ĐÈN DẦU CỦA MẸ
Ngọn đèn dầu thức
thâu đêm
Mẹ ngồi vá những
cũ mèm nhàu phai
Mắt chong màu lửa
đêm dài
Ngoài đồng tiếng
dế khoan thai gọi bầy!
Trăng quê còn bạc
nơi đây
Đèn dầu mẹ thắp
những ngày xưa đâu?
Thời gian sương
trổ mái đầu
Tóc phai hương,
những dãi dầu… mẹ ơi!
Con nay đã lớn
khôn rồi
Hoa đời đẫm giọt
mồ hôi mẹ trồng
Giờ bên đèn điện
sáng lòng
Đèn dầu mẹ, mãi
rực hồng trong tim!
Cuộc sống càng ngày càng trở nên vội vã hơn. Chúng ta
cứ xoay vần với những chuyện “cơm áo”, ít có thời gian để tìm cho mình một chút
tĩnh lặng về tâm hồn, để hoài niệm về những quá khứ. Nhưng với tác giả Văn
Nguyên Lương thì lại khác. Quá khứ, kỷ niệm luôn sống mãi trong lòng anh, dù
cho anh xa quê từ rất sớm và đang sống giữa một thành phố phồn hoa, nhộn nhịp
nhất cả nước. Hình ảnh về mẹ dường như là hình ảnh chủ đạo ta thường gặp trong thơ
anh. Trong đó có thể nói bài thơ “Đèn dầu
của mẹ” là một trong những bài thơ viết về mẹ mà tác giả đã chạm đến được cảm
xúc của người đọc.
Có lẽ chúng ta cũng không xa lạ gì với chiếc đèn dầu.
Nó là một dụng cụ sử dụng dầu hỏa để thắp sáng ngọn lửa. Ngày xưa, thời chưa có
điện người ta thường sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Bây giờ, đèn dầu vẫn còn,
nhưng ít hơn. Chỉ mỗi khi bị mất điện thì thỉnh thoảng ta vẫn còn thấy ánh đèn
dầu le lói trong một vài ngôi nhà với cái mùi khét lẹt đặc trưng của nó. Hình ảnh
người mẹ ngồi vá áo bên chiếc đèn dầu luôn để lại nhiều kỷ niệm khó phai trong
lòng tác giả Văn Nguyên Lương về một khoảng trời tuổi thơ: “Ngọn đèn dầu thức thâu đêm/ Mẹ ngồi vá những
cũ mềm nhàu phai/ Mắt chong màu lửa đêm dài/ Ngoài đồng tiếng dế khoan thai gọi
bầy…”. Bốn câu thơ đầu của bài thơ tác giả đã khắc họa nên hình tượng của
người mẹ hết sức cảm xúc. Ngày xưa, thời còn túng thiếu, cơm không no, áo chưa ấm,
thì hằng đêm, dưới ánh đèn dầu, mẹ vẫn thức suốt canh dài để vá áo cho con. Kỷ
niệm ấy đã in sâu vào trong lòng của tác giả. “Ngọn đèn dầu thức thâu đêm” là một hình ảnh nhân hóa khá đặc biệt,
gợi cho ta nhiều liên tưởng đến sự hy sinh của mẹ để cho con một cuộc sống ấm
no, hạnh phúc. Mẹ ngồi vá áo cho con, cũng là vá lại cuộc đời, vá lại những ký ức
vốn đã cũ, đã phai màu, “Mẹ ngồi vá những
cũ mềm nhàu phai”. Tuy vậy, nhưng bàn tay mẹ chưa bao giờ ngừng nghỉ. Mẹ vẫn
như thế, vẫn âm thầm lặng lẽ suốt “năm canh” để vá áo, để trông cho con có một
giấc ngủ yên lành, dù cho ngoài kia tiếng dế gọi bầy đã vang dậy từ lâu. Nói đến
đây ta lại nhớ đến câu ca dao “Gió mùa
thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày thức đủ vừa năm”. Rõ ràng, tác giả Văn
Nguyên Lương là một người rất sâu sắc, tinh tế thì mới có thể viết nên những vẫn
thơ về mẹ đầy xúc động như vậy.
Giờ đây, mang tâm trạng của một
người xa quê, tác giả luôn đau đáu về những tháng ngày ở bên mẹ. Quá khứ như một
giấc mơ, khi tỉnh lại rồi thì nó đã qua đi nhanh chóng. “Trăng quê còn bạc nơi đây/ Đèn dầu mẹ thắp những ngày xưa đâu?/ Thời
gian sương trổ mái đầu/ Tóc phai hương, những dãi dầu… mẹ ơi!”. Bốn câu thơ
tiếp theo dường như cảm xúc của tác giả
dâng trào hơn. Ở thành phố, bầu trời về đêm lúc nào cũng ánh lên một màu vàng của
đèn điện, và dẫu cho có trăng thì cũng khó có thể thấy được. Ấy vậy, nhưng tác
giả Văn Nguyên Lương vẫn thấy bàng bạc một màu trăng quê. Dường như nỗi nhớ mẹ,
nhớ quê nó đã xoáy sâu vào trong tâm trí của anh, nên lúc nào anh cũng chỉ nghĩ
về những điều ấy. Anh lại nhớ đến mẹ ngồi vá áo dưới ngọn đèn dầu, rồi khi trở
về với thực tại thì anh lại bâng khuâng với câu hỏi vang lên trong lòng “Đèn dầu mẹ thắp những ngày xưa đâu?”. Thời
gian như một cơn gió, nó có thể lướt qua và chôn vùi tất cả. Thanh xuân của mẹ
cũng dần mất đi, vì những ngày tháng âu lo khuya sớm vất vả nuôi con. Tóc mẹ đã
đong đầy nhiều hơn những sợi bạc.
Con người ai sinh ra rồi cũng lớn lên đi tìm một cuộc
sống riêng cho mình. Có người may mắn được ở gần bên mẹ, nhưng cũng có người phải
bươn chải mưu sinh, phải đi xa mẹ. Tác giả Văn Nguyên Lương là người không may
mắn được ở gần bên mẹ. Anh xa quê, xa mẹ để đến một nơi xa lạ lập nghiệp, và
hành trang sơ khởi của anh chính là những công ơn, những lời dạy bảo đáng trân
quý của ba, mẹ dành cho anh. “Con nay đã
lớn khôn rồi/ Hoa đời đẫm giọt mồ hôi mẹ trồng/ Giờ bên đèn điện sáng lòng/ Đèn
dầu mẹ, mãi rực hồng trong tim”. Trong bốn câu thơ cuối này, tôi thích nhất
là câu “Hoa đời đẫm giọt mồ hôi mẹ trồng”.
Câu thơ này đọc lên nghe sao hay đến thế! Những hình ảnh liên tưởng được tác giả
sử dụng hết sức sâu sắc. “Hoa đời” được
nói ở đây chính là nói đến sự thành đạt, thành công của tác giả trong cuộc đời,
và có được kết quả đó là nhờ “đẫm giọt mồ
hôi mẹ trồng”. Có nghĩa là nhờ sự hy sinh, chăm sóc, khuyên bảo của mẹ mà
bây giờ tác giả mới nên người. Tính từ “đẫm”
càng làm tăng thêm về những công ơn to lớn đó của người mẹ. Với tác giả, dẫu
cho bây giờ có ngồi làm việc trong phòng có máy lạnh, có cửa gương, có đèn điện,
có cuộc sống sung túc hơn… thì những ngày tháng cơ hàn bên mẹ với ánh đèn dầu vẫn
không thể nào phai nhòa trong tâm trí. Hình ấy vẫn tồn tại và “rực hồng” mãi trong tim tác giả như một
mặc định “Giờ bên đèn điện sáng lòng/ Đèn
dầu mẹ, mãi rực hồng trong tim!”.
Bài thơ “Đèn dầu
của mẹ” của tác giả Văn Nguyên Lương mang đến cho độc giả nhiều cảm xúc. Thể
thơ lục bát được tác giả sử dụng nhuần nhuyễn, mượt mà. Ngôn từ sáng tạo, sâu sắc
kết hợp nhiều biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ… đã làm tăng thêm
giá trị nhân văn cho tác phẩm. Đọc bài thơ này, ta học hỏi ở tác giả được nhiều
điều, đó chính là tình yêu thương đối với ba mẹ, với quê hương, đất nước... mà
điều đó rất cần ở mỗi con người chúng ta.
Quảng Ngãi, ngày 19/06/2018
Nguyễn
Hoài Ân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét