“Những mùa đông yêu dấu” là tập tản văn đầu tay của tác giả Trần
Nguyên Hạnh do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2018. Với 18 tản văn được gói gọn trong
96 trang giấy, tác giả đã mang đến cho người đọc những cung bật cảm xúc khác
nhau về ký ức, tuổi thơ và hoài niệm về những người thân yêu.
Nhà văn người Pháp - Banlzac có câu nói nổi tiếng: “Nhà văn là người
thư ký trung thành của thời đại”, điều đó quả rất đúng. Với Trần Nguyên Hạnh,
thì tác giả không những là một người “thư ký trung thành” ấy mà còn là nhân vật
chính trải nghiệm trên những dòng tâm tư, cảm xúc của mình.
Đọc cuốn sách này, trước tiên ta sẽ thấy được những kỷ niệm tươi đẹp,
ngọt ngào của tuổi thơ hiện lên từ những điều bình dị nhất trong trái tim của
tác giả. Dưới cái nhìn cuộc sống một cách hồn nhiên, trong trẻo, Trần Nguyên Hạnh
đưa độc giả bước vào thế giới tuổi thơ giống như một câu truyện cổ tích muôn
màu, muôn vẻ, muôn ngàn điều kỳ diệu qua những tác phẩm: Tìm về với cỏ, Nhớ những chuyến đò, Đuổi bắt cánh chuồn chuồn, Những
đám mây kể chuyện, Nắng màu ký ức… Đó là những điều gần gũi của cuộc sống.
Thế nhưng, nó không đơn sơ nhợt nhạt về nội dung mà mỗi tác phẩm là mỗi câu
chuyện đầy cảm xúc sâu lắng. Ở đây, Trần Nguyên Hạnh cho thấy thế giới trong
tâm hồn trẻ thơ thật phong phú như, trong tác phẩm “Những đám mây kể chuyện”, nói lên hình trình phiêu bạt của những
đám mây. Trong ánh mắt trẻ thơ, những đám mây hiện lên với muôn vàn hình hài
khác nhau. Có khi là hình que kem, chú cừu, dải lụa… Mây bay đến những chân trời
mới, và việc nằm trên cỏ để nghe mây kể chuyện là một trong những điều thú vị
nhất của thuở ấu thơ mà đứa trẻ nào cũng đều thích thú.
Các tác phẩm của Trần Nguyên Hạnh còn là một “thước phim tài liệu” về
những năm tháng êm đềm, ấm áp bên những người thân yêu của tác giả. Đó là hình ảnh
người ông luôn thương yêu, chiều chuộng đứa cháu bé bỏng, luôn làm cho cháu những
đồ chơi mà cháu thích nhất (Dưới mái hiên
nhà); đó là hình ảnh của người bà với những lần cùng bà lên chợ huyện để
bán hàng trong không gian vui vẻ. Để rồi một ngày bà đã đi xa và những ký ức đó
luôn nung nấu trong tim của tác giả (Góc
chợ xưa); đó là hình ảnh của người bố với hằng ngày mưu sinh vất vả trên những
con tàu ra khơi để tìm “kế sinh nhai” và phải luôn đối mặt với nhiều hiểm họa của
thiên nhiên (Chòng chành con sóng ngoài
khơi). Đặc biệt nhất, là bóng dáng của người mẹ được tác giả nhắc đến nhiều
nhất. Người mẹ dưới ngòi bút của Trần Nguyên Hạnh là một người phụ nữ bao dung,
tảo tần luôn hết lòng hy sinh vì gia đình. Người mẹ ấy có thể từ bỏ cả những điều
cao sang quyền quý ở thành thị để đến yêu người bố của tác giả ở thôn quê, và tình
yêu họ vẫn hạnh phúc lâu dài. Người mẹ ấy luôn làm ra những món ăn mà tác giả
thích nhất và có thể quên cả những giá rét để đan khăn ấm cho con quàng lên cổ
trong những ngày đông… (Những mùa đông
yêu dấu, Nắng màu ký ức)...
Không dừng lại ở đó, Trần Nguyên Hạnh còn cho thấy được chiều sâu
trong suy nghĩ. Những chân lý về cuộc sống được tác giả rút ra từ những điều
thuần túy đơn sơ vốn tồn tại xung quanh chúng ta. Chẳng hạn như trong tác phẩm “Đuổi bắt cánh chuồn chuồn”, nhìn những
cánh chuồn chuồn bay lượn, tác giả liên tưởng đến sự tự do, là ước mơ, khát vọng
mà con người ai cũng cần phải có. Hoặc trong “Những đám mây kể chuyện”, tác giả cho rằng, mây trên bầu trời bao
giờ cũng đẹp, lí tưởng và thể hiện cái khát vọng bay cao, bay xa của con người.
Nhưng cũng đừng quá mơ mộng như chúng mà hãy sống thực tế hơn để những điều tốt
đẹp luôn đến và không bao giờ khiến chúng ta phải thất vọng. Hay trong tác phẩm
“Tìm về với cỏ”, tác giả suy ngẫm là
con người sống nên buông bỏ những vô thường để tìm đến sự bình lặng, an nhiên
trong tâm hồn. Con người đôi lúc cũng phải sống như ngọn cỏ kia. Tuy mỏng manh,
nhưng không yếu đuối mà luôn kiên cường, mạnh mẽ vươn lên giữa đời, thể hiện
khát vọng sống mãnh liệt…
Dù tập tản văn “Những mùa
đông yêu dấu” của Trần Nguyên Hạnh viết hướng đến đối tượng chính là các em
thiếu nhi. Nhưng theo tôi nghĩ, không những chỉ có các em thiếu nhi mà ngay cả
những người lớn cũng nên đọc để ít nhất một giây phút nào đó ta được thoát xác
và tìm về với bản ngã từ những điều đơn giản, thuần khiết nhất. Tập tản văn
không dài, cũng không ngắn, lời văn nhẹ nhàng, tình cảm, có nhiều chi tiết miêu
tả đặc sắc đã tạo nên sự gần gũi, hấp dẫn, lôi cuốn với bạn đọc. Trần Nguyên Hạnh
còn có một sự hiểu biết rộng về mọi lĩnh vực, đặc biệt là văn học. Tác giả đã vận
dụng ca dao, dân ca, thành ngữ, tục ngữ, những đoạn trích, câu nói nổi tiếng của
nhiều tác giả khác để minh chứng và dẫn dắt cho tác phẩm của mình một cách hợp
lý và sâu sắc. Và điều đó cũng chính là một trong những yếu tố tạo nên sự thành
công cho tập tản văn này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc yêu văn.
Quảng Ngãi, cuối mùa thu, ngày 22/10/2018
Nguyễn Hoài Ân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét