Chỉ khi bất chợt nghe từng cơn gió mang
theo hơi lạnh thổi ngang qua người, chim muông từ khắp nơi bay về hưởng sắc cảnh
mùa xuân, những âm thanh rộn ràng từ những quán cafe vỉa hè, những tiếng cười
hân hoan của những em nhỏ chạy đuổi nhau khoe ba mẹ mua quần áo mới… tôi thấy
bừng tỉnh. Mùa xuân đã đến rồi sao? Tết đã về rồi sao? Mỗi năm đến gần Tết nhắc
nhở tôi nhớ về những kỷ niệm tươi đẹp lúc còn nhỏ với những suy nghĩ trẻ con,
với tình yêu ngọt ngào, nồng nàn bên người thân, những bước chân nhẹ tênh đi
trên con đường đầy nắng và gió không chút muộn phiền. Thời gian trôi qua
nhanh,tết sắp đến, tôi lại thêm một tuổi, cái tuổi đủ lớn để biết buồn, vui,
biết nhìn nhận mặt phải trái của cuộc đời.
Sáng sớm, mở toang cửa sổ, từng cơn gió
thổi vào mang theo hơi lạnh của mùa xuân, tôi lại nhớ tháng tết ở quê. Mùa này ở dưới quê lạnh lắm bởi xung quanh
là đồng ruộng, tôi lại lo không biết mẹ có chịu đựng nổi cái rét của mùa này
không bởi sức khỏe mẹ tôi giờ đã yếu hơn
xưa. Tôi còn nhớ thuở nhỏ tôi rất thích tết vì tết được mặc quần áo mới, được
vui chơi thỏa thích, được ăn ngon và nhất là không bị ba mẹ rầy la. Ở quê không
khí tết rộn ràng nhất là khi đưa ông táo về trời. Chợ tết cũng nhộn nhịp hơn với kẻ mua người bán, tiếng
rao, tiếng trả giá, tiếng nói, tiếng cười vui vẻ. Tôi vẫn nhớ khi còn bé, nhà
nghèo nhưng ngày tết ba mẹ cũng cố gắng sắm sửa vài thứ để cúng ông bà tổ tiên:
Mâm ngũ quả, vài loại bánh mứt, vài chai nước ngọt... Tất cả được để trang trọng
trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Giờ
đây, tôi vẫn cảm nhận được mùi nhang trầm, cả hồi ức về hương vị bánh tét do mẹ gói, mùi dưa
hành, củ kiệu, mùi nồi thịt kho nước dừa thơm phức.
Tôi nhớ mẹ tôi, giờ này ở quê chắc mẹ đang
tất bật, bù đầu lo chuẩn bị tết. Mẹ tôi
có thói quen mọi thứ đều có trật tự của nó không được lẫn vào nhau. Lúc nhỏ
sống bên mẹ tôi cũng quen trật tự đó nhưng lớn lên đi học xa, ở tập thể nhiều
người, thời gian eo hẹp nên tôi có hơi “tự do” một chút. Mẹ luôn trách tôi cẩu
thả, làm đâu bỏ đó. Tôi cười trừ nói với mẹ
nên nghĩ thoáng một chút, cần gì phải tuân theo một cách máy móc như vậy. mẹ
lớn tuổi rồi nên nghỉ ngơi cho khỏe, công việc vẫn còn đó không làm lúc này thì
làm lúc khác. Mẹ không nói gì và mọi thứ vẫn theo đúng trật tự của mẹ không
thay đổi. Tôi còn nhớ năm nào cũng vậy, sau khi đưa ông Táo về trời là mẹ tôi
bắt đầu chuẩn bị làm các món dưa: dưa kiệu, dưa
cải, dưa ngó sen với củ cải đỏ, củ cải trắng. Mẹ bảo tết thịt mỡ nhiều có dưa
chua ăn cho đỡ ngán. Mẹ còn làm bánh kẹp, mứt dừa, mứt gừng, chuối ngào đường
với gừng, đậu phộng.Tôi khuyên mẹ đừng làm cho cực nhà ít người ra chợ mua là
được, mẹ bảo làm để con cháu về có cái ăn. Mẹ cực nhưng vui. 29 tết mẹ kho một
nồi thịt hột vịt thơm lừng, xương hầm củ cải muối, khổ qua hầm rồi lại gói bánh
tét, tối đó tôi giúp mẹ trông nồi bánh, canh chừng nước, củi lửa. Đâu chỉ có
bấy nhiêu mẹ bảo giao thừa nhất định phải có con gà trống luộc, sau khi luộc gà xong, mẹ cắt
hai chân gà buộc lại để sau tết xem coi năm đó hên hay xui. Tôi còn nhớ
lúc nhỏ cuộc sống khó khăn, năm nào được mẹ sắm cho bộ quần áo mới là vui đến
nỗi không ngủ được, trông đến tết để mặc quần áo mới đi khoe với bạn bè trong
xóm, nghĩ lại thật buồn cười, đúng là lúc nhỏ sao mình dễ hài lòng với mọi thứ. Ngồi nhớ mẹ, tôi lại nhớ đến vẻ mặt lo lắng
thái quá của mẹ trong công việc chuẩn bị tết. Bà cứ sợ thiếu cái này cái kia,
họ hàng đến thăm sẽ không vui. Tôi cũng biết những nghi thức, lễ nghĩa, bổn
phận đã ăn sâu vào cuộc đời mẹ, khó mà thay đổi, cũng bởi thế mà mẹ chưa có
giây phút nào được nghỉ ngơi.
Lớn lên, phải tự bươn chải với đời, với
cuộc sống và nhiều nỗi lo khác, cái dư vị ngày tết không còn nôn nao như hồi
nhỏ, thay vào đó là những trăn trở, lo toan, tết chỉ đem lại nhưng cảm giác
bâng khuâng khó tả và tự nghĩ ước gì đừng có tết để tâm hồn được nhẹ nhàng hơn.
Dù có suy nghĩ như vậy nhưng gần tết mẹ gọi điện hỏi thăm tình hình công việc,
sức khỏe và cuối cùng bảo: “ Bao giờ về?” và không quên dặn: “Đừng mua gì,
mang xách cho mệt, mẹ lo đủ cả rồi”. Mẹ luôn bảo “Bận gì thì bận nhưng phải về
ăn bữa cơm giao thừa cùng với gia đình”. Lời nhắc của mẹ làm tôi sực tỉnh người
ta có thể giàu có, địa vị cao nhưng chẳng ai
là không muốn về đoàn tụ với gia đình bên bữa cơm giao thừa ấm áp tràn đầy tình
thương. Thật
sự Tết là điều gì đó thiêng liêng trong tình cảm của mỗi con người. Ở quê, đêm
30 , nhà nào cũng bày mâm cỗ ra trước nhà, trải chiếu cúng lạy, sau đó đốt tiền
vàng mã, mùi giấy hòa lẫn với mùi nhang, không khí thật đầm ấm, trang nghiêm.
Cúng xong nhà nhà mời nhau qua ăn cỗ, tiếng cười nói râm ran khuấy động màn
đêm.Nhớ mẹ, tôi thấy lòng vui vui, càng lớn tuổi mẹ như một đứa trẻ, mẹ giận
khi tôi không gọi điện, không về thăm nhà và những giận hờn vu vơ khác. Ngày
ngày mẹ ngồi đợi, mong đứa này, đứa kia về. Nhưng con cháu ngày một xa, sự trở
về lúc nào cũng tính toán thời gian, công việc, kế hoạch, bận tâm nhu cầu cá
nhân mà quên đi nhu cầu của ba mẹ là cũng muốn được quan tâm, chăm sóc.
Nghĩ về mẹ, tôi quyết định tết này không đi
đâu chơi dành thời gian bên mẹ, bên bàn tròn, nhánh hoa tươi, dĩa bánh mứt đầy
màu sắc cùng bình trà nóng, mẹ con tôi ngồi ôn lại kỷ niệm xưa, những ngày tôi
còn bé được mẹ lì xì, được mẹ sắm cho quần áo mới, những
đêm thức cùng mẹ nấu bánh tét, cắt kiệu làm dưa…quá nhiều kỷ niệm thôi thúc tôi phải trở về: Tết này con sẽ
về bên mẹ.
Thạch Sene
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét