Chỉ cần nhìn vào mắt và nghe giọng ngoại nói, tôi hiểu là ngoại kiếng nể Ông
tới chừng nào. Và cũng như ngoại kể lại, Ông Hổ Mây dài tới hơn hai mét, nặng
trên chục ký, đầu bạc trắng và nhú lên cái sừng thun lủn. Ở xứ tôi người ta gọi
là rắn hổ mây. Bởi chỉ có rắn hổ mây mới lướt được vù vù trên cành cây, ngọn
cỏ, mới quăng mình bay xa được hàng mấy sải tay.
Dù rằng tôi đã lớn, đã biết
chắc Ông Hổ Mây mất đã từ lâu, nhưng tôi vẫn cứ sợ, ít dám đi tha thẩn một mình
ra phía dựng am thờ Ông- biết đâu hậu duệ của ông vẫn còn, vẫn quanh quất đâu
đó canh giữ cho ngôi nhà thâm thiêng của Ông.
Chẳng biết điều linh cảm của tôi hư thực ra sao, chứ tịnh trong nhà tôi, trong
vườn nhà tôi, cấm bao giờ thấy hó hé một con chuột- dù là chuột nhắt- mặc dầu
nhà tôi chưa bao giờ nuôi mèo. Nhưng chỉ cần đi chịch qua vườn nhà người ta vài
bước là đã có thể gài bẫy sập bắt được cả xâu chuột.
Theo như ngoại thì Ông là khắc tinh của chuột. Nhưng hàng tháng cúng Ông, bao
giờ ngoại cũng cúng bằng gà trống choai. Tôi hỏi ngoại tại sao không cúng Ông
bằng chuột. Ngoại nói với tôi: Từ khi biết Ông đến tá túc trong vườn, săn lùng
không còn bóng dáng một con chuột nào, ông ngoại tôi phải dùng gà làm mồi nuôi
Ông, đặng giữ chân Ông ở lại.
Mồi cho Ông thường là một chú gà trống choai, đem cột hờ bằng sợi dây sau góc
vườn. Cứ đúng ngày rằm hàng tháng thì cúng. Cúng riết thành ra quen. Về sau gà
không cần buộc chân nữa, ông ngoại tôi chỉ cần ôm con gà ra vườn, vừa buông tay
là Ông Hổ Mây đã xuất hiện. Ông ngóc cao đầu, bành mang; rồi chỉ vù một cái đã
nghe con gà kêu oác một tiếng. Ông Hổ Mây lôi con gà biến mất vào bụi ô rô. Mỗi
tháng một con, Ông chỉ ăn có chừng đó. Nhà tôi nuôi gà đỏ sân, không bao giờ bị
chết dịch, không bao giờ mất mát một con gọi là.
Vào năm đói bốn lăm, làng tôi xuất hiện một tên đạo chích, ăn trộm thành thần.
Hắn lấy cắp từ con gà, con vịt đến đồ đạc lớn nhỏ trong nhà. Cả làng xưa nay
vốn an bình, thanh tịnh, đêm hôm cửa nẻo chẳng ai phải đóng bao giờ, vậy mà từ
khi hắn xuất hiện, tự nhiên trong làng cứ xào xáo cả lên, cứ vừa sập tối là nhà
nào nhà nấy cũng phải cửa đóng then cài cho thật chặt. Nhưng dầu chốt cửa bằng
thanh gỗ ngang to cách mấy, khóa cửa bên trong bằng ống khóa to cách mấy, hắn
cũng tìm cách lọt vào được. Hắn ẳm của dân làng đã mấy bộ chân đèn cầy, mấy bộ
lư bằng đồng. Hắn làm cho cả làng bấn bá vì lo lắng. Người ta không tiếc tiền
của, người ta lo sợ nơm nớp về những đồ gia bảo trong nhà có thể bị hắn nẫng
mất.
Bữa đó, ông ngoại đang nằm ngủ mơ màng thì nghe có tiếng rắn phun lưỡi phè phè,
vùng thức dậy, ông hoảng hồn nhận ra Ông Hổ Mây đang ngóc đầu thở khè khè ở
hông nhà. Tưởng Ông làm phản vào nhà quấy phá, ông ngoại vùng ngay dậy, chụp
ngọn mác kê dưới gối. Nhưng vừa thấy ông ngoại thức giấc, Ông Hổ Mây đã lùi
ngay ra ngoài. Bán tin bán nghi, ông ngoại xách đèn chá mở cửa bước ra sân.
Ngay ở góc trái sân, một gã đàn ông bất tỉnh, nằm sóng sượt. Gã người tầm tầm,
nước da săn chắc màu nâu đất. Ông ngoại bồng xốc gã lên, cánh tay phải của gã
oặt oà oặt oẹo- chắc là đã bị gãy.
Đưa gã vào nhà thoa dầu nóng, đốt lửa sưởi một lúc gã mới tỉnh. Té ra gã là tay
đạo chích, đã ẵm của làng bốn bộ lư, bốn cặp chân đèn cầy, và không biết bao
nhiêu là gà là vịt. Gã dập đầu than khóc, van xin ông ngoại tha cho mạng sống,
đặng gã còn phải kiếm sống nuôi một bà vợ tật nguyền và bốn đứa con thơ. Và cũng
qua miệng gã, cả nhà mới biết gã bị Ông Hổ Mây vặn xiết làm gãy cánh tay. Gã
chết giấc là vì sợ chớ không hẳn chỉ vì đau đớn. Có điều, chính gã cũng ngạc
nhiên là tại sao Ông chỉ vặn xiết chứ không cắn gã. Rắn hổ to như cổ chân người
lớn mà cắn thì đời gã còn gì.
Sau này, không biết ông ngoại nói sao đó, người đàn ông từng hành nghề đạo
chích, đã đùm dúm đưa cả nhà đến sống làm ruộng ở làng tôi. Ruộng là đất công
của làng cấp không cho ông ta. Thời kỳ đầu gia đình vợ chồng người đàn ông ấy
sống chung với gia đình tôi. Thằng con lớn của họ bằng tuổi tôi, cũng mười một
tuổi. Nó nói cho tôi biết, tía nó luyện thiêng linh, trong ghe có thờ bàn tay
người khô quắt quéo; mỗi lần đi hành nghề, bao giờ ông cũng đốt nhang rồi lắc
bàn tay ấy. Nhắc cái tộ đậy trên bàn tay ra, thấy ngón trỏ chỉ về hướng nào thì
đi về hướng ấy mà kiếm ăn. Có điều đó phải là bàn tay của gái trinh mới chết
trong vòng hai ba ngày, cứ mỗi năm phải thay một bàn tay mới, nên có lần nó đã
được theo cha đi đào huyệt mộ người ta, cắt lấy bàn tay đem về, ướp rượu một
tuần rồi đem phơi khô. Nó định lớn lên sẽ theo nghề cha đi ăn trộm. Nhưng nghe
chuyện cha nó bị rắn hổ bẻ gãy tay, nó tởn luôn, thề không bao giờ nghĩ tới
chuyện đó nữa. Nó tên là Hai Cò.
Tính thằng Hai Cò rất lỳ. Khi đến sống trong nhà tôi, nó rủ tôi suốt ngày rình
rập trong vườn để coi Ông Hổ Mây cho biết. Mới đầu tôi cũng sợ, nhưng rồi dần
dà bị lây máu tò mò của nó, tôi cũng xăng xái rình rập y chang như nó.
Kiên nhẫn mãi, một buổi trưa tôi với nó cũng thấy ràng ràng Ông xuất hiện.
Bấy giờ, từ đám bụi rậm bên kia con xẻo nhỏ, tự nhiên thấy lò dò một con cáo
lông vàng ngoách xuất hiện. Con cáo cúp đuôi, thận trọng nhón từng bước rón
rén, hai mắt lấm lét đảo lia đảo lịa. Vù một cái, Ông Rắn Hổ không biết từ đâu
quăng mình vút tới, ngoạm đúng hai chân sau con cáo. Mới đầu con cáo còn giãy
dụa, còn la oẳng oẳng như tiếng chó con bị cắn. Nhưng chỉ trong chớp chá, đã
thấy con cáo rùng mình mấy cái rồi duỗi mình mềm oặt, chịu phép cho Ông tha mất
hút vào đám ô rô cóc kèn.
Hai chúng tôi đứng chết trân. Bàng hoàng tới sững sốt. Rắn gì đâu mà to như con
trăn, lẹ như con sóc, bạc mốc như khúc cây xoài.
Mà tôi cũng chỉ thấy Ông Hổ Mây có mỗi một lần ấy. Cho đến khi ông ngoại tôi
cất am thờ Ông, tôi cũng không có dịp đựợc nhìn lại Ông. Khi gia đình thằng Hai
Cò dời vô ở hẳn trong ruộng, tôi lại càng ít dám ra tha thẩn gần am thờ ông. Ấn
tượng về Ông Hổ Mây to lớn cứ ám ảnh mãi trong tôi một nỗi sợ sệt rất mơ hồ, dù
rằng Ông chưa bao giờ gây ra cho nhà tôi điều gì đáng tiếc.
Cái am thờ vẫn còn đó, biết đâu con cái hậu duệ của Ông vẫn còn…
HỒ TĨNH TÂM (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét