Tôi sinh ra ở nhà quê, lớn lên ở nông thôn.
Ba mươi năm sống ở thủ đô Hà Nội, nhưng chưa bao giờ tôi là người thành phố của cây cơm nguội, của "Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa", của "chim sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời". 30 năm sống ở phố phường, thời gian dài hơn 18 năm sống ở làng mạc, ruộng đồng vẫn chưa kịp làm đổi thay một con người tôi. Ngược xuôi đường phố vội vã, gấp gáp, ồn ào, sục sôi và cả cái chiều sâu văn hóa thầm lặng kết tinh trong người đô thị vẫn xa lạ, vẫn đứng ngoài tôi. Mãi mãi tôi chỉ là một gã nhà quê của bùn non đồng ruộng, của phù sa sông nước.
Có nhiều khi tôi tự hỏi: Còn những người khác nữa đi từ làng mạc ra phố như tôi có bao nhiêu ông bà đã thành người phố thị? Và bao nhiêu người vẫn mãi mãi chân chất thô mộc nhà quê?
Tôi luôn có một niềm tin vững chắc rằng: 30 năm, thậm chí 70 năm, 100 năm vẫn chưa đủ thời gian để biến một đứa trẻ đỏ hỏn ở xứ nghèo đồng chiêm trũng oằm oặp nước cả mùa giáp hạt Ninh Bình quê tôi trở thành một người Tràng An - Hà Nội, huống chi tôi sinh ra, lớn lên gần hai chục năm ở xóm mạc, ruộng đồng đã kịp hình thành tính cách nhà quê một cách vững bền, kiên cố, không dễ gì đổi thay được. Vậy thì, dứt khoát phải có điều gì đó làm nên căn cốt NGƯỜI QUÊ đến mức bền lâu như thế!?
Tuổi thơ tôi là những ngày ngụp lặn tắm táp, mò cua, bắt ốc, lấy rong, ngắt bông súng ở đầm, hồ, sông ngòi và cánh đồng đầu làng trải rộng đến chân đê sông Bút. Ngồi trên lưng trâu nghe sáo diều thả lên từng không dìu dặt trong các buổi chiều tàn, mặt trời lụi dần gác trên đỉnh núi con Rùa buông nhẹ một màu đỏ ối. Hoàng hôn ánh xạ vô vàn sắc mầu lung linh lên những đám mây nhàn tản trôi an lành. Tôi cứ tự hỏi: đằng xa phía chân trời kia là cái gì?
Phải rất lâu sau, đi gần khắp các nẻo đường gập gềnh đất nước, tôi mới nhận ra: phía chân trời xa kia là một cõi hoàn toàn mới lạ, là thế giới của những người công chức, thị dân dưới ánh đèn điện ở phố phường. Họ có đời sống, có tư duy, cách nghĩ và sinh hoạt khác biệt với người nông dân chân lấm tay bùn lam lũ cám lợn ao bèo, thì thụp cối chày giã gạo dưới ánh đèn dầu hỏa tù mù sớm hôm khuya khoắt trong lũy tre làng. Tôi đồ rằng, cũng sẽ có bao nhiêu thằng trai mới lớn như tôi đã từng tò mò và băn khoăn về chân trời xa như thế. Quá trình nhận thức về cõi lạ, về thế giới mới dấn thân cũng là hành trình đi tới hiểu ra con người và quê hương mình.
Thời chiến tranh chống Mỹ, trai tráng làng tôi ra trận hết, xóm thôn toàn ông già, bà lão, trẻ con, toàn đàn bà con gái. Cái không khí vắng vẻ, hiu hiu, trầm lắng đến lạnh lẽo bởi phần âm trội hơn phần dương ở làng cứ bám riết tôi đến tận bây giờ. Chiến tranh ác liệt, chết chóc và tang thương ở chiến trường, người nông dân làng tôi không hề biết được. Con em họ đã đi quá xa vào phía đường xích đạo và mất hẳn tin tức trong sự ngóng chờ vô vọng. Nhưng, tôi và người thôn quê đoán định được sự khốc liệt của chiến tranh từ vành khăn tang trắng trên đầu những người đàn bà. Thỉnh thoảng lại báo tử một vài người, có khi làng nhận được giấy báo tử bốn người lính vào một buổi chiều. Họ úp bốn chiếc thuyền nan thường dùng chở lúa mới gặt vụ tháng mười rồi phủ vải diềm bâu lên làm mộ giả ngay trong hội trường Ủy ban xã. Nhạc Chiêu hồn tử sĩ nổi lên, lễ truy điệu tưởng nhớ những người thợ cày ra trận mãi mãi không về, mãi mãi vắng bóng họ lội bì bọp theo con trâu trên cánh đồng năn lác của làng. Không khí tang thương tràn vào từng ngõ xóm, từng cổng nhà người nông dân lành hiền.
Có ở nơi nào trên trái đất nầy, người mẹ khốn khổ gạt nước mắt giao đứa con trai mười bẩy tuổi - thằng đàn ông thợ cày cuối cùng của làng cho bộ đội; và ngay từ phút giây ấy, người mẹ biết mình sẽ luôn sống bất ổn trong tâm trạng cầu may, phấp phỏng chẳng biết khi nào đứa con sẽ trở về ?
Có! Làng tôi - làng Côi Trì có những người mẹ chân lấm tay bùn như thế!
Có ở nơi đâu trên cõi dương gian này, người vợ đằng đẵng chờ chồng năm năm, mười năm, chờ từ cái đêm hết thời thiếu nữ chưa kịp làm thiếu phụ mòn mỏi thiếu vắng đàn ông đến lúc thành "bà cô", đến tận ngày thắng lợi cuối cùng mà chồng đi trận vẫn chưa về?
Có! Những người thợ cấy làng quê tôi như thế!
Làng vắng bóng đàn ông trai tráng. Thợ cày cầm súng ra trận hết. Không còn cái cảnh đầm ấm, náo nức:
"Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa."
Những người đàn bà cấy hái làng tôi lại thay chồng thay con trai cầm cày. Con trâu đi trước, cái cày theo sau và sau cùng là người đàn bà một tay cầm chuôi cày, một tay cầm thừng "vắt...vắt", "diệt...diệt". Cánh đồng làng mênh mông chỉ toàn thấy trâu cày da đen nhánh và đàn bà đội nón trắng gài lá xanh ngụy trang nhấp nhô. Lưỡi cày sâu sát tầng đất gan gà. Đất lật lên cuồn cuộn. Rãnh cày sâu in dấu móng guốc chân trâu và in cả bàn chân phụ nữ váng phèn ngả màu vàng đã góc cạnh, chai sần. Ôi! Cái vẻ đẹp dịu dàng lẽ ra cần được nâng niu, tựa đỡ, chăm bẵm thì phải làm công việc cơ bắp thay đàn ông lực điền "cổ cày vai bừa". Xót xa quá!
Chiến tranh lan rộng ra miền Bắc. Máy bay Mỹ gào rú trên bầu trời. Pháo sáng bắn trắng đêm. Bom rơi vào làng, bom đánh vênh oằn mấy nhịp cầu Bút. Những người thợ cấy làng tôi lại tay cày tay súng. Áo cánh phin chẽn hông, màu nâu non, cổ tròn, tóc tết đuôi sam. Thay nhau trực đêm, trực ngày. Súng phòng không 12ly7 mới tinh bóng rẫy dầu mỡ chưa kịp lau vào trực chiến. Cũng ngắm, chỉnh lấy tầm, lấy hướng, cũng phất cờ đuôi nheo, cũng bóp cò. Đạn nổ oành oành và cát tút đồng vàng chóe văng tóe loe trong công sự. Không cháy cái máy bay Mỹ nào, nhưng bọn giặc trời cũng khiếp đảm không dám bay tầm thấp và ném vung vãi những quả bom thừa trước khi lao ra biển về sân bay chiến hạm.
Rồi bộ đội về làng. Thợ cấy làng tôi lại tay mai, tay xẻng, gồng gánh đất đắp trận địa pháo phòng không. Người đun nước chè xanh. Người gánh lá ngụy trang. Người đứng như đóng cọc tiêu ở đập tràn. Đêm, xe ô tô tải hạng nặng bật đèn gầm chở pháo phòng không 37 ly hai nòng vào trận địa. Lại đêm những đêm, đạn cao xạ nối đuôi nhau từng đường đỏ lừ vạch lên trời tối om nổ đùng đùng... Bom Mỹ rơi vào xóm mạc, bom vãi trên đồng đang cấy mạ non. Viên bi khối tròn, khối vuông, hình củ cấu, xuyên bắp chân, bắp đùi, ghim vào khuôn ngực những người thợ cấy làng tôi. Cặp vú tròn căng mẩy xẹp xuống, máu đỏ tươi ứa ra... Những người thợ cấy ở làng tự khâm liệm, tự chôn nhau, bởi trai tráng ra trận vẫn chưa có ai về. Đêm lại đêm chong chong thức, xót xa người ở làng chết trẻ và ngong ngóng người đánh giặc ở phương Nam. Mãi về sau, lớn lên tôi mới hiểu ra rằng: Cả nước Việt Nam là một chiến trường. Đàn ông ra trận chịu mất mát hy sinh của sự khốc liệt trực tiếp trận mạc. Đàn bà ở nhà cũng chịu cảnh bom rơi đạn nổ, lại thêm nỗi mòn mỏi đợi chờ. Chẳng biết ai khổ hơn ai?
Dạo lên 10 tuổi, tôi được đọc một quyển sách dịch thơm mùi giấy mới viết về những học sinh nhỏ bé của Bắc Triều Tiên vượt qua khói lửa đạn bom, đi tàu hỏa qua Trung Quốc, Liên Xô, sang Ba Lan để tránh cuộc chiến tranh đang huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam - Bắc. Những cảnh bọn trẻ con chí chóe, cãi nhau, đùa nghịch trên tầu hỏa, những chuyện riêng cực khổ, khốn nạn, đau đớn, buồn bã của mỗi gia đình bọn trẻ Triều Tiên trong chiến tranh được tái hiện qua hồn chữ cứ ám ảnh và làm tôi xót xa mãi. Thật không ngờ chỉ sau đó ít tháng, tôi chứng kiến những hình ảnh học sinh K8 di cư tránh bom đạn tương tự như đám học trò bé bỏng Triều Tiên sang Đông Âu. Chỉ có khác về không gian và K8 là biệt danh dành cho các bạn học sinh tiểu học vùng Vĩnh Linh, Quảng Bình đang bị máy bay đánh phá ác liệt sơ tán ra nơi tương đối an toàn ở một số nơi vùng châu thổ sông Hồng sinh sống và học tập. Thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của nước Việt Nam sau giải phóng, các em không thể sống hàng năm dưới hầm địa đạo ẩm ướt, tối tăm, thiếu ăn, thiếu giấy mực, thiếu học hành. Nhiều làng quê bắc bộ xôn xao, hồ hởi đón học sinh K8. Lạ thế! Làng nào cũng sống trong tình trạng thiếu ăn, bữa cơm độn sắn, độn rau má ngày giáp hạt..., mà nhà nào cũng tình nguyện nuôi ít nhất là một học sinh K8. Bạn tôi là Nguyễn Văn Bốn quê Vĩnh Linh cũng là một học sinh K8 thời ấy, bây giờ anh đã trở thành nhà văn với bút danh Văn Xương. Anh đã chép lại tình nghĩa của các cậu học trò Vĩnh Linh tránh bom đạn với những người nông dân Bắc Bộ bằng truyện ngắn "Hoa gạo đỏ bên sông". Thằng bé học sinh K8 được một gia đình nông dân Hà Nam cưu mang. Tuổi trẻ hiếu động, thằng bé K8 làm gẫy cái vòi ấm tích om nước vối. Sợ gia đình chủ quở trách, thậm chí hốt hoảng chỉ lo anh con trai chủ nhà... oánh một trận đau đời, nó lấy đất sét gắn cái vòi ấm lại. Đất sét gặp nước nóng rã ra nhão nhoét, chiếc vò rời khỏi thân ấm. Chuyện vỡ lở, thằng bé K8 không bị đánh mà còn được anh con trai chủ nhà dạy bảo, tâm sự về lòng trung thực với một tình cảm ấm áp, chân thành. Thế rồi, anh con trai chủ nhà đi bộ đội. Thằng bé K8 đi theo tiễn chân, ngồi dưới gốc cây gạo hoa đỏ cháy bời bời nhìn theo. Chiến tranh kết thúc, người con trai chủ nhà không về. Người mẹ đau đớn, mòn mỏi ngóng trông. Và một cái kết ấm nóng tình nghĩa: Thằng bé K8 ngày xưa đã trở thành cán bộ, lặn lội trong rừng xanh Quảng Trị đi tìm được hài cốt chàng trai chủ nhà ra trận năm xưa, mang về cái làng có cây gạo bên sông vừa lúc người mẹ đang hấp hối. "U ơi! Con đã mang anh con về với u." Người mẹ già nua héo hắt quờ tay vào gói hài cốt con trai, kịp nở nụ cười và thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên học sinh K8 sống trong tình nghĩa những người nông dân Bắc bộ đi vào truyện ngắn. Cái sự khái quát này còn cao hơn cả ghi chép về bọn trẻ K8 nhớ mệ, nhớ cha, ngồi bần thần ở cửa nơi xứ lạ nhìn về Vĩnh Linh phương Nam xa vời; hơn cả sự miêu tả bọn trẻ K8 ăn cùng mâm cơm gia đình, và đêm đêm những người mẹ nuôi cầm quạt mo cau quạt phành phạch cho con mình thì ít mà quạt cho bọn trẻ K8 thì nhiều, chỉ vì bọn trẻ bé bỏng xa bố mẹ, thiệt thòi nhiều quá. Người nông dân miền bắc nuôi học sinh K8 có thể viết hẳn một cuốn tiểu thuyết cũng không tả hết các chi tiết nghĩa tình. Nghĩa tình thật! Nếu không tình nghĩa thì chẳng có chuyện mấy chục năm đã qua, các học sinh K8 dạo ấy, bây giờ đã là giám đốc, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, tướng lĩnh...vẫn trở về thăm nhà mẹ nuôi bố nuôi, sống lại cùng ký ức một thời sơ tán ở trong gia đình những người nông dân bắc bộ...
Chiến tranh càng ác liệt, những người nông dân làng tôi vẫn "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Thợ cày mới lớn lên như con nghé non mới vực, "vắt", "diệt" chưa thạo đường cày đã lại lên đường. Cái hố đen chiến tranh như vực không đáy nuốt chửng bao nhiêu thợ cày làng tôi, có đi mà không thấy về. "Chết trận nhiều quá! Đẻ không kịp lớn để đi đánh nhau!" Những người mẹ xót xa bất lực, không nói thành lời, chỉ biết ngầm truyền đi thông điệp sinh nở "không lại" với thần hủy diệt. Hết thợ cày ra trận. Thợ cấy nối bước chân theo. Những cô gái tuổi 18, 20 "ăn chưa no lo chưa tới" ngực vun đầy, căng mẩy, má hay hây đỏ bồ quân, nụ cười sáng cả đồng chiều... lên đường đi đánh giặc. Đêm đêm trên những nẻo đường ra trận thợ cấy làng tôi san hố bom, đắp đường cho xe pháo vào Nam, cho lính xanh màu quân phục hành quân...
Chiến tranh kết thúc. Sau ngày thắng lợi cuối cùng, khắp các nẻo đường đất nước lại hành quân. Chỉ có điều cuộc hành quân này không phải từ hậu phương ra chiến trường mà lại từ mặt trận vừa im tiếng súng trở về quê hương. Hồi hương! Hồi hương sau những ngày trận mạc. Ba lô toòng teng. Con búp bê mặc váy ngắn ngồi trong túi cóc. Dép râu. Mũ cối. Đôi mắt vời vợi. Đôi chân bồn chồn sải bước về với mẹ. Có người vẹn nguyên, có người khuyết thiếu. Một cánh tay để lại rừng già Lộc Ninh. Một con mắt gửi lại chiến hào tháng ba Tây Nguyên. Một cặp giò chìm sâu dưới dòng sông Thạch Hãn... Nước da thợ cấy sốt rét tái xám, sạm mùi khói bom mìn, tai tái, môi thâm để lại những tháng năm làm cô thanh niên xung phong ở rừng. Thợ cày, thợ cấy làng tôi từ mặt trận vừa im tiếng súng lục tục trở về làng. Mỗi người một dáng đi. Mỗi người một hình hài. Mỗi người mỗi tâm trạng buồn vui. Thầm lặng. Khóc cười....
Chị dâu tôi cũng là một thợ cày thợ cấy, năm nay ngoài 70 tuổi. Hơn nửa thế kỷ, chị làm dâu nhà tôi khi tóc còn cum cúm, hoe hoe đỏ đuôi gà, đến nay tóc bạc trắng. Chẳng biết bao nhiêu nắng mưa dội xuống đầu chị tôi, không biết bao nhiêu gió bão đi qua vạt áo nâu màu đất và mái tóc cứ đổi màu theo tháng năm. Nghĩ về người nông dân chân chất, nhân hậu, cần cù, chịu khó, thương người và lam lũ là tôi lại liên tưởng đến chị dâu. Chị dâu tôi đi cấy. Chị dâu tôi đi cày. Chị dâu tôi gánh rau răm, rau cải bán ở mom sông. Từ đồng đất chiêm trũng Yên Mô, chị dâu tôi ngược ngàn đi lên Nho Quan, Hòa Bình, Sơn La mua sắn lát khô về chống đói vụ giáp hạt. Chị dâu tôi chăm sóc chồng và nuôi chín đứa con ăn học thành người. Lam lũ. Tần tảo. Chịu khó. Tham công tiếc việc.
"Tham công tiếc việc" là một cụm từ biểu hiện phẩm chất có lẽ chỉ dành riêng cho những người nông dân, không một hạng người nào, chẳng một ngành nghề nào được "thụ hưởng" niềm vinh quang và nhọc nhằn này. Tôi vẫn nhớ, chị dâu có bầu đứa thứ 10. Vụ giáp hạt năm ấy đồng không sông quạnh, nước trong veo bởi cách đó mấy tháng lụt mênh mang, lúa má mất sạch, cả làng đói, cả nước đói. Một đàn con lau nhau. Chị dâu tôi vác cái bụng kềnh kệnh như con nhện chửa đi xe bò chở vôi. Tham công tiếc việc, không đi chở thì chẳng có tiền mua sắn lát, khoai lang chống đói cho con, mà đi làm thì vác cái bụng chửa lên thùng xe và đánh cái xe bò bánh lốp kềnh càng chở một tấn vôi thì đầy... bất trắc. Vậy mà, "đói ăn đầu gối phải bò", chị tôi vẫn dong con bò mộng lông đen nâu và cái xe bò bánh lốp định mệnh ra khỏi nhà theo tiếng gọi của bầy con nheo nhóc đang đói dạc dài. Con bò nhẫn nại leo dốc cầu Bút. Vôi xếp ở thùng xe nặng quá, càng xe vổng lên. Con bò ghì cổ họng ấn vòng dây giữ ách, ì ạch lên cầu. Nhọc nhằn lên cầu bao nhiêu thì khốn nạn lúc xuống dốc bấy nhiêu. Dốc cầu bên này độ nghiêng nhiều hơn. Một tấn vôi chất trên cái xe bò bánh lốp nặng đến hai trăm cân, tổng cộng hơn một tấn ách lên vai con bò. Dốc nghiêng quá, xe lao nhanh. Con bò đã hết sức ghì giây, nó cứ thế chạy phăm phăm. Bánh lốp lăn trên mặt đường dốc gặp phải hòn đá, xe quặt sang một bên, hất chị dâu tôi cùng cái bụng chửa xuống mặt đường gồ ghề đá răm, đá hộc. Chị dâu xảy thai. Số phận đứa con thứ mười không được sống ở trần gian gắn với chuyến xe bò bánh lốp chở vôi định mệnh...
Có bao nhiêu người đàn bà nông dân như chị dâu tôi?
Quê tôi cách Hà Nội hơn 100 cây số, thỉnh thoảng về làng lúc giỗ chạp, tết nhất, ma chay, hiếu hỉ...cũng là lúc tôi tìm được sự bình yên, an lành nhất. Những bà cô của tôi năm nay người thì hơn 90 tuổi, người thì trên dưới 80 năm sống ở dương thế. Đứa con tôi cứ bảo các bà như "những con khủng long vĩ đại" từ đầu thế kỷ 20 còn sót lại. Tóc bạc, da mồi có chỗ có vảy như vảy rồng, trán nhăn nheo, má đầy những nếp gấp, nhưng mắt còn tinh, giọng nói các bà cô còn vang. Về quê, gặp các bà cô là tôi bắt gặp thứ ngôn ngữ đời thường chân chất, dân dã từ đầu thế kỷ 20 mà các bà chính là quyển từ điển sống. Nhìn các bà cô, tôi mừng rỡ, nhưng cũng liên tưởng đến sức khỏe của mình và đầy hoài nghi băn khoăn sẽ ra sao sau mấy chục năm nữa. Không khí trong lành, sông nước, đầm hồ, cây xanh... và cuộc sống không vụ lợi, hồn nhiên, chẳng lo tính toán, đấu đá, tranh giành quyền chức... đã làm cho những người nông dân sống lâu.
Sống lâu trên cõi đời mà vẫn không chán sống, vẫn cứ giàu xúc cảm, đầy ắp tình thương yêu nhân hậu. Tôi bắt gặp nỗi lo lắng trên gương mặt của cô ruột tôi. Bà cô ca cẩm: Khổ thân chúng mày! Đi làm việc nhà nước vất vả quá. Mới bước sang tuổi năm mươi mà tóc đã bạc, mặt vêu vao, khắc khổ, âu sầu. Có ăn được không cháu? Con tôi nhanh nhảu trả lời thay: Bố cháu ăn được, uống được. Toàn đi ăn đặc sản nên béo ú, đấy bà ạ. Bà cô hỏi: Ăn đặc sản là ăn cái gì mà mày khoe cho bố? Con tôi thưa: Dạ! Cơm niêu ạ. Ốc nhồi hấp lá chanh ạ. Gà ri, ba ba, cá chép ạ. Cá bống kho rau răm ạ. Lòng lợn se điếu, cổ hũ dạ dầy ạ. Rau lang luộc ạ. Mắm cáy, mắm tép riu ạ... Bà cô kêu giời kêu đất: Tưởng gì. Toàn đồ ăn của con nhà nông nghèo. Khốn nạn, rau lang thì báu gì. Tháng ba bà hái cả rổ. Tát ao lần nào cũng cả gánh ba ba, ăn không hết đem bán, đem cho ê chề. Cơm niêu thì ngày nào bà cũng ăn, gạo nấu nồi đồng, nồi gang, nồi nhôm, bà không ăn được, nó tanh đồng lắm. Ngày xưa, bố mày đã chả đập vỡ không biết bao nhiêu chã kho cá với niêu đất. Lửa đun to quá mà, mảnh vỡ ném đầy bụi tre ấy. Khốn khổ! Cái thứ nhà quê chúng tôi ăn chán chê, ăn phát ngán lúc giáp hạt ngày ba tháng tám thì phố phường các anh lại coi là báu vật đặc sản...
Chân chất, lành hiền, những bà cô tôi ngơ ngác không hiểu nổi phố phường, đô hội tân tiến thế mà lại coi rau lang luộc, ngọn bí ngọn bầu sào, con ốc nhồi hấp lá chanh là... đặc sản. Cứ như trong tâm tưởng "những con khủng long vĩ đại" còn sót lại từ đầu thế kỷ 20 thì chúng tôi là người thành phố dứt khoát phải ăn giò chả, dăm bông, xúc xích, lạp sườn..., những thứ cao sang ấy còn đọng lại trong trí nhớ mù mờ của các bà từ vài lần nhìn thấy ở cửa hiệu ăn sang trên thị xã Ninh Bình.
Những người nông dân ở đâu trên vùng châu thổ sông Hồng cũng có có đức tính "nhịn ăn đãi khách". Nhà nghèo khó mấy, nhưng khách quý đến nhà cũng làm cỗ đãi, dù chỉ còn con gà mái ổ cuối cùng đang đẻ trứng cũng làm thịt. Con cháu đi xa sống ở thành phố không giàu có nhưng cũng chẳng nghèo. Mỗi lần về quê là chị dâu, chị gái, hoặc cô dì, chú bác... lại dốc lọ dốc chai đựng lạc nhân, đỗ đen, hoặc xúc gạo nếp trong chĩnh ra gói lại bắt mang theo bằng được. Không nhận là giận dỗi, là nói khi rằng: chúng mày giàu có rồi, ăn gì những thứ này. Chúng mày chê nhà cô (nhà chị) nghèo. Cái khách khí, giữ ý giữ tứ thường bị cái tình cảm thân mật, đáng yêu lấn lướt, trên hết còn lại là chữ TÌNH. Những ngày giáp tết, và cả ngày ba mươi nữa, trong làng cứ kháo nhau con nhà này đã về, con nhà kia chưa thấy tăm hơi. Đến ngày mùng một, mùng hai tết thì ai ai ở làng cũng có thể bấm ngón tay, kể vanh vách tên tuổi của những người xa xứ về quê ăn tết. Chả bù cho lối phố nhà tôi, "đèn nhà ai nhà ấy rạng", tết nhất đóng cửa im im, nhà nào biết phận nhà nấy, thậm chí ông hàng phố chết ở bệnh viện cả năm rồi mà nhà bên chẳng biết.
Dường như bạn bè tôi người nào cũng bảo về quê ăn tết vui hơn ở thành phố. Là bởi, cùng cơ quan ngày nào cũng nhìn thấy nhau nhẵn mặt, ngày nào cũng nói chừng ấy câu chuyện, tết gặp nhau chả biết nói gì, ngoài màn chúc xã giao, rồi nâng ly chạm cốc. Tết nhất cứ có tiền, phóng ô tô ra siêu thị chừng một giờ đồng hồ thì đủ cả mứt, bánh chưng, bánh tét, giò chả, bánh kẹo,...Nhàn nhã, thảnh thơi, nhưng chẳng có cái thú vui rộn rịch tát ao từ ngày Ông Táo lên chầu Giời 23 tháng Chạp, sẽ chẳng có cái cảnh quây quần quanh nong gói bánh chưng, người lau lá, kẻ vo gạo và đêm Giao thừa ngồi canh nồi bánh chưng nghe bà nội kể chuyện bánh chưng bánh dầy của Lang Liêu. Rồi ngồi tính nhẩm một năm làm được bao nhiêu tấn thóc, bán mấy lứa lợn, nuôi được mấy chục con gà... niềm vui ngày tết bình dị, hạnh phúc biết bao.
Tất nhiên, cái tình người vẫn náo nức, ngong ngóng hỏi thăm bạn bè cùng học thuở cấp 3, bạn bè thời đi lính... ai mất ai còn. Tết Nguyên đán còn như là cái cớ để người ở nhà gặp người đi xa, người đi xa gặp người đi cùng trở về...vv. Tất nhiên, bên mâm cơm ngày cuối năm, không ít người chợt lén lau giọt nước mắt vừa ứa ra vì bỗng dưng những năm tháng thợ cày thợ cấy ra trận, và xót xa nhớ ai đó còn nằm lại giữa đại ngàn, tết này vẫn chừa về.
Thèm quá cái tình người nông dân!
SƯƠNG NGUYỆT MINH (tác giả giữ bản quyền)
________________________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp vào hình ảnh phía dưới để về trang chuyên đề <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét