- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Mỗi khi cái xuân kéo đến chộn rộn bên hiên nhà là lòng tôi lại nôn nao cứ như đang trẩy hội mong chờ được về với quê ngoại. Chỉ cần tưởng tượng khoảnh khắc quây quần trong cái tiết trời se se lạnh của những ngày chớm Tết, đưa tay đẩy củi thay phiên nhau ngủ gà ngủ gật canh nồi bánh chưng to ụ đủ cho cả một gia đình đã khiến tôi thấy vui sướng đến lạ. Ở nơi phố thị hầu như bánh chưng đều sẽ tự mua chứ ít khi tự làm như ở quê, không chỉ thế cảm giác thanh tân được gặp lại bà và các dì cậu cũng như đám nhóc em họ nhắng nhít ở quê của tôi khiến tôi chỉ mong mau chóng chạy ngay ra bến xe để bắt chuyến xe đò đầu tiên rời phố phường tấp nập.
Hồi
còn bé vì ba mẹ đi làm xa tôi hầu như ở cùng với ngoại. Sau này để việc học được
thuận lợi hơn nên ba mẹ mới đưa tôi lên phố từ cấp ba rồi mỗi năm chỉ về quê
khi tết đến xuân về, thậm chí hè cũng phải ở lại phố học nên những ngày Tết như
thế này tôi trân trọng lắm. Cứ mỗi năm về lại thì lại thấy một lần quê mình đổi
khác, mọi thứ dường như trở nên đô thị hóa hơn: ruộng lúa trước nhà trải dài thẳng
tắp nay đã thành công viên để mọi người tản bộ, những bụi chuối ven đường đã được
đốn hạ gọn gang phục vụ công cuộc mở đường. Nhà ngoại tôi cũng đã bán đi ít nhiều
những bò, những lợn, đổi lại thành những phương tiện đi lại thuận tiện hơn cho
những chuyến đi xa. Chỉ mỗi anh nghé con con cậu tôi nhất quyết nuôi cho lớn để
ròi kéo cộ.
Căn
nhà nhỏ của ngoại tôi dường như bị sự đô thị hóa ấy lãng quên, nó nằm yên bình
dưới những cây hoa giấy cao to làm thành đường viền cho cửa ngõ. Vẫn đậm chất
chân quê, vẫn rêu phong cổ kính. Cái tiết trời của những ngày chớm tết tạo
thành một không khí se se lạnh càng khiến ngôi nhà thêm chút gì đó rêu phong.
Ngay khi thấy tôi vừa bước xuống từ chiếc xe đỗ phịch trước cổng, ngoại đã bước
ra, tóc người nay đã dần trở thành màu nắng, bỗng chốc khiến tôi thấy có phần
buồn thương. Ngoại nheo mắt nhìn tôi, vừa như có chút gì đó không tin, vừa như
hi vọng:
- Cái Thảo đấy phải không?
- Vâng ạ. Con về rồi đây ngoại.
Dường
như trong đôi mắt mờ đục ấy có gì đó bắt đầu đỏ dần màu của hoàng hôn… Đám em họ
của tôi chạy từ trong nhà reo vui: “Chị Thảo về, chị Thảo về”. Tuy tôi ở xa
nhưng vì thời đại công nghệ thông tin thuận lợi, mỗi khi rảnh rỗi tôi lại gọi
điện về, gọi cả video nên chúng nó cứ như vừa mới nói chuyện mặt đối mặt hôm
qua đây thôi.
Khi
tôi bước vào nhà thì thấy dì Vân đang làm dưa hành. Dì phủi vội tay vào quần định
chạy lại ôm tôi thì lại chững lại:
- Định ôm bây mà quên mất đang làm dưa hành – Rồi mắt
dì chợt có phần cay xè nhưng dì ngượng ngịu bảo – Nãy lỡ quệt tay vào mắt.
Thực
ra tôi là đứa cháu duy nhất của ngoại ở xa nhà. Ngoại đông con nhưng đều quây quần
ở quê chỉ có má vì theo ba lên phố kiếm kế sinh nhai rồi thuận tiện cho việc học
của tôi nên xa quê. Chính vì thế mỗi khi tôi về các dì cậu rất mừng. Nhà ngoại
tôi năm nào cũng làm món dưa hành này, ăn với bánh chưng hoặc thịt đông thì phải
nói là đúng vị, mỗi tội lần nào làm cũng phải “khóc lên khóc xuống” vì cay. Nói
đến dưa hành không thể thiếu nối bánh chưng. Ngay khi tôi vừa đặt balo xuống đã
thấy cậu tôi đang kéo một cái xe kéo trên chất đầy những củi và mợ đang lau
chùi mấy cái nồi to tướng vẫn được dùng để nấu bánh chưng. Cậu nhìn tôi nói lớn:
- Cái Thảo về rồi đấy à? Vậy phân công cho cái Thảo tối
nay canh nồi bánh chưng với mấy đứa nhóc.
Tiếng
ngoại ngồi trên cái chõng rầy cậu: “Nó mới về để nó ngủ”, nhưng tôi vội gạt
ngay: “Con canh, con canh cậu ơi”. Thực ra về quê dù đi là cả một đoạn đường
khá xa nhưng chưa bao giờ tôi thấm mệt, vì tôi rất thích cảm giác được quây quần
bên nồi bánh chưng cùng các em tôi. Ngày dường như lúc nào cũng dài hơn đêm
nhưng trong mắt tôi khi ấy đêm dường như là vô tận, khi tất cả dường như bắt đầu
ngủ, nồi bánh chưng được nhen đỏ lửa, những chiếc bánh được gói kỹ càng, đều đặn
đang chờ nấu chín, thì cũng là lúc tôi và đám nhóc em ngồi quanh đó nói chuyện.
Dù chúng tôi vẫn thường xuyên gọi điện thoại nhưng cảm giác ở cạnh bao giờ cũng
ấm áp hơn. Nói là chúng tôi canh lửa vậy chứ thực ra người lớn trong nhà đã làm
hết rồi, chúng tôi chỉ cần cố giữ cho củi luôn cháy là được. Và tụi nhóc rất
háo hức kể cho tôi nghe về những gì tụi nó đã trải qua trong cả năm, cứ như lần
đầu tiên tôi được nghe vậy. và thể nào dù xung phong canh nồi bánh nhưng tới nửa
đêm là tôi và đám nhóc lại ngủ quên, khi ấy trong mơ màng sẽ luôn là tiếng cậu
dì tôi đánh thức tôi dậy bảo về phòng ngủ…
Không
biết có ai thích những ngày giáp Tết như tôi không, riêng tôi mỗi khi tôi đặt
chân lên mảnh đất quê ngoại là tôi đã cảm thấy lòng mình ấm nồng hơn những ngày
xô bồ nơi phố thị. Mọi thứ dường như thay đổi theo thời gian chỉ là tất cả những
yêu thương của tôi vẫn luôn còn đó: ngôi nhà nhỏ vẫn còn treo câu đối Tết do
ngoại tôi là một ông đồ tự tay viết, miếng bánh chưng dưa hành mà lũ nhóc vẫn
tranh nhau ăn đến nỗi no căng cả bụng, bát xôi gấc đỏ không thể thiếu tượng
trưng cho sự may mắn, và hơn cả là ở đây có ngoại, có dì , có cậu, có các em
tôi, có gia đình tôi. Mỗi khi Tết về, tôi lại âm thầm tận hưởng sự quên lãng của
thời gian đang chảy ngoài kia mà đón lấy tĩnh tại ở nơi này.
Lê Hứa Huyền Trân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét