Một buổi sáng trời lạnh,
cái lạnh của những ngày đầu đông. Hương đang loay hoay với một lô giày mới nhâp
về. Cái lạnh đầu mùa cho nên mấy hôm nay người đến mua cũng đông. Cô con gái nhỏ
của Hương tên Thảo Anh cũng đang ngồi giúp cô dỡ hộp và tháo những chiếc túi bóng
và để giày lên kệ. Hai mẹ con đang trò chuyện ríu rít thì có một cậu bé chừng tám,
chín tuổi đến, cậu mặc một chiếc áo khoác đồng phục học sinh màu xanh dương đã
cũ, đôi giày cũng cũ, chiếc mũ len đội đầu nham nhở một vài lỗ nhỏ như bị chuột
cắn. Cậu mở cánh cửa kính bước vào trong quán, cậu rụt rè. Có cảm giác hình như
cậu bé chả mấy khi được vào những nơi sang trọng bao giờ, dù đây chỉ là một quán
giày bình thường. Cậu ngơ ngác nhìn khắp xung quanh một lượt, rồi cậu tiến về
phía để những đôi giày dành cho người lớn. Hương đang tháo dở đôi giày thấy vậy
cô dừng lại và đi ra nói :
- Cháu muốn mua giày phải
không? Giày dành cho cháu phía bên kia cơ!
Cậu bé nhìn Hương rồi e
dè cúi chào nói:
- Không cháu muốn mua giày
cho người lớn cô ạ!
Hương:
- Thế thì cháu cứ chọn đi
nhé, thích đôi nào chỉ để cô chọn cỡ cho!
Cậu bé đi một lượt rồi dừng
lại trước một đôi giày Quân nhu, cậu cầm lấy đôi giày và ngắm nghía một lát. Thấy
vậy Hương nói:
- Đó là giày Quân nhu cháu
ạ, cháu lấy cỡ bao nhiêu để cô tìm cỡ cho!
Cậu bé nhìn Hương hỏi:
- Cô cho cháu hỏi đôi giày
này bao nhiêu tiền ạ?
Hương nhìn cậu bé cười
trìu mến nói:
- Đôi đó ba trăm hai mươi
nghìn cháu ạ!
Cậu bé bỏ một đống tiền
lẻ được khoá chặt trong chiếc túi áo khoác xuống đất và đếm, đếm đi đếm lại một
lát cũng chỉ được hai trăm sáu ba nghìn. Cậu ngửng lên nói với Hương:
- Cháu chỉ có hai trăm sáu
ba nghìn cô có thể bán cho cháu một chiếc được không ạ!
Hương cười và giải thích
cho cậu bé:
- Tuy hai chiếc mới có
ba trăm hai mươi nghìn, mà cháu mua một chiếc lên đến hai trăm sáu ba nghìn vậy
là đắt cháu biết không. Như vậy người đi cũng không thể đi được một chiếc, mà
người bán cũng không thể bán chiếc còn lại cho ai được cả. Như vậy là cả hai bên
đều lỗ, nên cô không thể bán một chiếc cho cháu được!
Cậu bé đang định lên tiếng
thì cô con gái nhỏ của Hương đã đứng ngay đằng sau cậu và nói:
- Cậu mua một chiếc thì
nhà tớ bán một chiếc còn lại cho ai?
Cậu bé ngượng ngùng trả
lời:
- Tớ biết nhưng mà...
Chưa để cho cậu bé nói hết
câu Thảo Anh nói tiếp:
- Cậu biết sao cậu còn hỏi,
thôi cậu về xin bố mẹ thêm tiền bao giờ đủ tiền thì tới đây mẹ tớ bán cho!
Cậu bé buồn rầu bỏ số tiền
vào trong cái túi áo khoác khoá chặt lại rồi bước ra khỏi quán. Hương đang định
hỏi cậu bé một điều gì đó, nhưng cậu bé đã quay đầu đi, cô định gọi lại nhưng
chẳng hiểu sao lúc đó cô lại thôi. Cậu bé vừa bước ra khỏi quán Hương ân cần cúi
xuống nói với con gái:
- Sao con lại nói với bạn
ấy như vậy?
Thảo Anh ngây thơ trả lời:
- Vì con biết bạn ấy là
ai mà mẹ!
Hương ngạc nhiên hỏi lại:
- Con biết bạn ấy sao?
Thảo Anh:
- Bạn ấy tên là Quân, học
lớp 4 A2 cạnh lớp con, ở trường không ai chơi với bạn ý hết.
Hương tò mò hỏi tiếp:
- Sao lại không ai chịu
chơi với bạn ý?
Thảo Anh:
- Con không biết, tại vì
con thấy bạn ấy cũng không chịu chơi với ai sất cả, với lại bạn ấy còn bị các bạn
trêu là mặc áo rách ở nách tới trường nữa.
Hương ngồi xuống xoa lên
mái tóc cô con gái nói:
- Dù bạn ấy là ai đi chăng
nữa thì cũng đều cần được tôn trọng, hơn nữa bạn ấy còn là khách đến nhà mình
con không nên đuổi khách về như thế, như thế là mất lịch sự con biết chưa!
Thảo Anh khẽ gật đầu nhìn
Hương không nói gì.
Một ngày rồi lại một ngày
nữa trôi qua. Trời càng ngày lại càng vào những ngày rét. Quán hôm nay vắng hơn
mọi khi vì trời đổ mưa từ sáng. Hương ngồi xoa xoa hai bàn tay vào nhau cho ấm.
Phía bên ngoài cánh cửa kính thành phố đang trùm trong một màu mây ảm đạm, gió
thổi mạnh làm những hạt mưa bụi hắt cả vào tấm cửa kính, những chiếc đèn đã bắt
đầu bật làm cho những hạt nước li ti trở nên long lanh đầy màu sắc. Đang nghĩ
ngợi mông lung bỗng Hương giật mình vì cô quên cả việc mình phải đi chợ. Nghĩ vậy
cô gọi Thảo Anh phía nhà trên xuống trông giúp cô cửa hàng một lát, rồi cô cầm ô
đi. Hương vừa đi được một lát thì cậu bé Quân hôm nọ mua giày bước vào cửa hàng.
Chiếc áo khoác cũ cũng đã bị ướt vì mưa, cả chiếc mũ len trên đầu vẫn còn đọng
những hạt nước li ti, môi cậu hơi tím lại vì lạnh. Quân tiến về phía Thảo Anh,
cậu lấy số tiền được xếp ngay ngắn trong cái túi áo khoác nhỏ đưa ra trước mặt
Thảo anh nói:
- Tớ muốn mua đôi giày hôm
nọ cỡ bốn hai!
Thảo Anh cầm số tiền đếm
lại rồi quay ra tìm đôi giày cỡ bốn hai bỏ vào trong cái túi rồi đưa cho Quân.
Quân vui sướng cầm đôi giày chạy đi, vì quá để ý tới đôi giày trong tay nên vừa
ra tới cửa cậu bé đã va vào Hương lúc đi chợ về, khi cô vừa bước chân lên bực
nhà. Cô mất thăng bằng và ngã xuống, chiếc túi văng ra, mấy quả táo lăn lông lốc
trên vỉa hè. Quân vội vã bỏ đôi giày xuống tiến đến nâng cô dậy. Hương thấy cậu
bé có vẻ sợ sệt và có lỗi cô trấn an nói:
- Cô không sao, cô tự dậy
được!
Cậu bé cúi đầu xin lỗi và
cúi xuống nhặt những quả táo bỏ vào trong cái túi. Thảo Anh thấy mẹ ngã từ
trong nhà cũng vội chạy ra xem cô có làm sao không, rồi cô bé đanh đá nói với
Quân:
- Vì đôi giày cậu có cần
phải phấn khích vậy không, cậu làm mẹ tớ ngã trầy hết tay rồi đây này!
Quân cúi đầu không nói gì,
thấy vậy Hương vội nói:
- Chỉ là vô tình thôi, mẹ
không sao mà con gái!
Quân đưa túi táo vừa nhặt
được cho Hương, và cúi đầu xin lỗi cô một lần nữa. Hương xoa đầu cậu bé nói:
- Cô không sao mà, cháu
ngoan lắm, giờ sắp đến giờ ăn cơm tối rồi cháu về đi kẻo bố mẹ mong!
Quân cầm đôi giày không
quên cúi đầu chào Hương và ra về.
Sáng hôm sau khi vừa mở
cửa quán Hương đã thấy Quân và một ông già chừng hơn bảy mươi tuổi, thân hình gày
gò nhưng trông rắn rỏi, một chân bị cụt chống nạng đứng trước cửa quán từ bao
giờ. Hương cúi chào và hỏi :
- Cụ là...
Ông cụ liền vội đáp:
- Dạ chào cô. Thưa cô tôi
là ông của cháu đây!
Hương vội mời hai ông cháu
vào trong, dìu ông qua cái bực cửa rồi kêu Thảo Anh đi rót nước ấm mời hai ông
cháu uống. Ông cụ để đôi giày vẫn còn nguyên hộp chưa dám bóc lên mặt bàn từ tốn
thưa chuyện:
- Dạ thưa, tối qua cháu
Quân có mang về đôi giày này nói là biếu tôi. Nhưng tôi chưa dám mở ra vì tôi
không biết nguồn gốc của đôi giày này, tôi cố gặng hỏi cháu là đôi giày này mua
bao nhiêu tiền và cháu lấy tiền đâu ra để mua, thì cháu chỉ khóc chứ nhất quyết
không nói. Bố mẹ cháu mất sớm, nó mồ côi từ nhỏ ở với tôi, nên tôi biết tính nó
rất ngoan ngoãn hiếu thảo. Nhưng với một đứa trẻ số tiền lớn như vậy thì tôi không
thể không làm rõ cho được. Gia đình tuy nghèo khó, hàng ngày tôi bán vé số vỉa
hè nuôi cháu ăn học, nhưng cả một đời tôi sống trong sạch, chưa bao giờ nghĩ đến
chuyện ăn cắp ăn trộm của ai cái gì bao giờ cả. Giờ thì tôi già rồi, bao niềm
tin tôi đặt cả vào nó, nhỡ nó nghĩ quẩn liều làm cái việc thất đức thì cô bảo tôi
sống làm sao cho nổi!
Hương thấy ông cụ nói vậy
liền nói:
- Dạ thưa cụ cháu Quân đến
đây mua giày đàng hoàng chứ không có chuyện ăn cắp ăn trộm như cụ nghĩ đâu ạ. Hơn
nữa cháu còn rất lễ phép cụ ạ. Còn số tiền cháu lấy từ đâu ra để mua thì quả thực
cháu cũng không biết.
Nhìn ông cụ thở dài, Hương
lại quay về phía Quân phân tích cho cậu bé hiểu. Hương nói:
- Cháu lấy đâu ra số tiền
mua giày cháu phải nói cho cho ông cháu biết để ông còn yên tâm. Nếu cháu không
nói chắc chắn đôi giày đó ông cháu sẽ không đi nữa đâu!
Quân bối rối nói:
- Cháu... Cháu... Cháu
không ăn trộm!
Hương nói tiếp:
- Cô biết cháu không ăn trộm,
và qua cách cư xử lễ phép của cháu cô tin rằng cháu là một đứa trẻ ngoan, và dù
số tiền đó cháu có được như thế nào đi chăng nữa thì cô vẫn tin đồng tiền đó
trong sạch và ông cháu sẽ tha thứ cho cháu!
Lúc này Quân mới oà lên
khóc nức nở nói:
- Cháu thấy trời lạnh mà
ông cháu bán vé số không có giày để đi, nên cháu đã không đóng số tiền ông cháu
cho để may đồng phục mùa rét ở trường để đi mua giày. Cháu nói ra sợ ông cháu
lo lắng cho cháu, không có áo đồng phục
mặc mùa rét ông sẽ không đồng ý. Hu hu...
Quân nói xong ông cụ rơm
rớm nước mắt ôm cháu vào lòng xúc động không nói lên lời. Thảo Anh cũng rơm rớm
nước mắt nhìn hai ông cháu rồi nép vào bên mẹ. Giờ thì em đã hiểu vì sao mà Quân
đến hỏi mua một chiếc giày, đã hiểu vì sao mà Quân mặc chiếc áo đồng phục rách ở
nách đến trường, và đã hiểu vì sao mà Quân đã rất vui sướng khi mua được đôi giày
đó. Thực ra sau mỗi con người đều ẩn chứa một cậu chuyện, một nỗi khổ riêng nào
đó mà có thể chúng ta chưa thể biết được...
Sau giây phút nghẹn ngào
ông cụ chống nạng đứng dậy xin phép mẹ con Hương ra về. Hương tỏ ý muốn biếu ông
cụ một chút tiền để lo cho Quân ăn học nhưng ông cụ không nhận. Ông nói:
- Cảm ơn cô, tấm lòng của
cô ông cháu tôi xin nhận, còn tiền thì xin cô giữ lại. Tiền lương thương binh cộng
với số tiền tôi bán vé số hàng ngày dù có đôi khi khó khăn nhưng ông cháu tôi vẫn
đủ sống!
Ngay lúc đó Thảo Anh lên
tiếng:
- Mẹ ơi nhà mình vẫn còn
hai bộ quần áo đồng phục của anh Tuấn không mặc đến...
Hương vội nhớ ra liền vào
tủ lấy ra bộ đồng phục rồi nói với ông cụ:
- Bộ quần áo này là của
thằng lớn nhà cháu, nó theo nhà cháu sang nước ngoài học, giờ lớn rồi cũng chẳng
thể nào mặc vừa, mà để không thì cũng phí, thôi thì xin phép cụ gửi lại cho cháu
Quân mặc hộ vậy, mong cụ đồng ý!
Ông cụ rưng rưng một niềm
xúc động khó nói được lên lời nhìn Hương. Hương đưa chiếc áo vào tay Quân nhìn
cậu bé ngây thơ nhoẻn cười. Cô chợt thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Và cả Thảo
Anh, trước khi Quân quay đi cô bé định nói gì với Quân mà chẳng thể nào nói ra
được thành tiếng. Cô bé chỉ lặng lẽ đứng nhìn cho đến khi bóng hai ông cháu nhà
Quân mất hút vào dòng người đi trên phố.
Lê Đình Tiến
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét