Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Người xưa thường nói “Con người có tổ có
tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Thật đúng như vậy. Trước đây khi còn
nhỏ, năm nào cũng vậy, vào dịp thanh minh hay ngày tết là ba mẹ tôi lại sắm sửa
chuẩn bị mọi thứ để về quê viếng mộ ông bà, và tất nhiên là lần nào tôi cũng
được tháp tùng theo. Tôi đã quen với nề nếp đó từ nhỏ nên khi lớn lên có gia
đình riêng, tôi vẫn duy trì nề nếp đó, xem như là một phong tục tốt cần giữ gìn
và qua đó giúp các con tôi hiểu hơn về quê hương, gia đình, người thân cũng như
lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên.
Ảnh Internet
Tết năm nay cũng vậy, sau khi đưa ông Táo về trời là gia đình tôi sắp xếp về quê tảo mộ, nói đúng hơn là đi viếng mộ. Mờ sáng tôi đã đi chợ mua thịt quay,bánh hỏi, bánh bò và trái cây, những thứ khác như nhang đèn, giấy vàng mã tôi đã mua từ hôm trước. Mặt trời ló dạng, gia đình tôi đã khởi hành. Từ nhà về quê cũng mất hơn một tiếng, đi sớm cho mát lại có thời gian để các con chơi lâu hơn, bọn nhỏ rất thích được về quê vì ở quê rộng rãi, thoáng mát. Lúc này trên đường đã có đông người, xe tấp nập qua lại. Họ cũng giống như gia đình tôi, về quê viếng mộ ông bà, cha mẹ. Ai cũng khệ nệ tay xách, nách mang. Chẳng mấy chốc xe rẽ vào con đường nhổ dẫn về quê. Hai bên đường cây cối mát rượi, trong cái nắng nhẹ, trong làn gió mát, tôi hít thở bầu không khí trong lành đó mà cảm nhận hết được hương vị của đồng quê. Đâu đó thoang thoảng mùi hương của lúa chín, trái chín hòa lẫn với mùi nhang thơm, tôi cảm thấy lòng nao nao. Quê hương tôi đó, vẫn đẹp, hiền hòa, bình dị. Chỉ một thời gian ngắn không về mà quê tôi đã thay đổi nhiều. Cuộc sống người dân có vẻ sung túc hơn; những ngôi nhà lá lụp xụp được thay thế bàng những căn nhà tường cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ; con đường đất sình lầy được thay bằng con đường nhựa thẳng tắp; những chiếc cầu cây cũng được thay bằng cầu xi măng thuận lợi cho việc đi lại.
Ngôi nhà quen thuộc hiện ra trước mắt, mấy anh chị em ra đón, ai cũng tíu tít, nói cười vui vẻ. Tôi sắp một phần bánh, trái cây nhang đèn cúng trên bàn thờ; phần còn lại tôi đem ra mộ cúng ông bà, ba mẹ. Mộ ông bà được xây trên phần đất của gia đình có rào mái che chắc chắn, xung quanh mộ có trồng cây xanh cho mát, các bụi bông nở nhiều màu sắc rất đẹp gợi lên không khí tươi vui chứ không buồn bả thê lương. Mộ đã được quét vôi mới, sạch đẹp, khang trang, cỏ xung quanh cũng đã được dọn sạch. Tục ngữ xưa có câu: “Cao nấm, ấm mồ” sửa sang mồ mã cũng là việc làm hiếu nghĩa của con cháu. Thăm viếng phần mộ tổ tiên ông bà là nét đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc ta, dù tất bật mưu sinh, dù làm việc xa thì trong những ngày này con cháu cũng sắp xếp về. Tôi bảo con trai mang chổi ra quét bụi bặm, lá cây trên mộ và xung quanh cho sạch. Sau đó tôi sắp bánh trái ra trước mộ đốt nhang và cúng. Tôi khấn ông bà linh thiêng về phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe. Tôi cũng bảo con đốt nhang cho ông bà nhưng nó không biết nói gì vì khi ông bà mất nó còn quá nhỏ, những kỷ niệm về ông bà nó chỉ biết qua lời kể của ba mẹ, nhưng nó biết ông bà hiền lành, chất phác, nhân hậu và rất mực yêu thương con cháu. Khấn xong, tôi bảo con đốt tiền vàng bạc, quần áo và mọi thứ mong ông bà ở một nơi nào đó có cuộc sống đầy đủ như khi còn sống. Ngồi bên mộ, tôi kể cho các con nghe những kỷ niệm xưa lúc ông bà còn sống đã tần tảo cực khổ như thế nào để nuôi mẹ, dì, cậu nên người. Suốt cuộc đời, ông bà chưa có được một ngày thảnh thơi, sung sướng. Ông bà cũng không có dịp để nhìn thấy con cháu thành đạt nên người. Tôi cứ thế kể cho con nghe rất nhiều, rất nhiều những kỷ niệm. Ở nông thôn, trong gia đình khi có người thân ra đi, họ đều chôn ở đất nhà để gần và tiện việc chăm sóc nên mộ rải rác khắp nơi, mộ lớn, mộ nhỏ xen kẻ nhau. Trước đây khi còn khó khăn đa phần những ngôi mộ đều bằng đắp bằng đất, phía trước có tấm bia ghi tên, năm sinh năm mất, nay những mộ đất rất hiếm thấy, tất cả được xây rất kiên cố, chắc chắn xem như lòng thành của con cháu để người mất có nơi an nghỉ đàng hoàng. Lúc này mọi người ra viếng mộ rất đông, tiếng nói chuyện râm ran, tiếng cười đùa của bọn con nít, tiếng sụt sùi của ai đó đang nhớ về người thân của mình. Khói nhang nghi ngút tỏa như sương sớm. Chợt nhìn phía xa có một ngôi mộ đất chơ vơ không ai đến thăm viếng, chắc là không có người thân hoặc con cháu ở xa không kịp về. Tôi bảo con cầm xẻng sang xúc đất đắp lên ngôi mộ đất cho cao và đem theo 3 nén nhang cùng giấy tiền vàng bạc qua viếng để vong linh người đã khuất khỏi buồn tủi, bởi người chết ai cũng muốn yên mồ yên mả. Khi nhang tàn, gia đình tôi đứng trước mộ thêm chút nữa rồi vô nhà. Không khí chùng xuống, đứa con nhỏ cũng lặng thinh, chắc nó biết giây phút này không nên đùa giỡn. Tôi chợt nhớ nhà thơ nào đó đã viết
Có về tảo mộ ngày xuân
Càng thương làng xóm, thêm gần anh em
Cỏ vàng như bổng xanh lên
Ấm nơi nguồn cội tổ tiên ông bà
Chúng tôi vào nhà, bữa cơm trưa thịnh soạn cũng được dọn ra, mọi người ngồi vào bàn vui vẻ hỏi thăm nhau về gia đình, công việc, việc học hành của các cháu. Thỉnh thoảng có vài người ghé thăm uống vài chun rượu, hỏi thăm vài câu, người dân ở quê là thế , họ sống rất tình cảm luôn quan tâm, giúp đỡ nhau, không cầu kỳ, giả tạo. Tôi thường nói với các con nên thường xuyên về quê chơi để cảm nhận cuộc sống an bình, cảm nhận được tình thương, tình thân, tình người. Sau bữa trưa, tôi dẫn các con đi thăm nhà bà con trong xóm. Gần tết nên nhà nào cũng tất bật lo dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ để đón tết. Bà con phơi cải để muối dưa, làm dưa kiệu, mứt dừa,ép chuối phơi khô, có nhà đang tác mương kiếm cá ăn mấy ngày tết…không khi tết đã đến mọi nhà, mọi ngõ ngách làng quê. Bông hoa cũng bắt đầu nở rộ giúp cho làng quê mang một sắc màu tươi vui.
Chiều, chúng tôi sửa soạn ra về, trời mát, gió nhẹ, tâm hồn như bay bổng theo làn gió mát của ngọn gió đầu xuân. Mùi cay nồng của cỏ non quyện với hương trầm phảng phất khiến tôi có cảm giác đây là phút giao hòa của trời đất. Tảo mộ ngày xuân là một việc làm hết sức ý nghĩa đã mang đến cho tôi nhiều cảm xúc khó tả. Tôi nhớ đến người thân đã mất với rất nhiều những kỷ niệm. Tôi dẫn con theo là muốn con biết mồ mả ông bà và đó là lực lượng kế thừa khi cha mẹ già yếu con cháu còn biết đường về. Qua đó, tôi luôn nhắc nhở các con không được quên cội nguồn, tổ tiên, ông bà, bởi đó còn thể hiện cách sống, lòng biết ơn và đạo đức con người. Mong rằng phong tục đẹp này sẽ lưu truyền mãi cho đời sau.
Thạch Sene
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét