Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
- Tết năm nay chúng ta được nghỉ sớm. Mọi người ai nấy đều đã nhận lương trên tay, tôi xin đại diện cho ban giám đốc chúc toàn thể anh, chị em công nhân có một cái tết sum vầy và hạnh phúc.
Cái tiếng khàn khàn của ông quản đốc vừa ngưng trên loa thì hội trường bên dưới nháo nhào cả lên. Những tiếng xì xầm to nhỏ lan dần thành một thứ tạp âm hỗn đỗn, thanh niên còn độc thân thì reo hò vui mừng vì vừa có lương sớm vừa được nghỉ tết sớm. Còn những ông bố, bà mẹ hay nói chung là những người đã lập gia đình thì mặt người nào người nấy đều méo xệch cả đi, toát lên vẻ trầm tư lo lắng. Đa phần công nhân ở xưởng gỗ này đều là những người con xa xứ tha hương cầu thực, thanh niên chưa nỗi lo vợ con gánh nặng gia đình như Tuấn và Khang thì được nghỉ sớm là hạnh phúc vì có thể về quê sớm, có nhiều thời gian để tụ họp bạn bè. Còn đối với những người đã lập gia đình như anh Hiếu, chị Dung thì mỗi dịp tết đến xuân về là nỗi lo lại tăng gấp bội.
Ngày thường lo cho con no đầy cái bụng, mắt biết con chữ đã vất vả lắm rồi, tết đến chẳng lẽ lại không gắng gượng mua nổi cho con bộ quần áo mới. Rồi tiền biếu xén nội ngoại ở quê, đã không ở gần phụng dưỡng bố mẹ, lễ tết cũng không về được chả lẽ lại còn không gửi đồng nào về mừng tuổi bố mẹ. Nhiêu ấy nỗi lo quyện vào nhau cũng đủ làm cho nỗi lòng của những ông bố, bà mẹ, của những người con xa xứ quặn thắt đau. Việc ông quản đốc thông báo năm nay được nghỉ tết sớm chẳng làm cho anh Hiếu, chị Dung vui mừng mà những lời ấy như cây màu chì, như mũi dao nhọn, cứ tô đậm, khắc hằn lên những nỗi lo lắng trong họ.
Nghỉ tết sớm đồng nghĩa với việc tiền lương, tiền thưởng tết sẽ vơi đi nhưng biết làm sao được trong cái thời buổi người khôn của khó này, ban giám đốc họ cũng có muốn thế đâu, đều là khó khăn chung cả. Về khu trọ, trong khi bạn bè ai cũng khăn gói đồ đạc bắt cho kịp chuyến xe, mua cho kịp vé tàu về quê thì Tuấn cứ nằm thong thả đu đưa chiếc võng ngoài sân.
- Mày không về nhà hả Tuấn?
Khang cất tiếng hỏi sau khi dọn hành lí xong xuôi mà thấy thằng bạn chí cốt cứ nằm chỏng trơ nơi chiếc võng.
- Tao không có nhà.
- Bao nhiêu năm rồi mà mày vẫn chưa nguôi giận sao?
- Tao đâu có giận chi ai. Không có nhà thì kêu không có nhà.
- Mẹ mày mong mày lắm đấy! Năm nào khi thấy tao về thím Sáu cũng hớt hải chạy qua hỏi thăm mày.
- Bà ấy vẫn nhớ còn một đứa con là tao cơ à?
- Mày thôi cái giọng điệu đó đi. Dù gì bà ấy cũng là mẹ mày, mày có oán giận trách móc gì thì ngần ấy năm cũng đủ rồi.
- Bà ấy chẳng phải đã từ tao để đến với người đàn ông đó sao?
- Chuyện gia đình mày tao cũng ngại nói nhưng Tuấn này tao với mày là anh em tốt tao khuyên mày một câu thôi. Chuyện gì cho qua được thì cho qua đi, về nhà đi người anh em năm nào thím sáu cũng để dành miếng bánh chưng ngon nhất chờ mày về đó.
Không khuyên được thằng bạn, Khang chào mọi người trong khu trọ rồi vui vẻ ra bến tàu về quê. Ngày thường ba thằng ở với nhau thì chí chóe như ba đứa con nít, tết đến hai thằng bạn chí cốt đều khăn gói đồ đạc về quê giờ chỉ còn lại một mình, Tuấn bỗng thấy căn phòng lạnh lẽo và cô đơn đến lạ.
- Chú Tuấn ơi, năm nay chú cũng ở lại ăn tết với nhà con ạ?
- Ừ. Thế Cao có cho chú ăn tết cùng không?
- Tất nhiên là có rồi nhưng mà chú phải làm pháo giống năm ngoái cho con nhé!
Thiệt là thằng bé ranh mãnh mà! Tuấn phì cười với giao kèo của thằng nhóc con tám tuổi rồi lại trầm tư nhìn vào khoảng không xa xăm trước mặt. Mẹ nó mà biết thì có mà bị đánh téc mông nhưng nhiêu đó giao kèo, đòi hỏi của thằng bé có là gì so với tình cảm của anh Hiếu, chị Dung dành cho Tuấn kia chứ. Tuấn bỏ nhà đi tính cái tết này nữa là cũng vừa vặn sáu năm rồi, từng ấy năm trời nếu không được bố mẹ nhóc Cao coi như em út trong nhà thì có lẽ Tuấn cũng chẳng còn nhớ được mùi của tết nữa. Năm nào cũng vậy, Tuấn cùng gia đình nhỏ của họ đón giao thừa rồi lại quây quần bên mâm cơm đầu năm với đủ các món dưa hành, củ kiệu, bánh chưng... hệt như mâm cơm của mẹ nơi quê nhà vậy. Đang ngồi trầm tư nơi cửa phòng, Tuấn bỗng nghe tiếng chị Dung từ xa vọng lại
- Tuấn, sao em không về cùng Khang ? Năm nay lại trốn tết quê à...
Thấy chị Dung bê khệ nệ hai rổ hành, tỏi lớn Tuấn vừa trả lời vừa hớt hải đến phụ một tay.
- Em không có nhà để về, với lại về rồi em lại nhớ cơm của chị ạ!
- Xem chú ăn nói kìa? Để cho thằng Cao nó nghe thấy thế nào nó cũng bảo chú giống Tôn Ngộ Không chui ra từ vách đá đó.
- Thì em cũng nghĩ mình từ vách đá chui ra mà...
- Giới trẻ bây giờ cũng ngộ ha? Cứ giận bố mẹ một tí hay bố mẹ la mắng một tí là bỏ nhà đi rồi bảo mình từ vách đá, gốc chuối mà chui ra. Nghĩ như thế thiệt là tội nghiệp cho những người mẹ mang nặng đẻ đau quá rồi...
- Cũng phải có lý do thì những người con họ mới nghĩ như thế chứ ạ?
- Đâu chú thử kể lý do của chú cho chị nghe xem nào? Xem nó có to tát đến nỗi chú phải nghĩ mình là kẻ không mẹ, không nhà, không quê như thế không?
Chẳng thân thuộc máu mủ ruột rà nhưng chị Dung lại thương Tuấn như em trai trong nhà và ngược lại Tuấn cũng xem chị Dung như chị gái, như mẹ mà tâm sự mọi điều to nhỏ trong cuộc sống. Cũng như bao cuộc trò chuyện thường ngày của hai chị em, nhưng sao hôm nay Tuấn lại ngập ngừng, nghẹn lòng đến thế. Ngồi phụ chị lột vỏ hành mà nước mắt cứ túa ra như khóc, trước giờ ngoài thằng Khang ra thì chẳng ai biết chuyện gia đình Tuấn. Phần vì không muốn kể, phần vì không muốn nhắc lại những chuyện đau lòng, có lẽ vì thế mà suốt bao nhiêu năm nay nỗi buồn đó cứ canh cánh trong lòng mãi thôi. Tuấn đã luôn ước có người nào đó đủ tin tưởng để lắng nghe và giúp Tuấn tháo gỡ nút thắt này. Hôm nay có lẽ Tuấn chẳng phải ước, phải tìm kiếm đâu xa nữa rồi, vì người đó đã ngồi ngay bên cạnh Tuấn.
- Mẹ bỏ bố con em mà theo người đàn ông khác, dù biết mẹ em đến với người đàn ông ấy sau khi bố mẹ đã ly hôn được một thời gian... Em rất hận bà ấy, mặc cho muôn vàn lý do đưa ra từ trái tim rằng hãy tha thứ thì lý trí của em vẫn chẳng thể nào xóa nhòa đi lời đề nghị ly hôn mà bà ấy đã nói với bố năm nào. Bà ấy đã phá đi một gia đình...
- Năm đó em bao nhiêu tuổi? Bố em, ông ấy là một người đàn ông tốt chứ?
- Năm đó em mười tám... Bố em là thợ xây, có lẽ do tính chất công việc nên ông ấy thường về nhà trong tình trạng say khướt...
- Mẹ em thường bị đòn sau những lần say khướt đó có phải không?
- Đúng là bố thường đánh mẹ sau những cơn say nhưng khi tỉnh thì ông ấy rất thương gia đình hoặc em có thể ủng hộ việc mẹ ly hôn để thoát khỏi những đòn roi từ bố, chứ em không ủng hộ việc mẹ ly hôn và bỏ rơi em để đến với ông ta.
- Cái người đàn ông mà mẹ em chọn ấy, ông ấy tốt chứ?
- Em nghe nói ông ấy là thợ mộc rất hiền lành, chịu khó.
- Thế em là người ích kỷ rồi.
- Sao ạ...?
Khoan trả lời câu hỏi của Tuấn, chị Dung lấy từ trong túi áo chiếc khăn mùi xoa đưa cho Tuấn lau những giọt nước mắt đang tèm lem trên khóe mi vì lột vỏ hành và cũng có khi là những giọt nước mắt thật từ cõi lòng.
- Tuấn này, chị cũng là một người mẹ nên chị hiểu rất rõ tấm lòng của người mẹ. Chẳng có mẹ nào mà từ bỏ con mình cả em ạ, chỉ có những người con mới nói lên được hai tiếng từ mẹ thôi.
- Chẳng phải có mẹ em đấy sao, bà ấy đã chọn từ em để đến với người đàn ông khác còn gì?
- Không, chị nghĩ mẹ em là một người mẹ tốt. Em nghĩ mà xem, sao bà ấy không chọn ly hôn và đến với người đàn ông mình yêu sớm hơn mà phải đợi đến khi em đủ mười tám tuổi kia chứ? Mẹ em đã chọn em trước khi chọn hạnh phúc của bà ấy...!
- Chọn em trước sao?
- Phải. Bà ấy đã đợi đến khi em trưởng thành, mười tám tuổi cũng chưa được coi là trưởng thành đối với một đứa con trai nhưng cũng đủ tự lập để có thể lo cho cuộc sống của mình mà không cần mẹ sát bên nữa rồi. Bà ấy đã hy sinh, đã chịu đựng những trận roi đòn từ bố em chỉ để đổi lấy một gia đình hoàn hảo trong ký ức của em cho đến khi em trưởng thành. Em nên biết ơn mẹ và thấy hạnh phúc vì có một người mẹ tuyệt vời
Từng câu từng chữ của chị Dung như thấm dần vào lý trí, chạm gần đến nút thắt trong lòng Tuấn và như có điều gì đó bóp nghẹt trái tim, Tuấn một tên con trai hai mươi tư tuổi bật khóc nức nở thành tiếng. Vừa khóc vừa nói, Tuấn như đang cố gào lên thật to để những nỗi oán hận trong lòng được tuôn ra.
- Nhưng chị ơi... chị bảo em phải làm sao, phải nghĩ thế nào cho phải khi cùng một ngày chứng kiến bố mất, mẹ thì đi lấy chồng....
Lần này, sau câu nói như gào thét, chất chứa uất nghẹn bao nhiêu năm qua của Tuấn thì chị Dung cũng khóc. Chị Dung buông con dao, tay còn vương mùi hành cay nồng vòng qua ôm lấy Tuấn, vỗ về...
Chị vỗ đểu tay cho đến khi tấm lưng to rộng của Tuấn thôi run rẩy và những tiếng nấc nhỏ dần...
Rõ là một chàng trai hai mươi tư tuổi phong độ nhưng hôm nay khi ở trong vòng tay chị Dung, Tuấn thấy mình thiệt chẳng khác nhóc Cao chút nào. Vuốt lại mái tóc rối bời, lau nước mắt cho Tuấn chị Dung cất lời:
- Em biết không, mỗi ngày trên thế giới này sẽ có vô số em bé được sinh ra và cũng có vô số người mất đi. Trong cùng một ngày sẽ có gia đình ngập tràn trong hạnh phúc nhưng cũng sẽ có gia đình chìm trong nước mắt của sự tan vỡ chia ly. Chúng ta đều là lữ khách trong cuộc đời này, chúng ta chẳng ai có quyền bắt thời gian ngừng trôi hay ngăn cản bất cứ điều gì. Chi bằng mình học cách chấp nhận và sống vui vẻ... mọi chuyện đã qua cả rồi và hãy để quá khứ cất giữ giùm những chuyện không vui. Tuấn này em có còn yêu mẹ mình không?
Mọi chuyện đều đã qua, quá khứ đều đã hoàn tất và nút thắt trong lòng Tuấn như đã được chị Dung tháo bỏ từ lúc nào. Bẽn lẽn, ngại ngùng Tuấn cúi xuống vừa lột hành vừa trả lời câu hỏi của chị Dung.
- Em yêu bà ấy rất nhiều và chưa có khi nào em thôi nhớ mong tiếng gọi mẹ.
- Về nhà đi em...
- Em...
- Về nhà đi em, đừng chần chừ khi còn có thể nói câu xin lỗi và nói một tiếng yêu với mẹ.
- Dạ, em sẽ về.
Trở về khu trọ sau một buổi chiều lang thang trên phố, thấy Tuấn trở về với lỉnh kỉnh đồ đạc trên tay nhóc Cao tíu tít hỏi:
- Chú Tuấn mua cái gì mà nhiều thế ạ?
- Mua đồ về làm pháo.
- Yeahhh...!
Nhóc Cao tỏ vẻ thất vọng khi Tuấn bảo sẽ về quê và dúi vào tay nó phong bao màu đỏ thay cho những quả pháo. Chị Dung, anh Hiếu thì rất vui mừng khi Tuấn đã thông suốt. Sợ Tuấn ngủ quên lỡ chuyến tàu nên chị Dung đã cài báo thức và đập cửa phòng Tuấn lúc bốn giờ sáng, còn anh Hiếu thì đã ngồi trên xe đợi sẵn để chở Tuấn ra nhà ga. Nhờ sự tận tình yêu thương của anh Hiếu và chị Dung, Tuấn đã yên vị trên chuyến tàu đầu tiên về nhà sau bao năm xa cách. Suốt cả quãng đường, Tuấn đã nghĩ ra biết bao nhiêu viễn cảnh khi gặp lại mẹ thì sẽ như thế nào…
Ngôi nhà Tuấn từng nghĩ mạng nhện vây quanh thì lại sạch sẽ hơn bao giờ hết, Tuấn gặp lại mẹ khi bà đang lau chùi dọn dẹp bàn thờ cho bố. Cứ nghĩ bà ấy sẽ không bao giờ trở về ngôi nhà này nữa vậy mà...
- Mẹ...
Bà ngừng tay ít phút khi nghe tiếng gọi mẹ rồi lại tiếp tục lau chùi, chắc có lẽ bà không tin vào tai mình.
- Mẹ, con về rồi.
Lần này thì bà dừng hẳn công việc đang làm, thấy Tuấn bà bật khóc nức nở và ôm chầm lấy Tuấn như sợ mình đang mơ. Hai mẹ con dù có rất nhiều điều muốn nói nhưng trong những tiếng nấc nghẹn thì chẳng câu từ nào thốt ra được chỉn chu rành rọt.
- Con xin lỗi mẹ!
- Không Tuấn à, mẹ xin lỗi con mới phải! Xin lỗi vì đã phá đi gia đình hạnh phúc của...
- Mẹ, mẹ đừng nói thế. Mẹ đã hy sinh quá nhiều cho con rồi, bây giờ mẹ được quyền sống hạnh phúc.
- Con đã trưởng thành thật rồi. Con không oán hận mẹ nữa sao?
- Xin lỗi mẹ vì con ích kỷ! Xin lỗi mẹ vì con luôn nghĩ mẹ là người đã gây nên cái chết của bố, mẹ hãy tha thứ cho con mẹ nhé!
Lau vội những giọt nước mắt, bà nắm lấy tay Tuấn
- Tuấn à! Mọi chuyện đều đã qua cả rồi, chúng ta đừng nhắc lại nữa và đừng nói lời xin lỗi nữa con nhé! Mẹ chỉ mong con hiểu một điều, đó là dù cho cả thế giới này không cần con thì mẹ vẫn luôn rất yêu và cần con, con trai của mẹ.
Tuấn lại nghẹn ngào nước mắt khi mẹ đặt một nụ hôn lên má mình, trong vòng tay mẹ Tuấn ngập ngừng hỏi.
- Con cứ nghĩ mẹ sẽ không bao giờ quay lại ngôi nhà này nữa?
- Đây là nhà của con, dù có không muốn thì mẹ cũng sẽ bảo vệ tất cả những gì thuộc về con.
Nhìn thấy trước cửa nhà có đống lá dong bự, Tuấn nhớ lại câu nói của Khang vài ngày trước. Níu tay mẹ Tuấn nũng nịu hỏi như khi còn lên ba.
- Mẹ, con rất nhớ vị bánh chưng mẹ làm, miếng bánh chưng không có thịt mỡ?
- Mẹ nhớ chứ, mẹ luôn nhớ con trai mẹ không ăn được thịt mỡ... năm nào mẹ và.... cũng đều gói riêng để dành cho con.
Dẫn tôi về nhà mới của mẹ, mất chừng hai chục phút đi bộ một căn nhà khang trang hiện ra trước mắt Tuấn. Người đàn ông chừng sáu mươi tuổi hiền hòa từ trong nhà bước ra bắt lấy tay Tuấn và nói.
- Cám ơn con đã trở về..!
- Cám ơn chú đã yêu thương mẹ con.
Thấy hai người đàn ông cứ cám ơn qua lại ngoài sân, mẹ Tuấn từ trong nhà vọng ra...
- Để thằng bé vào rửa mặt, uống miệng nước đã ông Khánh ơi...
Múc vài gáo nước rửa sạch bụi đường, lên đến bếp Tuấn đã thấy nào đậu xanh, nào thịt, nào nếp được bày sẵn trên bàn. Lá dong thì đã được rửa sạch phơi cho ráo nước bên hiên nhà, Tuấn đưa mắt nhìn quanh nhưng cũng không thấy bóng mẹ đâu. Đi đến song cửa sổ ngó qua mảnh đất bên cạnh, Tuấn thấy mẹ và dượng đang tất bật khuân vác, dọn dẹp lại xưởng mộc và bắc bếp nấu bánh chưng cho kịp tết.
- Mẹ với dượng nghỉ tay đi, có con đây rồi việc nặng để con lo cho.
Nghe Tuấn nói dượng Khánh dừng tay mỉm cười rồi lại quệt vội vài giọt nước mắt đang trực rơi nơi khoé mi. Chắc cả đời ông cũng không nghĩ một ngày sẽ được Tuấn gọi một tiếng dượng như thế này? Ông vui mừng nắm lấy tay bà dẫn vào nhà, vừa đi ông vừa thỏ thẻ bên tai bà rằng “ hình như tôi sắp có con trai đấy bà ạ!” Theo sau hai ông bà vào nhà, Tuấn rót mời ông một tách trà, châm cho ông một điếu thuốc. Nhận điếu cày từ tay Tuấn mà mắt ông cay xè, đặt tách trà ông nhìn Tuấn rồi bảo
- Tuấn này, nếu con đã chịu gọi chú một tiếng dượng thì nghe dượng trình bày vài câu có được không?
- Dạ. Có điều chi dượng cứ nói, con nghe.
- Dượng vốn chẳng có con cái hay họ hàng thân thuộc gì, nay tuổi già được trời thương ban cho một gia đình nhỏ. Cái xưởng mộc ấy mà, dượng bây giờ cũng già rồi tay nghề cũng yếu đi nên là...nếu con thấy được thì ở lại giúp ta một tay hai ông bà già này có thời gian đi du lịch.
- Con... Biết có làm được không ạ?
- Dượng tin con làm được.
Cùng với ánh mắt cùng câu nói đầy tin tưởng của dượng, mẹ ngồi bên cứ mân mê bàn tay chai sần của Tuấn như van xin rằng ở lại với mẹ đi con.
- Nếu dượng đã tin tưởng thì con sẽ làm nhưng cho phép con được mời thêm một người bạn làm cùng có được không? Tay nghề của ảnh cũng khá giỏi vả lại vợ chồng anh chị cũng đã cưu mang con, xem con như em út trong nhà suốt những năm tháng qua. Con muốn mời ảnh về làm cùng...
- Xem như là con đã nhận lời tiếp quản xưởng mộc, còn chuyện con muốn mời ai, phát triển như thế nào thì toàn quyền quyết định ở con.
- Dượng chờ con xong một cuộc điện thoại rồi mới trả lời được không?
Đã xem nhau là anh em thì sướng cùng sướng, khổ cùng khổ. Nghề mộc cũng chẳng làm giàu nhanh được nhưng ít ra cũng không bấp bênh như làm công nhân. Và cuộc sống ở quê ít tốn kém hơn là thành phố nên ít nhều chị Dung cũng không phải cân đo đong đếm từng bát cơm hạt gạo nữa. Sống ở quê thì tết về nhóc Cao sẽ có nhiều hơn vài bộ quần áo, bữa cơm có cá có thịt chứ không phải bữa nào cũng mắm kho quẹt với rau luộc nữa. Sau gần chục phút nói chuyện điện thoại, Tuấn đi ra với khuôn mặt vui vẻ như thể cả mùa xuân đều đọng lại cả trên gương mặt vậy.
- Sao rồi con?
- Ảnh đồng ý rồi dượng, anh chị bảo tết xong sẽ về.
- Từ đây con cháu đông vui bà nhỉ?
- Thôi mừng rồi, ăn bánh uống trà đi. Nguội hết cả chén trà mất rồi...
Không gian bếp rộn ràng tiếng nói cười sau câu trách mắng của mẹ, Tuấn và dượng chẳng ai biết gói bánh như thế nào, cái thì méo ,cái thì lại tròn. Nhưng qua bàn tay khéo léo của mẹ, cái nào cũng vuông vắn đẹp đẽ, bánh chưng nơi nào cũng có nhưng vị bánh chưng của mẹ là ngon nhất, không khí tết nơi nào cũng rộn ràng nhưng ấm áp thì chỉ có gia đình mới có. Tuấn nhìn dượng vén tóc cho mẹ khi bà đang dở tay bên khuôn bánh mà lòng nghẹn lại, dâng lên một thứ cảm xúc khó tả. Miếng bánh chưng để dành, nỗi nhớ day dứt hương vị tết quê nhà, từ đây cả mẹ và Tuấn đều chẳng ai còn có cơ hội để ngậm ngùi nữa. Những điều ấy đều sẽ ở lại trong tết của ký ức, còn tết này là tết hạnh phúc, tết của sum vầy.
Hạ Vân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét