Mỗi nhà văn thường gắn bó với một xứ sở. Để yêu
và để sống. Đau buồn hoặc hân hoan. Với Dickens là London,
với Naguib Mahfouz là Cairo.
Với Nobel văn học 2006 Orhan Pamuk là thành phố với hai màu Istanbul đen và trắng.
Một buổi chiều lộng gió giữa tháng mười hai, nhà văn Orhan Pamuk đứng ở góc ngã
tư cạnh đại học Istanbul,
thả trí nhớ về thời bốn mươi tuổi. Đi qua các dãy xe gắn máy, hàng sồi xanh tốt
và đài phun nước bằng đá, xem lướt đống sách cũ bày trước những cửa hàng lộn
xộn ở chợ sách cũ Sahaflar Carsisi.
Đầu những năm 1970, Pamuk thường lái xe từ nhà đến vịnh Sừng Vàng (Golden Horn)
để tìm mua các tác phẩm được dịch sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của Thomas Mann, André
Gide và nhiều tác giả châu Âu khác. Nhà văn đứng bên bức tượng bán thân của
Ybrahim Muteferrika, người xuất bản Từ điển Arab - Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1732, một
trong những cuốn sách đầu tiên ở đất nước này, nhớ lại: “Thứ bảy rất vắng vẻ.
Tôi được mặc cả, trò chuyện. Tôi quen tất cả nhân viên bán sách, nhưng mọi sự đã
thay đổi”. Bây giờ, ông chỉ đến đây mỗi năm một lần.
Pamuk sinh năm 1952, ở khu Nisantasi giàu có, là con trai của một doanh nhân
đang thua lỗ. Những cuộc cãi vã của cha mẹ và ý thức về việc gia đình có thể đổ
vỡ bất cứ lúc nào khiến tâm hồn non nớt của cậu bé Pamuk đầy biến động và đau
buồn. Tác phẩm của ông đều lấy bối cảnh nơi này. Các tiểu thuyết như Bảo tàng
thời ngây thơ (The Museum of Innocence), Cuốn sách đen (The Black Book) và tự
truyện Istanbul - hồi tưởng và thành phố (Istanbul: Memories and the City) gợi
lên cả một thành phố kỳ diệu và u sầu, choáng váng vì mất phương hướng, bị
giằng xé trong cuộc đụng độ giữa các phe phái Hồi giáo, và bởi sự quyến rũ của
phương Tây. Hầu hết nhân vật của Pamuk thuộc tầng lớp trí thức cũ, có quan hệ
tình cảm, thù hận và ám ảnh cực độ.
“Chuyến du lịch nước ngoài lần đầu của tôi là đến Geneva
với cha vào mùa hè năm 1959, và không rời Istanbul
mãi đến năm 1982”, Pamuk thổ lộ, “Tôi thuộc về thành phố này”. “Tôi vẫn thích
mùa đông hơn mùa hè ở Istanbul”, Pamuk đã viết trong tự truyện Istanbul, “Tôi
yêu những buổi tối sớm khi mùa thu ngả sang mùa đông, cây cối run rẩy trong gió
bấc, người người trong áo khoác đen trên đường phố tối tăm hối hả về nhà”. Từ
ban công, ông ngắm mặt trời tỏa ánh sáng yếu ớt qua mây mù và quả quyết đây là
lúc đẹp nhất để đi dạo. “Nắng quá, tôi khó chịu lắm”, Pamuk nói, “Tôi thích
thành phố sắc đen và trắng như đã viết trong Istanbul”.
Năm 2005, trả lời phỏng vấn về cuộc đàn áp tự do ngôn luận ở Thổ Nhĩ Kỳ, Pamuk
khẳng định rằng “một triệu người Armenia và 30.000 người Kurd đã
thiệt mạng và tôi là người duy nhất dám nói điều này”. Bình luận vô tư được
công bố trên một tờ báo Thụy Sĩ, khiến nhà văn bị đe dọa tính mạng, bị báo chí
Thổ Nhĩ Kỳ phỉ báng, thậm chí bị chính quyền Istanbul buộc tội “bôi nhọ sự hòa hợp của Thổ
Nhĩ Kỳ”. Pamuk phải trốn khỏi đất nước gần một năm, quãng thời gian dài nhất
ông rời Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng giêng năm 2006, trong sự phản đối kịch liệt của quốc
tế, những cáo buộc nhà văn đã chìm vào quên lãng, và các mối đe dọa đã giảm
bớt. Mặc dù thi thoảng vẫn phải có vệ sĩ hộ tống, nhất là khi đi dạo ban đêm,
hiện nay Pamuk đã cảm thấy tương đối an toàn.
Khu Cihangir quyến rũ giới nghệ sĩ và văn nhân khi đến Istanbul được hồi sinh
nhờ vào một sáng tạo của Pamuk: bảo tàng Ngây thơ, mở cửa vào năm 2012, lấy cảm
hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Pamuk viết về một doanh nhân Istanbul giàu có,
si tình cô gái bán hàng nghèo khó tên Fusun, ra sức sưu tầm tất cả những gì
liên hệ với cô. Chỉ vào một con chó lấm lem, tai gắn thẻ chứng nhận bệnh dại,
Pamuk nói: nó là một chứng tích đáng nhớ về thành phố này. Trong một đêm đi dạo
mười ba năm trước, nhà văn bị chó cắn và khổ sở một thời gian dài vì bệnh dại.
Lạc lõng giữa đô thị ngăn nắp hiện đại, một khu phố nhỏ dường như bị lãng quên.
Pamuk tiếc nuối, “Thời thơ ấu của tôi như thế này đây, liệu hai mươi năm nữa có
còn không? Chẳng thể nào”. Cơn lốc hiện đại hóa sẽ nhanh chóng nuốt chửng kỷ
niệm cuối cùng.
Một thế kỷ trước, tàu từ biển Marmara, Địa Trung Hải đều cập bến ở vịnh Sừng
Vàng. Pamuk kể trong cuốn Istanbul, tháng mười
năm 1850, Gustave Flaubert đến đây nghỉ sáu tháng do mắc bệnh giang mai từ Beirut, vẫn thường lui
tới khu nhà thổ thành phố và viết về “gái điếm nghĩa trang” phục vụ lính tráng.
Một vị khách nổi tiếng thời đó, nhà văn Pháp Alphonse de Lamartine, “mô tả
những cậu nhóc đứng trên cầu la hét với du khách: ‘Ông ơi, cho tôi một xu’,
khách ném tiền xuống biển, bọn trẻ sẽ nhảy ùm, lặn xuống và mò xu”. Năm 1919,
Vladimir Nabokov ghé đây, nhìn thấy “một thành phố trong đống đổ nát”. Nơi này
từng giàu có nổi tiếng Trung Đông và Balkan, bỗng dưng tất cả biến mất, chỉ còn
sự nghèo nàn. Trong Istanbul, Pamuk khắc họa được nét u uất váng vất khắp đô
thị trong thời niên thiếu của mình, kéo lê rất lâu sau sự sụp đổ của đế chế
Ottoman. Ông mô tả “những chiếc phà qua eo biển Bosphorus cũ kỹ neo trên bến
hoang phế giữa mùa đông. Người bán sách già nua lay lắt bước ra khỏi cuộc suy
thoái và run rẩy đợi chờ khách hàng quay trở lại”…
“Thành phố nghèo nàn, khác xa châu Âu, tôi muốn trở thành một nhà văn, và tôi
tự hỏi: liệu có thể sống hạnh phúc ở thành phố này và thực hiện tham vọng của
mình? Thật khó xử. Khi Istanbul được in ra, thế
hệ trẻ nói với tôi, ‘Istanbul
không chỉ có hai màu đen và trắng, chúng tôi hạnh phúc hơn khi ở đây’. Họ không
thèm biết về sự u uất, bản chất lịch sử buồn bã của thành phố”. Năm 1973, Pamuk
bỏ học kiến trúc, lao vào văn chương. Bị ảnh hưởng bởi sự thiếu tự tin và thái
độ hoài nghi của cha mẹ, ông quyết định thử sức trong một cuộc thi truyện ngắn
của tạp chí địa phương. Pamuk theo học báo chí vào thời kỳ hỗn loạn nhất, trong
khi bạn bè mạo hiểm đối mặt với súng ống, ông vùi đầu vào sách. “Tôi tham vọng,
thông minh, và học đại học dường như là một sự lãng phí thời gian”.
Mặt trời lặn dần cuối chiều đông, tắm vịnh Sừng Vàng trong bóng tối. Istanbul lột bỏ tấm áo du
lịch thân thiện, bắt đầu để lộ tâm hồn phức tạp bên trong. Pamuk thầm thì: “Đây
mới là vẻ đẹp thực sự của thành phố này”.
TRI SƠ (lược dịch theo New York Times)
_____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét