Tôi thì không thích kiểu vô tâm này, bởi không ai muốn mang cái tên lạ huơ lạ hoắc chẳng “ăn nhậu” gì với mình. Và cái đất nước xa xôi kia cũng không hài lòng khi tên mình… bị lấy đệm cho một xã cù lao nhỏ xíu nhỏ xiu! Tôi lại thích gọi Tân Lộc bồng bềnh. Bồng bềnh mà không trôi nổi, dật dờ; không bị xói mòn, lở loét; không bị khinh khi, miệt thị. Bồng bềnh như mời gọi, như níu kéo chân người tìm đến để rồi da diết, đau đáu lúc chia xa! Tôi biết được điều này khi lần đầu tiên tôi đến Tân Lộc. Nhưng trước đó, trong suy nghĩ của tôi, đã là cù lao thì phải ngăn cách đò giang, phương tiện đi lại chỉ có ghe xuồng, người dân cơ cực, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi nhớ mấy năm trước tôi qua một cù lao, không phải trẻ em mà cả người lớn cứ vây quanh xem cái ca-mê-ra với đôi mắt vo tròn hình dấu hỏi: “Máy nhỏ xíu mà quay được hình mình vô đó, ngộ quá hén!”. Vừa tức cười, vừa thương mà nghe lòng buồn se sắt, đau xon xót! Tôi đến Tân Lộc mang theo hình ảnh thuở ấy, mơ hồ nhận ra nếu khác chăng cũng chỉ đôi chút, nét xưa sẽ phảng phất, hiển hiện đâu đó trên vùng cù lao này. Thế nhưng, khi đến đây, tôi, đúng, chính tôi cảm thấy mình đang bồng bềnh chứ không phải Tân Lộc!
Từ trên cao nhìn xuống, Tân Lộc không tròn mà dài như hạt lúa, củ khoai, nằm giữa tách đôi dòng sông Hậu làm hai nhánh: sang bờ này là Cần Thơ, sang bờ kia là Đồng Tháp. Với diện tích 3.263 héc-ta, chiều dài 22 kilômét, rộng từ 700 - 1.200 mét. Đó là do phù sa bồi đắp hàng trăm năm mới được như vậy, chứ thời khai khẩn có đáng là bao. Hồi cuối thế kỷ 19, nơi đây chỉ có hai làng: Tân Lộc Đông và Tân Lộc Tây thuộc tổng Định Mỹ, sau đó phân chia ranh giới thành hai xã. Mãi đến năm 1989, hai xã sát nhập lại thành xã Tân Lộc. Chính chữ “Tân” đã nói lên sự mới mẽ và non trẻ của vùng đất mang nhiều “Lộc mới”. Non trẻ chỉ là cái tên thôi, chứ nơi đây đã từng chứng kiến những thời khắc lịch sử, tuy không to lớn trong các cuộc lửa loạn binh đao cùng dân tộc nhưng đã góp phần đáng kể vào quá trình bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Xa lắm, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, khi Nguyễn Vương - Nguyễn Phúc Ánh trên đường chạy trốn nghĩa quân Tây Sơn đã dừng lại ở tả ngạn Hậu Giang trú ẩn. Một lần, chúa Nguyễn chèo thuyền qua cù lao, giữa trời nước mênh mông thấy một dải đất phù sa chạy dài từ đông sang tây với những cồn cát mịn màng, những rạch bần, bãi lác xanh biếc, dưới nước có nhiều cá tôm từng đàn vẫy lội, ông quyết định để lại một số thuộc hạ, trước làm tai mắt dò la động tĩnh của nghĩa quân Tây Sơn, sau là thực hiện ý đồ khai hoang lập ấp, làm bàn đạp bình định những vùng tiếp theo. Tôi không có ý định tìm lại “dây mơ rễ má” những con người nghèo khổ, cơ hàn, những tù nhân lưu đày, vượt ngục muốn thoát khỏi sự hà khắc của hai triều Trịnh - Nguyễn xa xưa đã tụ hội về đây xua đi cái vắng lặng, hoang sơ giữa miền cù lao sông nước. Cũng không phải tìm lại những người đã tham gia thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thốt Nốt. Bởi từ ngày ông Trần Mão - thân sinh của bà Trần Thị Trung Chiến, Bộ trưởng Bộ y tế - được bầu làm Bí thư Chi bộ, tiếp đến là ông Lý Hoà Khánh, đồng thời Chi bộ cử ông Trần Ngọc Tôn ra làm xã trưởng (hợp pháp) để giữ thế với làng xã và có điều kiện xây dựng cơ sở cách mạng thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng, đến nay đã 63 năm. Trong gần hai phần ba thế kỷ ấy, thời gian trôi dằng dặc qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, có người chuyển địa bàn công tác, hoạt động bí mật, có người tham gia chiến đấu và anh dũng hy sinh, có người ra đi vì tuổi già sức yếu, nào còn ai là đảng viên Chi bộ của ngày xưa nữa đâu?!
Về Tân Lộc, tôi không có ý định tìm xem những ngôi đình, chùa, miếu được xây cất bằng cây lá tạm bợ hay khang trang đúng quy cách hay theo kiến trúc đình Nam bộ của tiền nhân để lại. Cho dù biết rằng, chín mươi chín năm trước, đình phía tây thờ công thần nhà Nguyễn - Châu Văn Tiếp, gần hai mươi năm sau, đình phía đông thờ “Thành Hoàng Bổn Cảnh” đã chính thức xây dựng kiên cố. Từ khi có hai ngôi đình này, tuy còn mới mẻ nhưng đã đáp ứng lòng tin của người dân vào thần linh yên tâm làm ăn sinh sống, đồng thời, việc sinh hoạt, lễ hội dân gian hàng năm được tiến hành trọng thể, phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc được chấn hưng khôi phục giúp cho những người có nguồn gốc tứ xứ đoàn kết gắn bó vươn lên trong cuộc sống. Tôi về Tân Lộc cũng không phải tìm kiếm hậu quả để lại sau hơn 30 năm chiến tranh chấm dứt, không phải tìm những mất mát đau thương trên mảnh đất và của con người cù lao thời kỳ đánh Pháp, đuổi Mỹ xâm lược. Bởi vì, trong hai mươi năm đánh Mỹ, Tân Lộc là “vùng trắng”, chưa oằn mình dưới bom đạn kẻ thù. Do vậy mà sự yên bình cứ tràn đầy viên mãn, phù sa cứ ngọt mát, cát vàng cứ óng ánh bãi bồi, đất đai cứ màu mỡ phì nhiêu, hoa lá cứ nguyên vẹn thắm xanh… Tôi về Tân Lộc là tìm đến những người có một tuổi thơ êm đềm, bình lặng giữa mênh mông cù lao, không biết đến giây phút hồi hộp, run sợ theo mẹ xuống hầm tránh pháo, trốn bom, như thể trên dãy đất hình chưa S này chưa hề có chiến tranh. Giờ đây, thế hệ ấy đang từng ngày dốc sức làm thay đổi gương mặt Tân Lộc sáng rực rỡ, tươi roi rói, đầy thơ mộng!
Anh Đỗ Thanh Hoàng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Tân Lộc chở tôi bằng xe hon-đa hướng về phía tây trên con đường nhựa hoá, xuyên qua những dãy nhà tường vôi trắng xoá, dãy nhà lầu kiên cố với kiến trúc hiện đại. Anh Hoàng nói rằng, tên gọi “Đảo Ngọt” xuất phát từ đây. Ngược thời gian một chút quay về thập niên 50 của thế kỷ trước, người dân nhận thấy đất hẹp không phù hợp với trồng lúa nước nên chuyển 1.700 héc-ta sang trồng mía. Để tiêu thụ nguồn nguyên liệu dồi dào này, hai cơ sở chế biến đường được hình thành với sức kéo bằng trâu, bò. Hai mươi lăm năm sau tăng dần lên 19 cơ sở, mỗi cơ sở có công suất từ 0,8 đến 1,5 tấn đường mía/ngày, hàng năm cung cấp trên 1.000 tấn đường ra thị trường, riêng Sài Gòn tiêu thụ 600 tấn đường mỗi năm. Song, điều đáng buồn là từ năm 1995 - lúc đó nơi đây có 50 lò đường và trên một ngàn cơ sở kết tinh đường cát, sản xuất trung bình 40.000 tấn đường/năm - người dân trồng mía bị điêu đứng do giá cả bấp bênh, có hộ nuốt nước mắt nhìn đám mía thành những… bó củi. Vậy là, trải qua ngót bốn mươi năm, ngành chế biến đường chết dần chết mòn trong đau đớn, xót xa, chấm dứt “một thời vàng son” đã được ghi nhận bằng cái tên khá ấn tượng là “Đảo ngọt”. Tôi đã đến một số cơ sở chế biến đường của: Tư Mận, Năm Phậm, Hai Dẹo, Năm Khi, Sáu Bé... Đứng đây, nghe từ trong sâu thẳm lòng đất dậy lên mùi thơm ngan ngát của mật, vị ngọt lịm của đường, nhưng nhìn máy móc, nhà xưởng bị bụi bám, nhện giăng, rêu phong vì năm tháng chợt thấy lòng mình chùng xuống ngậm ngùi, bồng bềnh trong gió chiều sông Hậu!
*
* *
- Cuộc sống không thể dựa vào nghề trồng mía và chế biến đường cát, người dân chuyển sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày như: đậu, bắp, cải, cà chua, dưa hấu… Do đất cồn màu mỡ, phù sa bồi đắp quanh năm nên hiệu quả và lợi nhuận khá cao, gấp năm đến bảy lần trồng lúa ở đây và gấp mười lần so với lúa một vụ bên đất liền. Một số hộ “có gan” đầu tư đào ao, đóng bè nuôi cá tra, cá ba sa. Tính toán thấy thu nhập từ con cá mang lại lớn nên người dân mạnh tay vay vốn chuyển sang nuôi cá. Hiện nay, toàn xã có trên 300 bè và 150 héc-ta ao nuôi cá, sản lượng cá nuôi lên đến 14.000 tấn.
- Có thời gian người nuôi cá mất ăn mất ngủ vì nó, phải không anh Tám?
- Đúng. Cũng có lúc lận đận lao đao chứ không phải như người ta hay ví von “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Ví như đợt bão lũ năm 1994 - 1995, năm 2000 đã gây thiệt hại khá lớn. Rồi vụ các công ty Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá dẫn đến việc không xuất khẩu được làm cá rớt giá thảm hại. Có gia đình trắng tay, thậm chí nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, thị trường cá giờ đã ổn định và có chiều hướng tăng giá, nếu tính thời điểm hiện nay, giá cá 14 ngàn một ký thì một ngàn mét vuông mặt nước sẽ thu được 50 tấn cá, trong đó lãi trên 200 triệu đồng.
Tôi tròn xoe mắt nhìn Bí thư Đảng uỷ xã Đỗ Văn Tám. Anh cười:
- Vậy người ta mới gọi Tân Lộc là “Làng Cá” chớ!
Trong cách nói của anh Tám có niềm tự hào sâu sắc về quê hương mình. Vâng, anh sinh ra và lớn lên ở đây, bốn mươi hai năm gắn bó với cù lao này anh đều chứng kiến từng bước phát triển của Tân Lộc, đặc biệt trong thời kỳ đất nước đổi mới, thế hệ của anh hăng hái tham gia và tích cực xây dựng xã nhà, đánh thức cù lao sau một giấc ngủ dài tưởng chừng như quên lãng. Xin được nói thêm, trước khi giữ chức Bí thư, anh Đỗ Văn Tám đã trải qua nhiều cương vị khác nhau như: sinh viên trung học sư phạm, Tổng phụ trách trường trung học cơ sở, Bí thư Đoàn xã, Uỷ viên phụ trách Văn hoá - Xã hội, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, Trưởng Phòng Hạ tầng - Kinh tế huyện Thốt Nốt và… quay về làm Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lộc. Thế nên anh hiểu tiềm năng của đất cù lao còn ẩn chứa nhiều, nhiều lắm nhưng chưa được khai thác một cách có hiệu quả, vậy là các anh bắt tay nhau hoạch định dự án lớn mang tầm chiến lược lâu dài!
Đêm đó, chúng tôi cùng ngồi trong ngôi “nhà rông” của anh Tâm. Các anh gọi vậy bởi kiến trúc giống như nhà của đồng bào Tây Nguyên. Nhà anh Tâm cất gie ra sông Hậu, sàn lót ván, lan can bao quanh bằng gỗ vuông, mái đứng lợp lá dừa nước, loại lá xé. Tất cả kỹ càng, công phu, chắc chắn. Anh Tâm trước học đại học thuỷ sản, sau khi tốt nghiệp anh không đi làm ở một công ty hay xí nghiệp nào mà về đây làm thành viên của Hợp tác xã thuỷ sản, coi sóc mười héc-ta ao cá tra, cá ba sa. Chúng tôi cùng ngồi trên sàn uống rượu đế với cá nuôi mới bắt dưới ao. Chủ nhiệt tình, khách cũng tự nhiên, vừa uống rượu vừa hát, đọc thơ. Lạ thay, tôi đã được đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất từ Bắc vào Nam nhưng chưa bao giờ chứng kiến không khí văn hoá văn nghệ “xôm tụ” như ở đây. Từ Bí thư Đỗ Văn Tám, Phó Bí thư Võ Văn Tân, đến Trưởng Công an xã - Thiếu tá Nguyễn Thành Minh, cán bộ Tư pháp Hộ tịch Đỗ Trung Ngôn, Trưởng Ban tuyên giáo Hà Văn Tiếu, rồi dân quân du kích đều biết hát, biết đàn, cả nhạc lẫn cải lương. Hay đáo để! Còn Trưởng ban Văn hoá xã Bảy Huống là tác giả của hàng chục bài ca cổ, trong đó có hơn một nửa viết về quê hương Tân Lộc. Hát xong rồi đọc thơ, từ những tác phẩm nổi tiếng của phong trào Thơ Mới đến kháng chiến chống Pháp, Mỹ và giai đoạn hiện nay đều được “tung” ra và... bình luận. Phải chăng vì khí hậu nơi đây hiền hoà, dịu mát, đất đai ngọt ngào, sâu lắng phù sa tạo cho Tân Lộc mang đậm chất trữ tình đã sinh ra những con người có tâm hồn lãng mạn thơ ca, da diết như câu hò, điệu lý?!
Tôi bâng khuâng nhớ lại lúc chiều, các anh đưa tôi đi xem nghề đan đát ở Long Châu, dệt chiếu ở Đông Bình; được chiêm ngưỡng kiến trúc các khu nhà cổ xưa của ông Trần Bá Thế, Lê Hoàng Ba, Trấn Đức Thảo, phủ thờ họ Đỗ, họ Võ… Đi, cứ đi miết xuyên qua những khu vườn sinh thái Sơn Ca, Hai Tân, Thành Nam… mà nghe vị thơm mát của hương hoa trái miệt cù lao mượt mà, đằm thắm. Mỗi khi đứng trước một công trình tiền nhân xây dựng nhuốm màu rêu phong, tôi nghe trong sâu thẳm lòng mình niềm tự hào dân tộc, nhưng cũng không khỏi chua xót bởi những công trình xây dựng hôm nay. Đó là minh chứng cho kết quả sáng tạo và lao động bằng trái tim đích thực của bậc tiền bối ngày xưa. Cũng như có người đã tận dụng vào sự hoang sơ, bí ẩn của thiên nhiên để tôn tạo thành khu du lịch sinh thái nhằm phát triển kinh tế cho quê hương này!
Phó Bí thư Đảng uỷ xã Võ Văn Tân có nước da bánh mật, dáng thư sinh ở tuổi ba mươi hai, khoe với tôi: “Nếu các anh lên đây vào dịp lễ Kỳ Yên, lễ Phật Đản, lễ khai sáng đạo Hoà Hảo hay lễ hội vườn cây tổ chức vào mồng năm tháng năm âm lịch, thì các anh sẽ chứng kiến du khách khắp các nơi đổ về đây chật các ngã đường. Lễ hội vườn cây mới đây đã thu hút hàng ngàn người đến tham quan, vui chơi, giải trí. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định cho phép xây dựng tuyến đê bao quanh cù lao và đề án phát triển du lịch xã Tân Lộc giai đoạn 2006 - 2010. Theo đó, trên cơ sở hiện có của địa phương, chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện với nhiều ưu đãi đặc biệt!”. Điều các anh tâm đắc là hiện nay, kinh tế Tân Lộc phát triển khá, thu nhập bình quân đầu người trên 12 triệu đồng/năm. Bộ mặt văn hoá xã hội nâng lên, giữ vững danh hiệu “ba không” nhiều năm liền: không tội phạm, không ma tuý, không mại dâm. Trăm phần trăm hộ dân có điện lưới quốc gia, 17 kilômét đường bê tông và 50 kilômét bê tông hoá liên hoàn khắp xã. Từ khi có chủ trương xây dựng Tân Lộc thành xã du lịch, người dân địa phương rất đồng tình và ủng hộ đã tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước và nhân dân cùng làm...
Tôi mơ màng nghĩ đến chuyến về Tân Lộc lần sau sẽ không đi bằng phà sang cù lao này mà bằng hệ thống cáp treo lơ lửng trên không trung vượt bốn trăm mét sông. Tiếp đó sẽ đi xe ngựa dạo quanh “Làng Cá” trên đê bao có hoa thơm ngát bốn mùa, như thể lạc vào nơi “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Rồi bơi xuồng ba lá ngược xuôi trong các kênh rạch giữa lòng “Đảo Ngọt” mà nghe các cô gái vùng này đẹp rỡ ràng hò đối đáp, hát giao duyên, ca tài tử. Có thể ghé nhà hàng trên sông thưởng thức đặc sản cá Tân Lộc, nếm hương vị vừa cay vừa ngọt từ rượu nhãn, rượu mận chế biến tại chỗ. Chiều xuống ra bãi tắm Tân An trầm mình trong dòng sông Hậu đầy ắp phù sa... Chao ôi, nghĩ đến đó thôi tôi cảm thấy đang chơi vơi trong niềm hân hoan vui sướng, ngỡ như đã lạc vào một xứ thần tiên nào đó!
Trăng mười hai treo lơ lửng trên đầu phủ xuống thứ ánh sáng bàng bạc lấp lánh sóng nước. Gió sông Hậu mơn trớn thịt da. Cả Tân Lộc bừng lên hàng ngàn, hàng vạn ánh đèn từ những bè nuôi cá tra, cá ba sa, mà nếu ở xa sẽ trông nó như một thành phố biển năng động và đầy sức sống. Tiếng đàn, tiếng hát càng về khuya càng da diết, ngọt ngào, sâu lắng.
Và, tôi cảm thấy mình đang trôi bồng bềnh giữa cù lao Tân Lộc!
HỒ KIÊN GIANG (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét