- Mẹ rất nhớ
con, con gái à!
Đó là dòng
tin nhắn mà dạo gần đây tôi nhận được từ một số điện thoại lạ, tin nhắn thường
đến vào sáng thứ bảy hoặc chủ nhật. Lần đầu tiên khi nhận được tin nhắn tôi cứ
ngỡ là mẹ gửi nên đã suýt xoa mãi rằng mẹ lãng mạn. Nhưng khi về nhà hỏi thì mới
biết đó không phải mẹ gửi và ngay lập tức bị chửi cho một trận vì đến số điện
thoại của mẹ mà cũng không nhớ. Dù có thanh minh cỡ nào thì bố mẹ vẫn luôn nghĩ
tôi ẩu tả trong việc giữ gìn thông tin
cá nhân. Không phải của mẹ thì chắc là cũng của một bà mẹ nào ấy gửi cho con
gái mình mà sai một số trong dãy số điện thoại nên mới gửi đến tôi, mặc dù rất
muốn giải thích với mẹ như thế nhưng rồi lại thôi vì nghĩ cho cùng thì cũng chỉ
là những tin nhắn đi lạc không nên làm mất vui không khí trong nhà. Lấy làm vui
vẻ, lấy làm cảm thông tôi vẫn nhận tin nhắn và thầm mong rằng người mẹ ấy sẽ sớm
nhận ra số điện thoại là sai. Một tháng, hai tháng rồi nửa năm trôi qua, cái
tin nhắn tình cảm đong đầy nỗi nhớ mong ấy vẫn cứ tiếp tục được gửi đến tôi.
Đêm giáng sinh khi đang ngồi quây quần với đám bạn, tiếng tin nhắn vang lên từ
điện thoại của tôi, cắt ngang khúc nhạc giáng sinh đang hát dở.
- Con gái à,
tết năm nay con sẽ về phải không?
Đã hơn nửa
năm rồi, chẳng lẽ không có ai nói với cô ấy là số điện thoại đã bị sai
sao? Tôi đã rất muốn gọi điện để thông báo với chủ nhân của những tin nhắn
rằng tôi không phải con gái của cô, rằng cô đã gửi nhầm khi những tin nhắn cứ đến đánh thức buổi sáng ngủ
nướng cuối tuần của tôi. Lý trí bảo tôi làm thế nhưng trái tim đã cản tôi lại,
tôi sợ rằng sẽ làm tổn thương cô ấy.
- Tin nhắn của
ai mà làm mày đăm chiêu thế?
- Tin nhắn
đi lạc.
- Phải chăng
của soái ca nào đó gửi cho mày?
- Tin nhắn của
một người mẹ.
- Không phải
mẹ mày?
- Ừm...
Thấy Tiên vẫn
còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện, tôi chìa cái màn hình điện thoại cho nó đọc. Tưởng
nó sẽ có cách gì hay ho giúp tôi giải quyết, ai dè...
- Sao mày
không gọi thẳng kêu lộn số rồi.
- Tao sợ sẽ
làm cô ấy tổn thương.
- Có gì mà tổn
thưởng, chắc mắt kèm nhèm lên ấn lộn số. Mày không gọi nói rõ mới là làm tổn
thương cô ấy đó?
- Ừm, mà
Tiên này? Mày có thấy lạ không?
- Lạ là lạ
làm sao?
- Thì là mẹ
con với nhau sao cô ấy không gọi thẳng cho con mình mà phải gửi tin nhắn?
- Trời ạ! Có
gì lạ đâu, thím tao vẫn gửi tin nhắn cho nhỏ em tao đấy thôi vì gửi tin nhắn rẻ
hơn gọi điện, mấy bà mẹ thường hay kiểu tiết kiệm ấy mà... hoặc gia đình họ có
vấn đề gì đó.
Sau một hồi
dùng dằng lý lẽ với Tiên, cuối cùng tôi cũng chọn phương án mà Tiên đưa ra đó
là gọi điện nói thẳng đây không phải số của con gái cô. Tuy có hơi lạnh lùng
nhưng cũng không thể phủ nhận rằng đây là cách tốt nhất để giúp người mẹ ấy nhận
ra là những tin nhắn đã đi lạc. Một hồi chuông vang lên nhưng cuối cùng cũng chỉ
là những tiếng tút dài trong điện thoại, phải đến lần thứ ba thì mới có người bắt
máy. Bên kia điện thoại là giọng một người đàn ông đứng tuổi chứ chẳng phải phụ
nữ như những tin nhắn vẫn được gửi đến cho tôi.
- Xin chào!
Xin thứ lỗi cho tôi vì tôi thực không biết bạn là ai đang ở đầu dây bên kia?
- Chào chú!
Cháu là người đã nhận được những tin nhắn từ số điện thoại của chú gửi đến,
cháu gọi để thông báo là những tin nhắn đã đi lạc. Cháu không phải là con gái của
người đã gửi tin ạ!
- Xin lỗi
cháu! Chú sẽ gọi lại sau nhé!
Với câu trả
lời như thế, tôi đoán là chú ấy cũng không hề hay biết về những tin nhắn. Đúng
như tôi nghĩ, mười lăm phút sau chú ấy đã gọi lại có lẽ sau khi đã kiểm tra hộp
thư trong điện thoại.
- Xin lỗi
cháu, vì vợ chú đã phiền cháu suốt thời gian qua.
- Dạ không,
không sao ạ! Cháu chỉ muốn gọi thông báo để cô biết rằng số điện thoại đã bị
sai và những tin nhắn đang đi lạc chứ không có ý trách móc gì đâu ạ!
- Thật may mắn
vì những tin nhắn đã đi lạc đến một người tử tế như cháu, cô gái à!
Biết tôi
chưa hiểu lắm, sau một khoảng im lặng, sau những tiếng thở đều đều trong điện
thoại người đàn ông xa lạ cất lời.
- Chú cũng từng
có một đứa con gái nhưng nó đã mất cách đây năm năm vì tai nạn giao thông. Vợ
chồng chú chỉ có một mụn con nên khi con bé ra đi, cả gia đình ai cũng sốc
và chìm trong nỗi đau đớn tột cùng. Vợ chú cũng vì nỗi đau mất con mà trở nên
điên dại, lúc tỉnh lúc mê... trong tiềm thức, bà ấy luôn nghĩ con mình đi làm
xa nhà cho nên mới gửi tin nhắn như thể con bé vẫn còn sống.
- Cháu xin lỗi,
vì đã khơi dậy nỗi đau trong lòng chú.
Tôi nghe rõ
mồn một những tiếng nấc nghẹn của người đàn ông vang lên bên kia điện thoại.
Đàn ông, theo như lời bố tôi hay bảo thì là một sinh vật không bao giờ khóc
nhưng một khi họ đã khóc có nghĩa là trong lòng họ có một nỗi đau rất sâu. Nỗi
đau mất đi người thân của mình thiệt chưa bao giờ là dễ chịu cả, nhất là cái cảnh
kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên gò má từ
lúc nào tôi cũng chẳng hay, tôi có thể giỏi trong văn viết nhưng với văn nói với
những lời nói an ủi người khác thì tôi thuộc hàng dở tệ. Vận dụng hết những
ngôn từ tôi mới có thể sắp sếp thành một câu hoàn chỉnh vậy mà chưa kịp nói ra
thì...
- Hôm nay là
giáng sinh mà lại bắt cháu phải nghe chuyện buồn, thông cảm cho chú nhé cô gái?
- Dạ không,
không sao đâu ạ!
- Chúc cháu
giáng sinh vui vẻ và một lần nữa cám ơn cháu vì những tin nhắn đi lạc.
Như sợ điều
gì đó vụt mất và lòng tôi như có điều gì đó thôi thúc, tôi đã nói thật nhanh
trước khi người đàn ông kịp tắt điện thoại.
- Chú sẽ
không để cô ấy tiếp tục gửi những tin nhắn phải không ạ?
- Tất nhiên
rồi cô gái, chú sẽ không để bà ấy dùng điện thoại...
- Xin đừng
làm thế ạ! Xin hãy để cô ấy tiếp tục gửi những tin nhắn!
- Tại sao
cháu lại muốn như thế?
Hít một hơi
thật sâu, sắp sếp lại tất cả những điều muốn nói, tuy chậm rãi nhưng tôi đã nói
thật rõ ràng từng câu nói trong điện thoại.
- Cháu muốn
làm gì đó cho cô ấy, người mẹ tội nghiệp. Xin hãy để cô ấy tiếp tục gửi những
tin nhắn đến cháu, ở hiện tại nỗi đau đã khiến cô ấy gục ngã thì hãy để cô ấy
được vui vẻ trong tiềm thức. Hãy để cô ấy nghĩ con gái mình vẫn còn sống và sẽ
quay trở về vào một ngày không xa...
- Cám ơn
cháu, cám ơn cháu! Biết đâu lời nói dối và sự nhầm lẫn định mệnh này là cơ hội
để bà ấy trở về trong cơn điên dại, giá như mà ông trời ban lại cho vợ chồng
chú một cô con gái như cháu đây thì thật là tốt biết bao.
Một lần nữa
người đàn ông lại khóc nấc lên trong điện thoại khiến lòng tôi rối bời, tôi hiểu
nỗi lòng của một người bố, tôi hiểu nỗi lòng của một người chồng. Khi ông đã cố
gắng hết sức để che chở, bảo bọc cho những người ông yêu thương nhưng đến cuối
cùng vòng tay của ông vẫn không mạnh mẽ hơn vòng tay của tử thần đã cướp đi con
gái ông, tình yêu của ông vẫn không đủ để xoa dịu nỗi đau trong lòng người vợ
khiến bà trở nên điên dại lúc mê lúc tỉnh trong nỗi nhớ con.Tất cả những nỗi đau ấy sao có thể cất lên thành lời...
- Chú à, cho
cháu được làm con gái nuôi của chú và cô nhé!
- Cháu vừa
nói sao cơ?
Dù đã cách rất
xa nơi đang diễn ra bữa tiệc nhưng có lẽ vẫn không thể cản được tiếng nhạc ồn
ào truyền đến cuộc nói chuyện của chúng tôi. Phần vì tiếng nhạc xen ngang phần
vì sợ mình nghe lầm những gì mình đang nghe nên người đàn ông phía bên kia điện
thoại cứ lặp đi lặp lại câu hỏi
- Cháu nói
thật chứ? Cháu nói thật chứ, điều đó có thể xảy ra sao?
- Thật ạ!
Cháu sẽ rất vui nếu được cô chú xem như con cái trong nhà.
- Bố mẹ cháu
thật tốt lành khi đã nuôi dạy nên một cô con gái tuyệt vời! Anh, chị ấy sẽ
không giận nếu cháu có thêm một ông bố bà mẹ nữa chứ?
- Cháu nghĩ
là không. Cháu nghĩ bố mẹ cháu sẽ rất vui khi có người yêu thương cháu giống
như họ...
Như tôi
nghĩ, bố mẹ tôi đã rất xúc động khi nghe tôi kể câu chuyện của gia đình chú Lạng,
bố đã khen tôi làm rất tốt còn mẹ thì ôm tôi vào lòng và nói
- Tết này, cả
nhà mình cùng về thăm bố mẹ nuôi của con nhé!
Những tin nhắn
vẫn đến vào mỗi buổi sáng thứ bảy và chủ nhật nhưng đã không còn là những tin
nhắn đi lạc nữa. Bố nuôi của tôi bảo nhờ những tin nhắn của tôi mà mẹ nuôi của
tôi tỉnh táo hơn rất nhiều, nỗi lo nhỏ qua đi thì nỗi lo lớn lại về. Trong khi
tôi cứ lo lắng nếu tết tôi xuất hiện trước mặt mẹ nuôi mà bà nhận ra không phải
con gái bà thì liệu bà có buồn không, rồi bệnh của bà có trở nặng hơn không? Để
giảm bớt nỗi lo lắng trong lòng tôi đã xin được xem ảnh con gái ruột của bố mẹ
nuôi để hóa trang cho thật giống, thì kìa tấm ảnh đã làm cả tôi và mẹ bất ngờ.
Đó là chị ấy trông rất giống tôi tuy không phải cùng một bố mẹ sinh ra, tôi và
mẹ đã lặng người đi mất vài giây. Bố ngồi bên trấn an hai mẹ con bằng những lý
lẽ khoa học rất thuyết phục rằng đâu đó trên thế giới này sẽ có hai người rất
giống nhau dù không phải chị em máu mủ ruột rà. Sau những câu suy luận rất khoa
học từ bố, sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc ghé thăm gia đình bố mẹ nuôi của
tôi thì ai nấy đều ôm một chút nghĩ suy trở về phòng mình. Tôi cũng vậy, dù biết
theo khoa học là thế nhưng tôi vẫn muốn nghĩ theo tâm linh mà mình tin tưởng đó
là ở trên thiên đường chị ấy đã thấy mẹ mình sống rất đau khổ nên đã van xin
thượng đế cho mình được làm một điều gì đó cuối cùng cho mẹ. Thượng đế đã không
thể khước từ lời van xin của một người con hiếu thảo và chị ấy đã tìm đến tôi,
bản sao duy nhất của chị ấy trên thế gian. Con người ai cũng muốn là bản chính,
là một cá thể duy nhất nhưng hôm nay tôi thấy rất vui khi biết mình là bản sao
của chị. Chúng tôi không những giống nhau về khuôn mặt mà ngay cả cái tên cũng
được bố mẹ đặt cho có âm vần giống nhau. Chị là Đỗ Quyên ở miền bắc tôi là Thục
Uyên miền nam, dù chưa một lần gặp gỡ, nhưng trước khi đóng lại cánh cửa sổ với
bầu trời đầy sao tôi đã thì thầm với chị như đã quen thân từ trước rằng
- Chị đừng
lo, tết này em sẽ làm cho mẹ của chúng ta
cười. Tết này sẽ là tết đoàn viên của đại gia đình chúng ta, nếu chị chấp
nhận đứa em gái này thì hãy mỉm cười với em một cái nơi bầu trời cao xa ấy nhé!
Màn trời đêm
bên ngoài cửa sổ, tôi đã kịp nhìn thấy một vì sao lấp lánh như đang cười trước
khi giấc mơ tràn về.
Hạ Vân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét