Vũ Trọng
Phụng Là một nhà văn đa tài, thành công ở nhiều lĩnh vực: Tiểu thuyết, phóng sự,
truyện ngắn, kịch, dịch thuật... Ở thể loại nào, ông cũng có những nổi bật,
xuất sắc. Đặc biệt mảng tiểu thuyết và phóng sự của ông được quan tâm, bàn luận, mổ xẻ, phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Vũ Trọng Phụng sinh ra trong một
gia đình nghèo, nói như cách nói của nhà văn Ngô Tất Tố là "cái nghèo gia
truyền". Cha ông mất sớm, mới đậu sơ học Pháp Việt, ông đã phải tìm việc
làm để mưu sinh rồi tiếp tục học lên, và bắt đầu viết báo, viết văn. Bản thân sức
khỏe yếu, nhà nghèo, lại là trụ cột của gia đình nên Vũ Trọng Phụng thấm thía
nỗi cơ cực, nhọc nhằn của chính cuộc đời mình, gia đình mình. Do đó, trong ông
luôn tiềm ẩn một sự đồng cảm, chia sẻ, với tất cả những người nghèo khổ. Ngay ở
những truyện ngắn đầu tiên của ông, người đọc đã cảm nhận rõ sự xót xa, thương
cảm của ông khi viết về những thân phận nghèo khổ, dưới đáy cùng của xã hội. Đó
là chuyện vào đêm mưa rét một ông lão ăn mày đói rách gõ cửa ăn xin nhà thầy
cai thu thuế chợ đang ngồi uống rượu. Thầy cai đã tàn nhẫn đuổi, mắng, đe dọa
và hắt cả chậu nước lạnh vào ông lão. Sáng hôm sau, con trai thầy cai đã thấy
xác ông lão ăn mày chết cong queo trong cái cống xi măng. Cậu bé trong sáng,
ngây thơ, mới 11 tuổi đã nhiều phen chứng kiến cảnh bố mình đánh đập những người
già, em nhỏ, đã xấu hổ, nhục nhã vì bị bạn bè cùng lớp chế giễu, nay trước tội
ác bố mình gây ra nên đã chọn cái chết để giải thoát khỏi sự buồn đau. Cái chết
của cậu bé như một sự lên án mạnh mẽ thói tàn nhẫn, vô lương tâm của một hạng
người trong xã hội. Hay chuyện một bà lão mù, 76 tuổi, sống trong cảnh ăn gửi,
nằm nhờ rất cực nhục. Trước kia, nhà cũng
có của ăn của để, bà cưu mang, giúp đỡ bao người, làm nhiều việc thiện, con
trai bà do ăn chơi đã nhẩn tâm bán hết ruộng vườn nhà cửa rồi bỏ đi, bà trở
thành kẻ trắng tay, lang thang không nhà cửa, không người thân, bà đau khổ khóc mù cả mắt. Nay gặp bước khốn
cùng những người trước đây được bà giúp đều quay mặt. Duy có bác đánh dậm, người
cháu họ từng chịu ân nghĩa bà nhiều nên "đành cắn răng, vuốt bụng, nhắm
mắt nuôi cô trong lúc hoạn nạn". Nhưng nhà bác đánh dậm lại quá nghèo, con
nhỏ nên một thời gian bác đánh dậm cũng thấy nản lòng và nghĩ bà lão như đang
cướp cơm của vợ con mình. Người vợ thì suốt ngày đay nghiến bà lão. Rồi một
ngày, hai vợ chồng bác đánh dậm bắt bà ra đầu đê ngồi ăn xin. Một đêm mưa to
gió lớn, dù hai đứa con đã nhắc nhưng họ vẫn bỏ mặc bà lão ngoài đê, để sáng
ra, bác đánh dậm thấy xác bà lão bị gió thổi bay xuống ruộng, bị quạ mổ nát nhừ.
Thật là cảnh tượng hãi hùng ! Hoặc một
phụ nữ quá tin vào những lý lẽ của chồng, hồn nhiên, thật thà trả lời hết những
câu gặng hỏi của chồng, để rồi mất đi hạnh phúc một đời vì tính ghen tuông của
chồng. Cái ghen của người chồng ghê gớm, dai dẳng đến nỗi cả khi vợ hấp hối anh
ta cũng không tha thứ chuyện cũ để vợ mình ra đi được thanh thản. Tác giả không
chỉ miêu tả sâu sắc, sống động về những thân phận nghèo khổ, bất hạnh qua những
câu chuyện, cách ứng xử của con người với con người mà còn bày tỏ niềm thương
cảm, xót xa của mình trước số phận con người. Cái kết đã đẩy bi kịch đến tận cùng, cái chết của cậu bé hay cái chết
của bà lão ăn xin như một sự lên án mạnh mẽ thói tàn nhẫn, vô lương tâm của một
hạng người. Không lẽ cái danh lợi, cái đói nghèo đã đẩy con người ta đến chỗ
bạc ác, vô ơn, khốn nạn như thế này ư ?
Do
yêu thương, quí trọng con người, Vũ Trọng Phụng từ ác cảm đến khinh ghét, căm
phẫn, ra sức tố cáo những kẻ vô nhân đạo, sống không có tình người. Khi cảm
thông với người nghèo, lên án bọn vô nhân tín, Vũ Trọng Phụng thể hiện sự ước
ao của mình muốn mỗi con người phải có sống trong sạch, thanh cao, có tình có nghĩa đúng
với bản chất người để cuộc đời tốt đẹp hơn. Từ đó, ông công kích cả những cái
chướng tai, gai mắt, con đẻ của cái "xã hội chó đểu" . Ông mỉa mai
lối sống cặn bã, xô bồ của xã hội phương Tây. Tất cả điều đó nung nấu góp phần
tạo nên những thiên phóng sự hay và những tiểu thuyết kiệt tác đưa Vũ Trọng
Phụng lên hàng “bậc nhất” thuộc hai lĩnh vực này .
Có thể nói quá trình Vũ Trọng Phụng
“luyện tiểu thuyết” đã diễn ra ngay từ khi ông viết thiên phóng sự đầu tay “Cạm
bẫy người” (năm 1933). Tuy là phóng sự nhưng tác phẩm có kết cấu, cốt truyện và
hệ thống nhân vật khá rõ rệt. Xét về tổng thể, chất tư liệu, lối văn phóng sự
rất nổi bật áp đảo cả chất tiểu thuyết. Vì vậy, chính xác hơn nếu ta gọi đó là
một phóng sự tiểu thuyết cũng không sai. Năm 1934, cùng với việc cho ra đời
thiên phóng sự “Kỹ nghệ lấy Tây”, Vũ Trọng Phụng cũng trình làng tiểu thuyết “Dứt
tình” - cuốn tiểu thuyết đầu tay . Và cứ thế, quá trình “luyện bút ” đã đem lại
cho Vũ Trọng Phụng hai khả năng đặc biệt: sự tinh nhạy nắm bắt một cách mau lẹ
các vấn đề thời sự nóng hổi, sự sắc sảo trong quan sát, miêu tả người thực,
việc thực và năng lực khái quát tổng hợp, xử lý những tư liệu để dựng lên những
bức tranh về thực tế cuộc sống và khả năng hư cấu, sáng tạo ra những hình tượng
điển hình. Có thể nói, trong các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng ít nhiều đều có
chứa chất phóng sự. Trong bộ ba tiểu thuyết Giông tố, Số
đỏ, Vỡ đê, chất phóng sự được thể hiện khá rõ ở việc phản ánh kịp thời những
vấn đề thời sự nóng bỏng của đời sống chính trị, xã hội đương thời. Bức tranh
hiện thực trong ba tác phẩm nói trên rất rộng lớn, bao quát cả cái xã hội thuộc
địa thối nát và có giá tri như những cuốn biên niên sử ghi lại những sự kiện,
những vấn đề thời sự của xã hội Việt Nam trong những năm 30 của thế kỹ XX.
+ “Giông tố” phản ánh những biến động dữ
dội gây ra nhiều nghịch cảnh, nhiều sự đảo lộn từ trong tế bào gia đình đến
toàn xã hội. Sự tàn bạo, phản động của bọn thuộc địa, địa chủ, quan lại mại
bản; sự hoạt động của các nhà cách mạng quốc tế cộng sản Đông Dương… Tất cả
những sự kiện, biến cố trên được đặt trên cái “phông” lịch sử là thời kỳ Mặt
trận bình dân khoảng từ 1936 đến 1939.
+ “Vỡ
đê” nói lên những vấn đề thời sự đương thời: những cuộc đấu tranh của quần
chúng nhân dân, những tai họa như lũ lụt,vỡ đê, trộm cướp… gây nên bao cảnh đau
thương, mất mác đẩy người dân vào cảnh khốn cùng .
+ “Số đỏ” đề cập đến xã hội tư sản thành
thị đương thời. Tuy được viết theo bút pháp trào phúng, sử dụng rộng rãi, thoải
mái thủ pháp phóng đại để tạo ra những tình huống và những nhân vật hài hước,
phi lý, không có thực trong cuộc đời; nhưng khi đọc tác phẩm, điều kỳ lạ là mọi
người đều thấy những cái phi lý, tưởng như bịa đặt nhưng lại là những cái có
thật, thậm chí lại là những cái rất phổ biến trong xã hội thành thị đương thời,
như phong trào Âu hoá, phong trào Bình dân, chấn hưng Phật giáo… Một xã hội nhố
nhăng, đồi bại, nhốn nháo .
Đọc “Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê” , người đọc dễ
dàng nhận thấy chất phóng sự trong lối văn báo chí, lối văn tư liệu. Chất phóng
sự trong bộ ba tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng không chỉ biểu hiện bằng
việc phản ánh những “việc thực” mà nhiều nhân vật được phát hiện ra đó là những “người thật” bằng xương, bằng
thịt ngoài đời. Chính cái chất thời sự “người
thực, việc thực”, lối văn tư liệu, báo chí... đã khiến cho không ít người đồng
ý với nhận định rằng nhiều tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng là những thiên phóng
sự được tiểu thuyết hoá. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong các tiểu thuyết
của ông, thời gian sự kiện luôn khẩn trương, dồn dập, hối hả; sự kiện này chưa
qua, sự kiện kia đã ập đến. Vì vậy, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ
Trọng Phụng luôn bị quay cuồng trong cơn lốc của nhịp sống hiện đại. Chúng
thường hối hả, khẩn trương, di chuyển với tốc độ nhanh, hành vi luôn hấp tấp,
vội vàng; tâm trạng đầy lo âu, căng thẳng như Nhân vật Phú (trong Vỡ đê) lúc thì lo
lắng, lúc thì sốt ruột; Nhân vật Xuân Tóc Đỏ (trong Số đỏ) thường vội vã, liến
láu như thằng ăn trộm… Chính vì vậy mà
các tác phẩm “Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê giống như những cuốn phim thời sự đương
thời ít có cuốn tiểu thuyết nào lại đi sát với không khí chính trị, xã hội như
thế . Sự năng động, xông xáo, tất tả của
ngòi bút phóng sự đã giúp cho Vũ Trọng Phụng bao quát hiện thực ở một qui mô
rộng lớn, hướng ngòi bút của ông vào những vấn đề thời sự chính trị, xã hội
nóng bỏng để phản ánh kịp thời và sáng tạo nên những tác phẩm có sức tố cáo
mạnh mẽ và tính chiến đấu rõ rệt. Đồng
thời, qua những tác phẩm của mình, ông cũng phê phán, lên án những kẻ vô đạo
đức, vô lương tâm, những kẻ sống giả dối, lố bịch, kệch cỡm... và bộc lộ ước
muốn một xã hội lành mạnh, tốt đẹp, khát khao cuộc sống tự do. Để bày tỏ quan
điểm của mình, khi đáp lời báo Ngày Nay của Tự lực văn đoàn, Vũ Trọng
Phụng đã nói: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn
cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Bởi hiện thực trong
văn học phải được gạn lọc từ hiện thực đời sống xã hội thì mới có giá trị .
Tóm lại, Vũ Trọng Phụng là nhà văn hiện
thực xuất sắc. Ông mất đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Tuy thời gian cầm bút không
nhiều nhưng ông cũng đã kịp để lại cho đời một kho tàng những tác phẩm có giá
trị . Tác phẩm của ông là một kho phong phú các thủ thuật trào phúng, hài hước,
châm biếm nhưng mang đậm chất nhân đạo và tình người. Là một tài sản vô giá, là
di sản văn hóa góp phần làm giàu đẹp thêm cho nền văn học nước nhà.
THẠCH THỊ SENE
__________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
DẤU ẤN VŨ TRỌNG PHỤNG
>> Vui lòng nhấp chuột vào ảnh để về mục lục chuyên đề đặc biệt <<
Cảm ơn Tác giả đã cho biết thêm về đạo và đời của nhà văn nổi tiếng Vũ Trọng Phụng. Đây là tư liệu rất bổ ích. Thân, Phương Nam
Trả lờiXóaCám ơn ý kiến của bạn . Tư liệu về Vũ Trọng Phụng không nhiều . Mong có nhiều ý kiến bổ sung thêm về nguồn tư liệu để chúng ta hiểu rõ hơn về nhà văn hiện thực này.
Trả lờiXóaRất cám ơn ý kiến của bạn . Tư liệu về Vũ Trọng Phụng không nhiều . Rất mong các bạn bổ sung thêm để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về nhà văn hiện thực xuất sắc này .
Trả lờiXóa