Thế là lại hết một năm, cũng là hết một thập niên của thế kỷ 21. Suốt một tuần nay miền Bắc rất lạnh. Cái lạnh giá hun hút trên con đường tôi đang đi. Ước gì mình giàu, thật giàu để có một trong những chiếc xe du lịch bóng lộn đang chạy cùng chiều kia mà ngồi trong cho ấm áp. Những chiếc xe đeo biển số tư nhân ấy của những đại gia, những ông chủ doanh nghiệp.
Ngày đông lạnh giá có lẽ cả nhà họ đang đi ngược lên Sa Pa xem tuyết rơi. Họ thật là hạnh phúc. Đất nước đã cho họ sự giàu sang, hạnh phúc, cơ chế đã cho họ sự chiếm dụng, hưởng thụ hơn người, hơn cả sự cống hiến của mình - tôi nghĩ vậy.
Gió bắc thổi mạnh, tôi càng thấy lạnh hơn. Thêm cái lạnh từ trong lòng lạnh ra khi nhìn những bà mẹ, những người chị đang cặm cụi cấy lúa trên những thửa ruộng bên đường. Hóa ra mình còn ấm áp, hạnh phúc gấp nhiều lần những người nông dân dầm mình trong giá rét trên cánh đồng kia. Họ-người nông dân Việt Nam của thế kỷ 21 vẫn lầm lũi với cuộc đời cày cuốc buồn cũ như màu đất ruộng quê nghèo. Ngày cuối năm, khi những cán bộ, công chức (có lẽ chủ yếu là các nhà quản lý kinh tế, nhân viên các doanh nghiệp chuyên tiêu tiền của nhà nước một cách vô tội vạ như Vinashin) đang đếm tiền thưởng cuối năm, nghe nói có nơi tới hơn một nửa tỷ đồng/1 người, thì những người nông dân trên cánh đồng vẫn cặm cụi cấy cày họ không bao giờ có "tiền thưởng", mặc dù họ đã làm nên một kỳ tích, một thương hiệu vĩ đại cho Việt Nam. Đó là đưa đất nước từ một nước đói thiếu quanh năm vác rá đi xin ăn khắp hoàn cầu trở thành một nước nhất nhì xuất khẩu gạo. Vậy mà họ chưa một lần được thưởng, dù chỉ là một khoản tiền thưởng nhỏ nhoi bằng một phần nghìn, phần vạn của những ông quan tham nhũng. Vậy nên cái đích phấn đấu đi đến "công bằng xã hội" còn hun hút xa vời vợi, còn lắm gian nan...
Qua thị trấn Phúc Yên trời đã sâm sẩm tối. Khi thấy anh công an giơ chiếc gậy lên ra hiệu dừng lại, tôi chợt nhớ ra là mình đang ở một trong hai nơi "nổi tiếng" của ngành giáo dục nước nhà. Nơi nổi tiếng thứ nhất là ở Hà Giang, nơi có thầy hiệu trưởng Sầm Đức Xương chuyên tâm tổ chức mồi chài cộng điểm học lực và điểm đạo đức cho nữ học sinh vị thành niên rồi ép dâm, lập thành đường dây chuyên cung cấp cho cán bộ tỉnh mua dâm trẻ em. Đến nỗi làm cả vị quan đầu tỉnh phải tan hoang cơ đồ sự nghiệp sau bao nhiêu năm rèn luyện phấn đấu đi theo cách mạng. Và, nơi nổi tiếng thứ hai của ngành giáo dục chính là nơi tôi đang đứng đây. Thị xã Phúc Yên, nơi có thầy hiệu phó Nguyễn Văn Huân ở trường THPT Bến Tre tống tình học trò của mình đến nỗi cô bé này phải tự tử vì xấu hổ. Ngành giáo dục trong năm 2010 có hai sự kiện nổi tiếng tai và tiếng như thế thật không xứng đáng với phong trào "hai không" mà ông Bộ trưởng mấy năm ồn ào phát động. Phong trào ấy tưởng là nhanh chóng thu về kết quả lẫy lừng, làm cho ngành giáo dục Việt Nam ngang tầm quốc tế nào ngờ cuối cùng cũng chỉ khiến cho một thầy giáo "cảm tử quân" chống tiêu cực ở Hà Tây phải bỏ nghề. Vậy sau những sự vụ động trời như vậy thì sau một thập niên của thế kỷ 21, sự nghiệp giáo dục của ta hiện nay đang đi đến đâu?
Thôi đó là chuyện của cấp trên, của kiến trúc thượng tầng xã hội. Sự suy tư bức xúc của mỗi con người nhỏ bé cũng chẳng làm cho xã hội chuyển biến, tiến lên. Đêm cuối năm hãy để lòng mình đôi chút thanh thản đợi chờ mùa Xuân đang đến rất gần. Xuân vẫn sẽ về cho dù gió bắc lạnh lẽo còn xôn xao ở phía chân trời. Quy luật của thiên nhiên qua thời gian là bất biến. Vũ trụ chỉ quay theo một vòng quay cố định. Còn quy luật của xã hội là vạn biến. Mọi sự việc trong vòng quay xã hội đều hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Con người là tổng hoà của mọi mối quan hệ xã hội. Con người sáng tạo nên quy luật cho mình. Quy luật ấy là sự phát triển và đào thải. Mọi sự ngáng trở, sự kìm hãm chỉ có ý nghĩa nhất thời.
Một năm mới đang đến. Mùa Xuân đang trở về rồi. Đêm cuối năm, tôi thao thức với sự lan man trong cảm nhận đất trời đang chuyển dần về phía bình minh.
TRỌNG BẢO (tác giả giữ bàn quyền)
_______________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét