Sinh ra và sống ở miền tây hơn bốn mươi năm, nhưng tôi vẫn luôn bồi hồi khi mùa mưa đến.Tôi yêu mùa mưa miền Tây đến lạ. Không rả rích suốt ngày buồn đến nẫu gan ruột như mưa rừng miền Trung, mưa miền Tây chợt đến chợt đi, thoắt nắng thoắt mưa như một cô em đõng đảnh trái tính. Trời đang nắng chang chang, bổng chốc từ phía chân trời , những đám mây đen cuồn cuộn kéo về ,rồi mưa ào ạt trút xuống mặt đất chẳng một lời cảnh báo. Chẳng mấy chốc trời quang, mây tạnh. Cơn mưa ra đi hối hả đúng y như là cách mà nó đến vậy. Đôi khi tôi nghĩ vui, đặc tính của con người sống trên từng vùng đất củng làm ảnh hưởng đến cả thiên nhiên của vùng đất ấy. Mưa miền Tây cũng ồn ào, cũng lởi xởi và cũng chân tình như chính những người dân hiền hoà dễ mến bên bờ Cửu long chở nặng phù sa.
Tuổi thơ của tôi có quá nhiều những kỷ niệm gắn liền với mùa mưa, cho đến bây giờ tôi vẫn thích được cảm giác đi trần trong mưa, cảm nhận được những giọt mưa rơi xuống, vở oà, chảy tràn trên da thịt. Dòng nước mát lạnh len lỏi qua cơ thể làm mát dịu từng thớ thịt. Đi trong màn mưa dày đặc, dường như ta được hoà vào thiên nhiên, đắm mình trong khoảnh khắc đất trời gioa hòa. Cơn mưa như thanh tẩy, gột rửa, cuốn trôi ra biển những bụi bẩn cuộc đời. Mọi ưu tư phiền muộn dường như tan biến. Sau cơn mưa, mọi thứ đều tinh tươm tràn đầy nhựa sống, Mưa miền Tây hiền hòa và đẹp như một bài thơ. Sau mùa xuân, khi mà cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, mùa mưa về làm hoa lá sinh sôi, khoác lên vùng đồng bằng một màu xanh yên bình hạnh phúc.
Hồi đó lũ trẻ chúng tôi đâu có nhiều trò vui như bây giờ. Chiều về chúng tôi thường tụ lại cái khoảng đất trống trong nghĩa địa (nghĩa trang của lính Hoà Hảo, bây giờ là nơi toạ lạc của văn phòng khối uỷ ban huyện) để đã bóng. Những hôm trời mưa lại càng thích chí, cả đám nhóc xúm quanh quần thảo một trái bóng bằng nhựa thường xuyên bị đạp dẹp lép. Đá bóng trong mưa thì quả là một trò hay rồi. Mặt sân loang loáng nước, những đôi chân trần lao vào hò hét, tung tóe cả bùn đất. Tắm mưa, nhưng hôm nào về đến nhà cũng bê bết, lắm lem, mặt mũi tái xanh vì dầm mưa.
Mưa miền Tây đôi khi cũng u ám kéo dài mấy ngày, nhưng chỉ là khi những cơn bão hoành hành đâu đó ngoài biển đông. Những ngày ấy ,bầu trời xám xịt những mây, nhưng mưa thì vẫn lúc đi lúc đến. Trong xóm tôi có một vườn xoài khá lớn của ông Bảy, một người được lối xóm nể nang. Tuy đã ngoài bảy mươi ông vẫn còn rất khang kiện. Ông luôn chống một cây ba-ton bằng gỗ cẩm lai được chạm trổ tinh xảo mặc dù ông còn rất khoẻ. Có lẽ chính cây ba-ton cộng với cặp chân mày bạc có những sợi dài xuống cả mắt, mà lũ trẻ hàng xóm chúng tôi rất sợ ông. Sợ thì có sợ, nhưng vẫn dọt ngay vô vườn xoài mỗi khi trời chuyển mưa. Chỉ mới chuẩn bị mưa thôi con nít cả xóm đã có mặt đầy đủ trong vườn xoài ông Bảy rồi. Tháng tư mùa xoài chín, mỗi khi có mưa lớn hoặc gió mạnh lại có những trái xoài rụng xuống, chủ yếu là những trái chín sớm hoặc bị dơi ăn. Mỗi đứa xí phần mấy gốc xoài, thỉnh thoảng gió mạn, "bịch" một trái xoài rụng xuống lăn trong đất, bọn trẻ con chúng tôi cũng lăn theo,và hết sức sung sướng khi nhặt được quả xoài. Tàn cơn mưa, những quả xoài được bọc trong áo mang về khoe với mẹ. Thường thì mẹ vừa tắm vừa tặc lưỡi :"ăn uống gì mà nhặt, không khéo lại bênh nữa".
Mùa xoài rồi cũng qua, người ta đưa xe vào tận trong vườn để chở những giỏ xoài đầy ắp, nặng trĩu. Lũ trẻ chúng tôi lại chuyển sang trò mới : đi móc cua. Đồ nghề thì dễ thôi, chỉ cần ghé chỗ bác Út Ninh vá ép đầu đường, xin một cây căm xe bẻ thành cái móc, rồi nối cán vào, xách thêm cái thùng nữa là đường hoàng đi bắt cua rồi. Mưa xuống, cánh đồng mới gặt nhanh chóng ngập nước loang loáng, những chú cua cũng bắt đầu trở mình chập chạp bò ra khỏi hang. Khi nghe bước chân, các chú cua vội vã thụt trở vào hang. Bọn trẻ chúng tôi chỉ cần nhìn vào chổ miệng hang là biết trong hang có cua hay không, nhẹ nhàng đưa cây móc sâu vào trong hang, rồi cẩn thận từ từ kéo ra một chú cua đực với cặp càng to đùng đang giương lên sẳn sàng nghênh chiến. Có giỏi đến đâu thì hai bàn tay chắc chắc cũng sẽ bị những cặp càng như hai gọng kềm ấy kẹp đến tóe cả máu. Tàn đám mưa, cũng là lúc thùng cua của chúng tôi đã nặng tay, có hôm mê quá bắt đến khi đầy cả thùng, khệ nệ khiêng về như một thứ chiến lợi phẩm. Thật ra ăn là bao nhiêu, hồi ấy miền tây còn nhiều đặc sản, chỉ cần vài chục bạc là mua cả giỏ cua rồi, chủ yếu đối với lũ trẻ chúng tôi là được tắm mưa, được vui đùa thoả thích.
Mùa mưa miền Tây kéo dài đến tận tháng chạp. Khi những cơn bão ngoài biển đông chấm dứt, thì mùa mưa cũng lặng lẽ ra đi nhường chổ cho những ngày nắng nóng phương nam. Lũ nhóc chúng tôi cũng đã thoả thích với mùa hè mưa và những trò vui, những ngày nắng nóng là phải ở nhà học hành rôi. Ngày ấy sao mà trong sáng, mà thánh thiện quá. Không có chổ cho những toan tính, những ganh đua và dối trá, cũng không có cả chổ cho những khổ đau hay giàu nghèo. Chúng tôi đến với những trò vui bằng một sự chân thành trẻ thơ, không đẳng cấp, không hơn thua.Tất cả cùng nhau hoà vào nhịp sống của thiên nhiên,cảm nhận từng ngày sự đổi thay của đất trời ngay trên chính quê hương mình đang sống.
Mưa miền Tây vẫn thế, vẫn ốn ào, lởi xởi và trẻ trung như tự bao đời, còn tôi tuổi đời đã ngày lớn thêm, xa rồi những trò vui thơ dại. Đôi khi ngồi nhìn mưa tôi lại thèm được như ngày nào hồn nhiên, thơ ngây, thèm được nô đùa thoả thích, thèm được nghe tiếng cười trẻ thơ hoà vào tiếng mưa trong một buổi trưa hè. Mưa miền Tây vẫn chợt đến chợt đi, vẫn chung tình với mãnh đất ven sông Cửu long hiền hoà nhân hậu. Mỗi mùa về lại tưới mát cho ngàn hoa trái, cho cây đời mãi mãi xanh tươi.
PHAN VÕ HOÀNG NAM (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét