- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
NHỚ
LẮM PHIÊN CHỢ TẾT XƯA
Trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng
đã từng dự rất nhiều phiên chợ Tết. Tôi cũng vậy, bởi phiên chợ Tết là phiên chợ
đông vui nhất,
để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Tết đến, trăm ngã đường dồn về phía chợ.
Chợ Tết bắt đầu từ ngày 23 đưa ông Táo về trời. Chợ đông vui với nhiều mặt
hàng, đặc biệt là những mặt hàng chỉ xuất hiện nhiều vào dịp Tết như những gian
hàng hoa kiểng, bánh mứt, dưa hấu… Tât cả tràn xuống đường, vỉa hè với nhiều
màu sắc, kiểu dáng mới lạ. Người tiêu dùng dù khó cách mấy cũng không thể làm
ngơ.
Tôi còn nhớ lúc nhỏ tôi cũng thường
theo mẹ đi chợ Tết, chủ yếu là theo xách đồ tiếp mẹ. Cũng như những đứa trẻ
khác, tôi theo mẹ len lỏi trong dòng người đông đúc, tấp nập ấy. Vì là chợ quê
nên người dân bày bán lộn xộn, cứ thấy chỗ nào trống là đến ngồi và bày hàng
ra. Nào là rau cải, thịt cá, bánh mứt, trái cây chen lẫn vào nhau không có trật
tự gì cả nhưng cũng tiện lợi cho người mua đến một chỗ thôi cũng có thể mua được
nhiều thứ khỏi cất công đi xa.
Dần dần chợ cũng trật tự hơn, hàng
hóa bày bán theo từng dãy, từng mặt hàng riêng biệt: khu trái cây, bánh mứt, rượu
trà, khu thực phẩm, rau củ… Đặc sắc nhất là khu hoa kiểng, mỗi năm có nhiều loại
hoa kiểng mới, lạ độc đáo với nhiều màu sắc rực rỡ, trang trọng, quý phái. Các
cây kiểng được uốn theo hình dạng độc đáo, có ý nghĩa nghệ thuật, chẳng hạn
mang hình dáng tiêu biểu của 12 con giáp thật công phu. Nổi bật nhất trong gian
hàng là các loài hoa, hoa mai vàng được mọi người ưa chuộng, vì mai thể hiện niềm
vui, may mắn, hạnh phúc. Sắc mai vàng làm cho mùa xuân thêm rực rỡ, các loại
hoa cúc, hoa hồng, vạn thọ, hướng dương, hoa lan… tất cả tạo nên một bức tranh
đầy màu sắc.
Kế đến là gian hàng bánh mứt: mứt bí
trắng ngần, mứt hạt sen trắng ngà, mứt khoai lang vàng nghệ, mứt dừa nhiều màu
sắc thật hấp dẫn. Bánh cũng được đựng trong những chiếc hộp xinh xắn đẹp mắt,
kiểu dáng mới lạ trông thật hấp dẫn. Những loại rượu, trà, cà phê đặc sản thơm
ngon được bày bán khiến cho ai đi qua cũng không nỡ làm ngơ. Gian hàng trái cây
với đầy đủ trái cây bốn mùa: cam, quýt, xoài, mận, nho, bom, thanh long… Tết nhà
nào cũng bày mâm ngũ quả nên mặc sức mà lựa chọn những trái đẹp tươi ngon để
mâm ngũ quả thêm rạng rỡ. Đến gian hàng thực phẩm, nơi tập trung đông đảo các
bà nội trợ. Các chị, các bà tự do lựa chọn gà, vịt, thịt heo, rau củ và bao
nhiêu thứ cần thiết khác.
Góp phần làm cho phiên chợ Tết thêm
náo loạn là nơi bày bán hàng la. Bằng những bài hát, bài thơ tự chế có vần, có
điệu, người bán giới thiệu những món hàng của mình nghe thật thú vị, vui tai. Những
món đồ được đổ ra từng đống bên đường hoặc một chỗ trống nào đó với giá phải
chăng, phù hợp với túi tiền của người lao động thu nhập thấp. Kẻ mua người bán
liền tay, tiếng cười tiếng nói râm ran náo động cả khu chợ. Người mua tíu tít
xem hàng, người bán nhanh nhẹn gói hàng lấy tiền, thối tiền. Ai cũng bận rộn, vội
vã. Ồn ào nhất vẫn là lũ trẻ, chúng đi chợ không phải để mua sắm mà là để nhìn
ngắm mọi người qua lại, ngắm hàng hóa bày bán. Chúng len lỏi hết chỗ bày đến chỗ
khác, sờ mó, ngắm nghia, bình phẩm rồi phá lên cười nắc nẻ. Chúng thật vui vẻ,
hồn nhiên.
Dòng người lũ lượt kéo vào chợ mỗi
lúc một đông hơn, tôi có cảm giác chợ không còn đủ sức để chứa. Chợ đông vui,
hàng hóa nhiều, có mắc hơn ngày thường một chút nhưng mọi người vẫn cứ mua vì
ai cũng muốn mấy ngày Tết trong nhà có đầy đủ mọi thứ. Một năm làm việc vất vả
để có được mấy ngày Tết bên người thân. Vậy mà vui!
Mỗi phiên chợ Tết đều dể lại trong
lòng tôi ấn tượng đẹp. Được ngắm nhìn quang cảnh chợ Tết, cảnh mọi người sắm sửa
đón xuân, tôi cảm thấy quê hương mình thật đẹp, thanh bình. Mong sao xã hội
ngày càng giàu đẹp hơn để cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc. Và phiên
chợ Tết năm sau sẽ vui hơn, nhộn nhịp hơn phiên chợ trước.
VẤN
VƯƠNG MÙI TẾT
Cái lạnh của những ngày cuối đông mang
theo những cơn mưa như muốn xua tan bụi bặm của năm cũ để chào đón một năm mới,
khi từng đàn én chao lượn trên bầu trời mang thông điệp đi khắp nơi báo hiệu
xuân về. Mưa xuân lất phất bay như bàn tay mẹ hiền nhẹ nhàng âu yếm, vuốt ve
đàn con nhỏ, mong chúng mau lớn, nên người; giúp cho những mầm non mới nhú lớn
nhanh để kịp đón những tia nắng đầu năm.
Mùa xuân mang đến cho mọi người, mọi vạn vật
một không khí mát dịu, ấm áp khiến cho tâm hồn con người bừng lên sức sống mới.
Hơi ấm mùa xuân lan tỏa khắp nơi, len qua từng chiếc lá, cành cây, ngọn cỏ. Hơi
xuân lướt nhẹ qua từng ngôi nhà, con phố, bay qua những con đường, hòa vào dòng
người hối hả chuẩn bị đón xuân. Xuân rộn ràng khắp mọi nơi để những bông hoa
khoe hương sắc, vươn mình đón nhận những tia nắng sớm để mọi người có dịp chiêm
ngưỡng vẻ đẹp của từng loại hoa và thưởng thức hương thơm nhẹ nhàng, quyến rũ của
các bông hoa.
Từ xưa đến nay, đất nước trải qua biết bao
mùa xuân, biết bao ngày Tết. Đó là sự đồng cảm, hòa hợp giữa mùa xuân thiên
nhiên và mùa xuân trong lòng người. Mùa xuân tự nhiên của đất trời với cảnh sắc
tươi đẹp làm say đắm lòng người. Mùa xuân tự nhiên, có khi là một thời điểm
trong vòng xoáy vô thường của thời gian, có lúc được thể hiện là bối cảnh của đời
sống thường ngày bình dị, thanh nhàn. Chính mùa xuân trong lòng người đã làm
cho bừng sáng lên một vẻ đẹp kiêu sa. Lúc này mùa xuân không còn là mùa xuân của
tự nhiên, mà đã khoác lên vai nó trách nhiệm mang đến bầu không khí vui tươi, hạnh
phúc cho mọi người, mọi nhà. Mùi vị Tết!
Mùa xuân giúp con người gần gũi với thiên
nhiên, cảm nhận và hòa mình vào sự thay đổi của thiên nhiên, sự giao ban giữa
năm cũ và năm mới. Trên khắp các ngõ ngách của làng quê, đường phố, cây cối đều
khoác trên người những chiếc áo xanh mượt cùng với từng lớp chồi non xanh biếc
tràn đầy nhựa sống. Đối với con người, vạn vật, mùa xuân là mùa của tình yêu,
mùa gửi gắm yêu thương. Mùa xuân sẽ cùng với đào hồng thắm, sắc mai vàng, những
cánh én xôn xao, những mùi hương len lỏi đến từng nhà, phảng phất lên từng người
để gửi lại một chút hương xuân. Mỗi sáng thức dậy hít thở không khí xuân căng lồng
ngực mới cảm nhận hết mùi vị của Tết. Khắp nơi ánh lên sắc màu rực rỡ của tất cả
những loài hoa.
Dường như mùa xuân cũng là mùa thi "sắc"
của hoa, các cô nàng cố gắng vươn mình trong nắng mai để khoe sắc, để cho mọi
người chiêm ngưỡng vẻ đẹp của từng loại hoa, để thưởng thức hương thơm nhẹ
nhàng, quyến rũ của các bông hoa. Nào là hoa cúc ngây thơ, duyên dáng, vẻ đẹp
thanh khiết. Hoa phong lan là biểu tượng cho những cảm xúc thầm lặng, những dấu
hiệu đầu tiên về một tình yêu nồng cháy. Hoa súng tượng trưng cho sự trong sạch
của tâm hồn. Hoa sen thể hiện sự cung kính, tôn
nghiêm. Hoa tuylip nét ấm cúng và thoải mái, tượng trưng cho tình yêu hoàn hảo.
Hoa
bát tiên thể hiện sự vương giả, thanh cao, kiêu hãnh" Hoa Đồng Tiền
thể hiện lời chúc mừng, niềm tin, sự thành đạt. Hoa mimosa loài
hoa dành tặng cho bạn trẻ mới yêu. Hoa mai là biểu hiệu của sự may mắn, sự
trung thành trong tình yêu… Và rất nhiều, rất nhiều những loài hoa khác. Chắc chắn
là các cô nàng sẽ rất vui khi được nghe những tiếng trầm trồ, khen ngợi. Chúng
ta không gì khoan khoái, dễ chịu cho bằng việc ngắm một bình hoa với đủ màu sắc
và ngửi được hương thơm dịu dàng của nó, vì thế đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức
những bông hoa rực rỡ của mùa xuân để tinh thần được sảng khoái.
Mùa xuân ngắn ngủi, có lẽ vì thế mà mùi của
Tết nồng thắm hơn, đọng lại trong lòng mỗi người lâu hơn, sâu lắng hơn. Có thể
nói mang hương vị đậm đà của không khí Tết nổi bật nhất là ở nông thôn. Nông
thôn là nơi trầm lắng, sâu đậm nhất những tập tục cổ truyền. Phiên chợ Tết ở miền
quê thật náo nức tưng bừng. Hình ảnh đó được nhà thơ Đoàn Văn Cừ miêu tả một
cách tỉ mĩ trong bài thơ “Chợ Tết”. Cảnh họp chợ, cảnh mua bán, cảnh chợ tan thật
sinh động, thật hóm hĩnh. Nó gợi tả được cả linh hồn của làng mạc dân cư. Đọc
thơ mà như thấy hiện ra trước mắt cảnh chợ Tết thật tưng bừng, náo nhiệt, đầy
màu sắc: nào là những thằng cu áo đỏ, cụ già chống gậy, cô yếm thắm, em bé… còn
có cả những người đi chợ tết, những người bán hàng hối hả, tất bật. Đó còn là
mùi của nồi nước lá thơm mẹ nấu cho cả nhà tắm gội trong chiều 30 Tết để tấy đi
những bụi bẩn của năm cũ để năm mới được sáng sủa, tinh khôi hơn. Đó là mùi của
nồi thịt kho nước dừa thơm lừng nứt mũi, mùi của bánh mứt, mùi quần áo mới, mùi
sơn mới… tất cả hương vị đó hòa quyện vào nhau xông thẳng vào mũi làm cho con
người cảm thấy sảng khoái, lâng lâng.
Đối với tôi, mùi Tết đậm nhất là mùi đọng
lại từ bàn tay khéo léo của mẹ gói từng đòn bánh tét, sên từng nồi mứt dừa,
tráng từng chiếc bánh tráng, nướng từng chiếc bánh phồng, từng chiếc bánh kẹp,
chăm chút từng món ăn ngày Tết; mùi từ mâm ngũ quả trên bàn thờ, mùi nhang thơm
nghe linh thiêng, ấm áp; mùi của không khí gia đình đoàn tụ bên mâm cơm cúng Giao
thừa với những câu chuyện, những tiếng cười đầy ấp tình thân .
Mùi vị đó mới ngọt ngào làm sao, khiến cho người ta cảm thấy mùa xuân thật kỳ diệu và rất đổi thân thương. Dù ngày nay cuộc sống công nghiệp hối hả, con người tất bật với biết bao là việc, mùi vị Tết giờ không lan tỏa khắp nơi mà được giữ kín trong những hộp, chai lọ… kiểu dáng đẹp, sang trọng, người ta không còn dịp để thưởng thức những mùi vị quyến rũ đó. Nhưng tôi tin rằng “mùi Tết” vẫn sẽ đọng mãi trong lòng của mọi người. Chắc chắn như thế!
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét