“Đôi khi ta lắng nghe ta” (T.C.S)
Tôi muốn mở đầu bài viết này bằng một câu chuyện trên một chuyến xe mà tôi đã tình cờ chứng kiến:
- Bác tài cho xin tí âm nhạc nhé! - Người thanh niên có gương mặt rất trí thức, tay ôm cái láp-tóp trong trang phục côm-lê vừa mới lên xe đã cất tiếng yêu cầu.
- Thế cậu muốn nghe nhạc gì? Nhạc trẻ nhé? - Người tài xế già lịch sự hỏi lại.
- Không, không, đừng bắt mấy loại nhạc đó. - Người thanh niên vừa trả lời vừa xua tay một cách rất quyết liệt.
- Tôi thấy cậu là thanh niên mà không thích nhạc trẻ à?
- Không thích, nhạc trẻ bây giờ ca từ hỗn tạp, ca sĩ hát cứ như bò rống làm sao nghe được.
- Thế cậu thích nghe nhạc gì?
- Ông có nhạc Trịnh không?
- Có, vậy nghe nhạc Trịnh nhé. Cậu còn trẻ mà biết nghe nhạc Trịnh là giỏi lắm đó.
Dứt lời người tài xế già vừa lái xe vừa lục trong hộp băng đĩa tìm đĩa nhạc Trịnh. Một lúc sao ông đưa đĩa nhạc vào đầu máy hát. Phía sau, người thanh niên trẻ đang trong tâm trạng háo hức chờ đợi. Lời khen tặng của người tài xế già làm anh càng thêm tự hào. Nhưng khi tiếng nhạc vừa vang lên bỗng từ phía sau chàng thanh niên ôm cái láp-tóp lên tiếng:
- Sao ông lại bắt nhạc này? Đã kêu bắt nhạc Trịnh kia mà!
Người tài xế hơi sửng sốt về phản ứng của anh thanh niên, nhưng ngay lập tức ông đã hiểu ra vấn đề.
- Xin lỗi cậu chắc tôi nhầm, tôi để lộn đĩa nhạc, vậy là đĩa Trịnh Công Sơn lạc đâu mất rồi.
Người tài xế già vừa nói vừa cười gượng gạo, trên xe là giọng của K.L: “Còn hai con mắt khóc người một con, còn hai con mắt một con khóc người…”
Hẳn bạn đọc đã hiểu vì sao tôi lại mở đầu bài viết của mình bằng câu chuyện trên. Thật không ngờ là hiện nay có không ít người để chứng tỏ mình cũng là “trí thức”, là người “sành điệu” đã tìm mọi cách để đến với âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có một thời, nhất là từ sau 12 giờ 45 phút, ngày 1 tháng 4 năm 2001 – ngày mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vĩnh viễn “nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này” bỗng dấy lên “phong trào” các ca sĩ “đua” nhau hát nhạc Trịnh, người người “đua” nhau nghe nhạc Trịnh, nói về nhạc Trịnh…. để chứng tỏ mình cũng là người “sành” nhạc Trịnh. Chao ôi, thật chua xót làm sao khi người ta nỡ lấy nhạc Trịnh ra làm tấm bình phong che đậy cái tâm hồn vốn xơ cứng và cỗi cằn của họ. Sao người ta có thể sống giả dối một cách tinh vi đến thế chứ? Thật là một sự nhầm lẫn đầy tai hại và không thể tin nổi: lấy nghệ thuật làm “đồ trang sức” để tô vẽ cho cái hình thức bên ngoài của bản thân.
Tôi vốn chỉ là một người bình thường, không rành về âm nhạc nên không dám phát biểu về những ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa này. Vậy nên, trong suy nghĩ của mình (ngay khi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống và ngay khi ngồi viết những dòng này) trong lặng lẽ và âm thầm tôi chỉ dám “ngắm nhìn” ông từ rất xa với tất cả lòng ngưỡng mộ và kính trọng của một độc giả dành cho một thi nhân (giống như cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến [1] và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo [2] từng xem cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một thi sĩ) với những câu thơ rất tài hoa không thua kém một thi sĩ “thứ thiệt” nào:
- Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm…!
- Khi bước chân ta về
Đêm khuya nhìn đường phố
Thành phố hoang vu như một lần
Qua cuộc tình
Làm sao em biết, đời sống buồn tênh
Đôi khi ta lắng nghe ta…
- Con chim ở trọ cành tre
Con cá ở trọ trong khe suối nguồn
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…
Mỗi lần nghiền ngẫm những “câu thơ” này, tôi thường nghĩ một con người mà trong cuộc đời hay“về soi bóng mình/giữa tường trắng lạnh câm” để “ta lắng nghe ta” hẳn phải là một CON NGƯỜI có một TRÁI TIM và một TÂM HỒN RẤT ĐẸP. Và tôi thấy mình vô cùng nhỏ bé mỗi khi nghĩ về CON NGƯỜI ấy. Vì lẽ đó, tôi tật lòng mong những ai đang và sẽ chuẩn bị hát, hay nói, hay bàn về âm nhạc của Trịnh Công Sơn xin hãy một lần bình tâm “lắng nghe” và xem con tim mình có lạnh nhạt, có hờ hững và tạnh quẻ với cuộc đời này hay không? Có xứng đáng ngân nga những lời thơ, câu hát của người nghệ sĩ tài hoa đã “về bên kia núi” hay không? Bởi thật sự, nếu trái tim chúng ta không có khả năng để hiểu “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”thì trên sân khấu dù có hát bao nhiêu bài nhạc Trịnh đi nữa cũng không thể nào tạo được sự đồng cảm nơi người nghe; nói cách khác dù chúng ta có cố tìm đủ mọi cách để được đến với nhạc Trịnh đi nữa cũng không bao giờ chúng ta “chạm” đến được nếu chỉ có một trái tim xơ cứng và giả dối.
Nói tóm lại, xin đừng đến với nhạc Trịnh bằng một trái tim hờ hững, một tâm hồn cằn cỗi; xin đừng lấy nhạc Trịnh làm tấm bình phong để tô điểm cho cái hình thức bên ngoài của mình. Xin hãy tri ân và“hát cho người nằm xuống” bằng một trái tim và tâm hồn lành mạnh và chân thành nhất của mình!
Phải chăng chỉ cần như thế cũng là quá đủ !?
NGUYỄN TRỌNG BÌNH (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét