Lẩn khuất đằng sau những tấm biển “khu phố văn hoá” ở đầu nhiều con hẻm trong khu vực Chợ Lớn là những hàng đại tự bằng chữ Hán, đắp nổi, mang nhiều tên gọi khác nhau. Và thật thú vị khi biết ngay sau những con chữ ấy là cả câu chuyện phong phú về một cộng đồng cư dân người Hoa xưa định cư vùng Chợ Lớn – Sài Gòn.
Hẻm Tuệ Huê lý bên hông hội quán Tuệ Thành của bang Quảng Đông, hẻm Thái Hồ hạng ở 55 Trần Hưng Đạo.
Người Hoa sống ở vùng Chợ Lớn – Sài Gòn chủ yếu xuất thân từ vùng duyên hải Nam Trung Hoa, khi đến Chợ Lớn định cư, họ phải hoà nhập với cuộc sống của vùng đất mới.
Chính việc thay đổi về mặt địa lý, thổ nhưỡng, nhà ở, phố thị… đã trở thành một yếu tố quan trọng, làm thay đổi cách tổ chức lại không gian sống trong cộng đồng người Hoa sao cho phù hợp với yếu tố bản địa. Việc xây dựng nhà cửa, phố xá, quy hoạch những khu dân cư mà tiêu biểu là việc thiết lập những con hẻm nhỏ đến nay vẫn còn tồn tại những dấu tích khá rõ nét trong vùng Chợ Lớn. Những tên hẻm với những từ cuối như Lý, Hạng, Phường… chính là một trong những điểm nhấn thú vị để hình dung về một phác đồ trong không gian sống của người Hoa xưa.
Quy hoạch nơi đất mới
Những con hẻm dày đặc, chằng chịt khắp Sài Gòn với lối kiến trúc, quy hoạch đa dạng, phong phú, là nơi hội tụ đủ mọi loại hình từ đời sống, đến những nét văn hoá, tập tính rất đặc trưng của từng con hẻm. Hẻm của người Hoa vùng Sài Gòn – Chợ Lớn ngày xưa cũng thế. Ngay từ khi di cư đến vùng Chợ Lớn và thành lập làng (1689), người Minh Hương cũng mang luôn theo những phong tục tập quán từ cố quốc và được các thế hệ tiếp nối duy trì, kế thừa những nét cũ ở vùng đất mới. Và hẻm của người Hoa chính là một trong những điểm nhấn độc đáo, thể hiện rõ tính quy hoạch cụ thể, rõ ràng trong kiến trúc nhà ở, phố thị của người Hoa Chợ Lớn ngày xa xưa.
Những con hẻm xưa của người Hoa hầu hết đều được định danh bằng một tên gọi cụ thể, tên gọi ấy có thể là tên một địa danh, tên riêng của một người, chứ không mang số như kiểu các con hẻm khác của Sài Gòn – Gia Định. Dấu tích những con hẻm ấy nay vẫn còn tồn tại, với tên gọi như Dịch An lý, Tô Châu lý, Thái Hồ hạng, Phương Thể Các hạng, Tùng Quế phường…
Hẻm Tuệ Huê lý bên hông hội quán Tuệ Thành của bang Quảng Đông, hẻm Thái Hồ hạng ở 55 Trần Hưng Đạo.
Tìm hiểu về nghĩa của từ lý, hạng, theo PGS.TS Phan An, viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, tác giả của bài viết lý, và hạng ở Chợ Lớn có đề cập: “Lý – Hán từ, dịch theo tiếng Việt là một khu vực cư trú, có thể dịch thành làng hoặc thôn. Đây là đơn vị cư trú xưa của người Trung Hoa, tập hợp vài mươi nóc nhà. Hạng là một đơn vị cư trú nhỏ bên dưới lý với dưới mươi gia đình kế cận nhau. Những đơn vị cư trú hạng và lý ở Trung Hoa vốn dĩ phân bố ở nông thôn”.
Những “hạng”, “lý”, “phường” nay còn lại ở Chợ Lớn rải rác trên các đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Học Lạc… với lối kiến trúc rất đặc trưng, gọn gàng, đơn thuần là hai dãy phố với một tầng lầu, xây đối mặt nhau qua một con hẻm, thường được thiết kế theo đồ án song song hoặc tứ diện và thông thường là hẻm cụt. Có những hẻm vẫn còn dấu tích của chiếc cổng lớn ngay đầu hẻm như ở hẻm 236 Trần Hưng Đạo, xưa là hẻm Tùng Quế phường, nơi ở của những người thợ thuyền người Quảng Đông.
Hẻm cũ, hồn xưa
Thực tế các lý, hạng, phường của người Hoa trong Chợ Lớn không khác nhau nhiều về kiến trúc, phân bố dân cư, nhìn vẻ ngoài thì các lý và hạng cũng là những con hẻm tương tự như các hình thái hẻm khác ở khắp Sài Gòn. Nhưng trong cộng đồng người Hoa sinh sống tại các lý, hạng, phường… đều có những nét khác biệt.
Nhóm “ngũ bang” gồm Quảng Đông, Tiều (Triều Châu), Hẹ, Hải Nam, Phước Kiến đến vùng Chợ Lớn định cư, lúc cuộc sống dần ổn định, việc làm ăn phát đạt, các ông chủ khi mở rộng việc sản xuất, thường xây dựng luôn những dãy nhà phố liên kế, kiểu như chung cư thời nay cho thợ thuyền làm nơi trú ngụ. Và ở đầu lối đi nhỏ như con hẻm vào những dãy nhà thường được đặt một tên gọi để phân biệt. Những tên gọi lấy từ địa danh của cố quốc (có thể là quê hương của ông chủ) như Thái Hồ, Tô Châu, Dịch An, Cộng Hoà…
Hẻm Tuệ Huê lý bên hông hội quán Tuệ Thành của bang Quảng Đông, hẻm Thái Hồ hạng ở 55 Trần Hưng Đạo.
Qua thời gian, những biến động của lịch sử, của thời cuộc, những cư dân trong hẻm người Hoa xưa người còn người mất. Những người mới đến nay cũng không biết nhiều về các đại tự ở đầu hẻm nhà mình. Ở hẻm Hào Sỹ phường (206 Trần Hưng Đạo), vẫn nguyên vẹn hai dãy nhà 34 căn, bà cụ người Triều Châu bán hàng nước ngay đầu hẻm kể lại rằng: “Cái hẻm này của những người Tiều làm công cho ông chủ hãng có tên Hào Sỹ, chữ “phường” không phải mang nghĩa đơn vị hành chính phường, quận như bây giờ, mà là một nhóm người làm công cho chủ, hay gọi là phường sản xuất (làm xà phòng, chà gạo), hoặc phường buôn bán”.
Khi nghe tên gọi của các hạng, lý, phường, ngày xưa người Hoa có thể phân biệt ngay cộng đồng cư dân sống trong con hẻm đó thuộc bang phái nào, làm nghề gì. Ngay cả việc phân biệt đời sống văn hoá, tôn giáo cũng được thể hiện trên tên gọi ở đầu hẻm. Như hẻm của cộng đồng công giáo được đặt tên là Phương Thể các hạng ở hẻm số 17 đường Học Lạc, ngay cạnh nhà thờ Cha Tam. Nhìn tên hẻm Tuệ Huê lý trên đường Nguyễn Trãi, người ta hiểu ngay đó là cư dân thuộc bang Quảng Đông sinh hoạt ở hội quán Tuệ Thành. Mỗi đầu con hẻm của người Hoa xưa lại có lối kiến trúc khác nhau, có cái được thể hiện mái ngói, như một chiếc cổng nhỏ (Dịch An lý, 674 Nguyễn Trãi, bên hông hội quán Nghĩa An), cái lại vững chãi là bộ khung của một gian nhà (Thái Hồ hạng, hẻm 55 Trần Hưng Đạo), hay chỉ đơn thuần là cái cổng sắt hờ hững (Tùng Quế phường, 236 Trần Hưng Đạo).
Những con chữ vô tri vô giác nơi đầu hẻm của người Hoa xưa, thật chẳng lấy gì làm nổi bật giữa một phố thị ồn ào, nhộn nhịp của cuộc sống thời đại. Rồi đến khi những tấm biển “khu phố văn hoá” được dựng lên che luôn cả mặt tiền những dòng đại tự – tên gọi của hẻm người Hoa xưa, thì những “lý”, “hạng”, “phường” càng trở nên xa lạ, khó hiểu với những cư dân mới của con hẻm cũ. Đi tìm lại câu chuyện hẻm người Hoa xưa, cũng chỉ là một thoáng gợi lại những hoài niệm về lối quy hoạch đô thị, tập tính sinh hoạt cộng đồng thể hiện rất đặc trưng, dễ nhận của người Hoa vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.
NGUYỄN ĐÌNH (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét