Chung huyện Giá Rai xưa (nay thì Gành Hào đã là huyện lỵ huyện Đông Hải), song
ít có cơ hội thăm thú vì khoảng cách như thế cũng hơi xa một chút.
Năm 2012 tôi có một cơ hội qua đó đã để lại kỷ
niệm khó quên: được mời chính thức tham dự lễ hội nghinh ông tại Gành Hào! Thức
sớm, vào mạng lướt nhanh nắm thông tin về lễ hội, và chuẩn bị lên đường bằng
chiếc xe gắn máy 50 cc Dame mà tuổi đời của nó ngang ngửa tuổi của tôi. Băng
băng qua cánh đồng tôm mênh manh, qua Long Điền, Điền Hải... sáng sớm đã đến cửa
ngõ thị trấn biển, đã thấy không khí tấp nập khách xa gần, lao phóng thanh vang
vang, và rất nhiều áp phích biểu ngữ chào đón.
Trung tâm diễn ra nghi lễ nghinh ông là lăng
thờ cá Ông gần bãi biển. Đông nghịt bà con dân biển đã tề tựu ở đấy, quan khách
chỉnh tề chờ đợi sự kiện lớn sắp diễn ra. Sau rất nhiều nghi thức có tính tâm
linh, và màn văn nghệ đậm đà có cả sự góp mặt của nữ danh ca Cẩm Tiên đến từ TP
HCM, đến phần trình diễn đặc biển của học trò lễ. Khung cảnh triều đình Việt thời
xưa như được tái hiện sống động trong hoạt cảnh công phu: quan văn võ, binh sĩ
và thần dân Việt thực hiện nghi thức triều bái nhịp nhàng, mạnh mẽ trong âm
vang hùng dũng của các loại nhạc khí, sáng ngời gươm giáo hướng lên trời cao.
Khói hương nghi ngút. Bà con phủ phục khấn nguyện Ông phù hộ mùa hải sản bộ
thu, thời tiết thuận lợi, quốc thái dân an. Tôi không biết có bao nhiêu người
tham dự màn cầu khấn uy dũng này, vì quá đông. Ấn tượng mạnh mẽ, khó quên.
Trong bối cảnh tình hình biển đảo đã có sóng to gió lớn vang vọng từ các kênh
truyền thông đốt nóng lòng người, quang cảnh đầy hùng khí của những con dân đất
Việt phương Nam trong nghi thức triều bái thể hiện hồn thiêng sông núi thật sự
không thể nào quên, có thể có nước mắt ai đó đã lặng lẽ tràn mi, không phải vì
buồn tủi, đấy là dòng lệ của lòng ái quốc khi được chạm không khí thiêng.
Đúng giờ, trùng trùng người dân biển trong mọi
sắc màu bộ hành ra cảng, dẫn đầu là đoàn quan quân Việt trong sắc phục ngày
xưa. Thị trấn vào hội, già trẻ lớn bé ra trước nhà nghênh đón đoàn diễu hành
ngang qua với chiêng trống ầm vang một chốn, cờ xí rợp trời. Bến cảng với hàng
trăm chiếc tàu cá hiện ra, rất đông bộ đội biên phòng và lực lượng an ninh được
bố trí ở đấy để giúp bà con lên những chiếc tàu cá, chờ giờ dong ra biển lớn.
Tôi leo được lên một chiếc tàu sơn màu xanh rất đệp, tay néo dây thừng, dõi mắt
nhìn khung cảnh lạ xung quanh. Tiếng máy lần lượt vang lên, bạn cứ tưởng tượng xem: dộng cơ của mấy trăm tàu cá công
suất vừa và lớn cùng nổ vang rền! Những chiếc tàu từ từ tách bến, chạy một đoạn
ngắn qua phần cuối cùng của thị trấn, hòa vào Biển Đông.
Những chủ tàu và thủy thủ đã thủ sẵn trên tàu
mình chiêng trống, không có thì dùng đủ thứ vật dụng bằng kim loại, họ “tấu nhạc”
vang trời, lại có tiếng hò reo. Phu nữ thì thắp hương lên trước mũi tàu, cầu
nguyện Ông, chờ đón Ông về lăng. Song không khí đã cho thấy một thông điệp hơn
thế, không chỉ là nghinh Ông, nghinh một loài cá thiêng trong tâm linh dân biển,
mà là cất lên tiếng nói của lòng ái quốc trước sóng biển hung hăn ngoài kia
ngày đêm dày xé ruột gan dân biển. Tôi miên mang nghĩ như thế trong khi không
ngừng dõi mắt bao quát đoàn tàu không lồ di chuyển với tốc độ chầm chầm ra biển
khơi. Bất cứ kẻ thù nào, lớn hay bé, đụng đến biển chúng ta, đảo chúng ta, có lẽ
nên một lần tham gia đoàn nghinh ông như thế này, trên biển Việt. Không phải là
tàu tàng hình, tiềm thủy đỉnh, hay tên lửa bờ hiện đại đắt tiền, sức mạnh ngàn
đời của Đại Việt, Đại Cồ Việt, Đại Nam... nằm ở những đoàn tàu như thế này,
trài dài từ Vịnh hạ Long đến Mũi Cà Mau, với thủy thủ đoàn mình trần, đôi tay
gân ruốt, ánh mắt ngời ngời lòng yêu nước, yêu biển được truyền lại từ cha ông.
NGUYỄN THÀNH CÔNG (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét