Bác Năm là hậu duệ đời thứ mấy của họ Huỳnh đến lập nghiệp ở đây. Theo bác thì dòng họ thuộc chi thứ mấy của bác đến cặm dùi nơi đây chỉ với hai bàn tay trắng. Tài sản quý nhất của ông cụ tổ lúc bấy giờ là một chậu mai lai ghép từ giống mai ngự ở đất thần kinh, nơi ông đã cất bước, xuống ghe bầu trôi dạt vào đây lập nghiệp. Trải bao nhiều đời đổ mồ hôi khai lâm phá thổ mở đất,
lúc cơ hàn khốn khó, lúc làm nên ăn ra, tài sản tạo lập cũng lúc còn lúc mất, duy chỉ chậu mai tổ là không bao giờ bỏ đi đâu, luôn bám cùng họ tộc.
Đó là một chậu mai cực hiếm và cực quý. Trước hết là bởi cốt cách của thân, kiểu dáng của rễ. Bộ rễ gồ lên một dáng nai rừng cứng cáp. Bốn chân bước nhẹ như lướt giữa cõi trần gian phiêu lãng. Cổ nai ngước cao như muốn dõi tận trời. Đầu hơi ngoái về sau như chợt nhớ ra điều gì nơi cõi tục. Thân cây gồ ghề nhưng không thô ráp, tựa như từng thớ gỗ xoắn tít vào nhau, kết hợp với những mắt cây gồ lên lõm xuống, in đậm dấu ấn phong sương phong trần. Những chiếc lá nhỏ, dài, lơ thơ, xanh non, xanh già, xanh mơn vàng, xanh nâu sẫm, xanh phớt hồng, xanh đậm biếc; xanh ngời lên các sắc độ của xanh nhạt, xanh sáng, xanh mịn, tựa hồ như bất chấp, không thèm đếm xỉa gì tới muôn nỗi đoạn trường, qua năm tháng bể dâu sao dời vật chuyển, cứ thản nhiên phơi phới reo xanh niềm hy vọng, với thời gian không biết đến tuyệt cùng. Bông không nhiều. Bông chỉ nở phất phơ, nhưng kiêu sa, đài các; dường như tự biết rằng, nở nhiều chỉ uổng phí tinh hoa của đất trời hàng trăm năm tích tụ. Mỗi bông chỉ năm cánh, nhưng năm cánh mỏng tang, nhỏ lăn tăn màu sáng nhạt của sắc vàng ung dung thanh thản. Nhụy hoa màu hoàng đàn, kiêu hãnh tới lạnh lùng. Bởi lai ghép với giống mai ngự đất thần kinh, nên những ngày nghững đêm thật thanh tịnh, ngồi thưởng chén trà bên chậu mai, lắng tâm thật kĩ, sẽ nhận ra một làn hương thoang thoảng, quyến rũ tới mê lịm tâm hồn, giúp trí huệ khai minh, trong lòng xiết bao sảng khoái. Bởi vậy, đã có dập dìu khách sành điệu thập phương nghe danh tìm đến, trả giá cả mấy chục cây vàng.
Dòng họ Huỳnh của bác Năm tới đây lập nghiệp, sống chủ yếu bằng nghề làm vườn, duy chỉ bác Năm sống bằng nghề dạy học. Bác không dạy ở trường công thục của nhà nước, hay trường tư lập của người ta, mà mở lớp dạy ngay tại nhà. Nghĩa là chỉ dạy cho những đứa trẻ con nhà nghèo, chân đất đầu trần, đen lầm như củ co củ súng, tóc tai da thịt thấm đẫm mùi bùn mùi khét nắng. Việc dạy của bác cũng đơn giản. Đọc, viết, làm bốn phép tính, với những luân thường đạo lý trong đời. Cha mẹ học trò trả công cho bác, bằng những gì mà bàn tay lao động của họ làm ra. Bác Năm nhờ vào những thức đó mà sống, mà đưa nhờ láng giềng đem ra chợ quy đổi thành từng đồng bạc cắc, để mua sắm này nọ trong nhà.
Trong vuông vườn nằm kề bến sông của mình, bác Năm sống với người con thứ. Anh con thứ cao lớn, tướng mạo hào hoa, nhưng thần kinh không được bình thường. Năm anh đến tuổi quân dịch, trốn chui trốn nhủi trong đồng, bị bọn bảo an rượt đuổi, té vập đầu trúng gốc trâm bầu có ngạnh, lăn ra bất tỉnh, đeo bịnh tới giờ. Được cái anh là người tốt, bà con lối xóm nhờ việc gì cũng giúp. Nhất là đám con nít. Chúng đeo dính anh, nhờ vả đủ điều. Đứa nhờ anh nặn con tu huýt, đặng ra đồng ngồi thổi gà nước, bắt đem về bán kiếm tiền mua tập. Đứa chặt trúc đưa tới, nhờ anh uốn cần câu, nhờ anh khoét giùm cây sáo. Mùa diều, chúng nhờ anh bồi giấy nhật trình, gấy bao xi măng, vót nan tre phất con diều sáo. Anh ra tay làm tất. Anh đặt cả tâm hồn vào mà làm một cách say mê.
Tiếng là người không bình thường, nhưng anh con thứ của bác Năm, nhắp cá lóc bằng vịt con thì không ai sánh nổi. Chịu vác cần ra đi, mỗi ngày anh xách về vài kí cá là chuyện dễ như trở bàn tay. Đã vậy, trời còn phú cho anh tài nghệ thổi sáo trúc và chơi đờn kìm hay tới nao lòng nao dạ, hay đến rụng cả sao trời xuống dòng sông cái Cổ Chiên quanh năm dào dạt sóng. Tiếng sáo của anh lúc chơi vơi dìu dặt, lúc réo rắt trong ngần; tựa hồ như hút cả lồng ngực với trái tim đa cảm của anh vào trong đó mà tấu thành giai điệu. Ngón đờn kìm của anh còn độc chiêu hơn nhiều. Nhất là những cú lăn ngón độc đáo. Hai sợi dây đờn rung lên tất cả cung bậc của những gì sâu lắng nhất, yêu thương nhất, xa xót nhất, chất chứa tầng tầng hỉ nộ ái ố, khiến người nghe không cầm được nước mắt, tâm hồn theo tiếng đờn phiêu lãng trần gian, thổn thức đến tận cùng yêu thương và oán hận.
Tài hoa ấy của anh con thứ là do bác Năm thương mà truyền cho. Nhờ vậy mà lúc ngoại tứ tuần anh cũng cưới được vợ, cũng có mấy mụn con trai con gái với đời.
Khi tôi gặp bác Năm thì xứ cồn quê bác đã có điện, đã thành miệt vườn cây trái sum suê, nườm nượp khách thập phương tới tham quan du lịch; đời sống của dân tình đã khá lên rất nhiều. Riêng gia đình bác Năm thì trước ra sao, bây giờ vẫn vậy; bởi lẽ người con thứ, càng lớn tuổi bệnh tình càng trở nên trầm trọng, tiền bạc làm ra cứ thay nhau đội nón mà đi. Tiếng sáo của anh đã mờ đục, ngón đàn của anh đã run rẫy, không thể dạy cho ai để kiếm tiền được nữa. Bác Năm thì mắt đã lòa, đến và chén cơm còn đổ cả ra ngoài, ăn miếng cá có xương cũng coi chừng bị hóc. Hoàn cảnh gia đình càng ngày càng lâm vào túng bấn.
Rất nhiều khách thập phương tới thăm viếng chậu mai, thấy hoàn cảnh gia đình bác bần hàn như vậy, bắn tiếng xin mua với giá rất cao, nhưng bao giờ họ cũng nhận được từ bác Năm những cái lắc đầu từ chối. "Cây mai là tinh khí của tổ tiên, tôi không thể vì tiền mà đang tâm bán nó".
Xóm giềng họ mạc, ai ai cũng đèn điện sáng choang, rào rào nhạc máy. Riêng nhà bác Năm vẫn đèn dầu hôi, vẫn tiếng đờn tiếng sáo u ẩn muộn phiền của anh con thứ nhuốm bịnh tâm thần. Duy chậu mai quý là vẫn bùng sang sự phong lưu đài các, bùng sang sự thách thức mọi giàu có đời thường. Cả nhà bác Năm, dường như ai cũng nương dựa tinh thần vào chậu mai để sống. Vậy mà trong một đêm mưa gió tối trời, cây mai biến mất đi đâu, không một ai hay biết.
Anh con thứ ngơ ngẩn mất mấy ngày không ăn không ngủ. Bác Năm bệnh thập tử nhất sinh, thiêm thiếp lâm sàng mất mấy ngày.
Thế rồi, khi gió xuân hây hẩy, người con thứ chợt tỉnh. Tỉnh như chưa hề bao giờ bị té vập đầu vào gốc cây trâm bầu có ngạnh. Thế rồi, bác Năm đang nằm liệt giường bỗng chỏi tay ngồi dậy. Hai đứa con trai con gái lớn của anh con thứ, đứa sáo đứa đờn, cùng tấu khúc nam xuân trong ngần màu thiên nhiên thôn dã. Ngôi nhà lá tuềnh toàng được Hội người mù giúp đỡ, đang bừng sáng lung linh ánh điện. Hồn của cây mai hiện về lâng lâng trong tiếng sáo tiếng đờn. Cốt cách của cội mai hiện về trong dáng dấp hai người cháu nội của bác Năm, đối mặt hai bên bàn nước trước bàn thờ tổ tiên, tấu lên trùng trùng giai điệu của hồn mai thuở nào
Bác Năm ơi! Mai vàng độ ấy vẫn còn đấy thôi!
HỒ TĨNH TÂM (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp vào hình ảnh phía dưới để về trang chuyên đề <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét