Cổng
chợ là khu trũng nhất trong vùng. Mùa mưa, nước từ hai đầu dốc, một ở
phía Tỉnh Đội, một ở phía Nhà Thờ cùng dồn về nơi đây, chen lấn nhau
chảy vào con mương nhỏ dẫn ra suối Mương Sao. Mùa nắng, xe cộ qua lại
làm những đám bụi lầm lên rồi như bị hút cả vào vùng thấp ấy. Mọi thứ
khác cũng dồn cả vào.
Ở đây có một đại lý thuốc tây ngoại nhập, có một
cửa tiệm hớt tóc, một quán hủ tíu mì, một tiệm phở, hai xe bán bánh mì,
một hàng chè bình dân, một sạp báo... Lại thêm một bãi đậu xe lam ba
bánh phía bên kia đường, một bãi đậu xích lô phía bên này đường. Có
người bảo cổng chợ là trung tâm của vùng này có lẽ cũng không đến nỗi
quá đáng lắm!
Những
buổi sáng lạnh đã lặng lẽ kéo đến thay cho mùa mưa chỉ còn rơi rớt lại
một đôi cơn nho nhỏ. Cổng chợ âm thầm chia tay những dòng nước đỏ đục
nào đất, nào cát, nào rác rưởi lẫn trong đó, chia tay những bước chân
hối hả của mọi người lúc bầu trời chợt tối sẫm lại và không khí ẩm sắp
rịn xuống những giọt mưa. Khu trũng ấy bắt đầu đón những làn sương về tụ
hội. Như nước, như bụi, như mọi sinh hoạt, như mọi người vẫn về tụ hội
nơi đây.
Theo
chân làn sương ấy, cứ cách tuần, Hiền lại đến cổng chợ ba lần vào sáng
sớm. Đó là vòng ca sáng của cô. Hôm nay, một ngày cuối năm, Hiền lại bắt
đầu một vòng ca sáng.
Lúc nhờ ba ra đóng cổng dùm, ông cụ đã nhìn Hiền ái ngại:
- Lấy cái áo len Đài Loan mà mặc vào, Hiền à. Cái áo nỉ liệu có đủ ấm không con?
Hiền khẽ lắc đầu:
- Trời không lạnh lắm, con chịu được mà ba.
Trời
về sáng ẩm sương trùm lên Hiền một cái lạnh dữ dội hơn nhận xét của cô.
Thực ra chẳng phải Hiền đánh giá sai về thời tiết mà chỉ vì cô không
muốn mặc chiếc áo len Đài Loan. Cô vẫn còn giận chị Thảo chăng? Không.
Chị Thảo bao giờ cũng là người chị thương yêu của Hiền. Chuyện buồn giữa
hai chị em trước ngày chị Thảo ra đi đã lui dần vào dĩ vãng nhất là từ
khi gia đình nhận được thư của chị thú nhận tình cảnh hiện tại chẳng tốt
đẹp gì như mơ tưởng. Hay là Hiền giận anh Quang? Có lẽ cũng không. Anh
ấy là chồng chị Thảo, anh ấy có cha mẹ ở nước ngoài bảo lãnh, anh ấy ra
đi hợp pháp, cũng có thể gọi là hợp tình lắm chứ. Thế thì vì sao Hiền
lại không muốn mặc chiếc áo len, quà của chị Hiền gởi về? Chẳng lẽ chỉ
đơn giản vì Hiền sợ câu hỏi của bạn bè: "Áo ở đâu đẹp thế?", buộc cô
hoặc phải đáp thực: "Của chị tao từ nước ngoài gởi về", hoặc sẽ đáp dối:
"Tao mua ở Sài Gòn". Cả hai câu trả lời Hiền đều không muốn!
Mới
có một xe bán bánh mì dọn ra, quán hủ tíu cửa còn để hé, mấy chiếc xích
lô nằm im như ngủ trong khi chủ nhân của chúng xúm quanh một bàn cà
phê, tiếng muỗng khuấy lách cách, những đốm lửa đỏ thỉnh thoảng lại rực
lên từ đầu những điều thuốc phía đó. Trạm đón xe của Nhà máy Dệt ở cách
cổng chợ khoảng mươi thước, chưa thấy có ai. Hiền là người đến sớm nhất.
Năm phút, không, có lẽ gần mười phút qua đi, những cô thợ dệt khác mới
lần lượt kéo đến. Tuy nhiên còn khá lâu nữa xe mới ghé trạm. Đêm còn yên
lặng lắm. Mọi người còn đắm trong những thời khắc cuối của giấc ngủ.
Chợt,
tiếng chổi quét đường vang lên từ xa. Đó là những âm thanh rộn rã không
phải chỉ sinh ra từ sự va chạm của những nan chổi tre với mặt đường mà
còn với cả những viên đá, sỏi, những miếng giấy, mảnh lá chuối, miểng
sành, vỏ ốc... từ những bàn tay vô tình hay cố ý nào đó ném ra ven đường
trong ngày. Hiền ôm xách tay sát ngực như để tìm thêm hơi ấm đuổi đi
cái lạnh vây quanh. Cô nhìn về phía người công nhân quét đường. Cả đoạn
đường chỉ có một bóng đèn tròn trong chiếc xe bán bánh mì tỏa sáng,
nhưng Hiền vẫn thấy rõ cái dáng gầy gầy, lưng hơi gù của người công nhân
mà cô và các bạn có đôi lần bắt chuyện làm quen vào thời gian đợi xe
ngắn ngủi. Dì Tư. Cô chỉ biết tên người phụ nữ ấy như thế. Đúng là dì
Tư. Hiền đã thấy rõ khi dì tiến đến gần trạm đón xe. Chiếc khăn quấn vào
cổ là vật duy nhất Hiền thấy khác. Còn thì vẫn cái áo bộ đội cũ khoác
ngoài bộ bà ba đen, vẫn đôi găng tay dầy cộm nắm chặt lấy cái cán chổi
dài bằng tre già lên nước, vẫn cái khẩu trang che nụ cười đôn hậu có hàm
răng gãy mấy cái phía trước. Dì Tư thu gọn rác vào nơi quy định chờ xe
tới hốt. Một cái găng tay nắm lấy cái kia kéo ra coi thô vụng. Rồi bàn
tay trần lần mở nút khẩu trang cột sau gáy. Người công nhân quét đường
sau khi làm xong phần việc của mình, an tâm lấy bao bọc thuốc ra vấn hút
rồi nhập vào đám đông những cô thợ dệt bằng câu hỏi:
- Lạnh không mấy cô?
- Lạnh muốn chết nè dì Tư ơi! - Một cô thợ dệt đáp.
- Giờ này mà trùm mền ngủ thì tuyệt vời phải không dì Tư?
- Mùa cưới đó tụi bay!
- Thôi đi, đừng có nói cưới với xin làm tao nôn nao đây nè.
- Ai bảo không kiếm chàng nào đó mà yêu.
- Nhưng... có ai yêu mình đâu!
- Để dì Tư giới thiệu cho...
Như vậy là họ đã xác định đề tài câu chuyện giờ chờ xe sáng nay rồi...
Hiền
lặng lẽ quay về một phía. Cô siết chặt hơn vòng tay vào cái túi xách
trước ngực. Nỗi nhớ như bị nén lại. Nhưng nó không thể mất hẳn, cứ len
lén gợn lên. Trước đây vài tháng, Hiền vẫn lên ca trong niềm vui có đôi.
Thành như cái đồng hồ chính xác nhất điểm giờ cho Hiền ra trạm đón xe
qua câu gọi ngoài cổng: "Hiền ơi! Xong chưa?". Tình yêu thực là kỳ diệu.
Nó đến với Hiền lúc nào chẳng hay. Hiền là thợ dệt đứng ba máy. Thành
là thợ bảo trì máy của cả tổ cô. Công tác làm hai người quen nhau, thấy
gần gũi nhau, rồi yêu nhau. Nhà Thành ở xóm Tỉnh Đội, nhà Hiền ở xóm Nhà
Thờ, trạm đón xe là cổng chợ, điểm giữa hai khu xóm. Vậy mà suốt một
năm, Thành từ xóm Tỉnh Đội đi bộ đến xóm Nhà Thờ gọi Hiền rồi mới cùng
Hiền trở lại trạm đón xe. Tình yêu làm mất thì giờ của cả hai, nhưng là
một sự mất thì giờ đầy thú vị. Thành trở thành bộ đội từ đợt nghĩa vụ
đầu năm. Từ hồi đó, Hiền mới nhận được hai lá thư gởi về. Thư nào cũng
trễ cả tháng so với ngày Thành viết.
Câu chuyện giữa các cô thợ dệt và dì Tư đã đến hồi sôi nổi nhất. Một cô hỏi:
- Chắc hồi còn con gái, dì Tư cũng có... yêu! Phải không dì Tư?
Người công nhân quét đường cười, khẽ lắc đầu:
- Thời của dì đâu mà có chuyện yêu đương. Người ta tới nhà hỏi cưới mình, ba má mình ưng là coi như xong.
- Vậy rồi khi về với dượng Tư, dì Tư có yêu dượng không? - Cô thợ dệt vẫn chưa chịu buông tha dì Tư.
- Có dượng nào đâu mà yêu, mấy cô! Mấy cô hổng biết à? Dì sống độc thân từ hồi nào tới giờ mà!
Mấy tiếng "ý" bật thốt. Dì Tư nhắc:
- Nè, bà con người ta còn ngủ, đừng làm ồn...
Cô thợ dệt khi nãy lắc đầu nguầy nguậy:
-
Con tạm tin là dì Tư sống độc thận đi, nhưng con nhất định hổng tin dì
Tư không có mối tình nào. - Cái giọng thấp xuống nì nèo - Thôi mà... dì
Tư... Kể cho tụi con nghe chuyện tình của dì Tư đi mà. Còn mấy phút nữa
xe mới tới...
Dì Tư chắc lưỡi lần khân:
- Thôi... để bữa khác...
Mấy cô thợ dệt cùng vỗ tay reo lên:
- Vậy là dì Tư hết chối rồi nghen...
Lại lời nhắc của người phụ nữ đứng tuổi:
- Nè, đã nói. Đừng làm ồn...
Một
vùng ánh sáng lóe lên bất ngờ. Ánh sáng đèn nê ông của căn nhà phía sau
trạm đón xe. Tiếng mở cửa két két vang lên rồi một người phụ nữ lách ra
nhìn các cô thợ dệt với ánh mắt thiếu thiện cảm. Cái giọng còn ngái ngủ
của chị ta cất lên:
- Nè, mấy người làm ơn cho người ta ngủ nghê một chút chớ!
Cái
đầu tóc uốn quăn hơi rối của người phụ nữ mặc bộ đồ xoa sang trọng thụt
vô, rồi tiếng đóng cửa sắt lại vang lên chói tai. Một chút xíu sau, ánh
đèn nê ông vụt tắt. Mấy cô thợ dệt mím môi cười thẹn thùng giữa tiếng
thì thào của dì Tư:
- Thấy chưa! Nói mà hổng chịu nghe lời!
Từ
xa, trong bóng đêm vẫn còn chiếm lĩnh không gian, có ánh đèn pha tiến
tới. Tiếng động cơ ì ì quen thuộc cũng lớn dần. Những cô thợ dệt chẳng
ai bảo ai cùng hiểu là xe nhà máy đã đến. Bước chân họ lạo xạo trên đoạn
đường có mấy cái ổ gà chưa được lấp. Chiếc xe buýt dừng lại, đèn cốt thay vì pha. Trong cái im lặng của cổng chợ, tiếng máy xe làm nền cho những câu nói gởi lại dì Tư còn đứng bên lề:
- Sáng mai dì Tư nhớ kể chuyện tình cho tụi con nghe nghen.
- Tụi con sẽ tới sớm chờ đó, dì Tư!
Hiền
đã ngồi vào băng ghế xe. Từ đó, cô nhìn khá rõ dì Tư đang cười. Mấy cái
răng cửa gãy làm gương mặt người công nhân lớn tuổi như trẻ lại.
***
Buổi
sáng thứ nhì, Hiền đến trạm đợi xe hơi trễ. Chiều hôm trước, Hiền nhận
được thư của Thành. Cả đêm, cô đọc đến thuộc lòng trang thư ngắn của
người yêu. Anh vẫn khỏe. Công tác không có gì mới. Chỉ buồn vì nơi
đóng quân xa thị trấn huyện quá. Nhà máy mình bây giờ ra sao? Anh chị em
ca A, tổ 3 thế nào? Công viên thành phố đã xây dựng đến đâu rồi?
Hiền
đã viết thư trả lời Thành ngay trong đêm. Nghĩ mãi, cuối cùng cô đã
quyết định không viết dài để trả đũa lá thư ngắn của Thành. Nhưng rồi
viết xong, thư vẫn đầy bốn trang giấy học trò. Phải kể hết thôi. Nhà
máy vừa thông báo chính thức lại hoàn thành vượt mức kế hoạch năm. Đã
có người thay anh trong tổ bảo trì. Nghe nói hơn hai mươi máy dệt mới
lắp đặt sẽ được đưa vào sử dụng sau Tết. Gia đình khỏe cả. Riêng em nhớ
anh quá, cứ thấy thời gian như dài ra. Đôi lúc lười nhác quá thể, bạn bè
rủ đi chơi, cứ từ chối. Nhưng công tác thì anh yên tâm. Vẫn là thợ dệt
tiên tiến đạt năng suất cao trong tổ...
Trạm
đón xe không một người đứng đợi. Hiền ngạc nhiên chưa hiểu tại sao thì
từ đám đông ngồi quanh cái bàn cà phê, giọng một người bạn vang lên:
- Hiền! Tới đây nè.
Cái bàn cà phê thật đặc biệt, chỉ có một ly trước mặt dì Tư. Các cô thợ dệt ngồi quanh, dáng cô nào cũng co ro vì lạnh.
- Ngồi xuống, ngồi xuống mà nghe kể chuyện... Đang tới hồi hấp dẫn ly kỳ rồi... Sao tới trễ vậy hả Hiền?
Hiền
kéo ghế ngồi không đáp. Mà như là người hỏi cũng không cần nghe cô đáp
nữa. Cái chính lúc này là câu chuyện dì Tư đang kể. Một chuyện tình dang
dở ngày xưa... Hiền không mấy hứng thú theo dõi một câu chuyện dở dang,
nhưng vẫn ngồi lặng thinh như chú ý.
Hiền nhìn về phía căn nhà sau trạm đón xe. Ánh đèn nê-ông trong đó hắt ra không phải để người phụ nữ thò đầu ra "Nè các cô để cho người ta ngủ nghê chớ" như
hôm qua nữa. Hiền biết rõ ánh đèn ấy đã sáng cả một đêm. Trên chiếc ghế
bố không mùng, chủ nhà, một anh chàng không nghề nghiệp rõ ràng, chập
chờn trong giấc ngủ đầy ác mộng và tiếng muỗi đói vo ve. Tối hôm trước,
cả khu cổng chợ ồn hẳn lên vì vụ đánh ghen của vợ chồng nhà này. Đâu như
buổi chiều, khi chị vợ từ một góc đường phố nội ô xách cái túi cộm tiền
về đến nhà sớm hơn mọi hôm thì bắt gặp anh chồng đang chuyện trò thân
mật với một cô gái. Người phụ nữ ném cái túi vào một góc nhà - chị ta
vẫn còn đủ minh mẫn để nghĩ đến chuyện sẽ xảy ra mất mát tiền bạc nếu
chị quẳng cái túi một nơi nào khác giữa nhà. Cô gái vội đứng lên. Anh
chồng thì tái mặt sắp sửa phân bua. Đôi mắt chị vợ trừng lên khi chị ta
xông tới bên cô gái, thẳng cánh tát một cái vào mặt cô ta, giọng rít
lên: "Con đĩ! Mày dám vác mặt ngang nhiên tới nhà tao hả?". Chị co một
chân, với tay lột guốc, chân còn lại đá chiếc guốc thứ nhì vào góc phòng
- cái góc chị ta đã ném túi tiền - rồi chạy đuổi theo cô gái. Anh chồng
vội vã chạy theo luôn. Giữa cảnh giằng co của vợ và nhân tình, anh ta
rối rít vẫy gọi một chiếc xích lô: "Làm ơn cho gởi bả, nhớ đạp lè lẹ
dùm. Ráng giúp anh một phen". Rồi anh ta xông tới gỡ vợ ra, đẩy nhân
tình lên xe. Chị vợ vùng vẫy trong đôi tay lực lưỡng của anh chồng. Khi
chiếc xích lô chạy đã khá xa, anh ta mới buông vợ ra. Chị vợ rít lên,
nước mắt giàn giụa: "Anh bênh con đĩ cho nó chạy thoát hả? Đồ vô ơn! Đồ
đàn ông bội bạc!". Anh chồng đi vội vào nhà. Chị vợ theo bén gót. Rồi
với cái guốc trên tay, chị ta cứ thế giáng tới tấp lên tấm lưng vạm vỡ
của chồng, miêng la lớn: "Đồ vô ơn! Đồ bội bạc!". Bà con lối xóm kéo tới
đông kín cả một quãng đường. Anh chồng kéo hai cánh cửa sắt lại. Bên
trong vẫn vọng ra tiếng khóc, tiếng chửi của chị vợ. Rồi có tiếng ly
tách loảng xoảng vỡ...
Tiếng
lanh canh muỗng chạm ly đột nhiên vang thay cho lời kể của dì Tư. Câu
chuyện của người công nhân quét đường có lẽ đã hết. Dì Tư khuấy cà phê
rồi nâng cả ly lên uống một hơi hết sạch.
- Rồi bây giờ, thỉnh thoảng dượng có tới thăm dì Tư không? - Một cô thợ dệt hỏi.
- Ai biểu kêu là dượng? Người ta có vợ con rồi, ai mà thèm nhớ tới mình hả cô.
- Nhưng phần dì Tư thì chắc là có nhớ?
Cái đầu có mái tóc muối tiêu của dì Tư lắc nhẹ. Nhưng đó lại được hiểu là một sự xác nhận.
Xe đã đến và dừng trước tấm bảng trạm đón. Bác tài có lẽ ngạc nhiên vì sự vắng vẻ nơi đây, quên đổi cốt, hai bóng đèn xe cứ pha vàng chói. Các cô thợ dệt đứng vội lên. Có tiếng cô nào đó:
- Tụi con đây nè bác tài ơi!
***
Ngày
cuối của vòng ca sáng, trời lạnh hơn. Buổi chiều hôm trước từ nhà máy
về, lấy xe đạp đi bỏ thư gởi Thành, ba Hiền lại nhắc: "Viết thư cho chị
Thảo mày chưa? Con?". Thế là buổi tối Hiền phải ngồi đọc lại thư chị
Thảo để trả lời. Hiền viết đến gần chục trang pơ-luya mà đêm vẫn cứ trằn
trọc không yên tâm. Nói chung thì cũng đã ổn cả rồi. Nhưng xót xa là
cái bằng kỹ sư hóa của anh Quang và cái bằng dược của chị Thảo đều trở
thành vô dụng giữa một nước Úc không công nhận bất cứ giá trị đào tạo
nào theo hệ thống Mỹ. May mà anh Quang được nhận vào làm ở một nhà hàng,
còn chị Thảo được nhận cho bán vé trên xe buýt.
Thời
tiết lạnh làm Hiền thức giấc sớm, rồi không thể nào tiếp tục ngủ được
nữa. Cô ra trạm đón xe thật sớm. Hôm nay thì quán cà phê vẫn chưa mở
cửa. Trên mấy chiếc xích lô, chủ của chúng co ro trong từng cái mền ấm
hoặc tấm áo mưa nhựa dầy. Xe bán bánh mì đang dọn ra. Tiếng chổi quét
đường từ phía xóm Tỉnh Đội vọng tới, chưa rõ lắm. Hiền ngạc nhiên thấy
cánh cửa sắt căn nhà sau trạm đón xe mở hé, sáng trắng ánh đèn. Người
phụ nữ tóc uốn quăn lại mặc bộ đồ xoa đắt tiền hôm nào đang ngồi thẫn
thờ trên chiếc ghế đu bằng mây. Ánh đèn làm gương mặt chị ta nhợt nhạt
thêm.
- Vô đây cô. Đứng ngoài đó lạnh chết.
Chị nọ bất ngờ gọi Hiền. Cô còn tần ngần cứ ôm cái túi xách trước ngực thì chị ta đã bước ra, nắm tay cô kéo vào nhà:
-
Cô đón xe Nhà máy Dệt phải không? Còn sớm mà. Bộ ở nhà không coi đồng
hồ sao? Trời! Cái tay lạnh ngắt nè... Ngồi đi, ngồi một lát cho nó ấm
lại... Uống với tôi ly nước trà nóng nghen...
Hiền đáp nhỏ:
- Chị để em tự nhiên.
Chị
chủ nhà rót nước mời khách, mặt chị ta ngước lên như dò xét một chút
làm nước tràn ly, nhưng chị ta chẳng buồn lau chùi, cứ tiếp tục câu
chuyện:
- Cô cũng ở xóm cổng chợ này à?
- Không, nhà em bên xóm Nhà Thờ.
- Tôi đi làm ăn tối ngày nên có biết bà con chòm xóm gì đâu... Thiệt tệ quá phải không cô?
Cái
giọng chủ nhà chợt đổi sang mùi mẫn. Chẳng biết tự lúc nào chị ta xưng
là chị, gọi Hiền là em ngọt sớt. Chị ta tâm sự về tình cảnh gia đình.
Anh chồng chị ta vốn là một tay bụi đời ngày trước, chị thương và về
sống chung vì anh ta là người hào hiệp, luôn bảo vệ chở che cho chị thời
đó còn là một cô gái gánh nước mướn. Vài cái áp phe đem lại cho hai
người một số vốn để tậu căn nhà hiện nay. Anh chồng ỷ mình có công lớn
tạo dựng cơ ngơi, dịp sau này giao hết việc kiếm tiền cho vợ. Công việc -
nếu có thể gọi như thế - cũng không lấy gì làm cực nhọc lắm. Mỗi ngày,
chị ta đem tiền xuống chợ tỉnh chia cho các bạn hàng cần vay, chiều thu
lại cả vốn lẫn lãi. Anh chồng chỉ có việc ở không coi nhà và hai đứa con
nhỏ. Vậy mà anh ta vẫn chưa hài lòng. Hai đứa con, anh ta đem gởi hết
về ngoại. Ở không một mình, người đàn ông đó sinh tật. Đã nhiều lần chị
bắt gặp và làm dữ, anh ta vẫn chứng nào tật nấy. Có lần, anh ta còn nói
thẳng: "Bồ bịch chút đỉnh cho vui chớ ăn đời ở kiếp gì đâu mà em lo".
- Trời ơi! Em coi đó - Cái giọng chị chủ nhà mùi mẫn hơn - Chồng với con như vậy thì làm sao chị sống nổi.
Hiền
hơi cúi đầu. Giờ này có thể Thành đang lên ca gác. Không biết những
ngày này ở vùng xa thời tiết ra sao? Thành có lạnh không? Chắc anh đang
nhớ thành phố, nhớ vùng ngoại ô có xóm Tỉnh Đội của anh, có xóm Nhà Thờ
của Hiền, có cái trạm đón xe nơi cổng chợ. Hiền tin là Thành rất vững
vàng, cũng như Hiền đã vững vàng trong chỗ đứng của mình.
Nhiều
cô thợ dệt khác đến trạm đón xe đều lần lượt được mời vào nhà. Chị chủ
nhà bất ngờ trở thành một người hiếu khách. Chị ta lăng xăng đi lấy ly
rót trà mời khách. Chị ta lôi ra bịch bánh ngọt bắt mỗi cô cầm một cái
trên tay mới chịu. Chị ta kể lể nhiều chuyện. Hiền hiểu đó là một cách
đi tìm sự thanh thản.
-
Tối qua ảnh xách túi đồ kêu xích lô đi tuốt - Chị chủ nhà tiếp tục kể
- Mấy em có biết không? Mới đầu chị thấy ảnh chẳng nói chẳng rằng thì
đoán thế nào ảnh cũng viết thư để lại. Ai dè, chị kiếm cùng khắp bàn,
giường, tủ... mà không có mảnh giấy nào. - Chị ta sụt sùi khóc - Mấy em
coi... đàn bà ai mà chẳng ghen. Nhưng chuyện qua rồi thì bỏ đi chớ ai
nhớ đời chi cho cực. Chị chỉ chờ ảnh nói phải quấy với chị vài câu là
chị sẵn sàng tha thứ hết... Vậy mà ảnh lại bỏ đi... Nghĩ phận chị sao
bất hạnh quá...
Căn
phòng đột ngột im lặng hẳn. Chỉ có tiếng khóc thút thít của chị chủ
nhà. Đôi vai trong cái áo xoa cứ rung lên từng chập nhưng hoàn toàn
không phải vì cơn gió lạnh vừa thổi vào nhà. Tiếng chổi quét đường đã
nghe rõ hơn và ánh đèn pha cũng vừa loé lên trong bóng tối. Mấy cô thợ
dệt đứng lên cảm ơn và từ giã chủ nhà. Chị chủ nhà vừa quệt nước mắt vừa
tiễn khách:
- Cám ơn mấy em đã vô chơi với chị nghen...
Xe
chạy quá trạm mới dừng lại ngang quán cà phê đã có hai thanh niên đạp
xích lô ngồi uống. Bác tài rời khỏi ghế lái nói với mọi người:
- Chờ bác một chút! Kiếm thùng nước đổ vô máy cho chắc ăn. Tối qua, mấy cha bạn già rủ lai rai, lỡ quên mất tiêu...
Hiền
ngồi sát bên cửa sổ xe. Vị trí này là của Thành khi hai người còn chung
xe lên ca. Cô nghĩ đến lời than thở của chị chủ nhà khi nãy: "Nghĩ phận
chị sao bất hạnh quá" rồi hình dung vẫn có Thành ngồi bên cạnh. Lòng
Hiền ấm lại.
Nơi quán cà phê, hai người thanh niên đang nói chuyện về vợ chồng chị chủ nhà sau trạm đón xe:
- Thằng cha chồng bỏ nhà đi rồi hả?
- Nghe nói vậy.
- Ôi, vài ngày lại mò về thôi.
-
Tôi biết con nhỏ bồ của chả. Nó là dân chợ trời. Bữa trước tôi chở bà
xã đi chợ tỉnh, đứng đợi bả bên đường. Nó tới hỏi tôi: "Có gì bán không
anh?". Tôi lắc đầu: "Tôi đâu biết buôn bán". Nó liền nói: "Thì học buôn
học bán với người ta". Tôi nói: "Có ai dạy buôn bán đâu mà học". Nó cười
ngỏn nghẻn: "Em nè". Rồi con mắt có đuôi của nó liếc tôi một cái điếng
hồn trước khi nó ngoe nguẩy băng qua phía bên kia đường đuổi theo một
người khác xách cái túi đồ khá nặng...
- Chuyện nghe hay đó. Nhưng anh có kể cho bà xã nghe chưa?
- Ai dại gì mà kể. Để bả ngắt nhéo à?
Hai
người thanh niên cười với nhau vui vẻ. Trên xe, bác tài cũng vừa ngồi
vào chỗ lái. Xe từ từ lăn bánh. Hiền ngoái lại phía sau. Chị chủ nhà sau
trạm đón vẫn còn đứng trước hiên. Dì Tư lom khom cái lưng hơi gù gom
rác lại, điếu thuốc rê cháy sáng trên môi.
Buổi sáng vẫn lạnh rất vô tình. Gần Tết âm lịch rồi.
KHÔI VŨ (tác giả giữ bản quyền)
____________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét