- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Mười giờ rưỡi đêm Atlanta, Mỹ.
Về đến nhà trong tình trạng rệu rạo,
mệt mỏi. Cởi đôi giày bám đầy tuyết, Thùy lê từng bước chân đến bếp tìm nước uống
và nhủ bụng mình rằng sẽ ăn đại thứ gì đó nếu tìm thấy trong tủ lạnh rồi lên
giường ngủ một giấc đến sáng. Nói là vậy chứ có khi nào Thùy lên giường mà ngủ
được ngay đâu, cứ lăn qua lăn lại suy hết chuyện này tới nghĩ chuyện kia rồi mới
an tâm đi vào giấc ngủ. Bản tính hay lo này chắc là Thuỳ được thừa hưởng của mẹ
nhiều nhất nhà, ngay lúc này cũng thế. Thùy nằm vật ra giường khi miếng bánh mì
còn đang nhai trệu trạo trong miệng, tự nhiên cô thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ đến da
diết cõi lòng. Chẳng phải bây giờ Thùy mới biết nhớ đâu mà suốt mười năm nay cô
vẫn luôn ôm nỗi nhớ mong như thế mà lớn lên và trưởng thành trên đất Mỹ này.
Chưa bao giờ Thùy dám nói nhớ mẹ,
nhớ cơm mẹ nấu mà lúc nào cũng là câu “con ổn mà” mỗi khi bố mẹ gọi qua, hay bạn
bè mỗi khi nói chuyện hỏi Thùy cuộc sống ở Mỹ thế nào thì cô cũng chỉ ậm ừ trả
lời rằng rất tốt. Bởi Thùy biết nếu cô nói nhớ nhà thì sẽ làm bố mẹ thêm lo, bởi
Thùy biết nếu nói cuộc sống ở Mỹ cô đơn và buồn thì liệu rằng ai sẽ chịu tin. Người
ở quê nhà ai nấy đều bảo nước Mỹ là thiên đường sống nhưng có đi rồi mới biết… nước
Mỹ đối với một người con xa xứ nó đáng sợ đến thế nào? Nỗi nhớ, sự cô đơn cứ
như cái bóng to lớn nó luôn chực chờ nuốt chửng lấy Thùy…
Ở Việt Nam thì
cơm ấm, canh nóng, qua đây rồi thì chỉ có đồ đông lạnh hoặc bánh mì, khoai tây
lót dạ. Nằm nhớ lại những năm tháng đầu mới đặt chân đến Mỹ mà nước mắt Thùy chảy
dài hai khóe mi. Năm đó khi thấy hai đứa bạn thân xin học bổng và nghe kể về
thiên đường sống, Thùy cũng ham cũng khao khát. Theo hai đứa bạn xin cho vui ai
ngờ cô đậu còn hai người bạn thì rớt, Thùy lên đường đến Mỹ học tập trong sự tự
hào của bố mẹ và lòng ngưỡng mộ của bạn bè. Nên sau này khi có cô đơn hay ngán
ngẩm bánh mì thịt hộp, Thùy cũng không dám kêu than bởi sợ phải phá đi một giấc
mơ đẹp của những bạn bè nơi quê nhà, bởi Thùy sợ dấy vào lòng bố mẹ những lo lắng
không yên.
Đưa tay vuốt rộng ra hai bên khóe mi, Thùy định cắt
ngang dòng ký ức bằng cách bật dậy rửa cái mặt rồi ngủ thì tiếng điện thoại
rung lên kéo cô nằm lại. Thùy run rẩy khi thấy màn hình diện thoại sáng lên chữ
“bố”, từ ngày mẹ mất Thùy rất sợ những cuộc gọi từ nhà gọi sang, nhất là vào
lúc nữa đêm như bây giờ. Hít thở thật sau vài cái, phải đến hồi rung thứ hai Thùy
mới can đảm gạt ngang cái nút xanh trên màn hình điện thoại.
- Alo bố ạ!
- Ừ, bố đây. Con đi làm về chưa, ăn uống gì chưa con?
- Con ăn rồi. Bố vẫn đi bệnh viện theo thuốc thường
xuyên chứ?
- Ui chao bệnh ho của người già ấy mà, nó tự đến rồi
cũng tự đi thôi con.
- Bố không được
chủ quan, bệnh thì làm sao tự đến rồi lại tự đi được... Con chỉ còn mỗi mình bố
thôi, bố phải sống khỏe mạnh nha bố.
- Bố biết rồi, bố sẽ sống cho đến ngày con thành gia lập
thất rồi mới theo mẹ về nơi chín suối... Thùy này, sắp đến giỗ đầu của mẹ con
có về được không?
- Con sẽ về mà. Sẽ về giỗ mẹ và đón Tết với bố...
Sợ mình sẽ
không ngăn nổi dòng nước mắt, sợ bố sẽ nghe những tiếng nấc nghẹn của đứa con
nơi phương xa. Vịn cớ rằng sáng mai đi làm sớm, Thùy tắt cuộc điện thoại với bố
rồi khóc rống lên như một đứa trẻ giữa căn phòng rộng lớn. Một năm qua, kể từ
ngày mẹ mất, thậm chí khi nhìn người ta lấp đất lên quan tài của mẹ, chôn vùi mẹ
vào lòng đất khô cứng, lạnh lẽo, Thùy cũng không rơi một giọt nước mắt. Vậy mà
bây giờ, Thùy lại khóc và gào lên tiếng mẹ ơi nơi xứ người xa xôi này. Thùy nhận
cái tin mẹ mất mà như đang mơ vậy, ngày đó khi nghe họ hàng gọi qua báo tin mà
cứ như sét đánh ngang tai. Thùy không tin đó là sự thật, cô đã gào thét lên
trong điện thoại đòi được gặp mẹ. Phải đến khi anh trai của Thùy mở facetime
cho Thùy xác nhận thì cô mới tin và ngã quỵ khi thấy mẹ nằm đó bất động giữa
nhà trong cái không khí rộn ràng của ngày hai mươi ba Tết. Phải, mẹ Thùy đã
theo ông Táo về trời trong cơn đau tim mà không kịp nói lời tạm biệt với ai
trong nhà, sau này mỗi khi nhớ mẹ cha cô lại tếu táo đùa với con cháu rằng mẹ
mê ông Táo nên mới theo ổng về trời như thế. Thùy thiếp đi trong dáng vẻ co ro của một em bé đang nằm trong bụng mẹ, miệng
cười vì câu nói đùa mang đầy nỗi nhớ nhung của bố nhưng ngay cả khi đã ngủ, thì
nước mắt vẫn còn đọng lại trên khóe mắt cô vì nỗi nhớ mẹ của riêng mình.
Thùy tỉnh giấc sau hồi chuông báo thức được gài cố định,
sáu giờ sáng Atlanta, bước xuống giường vươn vai vài cái rồi kéo tấm mành cửa
ra cho ánh sáng đổ vào. Tuyết vẫn rơi không ngừng nhưng sao lòng Thùy lại thấy ấm
áp lạ lùng khi nhìn tấm vé máy bay để trên bàn, tiến lại bàn đưa tay vuốt ve tấm
vé máy bay có chữ Việt Nam vài cái, rồi thật nhanh như chú sóc nhỏ, Thùy làm mọi
thứ thật nhanh nhẹn để ra sân bay sớm nhất có thể. Chuyến bay của Thùy tận đầu
giờ chiều lận, vậy mà hơn chín giờ sáng cô đã có mặt ở sân bay mặc cho tuyết
rơi phủ đầu. Uống xong cốc cà phê, đọc xong nửa quyển sách thì tiếng nhân viên
thông báo chuyến bay của Thùy cũng vang lên. Nhìn Thùy bây giờ chẳng khác nào một
đứa trẻ con háo hức được về nhà sau một ngày đến trường vậy. Mọi thủ tục giấy tờ
xong xuôi, trước khi bước lên máy bay Thùy đã ngoái lại đưa tay vẫy chào bầu trời
đầy tuyết Atlanta trong sự tò mò của mọi người. Máy bay cất cánh, Thùy định chợp
mắt một lát thì nghe đâu chất giọng tiếng Việt lơ lớ bên cạnh vang lên...
- Bạn về Việt Nam đón Tết phải không ?
- Vâng. Nhưng sao ông biết tôi là người Việt Nam?
- Bạn toát lên mùi hương của Việt Nam, vợ tôi lúc trước
khi còn sống bà ấy cũng rất thích gội đầu bẳng mùi hương này!
Mùi Việt Nam.
Phải đến khi ông ấy nói đến từ gội đầu thì Thùy mới hiểu mùi Việt Nam chính là
mùi bồ kết trên tóc mình. Cô bỗng thấy tự hào bởi thứ quả tạo ra mùi hương ấy
biết bao, người ta không chỉ nhớ đến Việt Nam với những món ăn mà còn nhớ đến
Việt Nam qua mùi đặc trưng của những mái tóc người con gái, mùi bồ kết nồng
nàn.
- Mừng tuổi cho bạn. Chúc bạn năm mới hạnh an!
- Oh... Cám ơn ông.
Nhận phong bì
màu đỏ của một người đàn ông ngoại quốc xa lạ làm Thùy có phần hơi bất ngờ,
nhưng điều làm cô bất ngờ hơn cả và suýt bật khóc chính là lời chúc năm mới “hạnh
an”. Thùy như không tin vào những điều mình vừa nghe, cô thực không tin là mình có thể nghe lại lời chúc này một lần nữa.
Bởi lời chúc này là lời chúc độc quyền của mẹ, “hạnh an” là hai chữ viết tắt của câu chúc năm mới hạnh phúc và bình an. Được
nghe lại lời chúc này, Thùy cảm giác như đang được gặp lại mẹ lần nữa vậy. Mừng
mừng, tủi tủi Thùy cứ mân mê mãi phong bao lì xì màu đỏ, nhìn ra ổ cửa sổ máy
bay cô thấy rõ mồn một những đám mây lững lỡ. Cô thì thầm đủ mình nghe rằng
thiên đường nơi mẹ đang sống chỉ cách tầng mây ba cánh cửa... mình đang ở trên
bầu trời mà bầu trời thì rất gần mẹ... Thùy cứ như trở về làm đứa trẻ con chứ
chẳng phải đứa con gái gần ba mươi tuổi đầu.
Chớp mắt một cái là đã về đến Việt Nam, Thùy phải hỏi
đi hỏi lại cô tiếp viên xinh đẹp rằng đã đến Việt Nam rồi sao thì mới chịu xuống.
Mọi lần khi bay từ Mỹ về lúc nào Thùy cũng thấy ê cả mông, đau cả lưng mà máy
báy vẫn chưa hạ cánh. Có lẽ là về vì công việc nên mới cảm thấy thế, còn lần
này Thùy về giỗ mẹ về ăn Tết với bố và có lẽ có yêu thương cùng đồng hành nên thời
gian đã trôi qua rất nhanh. Thập thò ở cổng, tìm cơ hội làm bất ngờ cho bố nhưng
thiệt là...
- Ông nội ơi! Cô út từ Atlanta về...
Thiệt là, bé Chi con của anh hai mới sáu tuổi mà sao nó
tinh thế không biết, chẳng biết nó có biết Atlanta là ở đâu không mà nói sõi
như con chim sáo vậy. Bố từ trong nhà
theo tiếng gọi của Chi mà hớt hải chạy ra trước sân, anh chị hai cũng bỏ dở
công việc dưới bếp chạy lên ríu rít hỏi han, đỡ nâng hai chiếc vali to đùng.
- Mang cả nước Mỹ về hay sao vậy út?
Câu nói đùa của
anh hai khiến cả nhà rộn ràng tiếng cười, cây mai trước sân nhà đã đơm nụ kín hết
mọi cành, vườn hoa của mẹ cũng đã khoe sắc cùng hương thơm ngào ngạt. Mai là
ngày hai mươi ba, ngày tiễn ông Táo về trời và cũng là ngày giỗ mẹ nên không
khí trong nhà có vẻ rộn ràng nhưng cũng đâu đấy nỗi buồn luôn phảng phất, nhất
là trong ánh mắt của bố. Giao cái balo cho bé Chi, Thùy lao đến vòng tay bố mà
ôm ấp, hít hà hơi ấm.
- Con về rồi.
Đáp lại lời
Thùy là những cái vỗ lưng nhè nhẹ của bố, dẫn Thùy đến bàn thờ của mẹ, vừa đốt
nhang ông vừa nhìn di ảnh của vợ mà nói.
- Con gái bà nó về với bà rồi này, về mà ăn Tết với bố
con tôi bà nha!
- Mẹ ơi...!
Dù có rất nhiều
điều muốn nói cùng mẹ nhưng điều mà Thùy khao khát hơn bao giờ hết chính là hai
tiếng mẹ ơi. Cô cứ đứng trước bàn thờ mẹ mà gọi mẹ ơi rồi nhìn quanh quất ra mảnh
sân, mảnh vườn trước nhà cho đến khi nước mắt lăn nhẹ nơi gò má. Những rau dưa,
những hành, những kiệu đã phơi đủ nắng vẫn còn nằm im trên vạt trước sân nhà kia
liệu không có bàn tay mẹ chúng có nên vị nên hương của ngày Tết không? Ký ức về
mâm cơm ngày Tết của mẹ cứ hiện về chập chờn trong cô, Thùy thèm lắm hương vị
thịt kho tàu ngày Tết của mẹ, món ăn đặc biệt của ngày Tết mà với cô thì ai nấu
cũng không ngon bằng mẹ. Không khí của
những ngày Tết khi còn mẹ cứ dàn trải mỗi lúc một đậm sâu trong Thùy, cô ước
giá như thời gian có thể quay trở lại thì sẽ không bao giờ trên môi Thùy có câu
nói Tết này con không về được mỗi khi mẹ gọi sang.
- Dường như có điềm gở, có cái này mẹ luôn dặn cha phải
giao tận tay cho con. Bà ấy đã giữ gìn rất cẩn thận...
Nhận từ bố cuổn
sổ màu nâu nhạt, Thùy gạt nước mắt lật từng trang, đọc từng chữ. Như có điều gì
đó cắt sâu vào trái tim Thùy, cô ngồi bệt xuống nền gạch lạnh lẽo, ghì chặt cuốn
sổ vào lòng mà khóc nấc lên một lần nữa. Cô út đừng khóc bà nội bảo con gái hay
khóc sẽ không xinh đẹp, tiếng bé Chi vang lên, vòng tay bé nhỏ của nó ôm cô vào
lòng mà vỗ về. Phải, con gái hay khóc sẽ không còn xinh đẹp, mẹ Thùy thường nói
thế mỗi khi cô khóc lóc lúc còn nhỏ. Thùy nhìn cha, nhìn di ảnh mẹ rồi nhìn cuốn
sổ trên tay. Cô đứng phắt dậy, nhìn ra vạt dưa hành, củ kiệu đã đủ nắng ngoài
sân rồi tuyên bố với cả nhà sẽ đảm nhận chịu trách nhiệm cho những mâm cơm ngày
Tết của cả nhà. Thịt kho tàu, canh khổ qua, dưa kiệu, dưa hành nhìn mâm cơm
hoành tráng của Thùy trong đêm giao thừa cả nhà ai cũng khen đẹp mắt. Vẫn là
con bé Chi nhanh miệng, nó reo toáng lên ngon quá bà nội ơi đúng là món thịt
kho của bà nội rồi, khi ăn miếng cơm đầu
tiền với món thịt kho tàu Thùy làm theo công thức của mẹ trong cuốn sổ màu nâu.
Cha Thùy mắt đỏ hoe bên chén cơm vui vầy với con cháu nhưng chốc chốc, ông lại hướng ra phía bàn thờ nơi có di ảnh của mẹ
cô mà mỉm cười. Trong khoảnh khắc đất trời chuyển giao năm cũ sang năm mới,
trên nền trời rực rỡ những pháo hoa... đâu đó gương mặt của mẹ đã xuất hiện mỉm
cười đầy yêu thương nói lời tạm biệt với Thùy.
Tạm biệt mẹ của con, Thùy đã nắm chặt tay bố mỉm cười
đáp lại khi gương mặt mẹ tan biến mờ dần theo những bông pháo tàn. Bàn ăn vắng
đi một chỗ ngồi, con cháu vắng đi một người mẹ, người bà trong những ngày Tết sum
vầy. Ngày nhỏ mẹ luôn hát ru anh em Thùy câu hát “Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Thùy vẫn nghĩ đây chỉ là câu hát vu vơ nhưng
đến bây giờ thì cô tin rồi nỗi lòng của một người mẹ, dù chẳng còn hiện hữu bên
anh em cô bằng sương bằng thịt. Nhưng đâu đó bên những khóm hoa, đâu đó trong
những món ăn ngày Tết, Thùy vẫn thấy tình yêu của mẹ hiện hữu và sống mãi bên
cô.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét