- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Ngày 23 tháng chạp, vừa tiễn ông Táo về trời, mẹ tôi đã lên Zalo gọi:
- Tết này con có về không?
Làm ăn gì mà tết nhứt không thấy về quê.
Tôi ấp a ấp úng một lát mới
trả lời:
- Dạ, con đang tính.
Mẹ tôi thở dài:
- Tình gì mà tính miết. Bao
cái tết rồi không về. Lo làm giàu mà quên tổ tiên ông bà hả con?
Nói xong mẹ tôi cúp máy.
Tôi gọi lại không thấy mẹ nhấc máy.
Tính mẹ tôi là vậy. Chắc là
mẹ giận rồi. Nên tôi không gọi nữa. Tôi biết tết nào con cháu không về đông đủ
là mẹ buồn lắm. Mẹ không buồn sao được khi bữa cơm cúng tất niên mà thiếu con,
thiếu cháu. Năm nào bữa cơm cúng tất niên con cháu đông đủ là mẹ vui không gì
bằng, mặc dù mẹ vất vả thở không ra hơi. Vậy mà tôi đã vắng mặt trong bữa cơm
tất niên nhiều năm rồi. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh biết làm sao…
Tôi
đến bàn rót ly nước trà. Mùi trà Bắc Thái bay lên khiến tôi nhớ đủ điều. Tôi nhớ nhất là cứ sau ngày đưa ông Táo về trời, cha tôi
đem gốc tre khô ra bửa. Để có được đống gốc tre to đùng cha tôi phải khom lưng
đánh gốc, đào rễ trong những ngày tháng nắng. Bửa xong cha tôi lựa những miếng
nhỏ chất riêng để nấu ăn trong ba ngày tết, những miếng to khó bửa thì dùng vào
việc nấu bánh tét. Còn mẹ tôi thì lo quét dọn vườn tược, giặt giũ chăn mền, rửa
chén bát, lo đi chợ mua sắm…
Sáng 30 tết, mẹ tôi trải lá chuối ra nong, rồi
cả nhà quay quần ngồi gói bánh tét. Gói xong mẹ bỏ vào cái nồi to bắc lên ba
hòn gạch để nấu. Ngày đó chưa có kỹ thuật nấu nên tốn nhiều củi lắm. Không có củi
nào nấu bánh tét lợi như củi gốc tre. Gốc tre cháy từ từ nhưng rất nóng. Khói
toả ra từ gốc tre trắng và thơm. Đun gốc tre khô vào bếp, rồi cha mẹ tôi giao
cho chị em tôi canh chừng. Tôi hỏi mẹ: “Sao phải canh chừng hả mẹ?” Mẹ bảo: “Canh
chứ không kẻ trộm vớt bánh.” Tôi lại nói: “Ở quê mình có ai ăn trộm đâu mà sợ hả
mẹ?” Mẹ cười, nói: “Đừng có chủ quan nghe con! Ở mình không có chứ các nơi người
ta tới.” Nói xong mẹ lại kể câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Câu chuyện chỉ lưu
truyền trong nhân dân chứ chưa có trong sách vở. Câu chuyện thì dài nhưng đại
khái là có một gia đình nọ giàu có, đêm 30 tết cúng tất niên nhậu nhẹt say sưa,
không canh chừng bị kẻ trộm vào lấy hết nào bánh tét, thịt heo, dưa món… Khi tỉnh
dậy mới hay. Sau đó mới vội vàng bắc nước làm heo, gói bánh, làm mức… cho kip tết.
Rồi cho người canh giữ cẩn thận. Kể xong mẹ hỏi: “Con thấy không? Phải đề phòng.
Dù sao phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng.” Tôi dạ
và hứa với mẹ sẽ canh kỹ lưỡng. Mẹ tôi nhắc thêm: “Khi nào nồi bánh không sôi
ùng ục nữa thì con đổ thêm nước vào, chứ cạn nước cháy nồi nghe con.” Nói xong
mẹ lật đật lên nhà trên phụ cha kê mấy ảng mai, ảng cúc, ảng vạn thọ.
Ngồi canh chừng nồi bánh tét chị em tôi không
biết làm gì ngoài việc lùi củ lang ăn. Thấy chị em tôi ăn củ lang lùi mẹ tôi bảo:
“Tết rồi ăn nhiều củ lang làm chi cho đầy bụng, để mai ăn cơm trắng cá tươi cho
ngon.” Nghe nói chúng tôi lại hỏi mẹ: “Sao không ghế củ ăn cho lợi mà nấu cơm
trắng hả mẹ?” Mẹ tôi nói: “Đói ngày tết hết ngày mùa mà con…” Nghe mẹ nói mà
tôi thấy thương cho cha mẹ quá. Phải chi lúc đó tôi trở thành thanh niên để
giúp được chút ít gì cho cha mẹ.
Lớn lên, lên thành phố học đại học tự nhiên
tôi sợ tới tết. Tôi nhớ cứ mỗi lần đến tết cha mẹ tôi nói riêng, người dân quê
tôi nói chung cực khổ lắm. Họ phải lo cả tháng trời. Nào là lo chọn nếp, chọn đậu,
chọn đường… để làm món bánh nổ, bánh in, bánh thuẫn, và các loại mứt... Lo vỗ
béo heo, gà, vịt… Mới đầu tháng chạp là phải lo rang nếp nổ, lượm vỏ trấu, mượn
khuôn để đóng bánh, đóng xong cắt ra thành lát rồi sấy. Còn phải lo xay bột, lấy
sương cho bột dịu rồi in thành bánh…
Tốt nghiệp đại học tôi ở lại thành phố làm việc.
Thời gian này tôi thường gởi tiền về biếu cha mẹ. Sau đó tôi lập gia đình. Lúc
đầu tôi còn gởi tiền biếu cha mẹ, dần dần về sau thì không còn. Sau khi có hai
đứa con tôi không còn ở nhà trọ nữa mà mua nhà. Nhà cửa cũng không to lắm nhưng
thỏa mái. Cuộc sống không giàu có lắm nhưng cũng đủ đầy. Từ ngày hai đứa con
vào đại học tôi phải tranh thủ làm thêm nên không có thời gian về quê. Những
ngày tết, ngày giỗ tôi tranh thủ về một vài ngày là phải vô ngay. Để tiện liên
lạc, tôi mua biếu cha mẹ mỗi người một cái iphone để khi nhớ con, nhớ cháu thì
gọi thấy mặt nhau. Tôi tưởng có iphone rồi, tết không về quê cũng được. Nhưng mẹ
tôi vẫn gọi về. Năm nào dù có bận bịu thế nào, tết tôi cũng đưa vợ con về quê với
cha mẹ. Bốn năm nay buôn bán đắt đỏ nên quên tết luôn. Năm nay tôi nhất định phải
sắp xếp trước. Vậy mà vẫn không kịp.
Sáng 30 tết, điện thoại reo mà không nghe, mẹ
gọi năm lần bảy lượt mà không hay biết, khách hàng nói mới hay. Mở đi động ra nhìn
trên Zalo thấy mẹ cha đang gói bánh tét, thấy chị Hai và các cháu về đông đủ mắt
tôi cay xè. Tự nhiên tôi thấy những làn khói trắng ngoằn ngoèo toả ra từ mái rạ
năm nào, tan loãng trong không gian thành những làn sương khói mờ mờ, ảo ảo. Và
tai tôi nghe văng vẳng lời của cha “Làn sương khói cuối năm tuy mỏng manh nhưng
nó là dấu hiệu của sự no đủ. Chiều cuối năm nhà nào không có khói bếp bay lên
là buồn lắm.” Tiếp theo hình ảnh bà cụ gần nhà tôi ngày xưa lại ùa về. Bà ấy
già rồi, con cái đi làm ăn xa, tết không về. Một mình bà đứng tựa cửa nhìn ra.
Nghĩ đến đó tôi ứa nước mắt. Tôi nhìn mẹ nói:
- Mẹ ơi! Tết này con sẽ về.
Tích tắc. Tích tắc…
Chuông đồng hồ điểm từng tiếng một. Chỉ còn
hơn mười lăm tiếng đồng hồ nữa là đến năm mới rồi. Tôi lật đật chạy mua quà, xếp
hành lý vào va ly, khóa cửa rồi cùng vợ con ra sân bay.
Phạm Văn Hoanh
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét