Tác giả Nguyễn
Hoài Ân (hội viên hội VHNT Quảng Ngãi) vừa ra mắt tập thơ đầu tay Đi tìm ký ức,
NXB Hội nhà văn quý IV, 2018. Mặc dầu chỉ gói gọn trong hơn 100 trang sách
nhưng tập thơ đã cho thấy những nỗ lực đáng kể của anh trong công việc sáng tác
văn chương, với những dòng thơ đầy hoài niệm và trăn trở. Mở đầu tập thơ là lời
giới thiệu ấn tượng của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã dành cho tác phẩm: “Thơ là sự
tái hiện ký ức. Nói như Robert Frost: Thơ
ca là những gì đã thất lạc trong quá trình chuyển đổi. Thơ Nguyễn Hoài Ân
(Hoài Ân) là những gì đã thất lạc ấy. Và anh đang là kẻ “đi tìm ký ức” hoàng
kim, nơi những giọt mưa tâm tưởng xuất hiện như một tín hiệu, làm ướt đẫm những
câu thơ nóng hổi nhất của một thời trai trẻ”. Tuổi trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết
và mơ mộng, những nghĩ suy trong trẻo và thánh thiện ấy xuất hiện trong thơ như
một lẽ tự nhiên, một mạch ngầm lặng lẽ bồi đắp tâm hồn của người yêu thơ. Thơ
ca giúp đời sống tốt đẹp hơn, giúp ta tránh khỏi cám dỗ tầm thường, giúp niềm
tin vào cái đẹp luôn hiện hữu. Khát khao chạm tới ký ức với lời ru dịu dàng của
mẹ, với hàng phượng rực cháy tâm can, trong giấc ngủ an yên nơi thôn dã, con đường
làng khói ấm tình quê, củ khoai lùi lót dạ qua mùa bão…
Những ký ức phơi
bày trong tâm trí tác giả được truyền tải một cách chậm rãi, nhẹ nhàng, từ tốn
hiện diện qua từng con chữ, từng dòng thơ mượt mà, tĩnh lặng. Giọng thơ đều đều
có phần nhàm chán, đơn điệu, tác giả Hoài Ân rất cần một cú bứt phá về hình ảnh
và giọng điệu tinh tế hơn, mang tính khai phá, quyết liệt hơn. Với tác phẩm đầu
tay như giọt nước chạm mặt hồ buổi sớm mai cũng đã phần nào đó chạm tới sâu thẳm
trái tim độc giả với biết bao thi ảnh đẹp đẽ, cảm xúc được người viết chắt lọc,
nâng niu. Trong bài được chọn làm tiêu đề cho tập thơ, anh viết: Chợt nhận ra lâu lắm rồi mình chưa được
yêu/ nên trái tim cũng dần chai lạnh/ có những yêu thương chợt đến chợt đi/ như
những con tàu/ ngang sân ga lặng lẽ”, những vần thơ cho thấy sự trưởng
thành nhất định trong cảm quan tác giả, người đọc có quyền hi vọng một mùa màng
bội thu đang chờ đợi họ khám phá một diện mạo thơ trẻ đang dần được hình thành,
một thế hệ đắm đuối với nghệ thuật, văn chương chữ nghĩa. Có một điều đặc biệt
tôi nhận thấy ở tác giả Nguyễn Hoài Ân là những chặng đường thơ của anh, đi đến
đâu anh cũng dành cho mình một khoảng không yên tĩnh để bắt nhịp cảm xúc và
nhanh chóng hoàn thành tác phẩm đầy cảm hứng và gợi cảm, không khô khan theo mô
tip liệt kệ địa danh khô khan, cứng nhắc. Có thể kể đến rất nhiều thi phẩm như:
Anh sẽ về Lý Sơn, Về thăm quê hương Tế Hanh, Đêm Buôn Ma Thuột, Gửi người em
gái Quy Nhơn, Khúc tự tình cao nguyên, Nhớ mãi Pleiku… Tác giả Hoài Ân viết lục
bát cũng khá mượt mà, tuy nhiên anh vẫn chỉ ghi lại xúc cảm cá nhân, chưa vượt
thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, nhịp điệu, câu chữ vẫn mang nặng màu sắc
dân gian quen thuộc: Thời gian phủ bóng
cha già/ Hoa thơm quả ngọt vẫn là cho con/ Ơn cha tựa núi, tựa non/ Dẫu muôn vạn
kiếp vẫn còn khắc ghi (Ơn cha).
Ngoài những cảm
xúc lan man, vội vã theo các tháng, các mùa trong năm, tác giả còn dành mảng
thơ cho những người có công sinh thành, nuôi dưỡng đứa con nên người, chủ đề được
rất nhiều văn nhân thi sĩ tự bao đời nay đã dành nhiều tâm huyết và yêu thương
gửi trọn trong mỗi con chữ. Nguyễn Hoài Ân là hội viên trẻ của hội VHNT Quảng
Ngãi, ngoài công việc dạy học, anh chăm chỉ làm thơ, viết truyện ngắn, viết phê
bình, giới thiệu sách, ngoài anh còn làm nhạc công ca nhạc. Với niềm đam mê đặc
biệt với chữ nghĩa, với nghệ thuật, chúng ta mong chờ các tác phẩm mới của anh
mang tính đột phá hơn, đầy đặn hơn và đậm đặc hơi thở nhân sinh để tác phẩm sớm
bắt nhịp đời sống thơ ca đương đại.
Phan Nam
Bài viết đoạn gần cuối, CHO CON NÊN NGƯỜI, lỗi đánh máy của người viết. Cảm ơn rất nhiều ạ. P.N
Trả lờiXóa