MIỀN TÌNH | Thu Nguyệt
Quê mình mùa lũ đi qua
Nước như nước tự ngàn xa ngập về
Nỗi buồn đắp một con đê
Chông chênh nghiêng giữa bốn bề tính toan
Những người xa bỗng gần hơn
Khi cùng những ánh mắt buồn xác xơ…
Ngỡ ngàng như một giấc mơ
Chút mong manh có, bất ngờ thành không.
Ta như sen súng giữa đồng
Ngắn dài theo nước mà bông vẫn đầy
Thương miền Trung
nhớ miền Tây
Chút rong ấy
chút bèo này
mãi xanh…
Bài thơ ngắn. Chỉ mười hai câu, chia làm
sáu khổ; các khổ liên kết chặt thành văn bản, nhờ vào sự phát triển chủ đề và
sự hiệp vần chặt chẽ của thể thơ lục bát.
Theo sự phát triển ý, thì “Miền tình” cũng chính là “quê
mình” như tác giả tự xưng ở câu thứ nhất. Và ngay ở khổ thơ mở đầu, bài thơ đã
mở ra một không gian linh láng nước, nhờ điệp từ “nước” hai lần, lại còn nhồi
thêm chữ “ngập” ở cuối câu hai. Đó là khổ thơ có tính chất giới thiệu chuyện
“mùa lũ đi qua” của ngàn vạn năm quy luật đất trời.
Khổ thơ thứ hai có tính chất như khổ thơ vụt hiện. vụt hiện
“Miền tình” mà tác giả đã tự xưng- hay là tự khẳng định. Bởi chỉ có tình cảm
của con người mới biến “miền quê” thành “Miền tình” được thôi. Con người ở đây
là con người cụ thể. Con người (theo tôi nghĩ), tự ý thức rằng, mình dù có
“tính toan” bao nhiêu thì cũng chỉ chông chênh ý tưởng chống lại thiên nhiên,
nên chỉ dám đắp con đê chắn nước trong nỗi buồn mà thôi.
Nhưng nỗi buồn là có thật. Mùa lũ tràn đồng, oà ập cùng với
mưa dội, bốn bề chỉ toàn những nước là nước. Buồn tới “xác xơ” từng ánh mắt,
chắc chắn là có thật. Khó khăn kéo người ta lại với nhau, nhưng nỗi buồn còn
kéo người ta lại với nhau gần hơn. Khổ thơ này phát triển tiếp tình ý của khổ
thứ hai, nhưng nó vẫn có giá trị độc lập, bởi vì nó nói đúng triết lý của muôn
đời nhân sinh.
Khổ thứ tư là sự đột phát ý tưởng sâu kín, từ những gì có
thật của cuộc đời, mà các khổ thơ trước đã giới thiệu và dẫn dắt. Sắc không, hư
ảo của cõi thiền đã gióng lên một tiếng chuông. Lũ thật đấy mà cứ ngỡ như
mơ. Mong manh qúa, bất ngờ qúa, không thể tin được(mà ai có thể tin được,
bà con mình, đồng bào mình, đang khổ vì lũ chụp ngay giữa thời bình).
Khổ thứ năm nhà thơ tự soi gương, để nhận diện chân ngã của
mình- một sinh linh của “Miền tình”, bị sự chi phối “ngắn dài” của mùa lũ tràn
đồng. Đặc trưng của sen súng là có khả năng vươn lên trên đỉnh lũ mà trổ bông.
Đây là bản lĩnh của người tự xưng bằng đại từ “ta” - mà cũng có thể là tất cả những
ai tự xưng là “ta”, khi đọc âm vang bài thơ này lên.
Khổ cuối cùng bùng phát sự phá thể, để đóng đinh bài thơ vào
“Miền tình”, nhằm khẳng định chủ đề. Tứ thơ vụt trào ở đây. Bài thơ thắt lại
một cách mạnh mẽ về tình ý, nhưng nghe rất hiền. Té ra nhà thơ cùng lúc nói tới
hai “Miền tình” đang song song tồn tại trong thương khó. Bởi vậy mới có sự giã
từ sen súng để chỉ xin làm nhành rong, cánh bèo, xanh mãi với “Miền tình” mà
thôi.
Với chất thơ lục bát trầm lắng, “Miền tình” của Thu Nguyệt
vụt hiện như miền tâm linh của cõi người. Nghèn nghẹn một nỗi buồn “xác
xơ” tới muốn khóc. Đau đáu một nỗi đau trăn trở lo toan. Nhưng sao mà ngỡ
ngàng! Vừa mong manh như có, vừa bất ngờ như không. Làm sao ta tin được là bà
con ta đang ngập chìm trong lũ? Thôi thì… chỉ xin… làm một “chút rong ấy”, làm
một “chút bèo này”, để được “mãi xanh” với “Miền tình” đang ngập chìm trong lũ.
HỒ TĨNH TÂM (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________________
Đúng thật là 1 bài thơ hay. Rất thích. Cả bài bình cũng rất sâu sắc.
Trả lờiXóaĐúng là một bài thơ hay, và đặc biệt là hồn cốt bài thơ được sâu hơn khi có lời bình chính xác, tinh tế. Cám ơn BT.
Trả lờiXóa