(BÔNG TRÀM) Trong quá trình sưu tầm, thực hiện
chuyên đề đặc biệt “Kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà văn Mai Văn Tạo”, may mắn thay Ban
chủ nhiệm BÔNG TRÀM tìm được truyện ngắn “Chết trong cảnh đói” của nhà văn Mai
Văn Tạo, được in trên báo Tiếng Dội (Sài Gòn) vào tháng 8/1947 - hơn 60 năm
trước. Nhằm tạo điều kiện giới thiệu tác phẩm của Mai Văn Tạo đến bạn đọc
Internet, Ban chủ nhiệm BÔNG TRÀM đã đánh máy lại truyện ngắn này và cho vào
chuyên đề đặc biệt hôm nay. Mời các bạn cùng theo dõi.
(Lời tòa soạn báo Tiếng Dội) Sống trong ánh sáng tô thành, người ở
chợ có bao giờ nghĩ đến cuộc đời đau khổ của dân chúng đồng quê ? cái khổ thời
qua có khác gì cái khổ thời nay. Nhưng, tựu trung, vẫn là một nỗi thương tâm
không bờ bến ! Câu chuyện sau đây không địa điểm, có một tánh cách bao quát, mà
mục đích để ghi nỗi đau khổ của dân quê. Bao giờ người ta mới nghĩ đến họ…
* * *
Một chiều tháng tám, cách đây 5 năm.
Một chiều mưa gió não nùng, mẹ tôi gọi vội chị tôi lấy nạn
cây đẩy hai cái tử thi đang trôi bập bều gần bến.
Để tránh những thảm cảnh ấy, mẹ tôi bảo làm rào tre quanh
nhà. Nhà tôi đã kê gần đến mái lá. Ban đêm hơi nước xông lên oi bức lạ thường.
Mực nước càng ngày càng lên dữ dội. Chỉ có ba ngày mà chỉ một cánh đồng lúa bát
ngát xanh tươi chôn vùi dưới nước.
Những thuyền đánh cá đêm như ngày, đánh cuộc số mạng với
thiên nhiên. Kiếp sống như một cánh bèo con cửa bể. Những tiếng hú nhau giữa
lúc giông to, khiến cho người nhà khôn xiết lo sợ
Cánh đồng không còn một cây cỏ. Tha hồ những lượn sóng hành
hung. Nhiều đoạn đường bị vỡ, nước chảy mạnh ghê người. Thuyền qua lại chỉ hơ hỏng
một chút là bị cuốn theo dòng nước đổ. Ngày có sóng gió thì tiếng kêu cứu của kẻ
đắm thuyền trên sông không ngớt. Trên bờ cảnh đói rách không thể tả cho hết được
Hai năm, hai lần nước lụt, sóng gió vùi chôn biết bao sản
nghiệp của nông dân. Không ai lấy đặng được một hột lúa ! Người ta đã góp tất cả
vốn liếng, có người không có vốn phải vai mượn chu đủ làm mùa. Họ tin tưởng dầu
sao trời cũng không thể hại một cách nhẫn tâm. Tuy mọi người cố gắng lắm mà mùa
năm nay vẫn thấy nhiều khoảng đất trống, vì chủ nhân không có thể vai mượn vào
đâu được nữa. Những chủ khoảnh đất bỏ trống ấy phần nhiều đã bỏ “xứ” ra đi đến
“xứ” khác để tìm sinh kế hoặc đi để trốn nợ nần. Hay còn ở lại chịu cảnh nghèo
đói lang thang…
Nhà ông phó Tuần, cũng như nhiều gia đình khác có đến tám đứa
con. Đứa gái lớn gần hai mươi, suốt ngày lên núi lầy củi đem về bán đổi gạo. Thằng
trai thứ hai thì ra đồng đánh cá mà mấy hôn nay trở trời, giông gió dữ quá, mẹ
nó không cho nó ra khỏi nhà. Thà chịu đói tạm còn hơn bất đắc kỳ tử. Đứa gái thứ
ba lẩn quẩn theo vườn hái rau, bứt lá, mỗi sáng ra chợ nó bán cùng gần được năm
xu. Ở chợ về nó mua hết hai xu muối, hai xu dầu và một xu giấy cho cha nó.
Ông Tuần vả bà Tuần thì lo vun quén nương khoai mì, ban đêm
phải lo canh giữ. Mì đã có củ lớn hơn ngón tay, nếu lơ đễnh gặp kẻ cắp phá thì
vận mạng của gia đình càng khốn.
Nhưng ba hôm nay, mưa gió dầm dề, đứa gái lớn không thể lên
núi được, lại lên cơn sốt từ hôm qua. Thằng trai thứ hai cũng bó gối bên cạnh mấy
rường câu không làm gì được. Cố lắm đứa gái thứ ba vẫn được mỗi ngày năm xu. Nó
lại không mua muối mua dầu nửa. Số tiền ấy phải lấy một ít gạo đem về. Một
lít gạo cung cấp cho mười người ăn một ngày ! Bà Tuần bỏ một nửa vào cái nồi lớn,
đỗ nước thật nhiều nấu cháo cho cả nhà húp tạm. Sáng nay con bé lại đau. Cả nhà
nhao nhao khổ sở
Đã xế trưa mà không có vật gì trong bụng, hai đứa nhỏ khóc sụt
sùi. Người đau thì năm thiêm thiếp không thuốc uống, phần đói, sắc mặt xanh nhợt
trong rất ghê. Ngồi nhìn cảnh gai đình đang oằn oại trong cơn đau đói, bà Tuần
không cầm được nước mắt. Biết làm thế nào ? Xoay trở ra sao đây, bà lặng thinh
để cho đau khổ dày vò. Ông Tuần đã hai hôm không hút được một điếu thuốc lá, ngồi
đan gượng mấy nếp lờ, lâu lâu lại thở dài
Ngoài trời mưa dầm dề. Trong túp nhà ấy, lạnh lùng khác lạ.
Ông Tuần nhìn vợ :
- Mẹ nó bây giờ chưa cơm cháo gì cho chúng ? Đau lại
đói thì nguy lắm. Mẹ nó ra đám bắp bẻ hết vào luộc cho chúng ăn tạm đi. Trồng
muộn để cũng không được gì !
- Bắp chưa có hột ăn thế nào được ?
- Ấy, nó có chất ngọt trong cùi non ăn đỡ lòng được. Mẹ
nó nghe tôi mà !
Thấy chồng quả quyết, bà Tuần đội cái nón lá tất tả ra
nương. Ông Tuần cất mấy bếp lờ vào một xó, lấy búa đoạn một khúc cây khô để làm
củi chờ vợ đem bắp về. Mưa chiều phong cảnh âm u, buồn não ruột. Bà Tuần bưng
nong bắp về đến nhà thì mình mẩy ướt dầm, phải sốt rét vì trúng nước. Thật bối
rối như tơ vò ! Lo đánh gió xong cho vợ, ông Tuần nhúm lửa luộc cùi bắp non và
hong quần áo ước của bà Tuần.
Gần chạng vạng ông gọi cả nhà ngồi quanh nong cùi bắp, ăn một
cách ngon lành với chén mắm kho. Bà Tuần vì cảm nặng không thể ăn được. Cơn sốt
rét lên đến cùng độ, không một nhỏ thuốc vào lòng, đến nửa đêm bà trăn trở
không yên. Cơn mệt đến từng hồi. Giữa lúc xóm làng xác xơ đói khổ, ông Tuần,
không còn phương vay mượn vào đâu. Chỉ ngồi nhìn vợ đang rên la trong tay thần
bệnh.
Ông buồn rầu khấn vái Phật Trời cho tai qua nạn khỏi. Bà Tuần
mỗi lúc yếu dần. Nhà tối ôm không ánh sáng. Rờ trán vợ, ông ái ngại vô cùng. Tiếng
bà Tuần rên mỗi lúc một nhỏ. Cả nhà điều thiêm thiếp không hay gì cả.
Gió mưa càng rầu rĩ. Bà Tuần đã hấp hối, thở gấp một hồi rồi
tắt thở. Nhà không có chút lửa. Ông Tuần chùi nước mắt mấy lần, rồi lay gọi các
con :
- Mẹ chúng bây mất rồi, dậy đi con ơi !
Lũ trẻ nghe gọi vùng dậy xúm quanh xác mẹ, òa lên khóc. Thật
là cảnh não nùng giữa đêm mưa bão.Ông Tuần phải sang hàng xóm mượn đèn. Rồi,
xung quanh người chết, những tiếng khóc cứ âm thầm nức nở dưới ngọn đèn lu mờ
như sắp tắt. Đó là những tiếng than thở đau buồn của những cõi lòng khốn khổ
không biết ngày mai !
Và ngày mai của gia đình ấy lả cả một tang khó, một cảnh đời
không ánh sáng.
MAI VĂN TẠO (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỈ NIỆM 10 NĂM NGÀY MẤT NHÀ VĂN MAI VĂN TẠO (3/7/2002 - 3/7/2012)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét