọng mãi lòng thung…”
Chiến tranh đã đi qua, đất nước trên đường xây dựng, phát triển và đang từng bước hội nhập với thế giới, chúng ta phải gác lại nỗi đau chiến tranh và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng, nhưng không được phép quên công ơn của những người đã ngã xuống:
“Tôi tìm đến các anh
Gặp giữa mênh mông đồng núi
Màu xanh sức lực con người…”
(Điều tôi bắt gặp nơi đây - Vũ Hữu)
Cũng là hình ảnh núi Cấm, nhưng với Nguyễn Đình Chiến lại có cái nhìn khác, tác giả phản ánh ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp cho khu du lịch:
“Nhiều năm
Người đến hành hương rồi để lại
- Theo dốc dựng, triền đồi, dốc núi…
Nào mảnh giẻ, giấy nhựa, đồ thải thức ăn
Những tàn tro tua tủa chân nhang
Tưởng nơi nào cũng có thánh thần ngự trị
Tác giả vẽ lại bức tranh hiện tại ở núi Cấm, để nói lên cái ước muốn đơn giản lắm của mình, mỗi người ý thức một chút, như những việc làm hết sức nhỏ nhoi là mọi người hãy trồng một cây xanh thì sẽ đem lại màu xanh cho rừng núi, nó còn là màu xanh của sự sống:
“Ước gì có một ngày
Khách đến hành hương Thiên Cấm sơn
Mỗi người mang một mầm cây rừng
Trồng vào đất núi!”
(Vết tích ở Thiên Cấm Sơn - Nguyễn Đình Chiến)
Ngoài ra, còn có các bài thơ viết về vùng núi ở An Giang như “Về núi Ba Thê”, ”Núi Dài và tôi”, “Ở lại Ô Tà Sóc”, ”Trên đất Óc Eo”… đã khái quát lại một thời kì lịch sử hào hùng của quân và dân An Giang. Tuyển tập cũng khắc họa được những hình ảnh sông nước quê hương An Giang, như “Hoàng hôn Trà Sư”, “Nhớ mùa điên điển”, ”Mùa khô Thoại Giang”, ”Long Xuyên trong cơn mưa đầu mùa”, “Mùa cá linh”, “Nhật kí lũ 91”… Với những hình ảnh đó đã làm cho những người con An Giang, yêu thương và tự hào hơn về quê hương của mình. Những người không phải quê ở An Giang sẽ hiểu hơn về quê hương Thất Sơn hùng vĩ..
Cái điều không thể thiếu được đối với mỗi bài thơ đó chính là tình cảm: Tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, bạn bè, tình yêu lứa đôi… Đọc “30 năm thơ An Giang”, ta sẽ thấy được những cung bậc khác nhau của tất cả các thứ tình cảm đó.
Hình ảnh người mẹ luôn chiếm một phần trang trọng, thành kính nhất trong trái tim của mỗi người chúng ta. Mẹ đã hy sinh cả đời vì gia đình, vì các con của mình, tình yêu thương, đức hy sinh của mẹ là vô bờ bến. Không có niềm đau nào lớn hơn đối với mẹ là những đứa con của mình lần lượt ra đi khi đã làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc:
“Chiều nay lúa xóa đồng hoang
Tìm đâu một nắm xương tàn mong manh
Nửa đời sống với chiến tranh
Nửa đời còn lại mẹ dành khóc con…”
(Lòng mẹ - Trương Công Thuốt)
Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau của mẹ thì vẫn còn đó “nửa đời còn lại mẹ dành khóc con”. Thế hệ chúng ta phải biết ơn những người ngã xuống, đã đành, chúng ta còn phải biết đền ơn, phụng dưỡng những người còn sống đã hy sinh quãng đời tuổi trẻ của mình cho độc lập của dân tộc, đặc biệt là các bà mẹ của các liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Cũng là niềm đau, nhưng giờ là niềm đau của người con khóc mẹ. Điệp từ “Đâu rồi” như một câu hỏi xoáy vào tận đáy lòng người con:
“Đâu rồi bóng áo cũ sờn
Ngõ hiu nhà quạnh lối vườn sương che
……..
Đâu rồi dấu chổi thân yêu?
Nắng nghiêng nghiêng hết cả chiều hoang sơ…”
(Mẹ - Đỗ Viết Phương)
Cùng với đề tài viết về người mẹ, tác giả Nguyễn Phi với bài “Lời của mẹ”, tác giả Anh Sắc với bài “Có một ngày mẹ đuổi con đi”… Đã khắc họa đậm nét được hình ảnh và tấm lòng của các bà mẹ của chúng ta.
Tình yêu lứa đôi là một phần không thể thiếu trong thơ ca. Trong ““30 năm thơ An Giang”, tình yêu lứa đôi là một phần đặc sắc, các tác giả đã thể hiện được đầy đủ các cung bậc của tình cảm, cũng có yêu thương tha thiết, dỗi hờn, trách móc, vu vơ, cũng có cô đơn, thất tình, ngộ nhận… Tình yêu vốn thế, nó đem lại cho con người đủ các cảm giác, đủ các mùi vị… Bởi vậy, nếu có lỡ không đến được với nhau thì phải biết tha thứ cho nhau:
“Những giận hờn ngày trước
Đem gởi vào thinh không…”
(Tết quê nhà - Võ Thành An)
Tác giả Lê Thanh My đã “trở về ngôi nhà ký ức của mình” để “khơi trong gạn đục” mà tìm:
“Em sẽ trở về ngôi nhà kí ức của mình
Xem lại trang thế nào là hạnh phúc
Đời bảo ta hãy khơi trong gạn đục
Sẽ tìm ra màu của trái tim…”
(Trong ngôi nhà kí ức)
Có một “ngôi nhà” rất lạ và cái cô gái đi tìm cũng rất lạ, để có cái lạ đó tác giả đã phải từng trải lắm hoặc là đã đi qua thì mới “trở về”, đã vấp ngã hay hụt hẫng thì mới “xem lại”. Dù có thế nào tác giả vẫn có một niềm tin sẽ tìm được cái mình cần tìm…Còn cô gái “Thầm lặng” –Nguyễn Thị Trà Giang, một ngày bỗng nhận ra anh có phải là người yêu của mình hay chỉ là “thần tượng” mà thôi, vì tình yêu là sự chia sẻ mà ở đây cô gái “chỉ thầm lặng nói một mình”:
“Bỗng một ngày bàng hoàng em chợt thấy
Chưa khi nào em được nói cùng anh
Nhỏ nhoi lắm đời thường mưa nắng
Nói với anh chỉ thầm nói một mình…”
Chúng ta còn thấy được nhiều tâm trạng khác nhau của nhân vật trữ tình trong thơ của Phan Thiếu Anh, Trịnh Bửu Hoài, Lâm Anh Dũng, Phạm Nguyên Thạch, Trương Kỉnh Nhơn,…
Tình bạn cũng là một phần nội dung không thể thiếu của tuyển tập. Tình bạn được các tác giả thể hiện ở nhiều hoàn cảnh, có người đã nằm xuống, có người đã ra đi, có người còn sống và đang đối ẩm,…Dù ở cảnh ngộ nào, thì tình bạn cũng xuất phát từ tận tấm lòng. Có khi nhói đau lúc trở về chiến trường xưa nơi đồng đội mình đã ngã xuống:
“Mỗi lần lên biên giới
Tôi lại ghé thăm anh
Nghĩa trang vàng nắng quái
Xao xác đồi cỏ tranh…”
(Viếng bạn – Trần Quang Mùi)
Rõ ràng trong suy nghĩ của tác giả, người đồng đội của mình không chết và từ “ghé” như là về thăm lại một ngôi nhà của đồng đội mỗi khi có dịp “lên biên giới”. Trang Ly còn có cái liên tưởng thú vị về quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình mà thời gian sẽ làm thay đổi tất cả:
“Thời gian cỏ quấn quanh bờ
Hố bom xưa đến bây giờ sen lên…”
(Bông sen trong hố bom)
Chúng ta đã biết những cuộc “tiễn đưa” đã đi vào thơ ca như Thái Tử Đan đưa tiễn Kinh Kha, cuộc tiễn đưa trong Tống biệt hành… Trong tuyển tập cũng có một cuộc tiễn đưa làm lay động lòng người:
“Ra đi đâu phải không về nữa
Mà khói hoàng hôn cay mắt nhau
Mà chiều như rụng theo chân bước
Và nắng đường xa bỗng nhạt màu…”
(Tiễn bạn)
Người đưa tiễn nghẹn ngào thốt lên chẳng thành lời còn người ra đi thì cũng bịn rịn bước chẳng đành, “cứ ngoái đầu trông một nẻo quê”, cứ “ôm mãi mộng quay về”, bởi người ra đi nào có muốn đi đâu:
“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông…”
Đây là 2 câu thơ “đinh” của bài, khái quát lên được tâm trạng của người ra đi, lúc nào lòng cũng canh cánh nhớ về quê nhà, dù nó chỉ là “một góc” mà thôi. Cuộc “Tiễn bạn” của Trịnh Bửu Hoài cũng “xứng tầm” đứng ngang với những cuộc tiễn đưa nổi tiếng khác, khi xét ở góc độ tâm trạng của nhân vật trữ tình. Viết về tình bạn còn có các bài thơ như Chiều nghĩa trang - Minh Đức, Ở lại Ô Tà Sóc - Trần Quang Mùi, Thăm nhà bạn ven sông Tiền - Phạm Hữu Quang… Đã thể hiện đầy đủ được tấm lòng, tình cảm chân thật dành cho nhau, hàm chứa sự biết ơn, gợi nhớ lại những kỉ niệm cũ, làm cho người đọc cũng bùi ngùi xúc động theo, hơn hết người đọc cũng trân trọng tình bạn của các tác giả dành cho nhau và người đọc cũng thấy trân trọng tình bạn mà mình đang có. Phải chăng chức năng giáo dục của thơ ca đã đạt được?
Đọc tuyển tập ta còn thấy những tâm sự của các tác giả về thế thái nhân tình, những “nghịch lý” trong cuộc sống, những trải nghiệm, những suy tư và những trăn trở về cuộc đời đang hiện hữu ở xung quanh chúng ta:
“Con vẹt nói giỏi tiếng người
Quên đời mình là vẹt”
(Bản ngã - Vương Trung Nghĩa)
“Tôi người hát rong lúc khóc khi cười
Đi tìm đất để gieo mầm mơ mộng
Sự đểu giả dẫu vô cùng trong cuộc sống
Đâu phải không còn chỗ để tin yêu…”
(Thơ của người hát rong - Nguyễn Lập Em)
Mọi tác phẩm văn học đều phải hướng con người đến cái tốt đẹp, phải tạo được niềm tin và hy vọng cho con người, đó là đều tất yếu. Dù cuộc đời có như thế nào thì mỗi chúng ta phải luôn tin tưởng rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Và nhiệm vụ của văn nghệ sĩ là giúp mọi người và bản thân mình “giữ lửa” hy vọng đó.
Như một điều thường thấy ở bất cứ tuyển tập nào cũng vậy, đều có đôi chút hạn sạn nhỏ nhỏ. Theo ý kiến của người viết bài này, trong tuyển tập có vài bài thơ, tác giả say mê chạy thêm cảm xúc mà quên đi sự liên kết chặt chẽ của văn bản, làm cho tác phẩm rời rạc không tập trung diễn tả một ý lớn nào. Có nhiều bài, đôi chỗ gieo vần còn gượng, cũng có bài đánh mất chất nhạc của thơ…
Một điều ai cũng thấy được là tuyển tập “30 năm thơ An Giang” không thấy xuất hiện gương mặt 8x - một sự kế thừa cần thiết. Hy vọng rằng trong những tuyển tập tiếp theo sẽ có được sự bổ sung cần thiết đó.
Tuyển tập “30 năm thơ An Giang” đã chọn giới thiệu 140 tác phẩm của 50 tác giả, dĩ nhiên không đầy đủ, nhưng đó là những tác phẩm tiêu biểu, đánh dấu một giai đoạn phát triển của văn nghệ An Giang nói chung và thơ An Giang nói riêng. Tuyển tập đã tập hợp được những gương mặt tiêu biểu của thơ An Giang. Là một tài liệu không thể thiếu được cho những ai muốn tìm hiểu hay nghiên cứu về thơ An Giang.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TRẦN SANG (tác giả giữ bản quyền)
________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét