Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
1. Sáng nào thầy An cũng đi đến trường thật sớm, có khi sớm hơn cả những đứa học sinh chúng tôi. Nhưng có một điều lạ là thầy không vào trường mà ngồi trước cái quán nước đối diện với cổng trường chính để xem chúng tôi đi học. Nhiều lúc cô chủ quán ái ngại hỏi: “Sao anh không vào lớp dạy mà sáng nào cũng ngồi ở đây vậy?”. Nét mặt thầy An hơi đượm buồn. Thầy nâng cốc cà phê đen lên môi nhấp một ngụm rồi nói: “Đời tôi luôn có những nỗi buồn”. Cô chủ quán lắc đầu thở dài. Chắc cô ấy đang suy nghĩ rằng thầy An là một người dở hơi chẳng đâu vào đâu. Nhưng cô ta cũng mặc kệ vì thầy uống nước, uống cà phê… thì thầy cũng trả tiền đàng hoàng nên cô chủ quán mặc sức thầy ngồi đó làm gì làm. Có hôm thầy ngồi đó đến tận nửa buổi rồi thầy lái xe máy đi lòng vòng thị trấn như đi tìm một chút gì đó bình yên của cuộc sống. Cũng có hôm thầy ngồi đến tận trưa đợi chúng tôi tan trường hết rồi thầy mới từ từ ra về. Chẳng có ai hiểu về hành động của thầy.Thầy cứ âm thầm lặng lẽ như vậy như một thói quen mỗi ngày.
2. Thầy An là giáo viên dạy môn Ngữ văn ở trường chúng tôi. Lúc thầy mới về trường, ai ai cũng yêu mến thầy và đều dành cho thầy những tình cảm tốt đẹp nhất. Đặc biệt thầy có những tài lẻ như: làm thơ, đàn, hát, thổi sáo… khiến cho những đứa học sinh như chúng tôi rất mến mộ thầy. Nhưng thầy rất khiêm tốn, ít khi thầy bộc lộ những tài năng đó cho chúng tôi xem. Trừ khi đó là những ngày đặc biệt, hoặc là thầy chủ động thể hiện. Điều đó càng làm cho chúng tôi yêu quý và kính trọng thầy hơn. Những tiết dạy của thầy bao giờ cũng làm cho chúng tôi cảm thấy thú vị và thoải mái. Tuy thầy mới vào nghề nhưng cách dạy của thầy rất sâu và tỉ mỉ. Có khi chúng tôi học với thầy trên lớp về nhà chưa xem lại bài nhưng vẫn có thể nhớ kiến thức đó một cách cụ thể rõ ràng. Dù trong quan hệ với đồng nghiệp hay với học sinh, thầy An vẫn thể hiện là một người gần gũi và hòa đồng với mọi người. Tôi quý mến thầy cũng là ở những điểm đó. Có một điều là thầy An vẫn chưa phải là giáo viên chính thức của trường chúng tôi. Thầy chỉ là giáo viên hợp đồng mà thôi!
Năm ngoái trên huyện người ta tổ chức nộp hồ sơ để xét chọn giáo viên hợp đồng ngắn hạn để đợi đến kỳ thi viên chức. Thầy An nộp hồ sơ và may mắn được nhận và họ đã ban quyết định cho thầy về trường tôi – Một trường điểm của huyện. Lúc đầu nhiều người cứ nghĩ thầy An chạy chọt, đút lót nên mới được nhận và phân bổ về một trường có danh tiếng như vậy. Nhưng ít có ai biết rằng gia cảnh của thầy cũng rất khó khăn. Mẹ thầy mắc bệnh nan y khi tuổi còn rất trẻ. Ba của thầy bấy giờ là trụ cột chính trong gia đình, hằng ngày phải giăng mưa, đội nắng để xây nhà cho người ta kiếm từng đồng tiền để trang trải qua ngày. Phía sau thầy còn có mấy đứa em nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi học. Thầy cũng không thân thế, quen biết ai làm “ông to bà lớn” thì lấy đâu ra tiền bạc mà chạy chọt, đút lót cho người ta. Mà thầy được nhận về trường chúng tôi cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì hồ sơ của thầy rất tốt. Từ lý lịch cho đến bằng cấp đều tốt cả. Rồi kỳ thi viên chức diễn ra, thầy nộp hồ sơ dự thi. Nhưng cuộc thi lần này không dễ dàng như đợt xét tuyển. Thầy cũng quyết tâm hết sức để cố gắng vượt qua kỳ thi để chính thức được mang danh nghĩa thầy giáo. Nhưng sự đời có nhiều cái cũng khó nói. Những vấn đề tiêu cực trong xã hội làm sao tránh khỏi được. Thầy không đạt trong kỳ thi này. Vài tháng sau, trên huyện người ta trao quyết định cho những giáo viên trúng tuyển trong kỳ thi viên chức vừa rồi về nhận nhiệm vụ tại các trường học trên địa bàn. Đồng thời, người ta cũng ra thông báo kết thúc hợp đồng với những giáo viên không đạt. Vậy là thầy An không còn dạy ở trường tôi nữa.
3. “Hôm nay là tiết dạy cuối cùng thầy dạy lớp các em. Thầy mong rằng dù bất cứ hoàn cảnh nào các em cũng phải cố gắng học thật tốt”,- Lời thầy An trầm ấm nói với chúng tôi trong buổi học ấy. Lớp chúng tôi ồ lên và có vài đứa chen nhau hỏi: “Sao vậy thầy? Sao thầy không ở lại dạy lớp chúng em nữa!”. Nghe câu hỏi đó, tôi thấy mắt thầy An rơm rớm. Thầy quay sang chỗ khác lấy tay chặm hai khóe mắt như giấu đi một nỗi niềm nào đó không muốn cho chúng tôi biết. Thầy không muốn lớp chúng tôi buồn nên thầy trả lời: “Thầy nhận công tác mới nên tạm thời xa các em”. Thầy nói thế, nhưng tôi biết rất rõ về sự việc của thầy, vì mẹ tôi cũng là giáo viên ở trường. Tôi chợt nghe dưới góc bàn có một vài tiếng thút thít của một vài bạn nữ. Thầy An ôn tồn bảo: “Thôi được rồi các em, không sao đâu. Thầy vẫn mãi là thầy của các em và các em mãi là những học sinh yêu quý của thầy. Không được học thầy thì các em cũng sẽ học được những thầy cô khác. Thầy cô nào cũng có những điều tốt cho các em học cả. Chúng ta bắt đầu tiết học các em nhé!”. Nói rồi, thầy cầm viên phấn trắng viết lên từng nét chậm rãi tên tiêu đề bài học trên bảng. Tôi cảm thấy tiết học hôm nay sao ngắn ngủi quá! Thoáng chốc đã qua nhanh đi. Hết tiết thầy chào lớp rồi mang cặp bước đi. Sân trường hun hút. Những tia nắng mùa thu mơn man dìu dịu và đượm buồn phủ lên mái tóc của thầy. Bóng thầy đã đi khá xa, nhưng ánh mắt rớm rớm nước của chúng tôi vẫn nhìn theo thầy mà không khỏi có những sự luyến tiếc.
4. Mỗi ngày, tôi vẫn thấy thầy An ngồi đấy. Có lần tôi mạnh dạn bước vào quán nước và chào thầy. Thầy An thấy tôi vừa vui lại vừa buồn. Thầy vui vì được gặp lại học sinh yêu quý lớp thầy dạy, còn thầy buồn vì đã không được gặp chúng tôi hằng ngày trên lớp nữa. Tôi băn khoăn hỏi thầy: “Thầy ơi! Sao thầy không vào trường mà sáng nào thầy cũng ngồi ở đây vậy?”. Thầy An lấy kính đeo mắt xuống, vẻ mặt hơi đăm chiêu, thầy bảo: “Thầy ngồi đây uống ngụm cà phê rồi tí thầy đi dạy đấy em”. “Thôi! Thầy đừng giấu em nữa! Em biết tất rồi. Thầy quên là mẹ em cũng là giáo viên trong trường sao?”- Tôi dõng dạc nói với thầy. Thầy An nói lảng: “Huệ à! Thôi em vào lớp đi! Đến giờ học rồi đấy em!”. Tôi chào thầy rồi vội vàng bước nhanh vào lớp học nhưng lòng tôi buồn lắm. Tôi thấy thương cho thầy. Tôi tin chắc rằng lúc ấy lòng thầy cũng đang nặng trĩu những nỗi buồn vô tận.
Sáng nay, cũng như mọi ngày, ánh nắng sớm xuyên trên từng kẻ lá quyện vào làn gió dịu dàng thoang thoảng mùi hoa sữa. Vài chú chim non hót ríu rít trên cành. Tôi vẫn đến trường sớm trước năm phút như mọi hôm. Nhưng có một điều khác lạ mà tôi đã kịp nhận ra đó là thầy An không có trong quán nước trước trường như thường ngày nữa. Mọi khi thầy đi rất sớm, nhưng hôm nay lại không thấy thầy. Tôi thầm nghĩ chắc là nhà thầy có việc nên hôm nay không đến. Nhưng mãi đến hai, ba ngày sau, rồi một tuần, hai tuần… vẫn không thấy thầy. Tôi chạy đến hỏi cô chủ quán, cô ấy lắc đầu bảo là không biết. Tôi đâm lo cho thầy. Qua sự hỏi han các bạn ở gần nhà thầy thì tôi mới biết thầy đã đi vào Nam để mưu sinh. Lúc ấy, lòng tôi vô cùng đau nhói. Nước mắt tôi chảy xuống giàn dụa. Tôi quý thầy giống như một người anh, người cha của tôi. Lâu rồi tôi vẫn chưa được gặp thầy nhưng những ký ức về một người thầy giáo hợp đồng đáng kính ấy vẫn còn lưa lại mãi trong trái tim tôi.
Quảng Ngãi, ngày 04/11/2018
Nguyễn Hoài Ân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét