Ông
Hai ngồi tựa lưng vào chiếc cột ngoài hiên nhà nhìn ra biển. Đã về chiều mà
trời vẫn xanh ngăn ngắt, nắng chiếu xuống biển nhìn loang loáng. Những cơn gió
thổi vào mát rượi.
Gần tuần nay chiếc chân bị gẫy không đi biển được khiến ông
cảm thấy buồn bằn chân tay, cứ thèm cảm giác đứng giữa bao la gió, bao la nước
để hít cho thật đã cái lồng ngực. Ngày nào cũng ở nhà, luẩn quẩn bên cái xóm
nhỏ với mấy người bạn già, chiều chiều nhìn họ vác lưới, vác ngư cụ xuống
thuyền ông lại muốn đi, bên cạnh con khỉ già thỉnh thoảng lại kêu lên “chéc chéc”
rồi đưa tay gãi khắp người, cũng có khi nó nhìn ông rồi nhe răng cười. Ông
chẳng buồn giỡn với nó. Ông đang mải mê đuổi theo suy nghĩ của riêng mình. Về
biển. Bao nhiêu năm gắn bó với biển, với những chuyến đi, nhưng ngày nào không
đi là thấy nhớ. Bàn tay với những ngón tay chai sạn, to sần của ông không ngừng
rê và rít thuốc. Ông có thói quen hút thuốc cuốn chứ tịnh không chịu hút loại
thuốc người ta bán sẵn trong hộp. Ông bảo cái thứ thuốc công nghiệp đó nhạt
nhẽo chẳng có vị gì cả, còn hộp thuốc rê của ông nếu ai không quen chỉ cần hút
một hơi là say liêng biêng cả tối. Ngay cả cái mùi thuốc ngửi cũng nằng nặng,
vậy mà đi đâu ông cũng thủ bên người.
***
Ngồi
nhìn ra biển chán ông quay sang con khỉ già. Chiều nào nó cũng đến nhà ông chơi
như một người bạn. Ngôi nhà của ông tựa lưng vào núi nhìn ra biển. Chỉ cần vòng
ra phía sau nhà là thấy rừng, thấy bạt ngàn cây. Ở cái cù lao này có nhà nào mà
không dựa lưng vào núi nhưng trước đó, lũ khỉ trốn biệt trong rừng sâu, thỉnh
thoảng đi rừng hái lá, lấy củi mới bắp gặp chúng đang chạy nhảy trên cây, hoặc
ném quả ghẹo người. Vậy mà mấy năm nay thời tiết thất thường lũ khỉ thường
xuyên mò vào làng. Mỗi lần ông vắng nhà lũ khỉ lại đến lục tung cả bếp, cứ có
đồ ăn thức đựng là chúng phá. Nhiều khi chúng còn đuổi mấy con chó trong xóm
làm lũ chó sủa váng cả đầu. Hồi đầu ông bực lắm, cứ thấy chúng là đuổi, nhưng
càng đuổi nó càng lại gần. Ông gặp con khỉ già này trong một đêm mưa gió, chắc
đói quá nên nó mò vào làng kiếm ăn. Đêm đó biển động, ông đã đi nằm rồi mà
tiếng chó cứ sủa mãi không dứt. Ông soi đèn pin ra sau nhà thì thấy con mực
đang sủa ầm ĩ, trước mắt nó là con khỉ già, một chân của con khỉ bị kẹt dưới
hòn đá, máu đang rỉ ra. Cả người nó ướt sũng nước mưa. Chạm tay vào ông thấy
người nó run lên vì lạnh. Vội vàng bế nó vào nhà, ông vừa đi vừa lẩm bẩm: “Lạnh lắm phải không con? Ai bảo đêm hôm vào
làng làm gì?”
Ông sơ
cứu rồi sưởi ấm cho nó, buồng chuối mới chín dựng ở góc nhà được ông mang ra,
con khỉ ăn ngấu nghiến rồi rúc vào người ông ngủ. Thỉnh thoảng nó lại giật mình
kêu “chéc chéc”. Ông Hai để nó đi lại tự nhiên, chân nó chắc còn đau nên chỉ
lết lết quanh nhà, thỉnh thoảng lại bị con mực sủa váng lên, nó nhe răng hù
lại. Đến bữa nó đã biết ngồi bốc cơm ăn cùng ông Hai. Một buổi sáng, ông đi
biển về, không thấy nó ở nhà, tìm quanh cũng không thấy. Ông đoán chắc nó đã bỏ
về rừng. Chỉ thương chiếc chân bị gãy vẫn chưa lành hẳn.
***
Bẵng
đi một thời gian con khỉ già lại mò về nhà ông Hai. Thấy nó ông nhận ra ngay
nhờ chiếc chân tập tễnh. Nó cũng nhẩy nhào vào khi thấy ông rồi kêu lên “chéc
chéc”. Từ hôm đó, chiều nào nó cũng ghé nhà ông. Nó đi quanh nhà, mở vung nồi
cơm, thấy cơm nguội lại bốc một ít bỏ vào miệng rồi quay ra nhìn ông cười.
Những hạt cơm trắng vẫn còn dính trên tay nó. Ông Hai hay chửi nó “tổ cha mi, lại phá đấy à”. Rồi đưa tay
định đánh nó nhưng nó đã nhảy lùi lại làm ông hẫng đà. Cứ ông đi đâu, làm gì nó
lại lẽo đẽo phía sau như đứa con theo cha. Nó chỉ ở nhà khi ông Hai ở nhà, còn
khi ông đi biển nó lại về với rừng. Có nó ông cũng đỡ buồn. Chẳng biết từ khi
nào ông Hai có thói quen chiều chiều ngồi trước hiên nhà nhìn ra biển, nơi có
cầu cập cảng của thuyền bè từ đất liền ra. Ông thích nhìn những vị khách từ
phương xa đến, lỉnh kỉnh nào túi, nào balô, nào mũ đầy màu sắc bắt mắt, chẳng
giống những người dân ở cù lao này. Đàn bà thì đôi ba bộ quần áo bằng vải lanh sặc
sỡ màu mè, in các loại hoa hòe, hoa sói, có người còn để nó nhăn tít như lò xo.
Đàn ông rặt cởi trần quần đùi, da đem nhẻm, có người nước da nhuộm nắng và gió
biển lâu ngày lên màu nâu bóng. Vậy mà ai cũng vạm vỡ, vâm váp.
***
Từ
lâu lắm rồi, người dân ở cả cù lao này sống chủ yếu nhờ biển. Đàn ông đánh cá,
câu mực, đánh bắt bất cứ thứ gì từ biển, còn đàn bà ở nhà đan lưới, trồng rau,
trồng lúa. Thế nên ngay từ hồi còn bé tí, con nít trong làng đã gắn bó với
biển. Nhiều đứa mới hơn chục tuổi đã theo cha làm bạn với ghe với lưới, với vị
mặn mòi của biển. Khác với bạn cùng trang lứa, thằng Tuấn con ông Hai thích con
chữ hơn là những chuyến lênh đênh trên biển. Vậy nên học hết cấp hai, nó xin
ông được vào đất liền học tiếp. Đêm đó ông đã suy nghĩ hung lắm. Nhà neo người,
nó mà nghỉ học theo ông đi biển, có thêm lao động, chắc chắn cuộc sống sẽ dư dả
hơn. Ngồi ngoài hiên ngó mắt ra biển, biển toàn một màu đen thui chỉ có gió
lồng lộng thổi vào mang theo vị biển mằn mặn, ông thở dài:
- Bằng tuổi mày, chúng nó
đều đã làm ra tiền rồi đấy. Học chữ đến khi nào mới có tiền.
Tuấn mân mê cọng lá rơi
trước sân:
- Con muốn một cuộc sống
khác cha ạ. Nghề sông nước bạc lắm.
Ông hiểu ý thằng con muốn
nói, nó đang nói về mẹ nó. Lớn lên ở vùng sông nước vậy mà cũng chính sông nước
cướp đi mạng sống của bà để lại cha con ông côi cút. Nên ông phản đối cho có
vậy thôi, chứ nghe thầy cô trên lớp khen nó học giỏi ông cũng muốn nó học hành
đến nơi đến chốn, nhưng ông cũng lại sợ thằng con ông không học được rồi cái gì
cũng dở dang thì khổ. Ông nén tiếng thở dài ngồi hút thuốc. Trong bóng tối chỉ
có đốm sáng lập lòe của điếu thuốc thỉnh thoảng đỏ lên như con đom đóm.
Rồi thằng Tuấn cũng khăn gói
vào đất liền học. Lâu lâu nó mới về thăm ông. Nhìn nó mỗi ngày một khác, cao
hơn, trắng trẻo hơn, lại mang thêm cặp kính trắng, trông nó khác hẳn với lũ
thanh niên đen nhẻm trong làng. Thỉnh thoảng gặp những người dân trong làng họ
vẫn hay hỏi thăm ông về thằng con trai duy nhất sao không để nó ở nhà đi biển
cho có bạn, rồi họ kể con nhà bà Nhi bằng tuổi thằng Tuấn nhà ông đã đóng được
tàu mới, mã lực lớn lắm, có nhiều người xin được đi cùng, rồi con nhà ông Sáu
Lành cũng mới trúng mẻ cá lớn… Những lúc như thế ông chỉ góp đôi ba câu chuyện
cho có, mắt không ngừng dõi ra biển, nơi có những con thuyền lớn chạy từ đất
liền ra.
Mới đó mà thằng con ông học
xong phổ thông, rồi đại học, giờ đã ra trường đi làm cho công ty nước ngoài. Lần
nào về nó cũng quần áo bảnh bao nhất làng, lũ trẻ con thấy nó cứ vây chặt lấy
nó reo hò “anh Tuấn, anh Tuấn về”. Bà con trong làng ai cũng lấy thằng Tuấn nhà
ông ra làm gương cho bọn trẻ, ông cũng thấy tự hào. Chỉ có điều thằng Tuấn
không còn thích theo ông ra biển như trước.
***
Mấy năm nay, cái cù lao nhỏ
giữa biển nơi ông sống nhộn nhịp hẳn lên. Khách từ đất liền ra thăm đảo nhiều
hơn, người ta bắt đầu làm dịch vụ, nhiều người đã bỏ biển, sửa sang lại nhà cửa
đón khách đến ở tận nhà. Ông Hai không thích thế, ông thích được vùng vẫy giữa
biển khơi, với tôm cá, với vị mặn mòi của biển. Nghe tin ông bị ngã gẫy chân,
thằng Tuấn về thăm có nói với ông:
- Cha có tuổi rồi, đừng đi
biển nữa, mình sửa lại cái nhà cho khách ở, nếu họ muốn cha đưa họ đi biển câu
mực hay lặn ngắm san hô.
- Tao đang là chủ tàu, tự
nhiên đi làm thuê cho mấy đứa con nít à? Ông tỏ thái độ khó chịu khi nghe thằng
con nói.
- Ý con không phải thế,
nhưng mình chuyển sang làm dịch vụ đỡ vất vả hơn nhiều cha ạ. Với lại có người
ra người vào cha cũng đỡ buồn.
- Cả đời tao gắn với biển,
tao nói không là không. – ông bực mình lớn tiếng với con.
- Hay cha vào thành phố sống
với vợ chồng con. Chứ để cha ở một mình thế này con cũng không yên tâm.
- Bao nhiêu năm không có
mày, tao vẫn sống khỏe.
- Nhưng vào đó, vợ chồng con
sẽ chăm sóc cha tốt hơn.
- Không cần. Ở đây tao còn
có mẹ mày, có bà con hàng xóm. Ông sẵng giọng rồi đứng lên đi thẳng. Câu chuyện
của hai cha con rơi tõm vào cái nóng nực của trưa hè, trong ánh mắt tuyệt vọng
của Tuấn.
Không phải ông không hiểu
tấm lòng của đứa con duy nhất. Ông cũng đã nhiều lần vào thành phố thăm vợ
chồng nó nhưng suốt ngày quanh quẩn trong nhà với mấy bức tường, ra ngoài lại
toàn xe với khói bụi ông không chịu được. Chỉ vài ngày là ông lại đòi về với
biển, mặc cho vợ chồng đứa con giữ thế nào cũng không được. Với lại thực tâm
ông không muốn rời xa nơi này, ông không muốn để vợ ông nằm một mình lạnh lẽo
nơi góc vườn.
***
Khi cái chân đã đỡ, ông lui
cui quét đám lá rụng trước sân, cứ gom được một đống con khỉ già lại chạy tới
và hất tung lên rồi nhe răng cười “khẹc khẹc”. Ông đã quen với những trò chơi
của nó nên gom để đó rồi lần ra góc vườn, nhặt nốt mớ cỏ dại trên mộ vợ, xì xụp
thắp mấy nén hương, miệng lầm rầm khấn vái. Ông làm gì con khỉ già làm theo y
chang như thế. Nó cũng chắp tay rồi cúi đầu giống như ông làm. Ông buột miệng “Tổ cha mi”, chẳng biết nó có hiểu gì
không mà cũng nhe răng ra cười. Hái nắm rau về nấu nồi canh chua. Bữa ăn chỉ có
ông với con khỉ già làm ông nhớ tới vợ. Trước vợ ông vẫn hay nấu canh chua rau
tập tàng cho ông ăn sau mỗi chuyến đi biển về, giờ có mình ông ngồi trước mâm
cơm đã nguội ngắt. Con khỉ già kêu “chéc chéc” như muốn nhắc ông ăn cho xong
bữa cơm.
Vết thương ở chân chưa lành
hẳn nhưng ông đã rậm rịch chuẩn bị lưới để đi biển. Người bạn đi cùng nhắc ông
chờ chân khỏi hẳn hãy đi nhưng ông muốn đi ngay. Vác lưới xuống thuyền ông thấy
trong lòng chộn rộn như lần đầu ra biển. Trước khi đi ông không quên xoa đầu
con khỉ già dặn dò “ở nhà ngoan con nhé,
ta đi mấy bữa rồi về”. Con khỉ già đứng trước hiên nhìn theo dáng ông, luôn
miệng kêu “chéc chéc”.
Chuyến đi này của ông dài hơn, lâu ngày không
thả lưới buông câu, ông hào hứng với những buổi câu mực suốt đêm. Đêm nay đã là
đêm thứ 3, hai đêm trước trúng luồng mực, ông câu được rất nhiều. Đêm nay cũng
hứa hẹn một mẻ lớn. Ông cho chiếc thúng của mình ra xa con tàu hơn một chút,
những miếng mồi câu giả phát sáng trong đêm sẽ dụ đàn mực dễ dàng hơn. Ông mê
mải mà không để ý đến trời đã đổi gió, không thấy chiếc dây neo thúng rung rung
do những người trên tàu báo hiệu để ông trở về tàu. Cơn gió ngày một lớn, sóng
tung trắng xóa, nước tràn vào đầy cả thúng, ông kéo chiếc dây thừng, chiếc dây
nhẹ bẫng. Ông ra sức chèo, những cơn sóng lớn cứ ập đến liên hồi khiến chiếc
thúng xoay xoay, ông bị hất văng ra khỏi thúng. Màn đêm đen đặc bao phủ xung
quanh ông, trong tiếng gào thét của gió. Của mưa. Và của sóng biển. Nước mưa,
nước biển tràn vào miệng đắng chát. Trong cơn vật lộn với sóng, ông nhìn thấy
vợ ông, vợ ông mặc bộ đồ hoa thằng con mới gửi về đang đứng trước cổng chờ ông,
ông thấy bà cười khi ông nói hôm nay được mẻ cá lớn...
***
Bão tan. Trời trong và xanh
ngăn ngắt. Biển bình lặng đẹp như vẻ vốn có của nó. Cả cù lao nhỏ xôn xao về
trận bão đêm qua, thi nhau ra phía cầu cảng mong ngóng người thân. Cũng có
người lầm rầm cầu nguyện. Ở nhà ông Hai, sáng nào người ta cũng thấy con khỉ
già ngồi trước hiên, đôi mắt nó dõi nhìn ra biển, phía có cây cầu nơi những con
tầu cập cảng.
Đã mấy ngày nay, ngày nào nó
cũng ngồi đó, dáng ngồi thõng xuống như chờ đợi một điều gì.
Ngoài sân, lá vàng đã rụng
đầy mà chưa ai quét!
THU HÀ (tác giả giữ bản quyền)
___________________________
Một truyện ngắn hay về biển, rất đậm nét, chúc mừng tác giả Thu Hà !
Trả lờiXóaMột truyện ngắn khá ,mặc dù vẫn còn đôi chỗ chưa sâu lắm. Hy vọng tác giả phấn đấu hơn. Biển dẫu dữ dội, nhưng cũng đầy hào phóng, bao dung.
Trả lờiXóa