Má chồng tôi biết chữ rất
ít, chỉ biết kí gọn lỏn một cái tên “cúng cơm” của mình. Bà kể, bà cũng tham
gia lớp bình dân học vụ cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng chữ thì “trả” cho thầy
hết rồi, đến nỗi dù rất thích những bài viết của tôi về quê hương Thanh Mỹ - quê
chồng của bà, viết về ông, về bà, về những đứa con đi hoạt động cách mạng - người
sống, người đã chết, thì thật tội nghiệp, bà dò từng chữ cả ngày mới đọc được hơn
trang.
Sau này, có một ngày
chủ nhật rảnh rỗi, cô con dâu “không hẹn trước” này đã ngồi đọc từng trang viết
của mình cho bà nghe. Và chính bà đã “nhặt hạt sạn”, một chi tiết rất nhỏ trong
tác phẩm truyện kí: “Đêm giải phóng Thanh
Mỹ” của tôi. Khi tôi viết: … dân lợp
nhà bằng lá. Bà nói: Làm gì có lá.
Lợp và dừng nhà bằng đưng….Rồi bà còn nói: Hồi đó cơ cực lắm, bay viết vẫn chưa đủ…. Mỗi khi tôi viết những
bài về thời kháng chiến, người đầu tiên tôi nhờ “hiệu đính” thường là bà và chị
Hai, chị chồng tôi. Bà là kho tàng vô tận về chủ đề này để tôi khai thác.
Tôi còn nhớ mỗi khi hỏi
bà về chuyện “ngày xưa”, bà kể hoài không biết chán. Đó là những ngày ông đi
hoạt động, đứa con gái lớn Ánh Vân trốn nhà đi giao liên, thằng Năm Thường bị
thương nặng, Bảy Khiêm 12 tuổi cũng vào rừng theo cha, anh chị. Tôi lại liên
tưởng tới hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu về sự tiếp nối thế hệ vô cùng thiêng
liêng như ông và các con ông, để ngày giải phóng quê hương đến gần hơn: Lớp cha trước, lớp con sau. Đã thành đồng
chí chung câu quân hành.
Chiến tranh bom đạn liên
miên, gia đình phải tản cư chạy giặc hết chỗ này đến chỗ khác. Không có nổi một
mảnh đất cho riêng mình, bà phải làm mướn đủ nghề thay chồng nuôi tám đứa con. Rồi
năm 1967 ông hy sinh sau buổi họp chi bộ, bởi một miểng đạn pháo oan nghiệt
ngay trước mặt bà, không có được một tấm hình để nhang khói. Chết vậy, nhưng
nào có yên. Hai lần bom bỏ trúng ngay mộ ông. Bà chỉ còn chôn lại một nắm đất,
không biết trong đó có xương thịt của ông không?
Tiếp nối chất chồng đau
đớn, thằng Tư Khinh đi bộ đội ở Bến Tre lại không trở về khi mới vừa mười sáu
tuổi, tới nay vẫn không tìm được hài cốt. Nợ nước, thù nhà, càng làm cho bà
thêm căm hận, chai lỳ. Đêm đêm, sau khi cơm nước cho bầy con xong, bà lại bơi
xuồng đưa rước cán bộ, tham gia vót chông, làm cản với du kích, ngăn bước tiến
quân của tụi Mỹ ngụy càn vào căn cứ kháng chiến, tìm mọi cách bắt các đồng chí
lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy Kiến Phong ở đường kinh 1, ấp Lợi An, xã Thanh Mỹ.
Hay bơi xuồng từ xã Thanh Mỹ ra tận quận Cao Lãnh đi biểu tình. Nhiều lần bà và
đứa con gái bị chúng bắt về đồn tra tấn, đổ nước xà bông ào ào vô mũi, miệng, đánh
cho những trận “thừa sống thiếu chết”. Thế mà bà vẫn không biết sợ là gì, được
thả ít ngày lại tiếp tục đi nữa…. Tôi hiểu ra: Bà là một trong những người phụ
nữ bình thường của xã Thanh Mỹ anh hùng thời kháng chiến, đã nghĩ và làm như
câu nói nổi tiếng của chị Út Tịch thời ấy: “Giặc
đến nhà đàn bà cũng đánh” và “Còn cái “lai quần” cũng đánh”!
Tôi đã sống bên bà gần
gấp đôi thời gian tôi sống bên mẹ tôi. Nếu không có bà, làm sao tôi trở thành
vợ anh - con trai bà, mặc dù lúc ấy con trai miền Nam lấy một cô gái miền Bắc
không nhiều, đặc biệt ở vùng sâu Đồng Tháp Mười như quê anh. Bà im lặng, tôi
hiểu: Bà không từ chối nhưng cũng không “mặn mà”. Thế nhưng bà vẫn đóng cửa
nhà, ra Sa Đéc lo cho đám cưới của chúng tôi chu đáo, không có dư nổi chỉ vàng,
bà mượn chị chồng tôi một đôi bông tai tiền điếu bọc cẩm thạch bằng vàng 24K,
tặng tôi làm kỷ niệm cho con dâu theo phong tục trong Nam, dù tôi nói: con không
cần má à, miễn là yêu nhau, chúng con được sống bên nhau. Trong thâm tâm, tôi
không hề trách bà đã không “nhiệt tình” tiếp nhận thêm tôi là thành viên của
gia đình, bởi tự nhiên “trên trời rơi xuống” có một cô con dâu “không phải
người Việt”, giọng nói trọ trẹ nghe không được, chỉ biết “bò” qua cầu khỉ, tái
xanh tái mét khi nhìn thấy con đỉa, làm con cá, nấu một món đồ ăn không xong….chỉ
được: có học. Sau này khi gần gũi tâm tình, bà vừa thật, vừa đùa với tôi như thế!
Còn
nhớ lúc chồng đi học trên Sài Gòn, tôi bụng mang dạ chửa thằng con lớn, tiền có
dư đâu mà gởi cho anh. Thỉnh thoảng về nhà thăm bà, bà nghĩ cuối tháng thế nào tôi
cũng về quê. Bà thường chở lúa đi xay sẵn, để đó ít nhất một hai giạ gạo, để
tôi “vô tư” về lấy, bà nói: Tao không có
tiền, chỉ có gạo, bay muốn lấy bao nhiêu cũng được. Không về được, má gởi tàu
ra!.... Rồi hai thằng con tôi - Minh Nhật, Nhật Minh đi học, thỉnh thoảng
về bà hay dấm dúi cho mỗi đứa một hai trăm ngàn nói để mua bánh ăn. Chúng biết
bà ít tiền, chỉ dành dụm từ tiền trợ cấp liệt sĩ ít ỏi hàng tháng nên không
chịu lấy. Bà phải nói: Lấy đi cho nội
vui, khi nào thành tài về nuôi nội, dòng họ này hy vọng vào các con….Tôi cứ
sững cả người khi nghe bà nói với hai đứa con tôi như thế. Bà ít học, ít chữ,
suốt đời lam lũ với đồng ruộng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để thay
chồng nuôi con, cứ 12 -13 tuổi là bà cho đi theo cách mạng hết, không kể trai
hay gái, nhưng nhận thức của bà về học hành, về tri thức khoa học thời nay không
hề nhỏ. Con tôi vẫn còn đang học, hết trung học, tới đại học rồi sau đại học, bây
giờ muốn nuôi bà cũng không được nữa rồi!
Có nhiều lúc bà lại
thắc mắc: Sao chính sách của mấy “ông” nhà nước thật lạ kỳ. Hy sinh hai người,
một người thì không được bà mẹ Việt Nam anh hùng, mà phải là ba người
mới được. Bà lý giải một cách đơn giản theo “kiểu” của bà: Chết cho dân cho nước thì cái chết nào mà không phải anh hùng. Dù có
đóng góp cho nước một người thì trong lòng người mẹ, người vợ nào cũng đau, đau
lắm, giống như ai lấy dao lóc từng miếng thịt mình ra vậy. Tôi phải ngồi
giải thích mãi. Không biết bà có hiểu không, nhưng bà vẫn cứ ấm ức hoài.
Hai tháng mười hai ngày,
các bác sĩ đã giành giật bà từ lưỡi hái tử thần, từng giây, từng phút, từng
ngày, chúng tôi cầu mong bà sẽ qua khỏi, để sống thêm với con cháu, để đón nhận
danh hiệu cao quí: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bù đắp phần nào những hy sinh, mất
mát của bà cho chồng, con và đất nước, nhưng thật xót xa, bà đã không chờ được….
Giờ đây bà đã trở về
với cát bụi hư vô. Chúng tôi đã mất đi một chỗ dựa tinh thần không có gì thay
thế được, tuy vẫn biết rằng quy luật của con người thì không ai tránh khỏi kiếp
luân hồi: Sanh - Lão - Bệnh - Tử. Trong căn nhà của mình, đứng ở đâu, chỗ nào,
tôi cũng luôn thấy hình bóng của bà hiển hiện. Bà đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng
cuộc đời và nhân cách của bà mãi mãi là tấm gương sáng cho các con, các cháu
noi theo.
Đây là “tác phẩm” cuối
cùng, con không thể nhờ má “biên tập” được rồi!
Thắp một nén nhang thơm
trước vong linh của má. Má ơi, con thương nhớ má vô cùng! Đứa con dâu này xin
vĩnh biệt má!
Cám ơn người má chồng yêu quý của con!
PHẠM THỊ TOÁN (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét